Wednesday, February 12, 2014

TRUNG QUỐC: ĐIỀU TIẾT LẠI MỐI QUAN HỆ GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ DOANH NGHIỆP SAU KHI GIA NHẬP WTO

DƯƠNG HẢI YẾN
Chính phủ tỏ ra bất lực trong việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nhưng đối với các thành phần kinh tế khác, chính phủ lại tổ chức can thiệp quá sâu. Sự thiếu hòa hợp trong quá trình điều tiết các mối quan hệ trên đã dẫn đến các đơn vị hoạt động kinh tế không thể phát triển một cách thuận lợi và nhanh chóng. Và giải quyết vấn đề này một trong những công việc mà chính phủ Trung Quốc cần thực hiện ngay sau khi gia nhập WTO.
Trung Quốc sau khi chính thức gia nhập WTO, căn cứ theo quy tắc chung của nền kinh tế thị trường, đã và đang tiến hành điều tiết lại phạm vi quản lý trong mối quan hệ giữa chính phủ và các đơn vị sản xuất kinh doanh. Hầu hết các đơn vị hoạt động kinh tế trong nước đều nhận định rằng, hiện tại sở dĩ các doanh nghiệp còn gặp nhiều ràng buộc trong quá trình phát triển một phần không nhỏ là do mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa được xử lý tốt. Chính phủ tỏ ra bất lực trong việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nhưng đối với các thành phần kinh tế khác, chính phủ lại tổ chức can thiệp quá sâu. Sự thiếu hòa hợp trong quá trình điều tiết các mối quan hệ trên đã dẫn đến các đơn vị hoạt động kinh tế không thể phát triển một cách thuận lợi và nhanh chóng. Và giải quyết vấn đề này một trong những công việc mà chính phủ Trung Quốc cần thực hiện ngay sau khi gia nhập WTO.
Tuy nhiên đây không phải là một công việc đơn giản có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Hiện tại có không ít ý kiến tranh luận về vấn đề này cũng như nhiều phương thức giải quyết khác nhau đã được đưa ra. Nhưng nhìn chung tất cả đều thống nhất cùng một quan điểm là căn cứ theo nguyên tắc chung của Tổ chức thương mại thế giới WTO để thiết lập, tổ chức lại phạm vi quản lý của nhà nước đối với các doanh nghiệp, cụ thể bao gồm các trọng điểm sau:
1. Nhiệm vụ sau này của chính phủ chủ yếu chỉ nên hỗ trợ, giúp đỡ và phục vụ cho các đơn vị sản xuất kinh doanh hơn là quản lý chúng. Lý do rất đơn giản, các đơn vị kinh tế là hình thức tổ chức sức lao động, vì vậy để nâng cao năng suất lao động thì phải tạo một môi trường phát triển tốt cho các doanh nghiệp hoạt động, do đó có người cho rằng một trong những chức năng chính của chính phủ là chức năng phục vụ. Chẳng hạn ở nước Mỹ, hệ thống pháp luật cũng như các chính sách về kinh tế đều tập trung nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Mỹ phát triển một cách thuận lợi. Các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là các công ty đa quốc gia có tiếng nói rất mạnh trong việc quyết định đưa ra các luật lệ, quy định mới. 
2. Bãi bỏ chế độ thẩm tra, chỉ thực hiện việc lưu trữ hồ sơ đối với việc quản lý các doanh nghiệp. Những đơn vị nào thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu theo luật định thì được hưởng các quyền lợi như nhau, không cần phải qua thẩm tra của các cấp chính quyền. Ở Trung Quốc trước đây, chỉ có những doanh nghiệp đã kinh qua quá trình thẩm tra thì mới có quyền xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và thành phẩm. Thế nhưng trên thực tế, theo thông lệ quốc tế, một đơn vị kinh tế chỉ cần có đầy đủ tư cách pháp nhân theo luật định thì vừa có thể hoạt động cả trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Do đó giai đoạn thẩm tra này hoàn toàn không cần thiết. 
3. Thường trong cơ chế hành chính của chính phủ không bao gồm quyền tư pháp, cho nên nếu xảy ra những vấn đề liên quan đến người và tài sản, chính quyền không có quyền can thiệp trực tiếp. Trong trường hợp doanh nghiệp có nảy sinh ra vấn đề gì có thể khiếu nại lên các cơ quan tư pháp và các cơ cấu này sẽ tiến hành xử lý, không cần thông qua bộ máy hành chính. Hiện nay ở một số địa phương của Trung Quốc vẫn còn tồn tại tình trạng tất cả mọi cơ quan chính quyền đều có quyền tùy ý bắt người, tịch thu, niêm phong tài sản, đây là điều cần phải lập tức sửa đổi.
4. Chính phủ và doanh nghiệp là hai chủ thể hoạt động độc lập trên một mặt bằng pháp luật thống nhất. Doanh nghiệp là chủ thể hoạt động kinh tế, chính phủ là chủ thể quản lý xã hội. Cả hai chủ thể đều căn cứ theo luật pháp có những quyền và nghĩa vụ khác nhau, vì vậy giữa chúng hoàn toàn không tồn tại quan hệ lãnh đạo và bị lãnh đạo như trước đây. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của luật pháp, chính quyền cũng trên cơ sở pháp luật mà giải quyết công việc hành chính, mỗi chủ thể hoạt động độc lập không có sự can thiệp lẫn nhau. Chẳng hạn chính phủ Mexico cũng như chính quyền của các quốc gia khác, rất hy vọng quốc gia họ không ngừng nâng cao sản lượng xuất khẩu, nhưng họ không bao giờ trực tiếp tác động vào hoạt động của các doanh nghiệp, ngay cả việc nên sản xuất các mặt hàng nào, sản lượng bao nhiêu để phục vụ cho xuất khẩu chính phủ cũng hoàn toàn không can thiệp. Nhà nước Mexico chỉ tập trung làm sao để thiết lập một môi trường bên ngoài thật tốt nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng của mình. Một trong những kết quả của cố gắng đó là các sản phẩm của Mexico được phép nhập trực tiếp vào thị trường Mỹ với tư cách như một bang trong nước Mỹ.
Tại Mexico còn có một đạo luật, gọi là luật “Định sản phẩm theo nơi sản xuất”. Trong luật có quy định nếu sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Mexico phù hợp với những quy định về thương phẩm của nước này thì có thể được coi là sản phẩm của Mexico, có thể xuất khẩu sang những quốc gia mà Mexico đã ký kết hiệp định tự do thương mại với tư cách như sản phẩm do công ty trong nước sản xuất. Như vậy trước đây khi chưa gia nhập WTO, Trung Quốc vẫn có thể xâm nhập thị trường Mỹ qua phương cách này mà không hề nảy sinh bất kỳ mâu thuẫn nào. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp, không kể trong hay ngoài nước, chỉ cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình và chấp hành đúng theo quy định của pháp luật sẽ được bình đẳng cùng hưởng một môi trường phát triển tốt như nhau.
5. Các doanh nghiệp có quyền tố tụng đối với các cơ quan chính phủ. Nếu chính quyền can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiến hành khiếu nại và yêu cầu bồi thường những tổn thất gây ra do sự can thiệp quá mức đó. Đây là một trong những vấn đề mà chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cần hết sức chú ý, để tránh trường hợp sau này khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc ngày một nhiều sẽ dễ phát sinh những mâu thuẫn, dẫn đến đối tác nước ngoài tổ chức kiện tụng chính quyền trong nước, và có thể kéo theo những doanh nghiệp trong nước khác. Vì vậy cách tốt nhất là bản thân nhà nước nên tự điều chỉnh lại bộ máy tổ chức quản lý, những gì thuộc chức năng của mình thì mới can thiệp, nếu không sẽ bị chính các doanh nghiệp khởi kiện.
Trên đây là những vấn đề chính mà chính phủ Trung Quốc đang tiến hành điều chỉnh để điều hòa mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Tổ chức thương mại quốc tế WTO cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề này trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc như một lời nhắc nhở cải cách, nếu không sẽ gặp khá nhiều rắc rối về sau. Vì vậy một trong những mục tiêu chính của nhà nước Trung Quốc hiện nay là dựa trên nguyên tắc chung của nền kinh tế thị trường, căn cứ theo các điều kiện của Tổ chức thương mại quốc tế để tiến hành thiết lập lại ranh giới giữa chính phủ và doanh nghiệp ª
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 140, THÁNG 6 NĂM 2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code