Wednesday, February 12, 2014

CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI WTO TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM

1. Cung cấp dịch vụ qua biên giới
Theo Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Ban công tác về việc gia nhập WTO của VN, sau 5 năm gia nhập,doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sẽ được phép thành lập các chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ tại VN. Tuy nhiên ngay từ thời điểm VN gia nhập WTO, các hãng bảo hiểm nước ngoài đã được tham gia thị trường VN qua phương thức “cung cấp qua biên giới” (dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một thành viên này sang lãnh thổ của một thành viên khác).
Cụ thể các công ty bảo hiểm nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại VN, được cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường. Riêng đối với dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế, các hãng bảo hiểm nước ngoài được tham gia bảo hiểm cho các rủi ro liên quan đến vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không thương mại quốc tế và bảo hiểm hàng hóa đang vận chuyển quá cảnh quốc tế.
Theo nhiều chuyên gia, trong thời gian đầu, các cam kết này có thể sẽ ảnh hưởng mạnh tới một số loại hình bảo hiểm phi nhân thọ và giới hạn trong nhóm đối tượng người nước ngoài và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại VN. Tuy nhiên trong thời gian trung hạn, với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước về mặt uy tín và năng lực tài chính thì các cam kết này không có ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là vì tâm lý khách hàng thường có thiên hướng lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở tại VN do tin tưởng doanh nghiệp nội địa nắm rõ thông tin rủi ro sẽ có khả năng bảo hiểm tốt hơn.
Ngoài ra còn do các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sẽ có xu hướng thành lập pháp nhân để cung cấp dịch vụ tốt hơn, cùng với xu thế phát tiển chung của ngành bảo hiểm VN là tỷ trọng phí bảo hiểm phi nhân thọ trong tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ giảm dần.
2. Hiện diện thương mại và điều kiện kinh doanh bắt buộc
VN cam kết không hạn chế việc thành lập pháp nhân của công ty bảo hiểm nước ngoài, ngoại trừ thị trường dịch vụ bảo hiểm bắt buộc sẽ chỉ mở cửa cho công ty 100% vốn nước ngoài vào đầu năm 2008. VN cho phép công ty bảo hiểm nước ngoài thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO và không cho phép thành lập chi nhánh bảo hiểm nhân thọ.
Trong cam kết, VN vẫn có những điều khoản để đảm bảo cho quá trình hội nhập theo một lộ trình phù hợp. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn không được kinh doanh các dịch vụ bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm công trình dầu khí và các công trình dễ gây nguy hiểm đến an ninh cộng đồng và môi trường. Những ràng buộc trên sẽ được bãi bỏ từ ngày 1.1.2008.
Với cam kết này, các công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài sẽ được hoạt động và cạnh tranh một cách toàn diện và từ đó áp lực đối với các công ty bảo hiểm trong nước cũng sẽ tăng lên, trong khi người dân và doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều lựa chọn hơn và được hưởng những sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm toàn diện hơn. Tuy nhiên, song song với các khía cạnh tích cực, sự có mặt của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cũng sẽ làm nảy sinh một số vấn đề như cạnh tranh không lành mạnh, hệ thống pháp lý chưa đủ mạnh để kiểm soát hoạt động đa dạng của các doanh nghiệp này. Các vấn đề này có thể được kiểm soát tốt nếu VN có những bước đi phù hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của thị trường.
3. Xóa bỏ tỷ lệ tái bảo hiểm bắt buộc sau 1 năm
Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm khi thực hiện tái bảo hiểm ra nước ngoài đều phải thực hiện tái bảo hiểm bắt buộc tối thiểu 20% với Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia VN (Vinare). Vì vậy cam kết xoá bỏ tỷ lệ tái bảo hiểm bắt buộc này sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động của Vinare cũng như tới tổng mức phí giữ lại của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm khác trên thị trường, cam kết này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt hơn trong công tác tái bảo hiểm ª
SOURCE: THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Trích dẫn lại từ: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 205 – THÁNG 11/2007, TR 6

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code