Thursday, February 13, 2014

GIAN NAN LÀ NỢ . . .MÀ “ANH HÙNG” HAY KẺ LỪA DÂN PHẢI TRẢ ĐÂY?!

PHẠM VIẾT ĐÀO
Trên một tờ báo có số lượng phát hành lớn gần đây dư luận không thể không để ý tới một bài viết dưới dạng chân dung về một vị giám đốc mà theo dư luận một số cơ quan báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam và một vài tờ báo khác thì vị này có liên can tới một vụ tại tiếng: Đó là vụ Công ty D & T đã bí mật bán 47 lô đất trong dự án xây biệt thự để lấy 262 tỷ đồng trong khi đó Công ty này trước đó đã thế chấp 47 lô đất trên để vay 140 tỷ đồng của ngân hàng. Hậu quả của vụ việc này là: 262 tỷ đồng mà các hộ bỏ tiền ra mua có nguy cơ bị mất trắng vì bị xiết nợ…
Điều làm cho người đọc băn khoăn đó là tiêu đề bài viết được đặt với một cái tên đầy ẩn ý và rất thơ: Gian nan là nợ…; tiêu đề này làm cho người đọc liên tưởng tới một câu thơ nổi tiếng của danh nhân Đào Tấn:
Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
            Gian nan là nợ anh hùng phải vay…
Theo thông tin của Báo Công an nhân dân thì Tập đoàn Bảo Sơn hiện đã khởi kiện Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam về việc đưa tin sai sự thật liên quan đến việc Công ty D&T lừa đảo; Đơn kiện đã được Tòa án quận Ba Đình thụ lý.
Theo tin của Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam thì trước khi đem bán 47 lô đất này, ngày 10-12-2007, Công ty D&T đã ký hợp đồng tín dụng (số 215/HĐTD-GPB/07) với NHTMCP Dầu khí toàn cầu (GP Bank) để vay hơn 140 tỷ đồng bằng tài sản thế chấp chính là lô đất để triển khai dự án. Trong hợp đồng vay thế chấp bằng 47 lô đất này, Ngân hàng GP Bank, Công ty Bảo Sơn, Công ty D&T đã ký cam kết: 3 bên thống nhất chi tiết về tài sản bảo đảm và các nội dung thế chấp khác thể hiện trong hợp đồng kinh tế mà các bên đã ký kết. Tóm lại Công ty Bảo Sơn đứng ra bảo lãnh cho Công ty D & T vay tiền ngân hàng bởi Công ty Bảo Sơn mới là chủ đầu tư dự án…
Trong hợp đồng vay tiền tín dụng này có một chi tiết đáng chú ý theo Đài truyền hình Việt Nam: Các bên tham gia ký hợp đồng vay gồm Ngân hàng dịch vụ dầu khí Toàn cầu, Công ty Bảo Sơn và Công ty D & T đã cam kết ghi trong hợp đồng: Không bên nào tiết lộ nội dung các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết ? Chương trình thời sự đã đặc tả chi tiết về chữ ký của 3 pháp nhân đã ký trong đó có chữ ký của Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn vào hợp đồng vay và cả điều khoản bí hiểm kể trên.

Chắc chắn vụ này rồi đây sẽ dẫn tới các vụ kiện về tranh chấp dân sự không chỉ giữ Tập đoàn Bảo Sơn với Ban Thời sự Đài Truyền hình mà còn có khiếu kiện giữa Tập đoàn Bảo Sơn và 47 hộ đã bỏ số tiền 262 tỷ ra mua lô đất trên. Lý do kiện chắc chắn là vấn đề: ai sẽ chịu trách nhiệm về các hậu quả pháp lý về vụ lừa đảo bằng nghiệp vụ ngân hàng này?
Tập đoàn Bảo Sơn rồi đây phải chịu trách nhiệm và có quyền đưa ra trước Tòa và cả trước công luận chứng minh sự ngoại phạm của mình trong vụ lừa đảo này. Hiện nay theo tác giả bài báo Gian nan là nợ…cho biết bà TrầnThị Hồng Hạnh Giám đốc Công ty Tổng hợp Quốc tế D & T ( Công ty D & T) đã bị bắt. Tuy nhiên việc kết luận ai đúng ai sai là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo chúng tôi Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn muốn chứng minh được sự vô can của mình không liên quan tới vụ lừa đảo trên thì phải chứng minh được việc: Mình không liên đới hay chịu trách nhiệm gì với việc Công ty D & T đã bán 47 lô đất biệt thự? Đây là một trong những cái chốt pháp lý rồi đây các bên sẽ tranh chấp trước tòa.
Dư luận cho rằng:
1/ Việc thế chấp lô đất 47 biệt thự để vay Ngân hàng đã được Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn ký vào hơp đồng bảo lãnh để Công ty D & T vay, do đó phải chịu trách nhiệm pháp lý về khoản 140 tỷ vay này cùng với tài sản thế chấp để vay. Giám đốc Công ty Bảo Sơn không thể phủi tay nói rằng tôi không biết gì và không chịu trách nhiệm gì về chuyện bán chác các lô đất đã được Tập đoàn Bảo Sơn hợp đồng bảo lãnh cho việc vay tiền ngân hàng kể trên.
2/ Công ty D & T là đối tác liên doanh của Tập đoàn Bảo Sơn, có nghĩa Tập đoàn Bảo Sơn phải chịu trách nhiệm pháp lý hết thảy mọi hành vi có liên quan tới dự án liên doanh mà Công ty D & T gây ra; việc đối tác này đem bán 47 lô đất trên Tập đoàn Bảo Sơn không thể nại lý do là mình cũng bị lừa, mình không biết ?! Tập đoàn Bảo Sơn là một doanh nghiệp vậy quản lý cái gì? Nếu không đủ năng lực quản lý thế thì tại sao lại đề nghị nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án? Đây là bán 47 lô đất xây biệt thự chứ không phải bán vài liều heroin hay một vài cái kim ở quầy hàng xén! Dù Tập đoàn Bảo Sơn quả thật không biết cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý vì Ủy ban nhân dân tình Hà Tây ( cũ) giao cho Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn triển khai dự án này chứ không giao cho Công ty D & T! Việc hợp tác, liên doanh, mua bán phải đúng pháp luật. Tập đoàn Bảo Sơn đem tài sản do nhà nước giao quản lý đi liên doanh với Công ty D & T để rồi Công ty này lấy tài sản này đi lừa vậy Tập đoàn Bảo Sơn chứng minh mình vô can sao được. Chí ít cũng phải bị quy vào hành vi: Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?!
3/ Việc trong hợp đồng vay 140 tỷ đồng tiền của ngân hàng có điều khoản: Các bên tức Công ty D & T, Tập đoàn Bảo Sơn NHTMCP Dầu khí toàn cầu (GP Bank) cam kết không tiết lộ thông tin về việc vay thế chấp này sẽ là một cái chốt pháp lý rồi đây sẽ được tranh tụng trước tòa.
Theo quy định của Luật Ngân hàng và Quy chế tín dụng thì các tài sản được đem thế chấp để vay ngân hàng không được phép chuyến nhượng, mua bán cho đối tác khác; tài sản thế chấp này phải được công khai để nhiều người biết. Nếu các bên đã ký kết không đưa ra được điều luật nào cho phép được giữ bí mật việc thế chấp này thì hợp đồng đã ký không có giá trị pháp lý. Khi các chủ thể kinh tế ký một hợp đồng kinh tế mà không căn cứ, tuân thủ vào các quy định của luật pháp hiện hành thì hợp đồng đó không được pháp luật bảo hộ.
Nói cách khác việc Công ty D & T, Tập đoàn Bảo Sơn, Ngân hàng ký hợp đồng vay tiền và thế chấp bằng đất nếu không chứng minh được tính hợp pháp của cái điều khoản các bên đã ký: giữ bí mật thông tin mà mình đã ký thì phải chịu mọi rủi ro. Do vậy Ngân hàng không được quyền xiết nợi 47 lô đất trên mà lô đất trên thuộc quyền sử dụng của các hộ đã bỏ 262 tỷ đồng kia mua.
4/ Theo Luật Thương mại, những tài sản bất hợp pháp đều không được đưa vào thị trường mua bán; Chỉ khi nào Ngân hàng chứng minh được rằng: 47 hộ gia đình đã biết rõ lô đất trên đã được đem thế chấp, luật pháp quy định việc thế chấp này phải được công bố công khai; các hộ kia vẫn đem tiền đến mua thì việc mua bán này là bất hợp pháp, khi đó luật pháp mới cho phép Ngân hàng xiết nợ.
Thương thay cho Tập đoàn Bảo Sơn do tự đẩy mình vào tình thế: Đi mắc núi trở về mắc sông nên đành phải loanh quanh, loanh quanh cho đời mỏi mệt giống như là:
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cộc leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cộc leo vào, leo ra…
Do phải chịu liên đới trách nhiệm hình sự đối với việc lừa đảo của Công ty D & T nên việc tờ báo nọ viết bài ca ngợi những thành tích cá nhân khá dài kể từ đời ông làm cho người đọc ngầm hiểu rằng vị giám đốc này đang được ủng hộ, được thanh minh của tờ báo có đông bạn đọc này; lấy việc vay tiền của kẻ đi lừa ngầm đem so sánh với sứ mệnh " vay gian nan" của những người anh hùng là một sự "suy tôn", một sự "lạm phát" về danh hiệu, về các giá trị trong thời kinh tế thị trường?
Tại các quốc gia mà thể chế tam quyền phân lập minh bạch, người ta rất hạn chế trao cho các cơ quan như Tòa án, kiếm sát, công an được có thêm công cụ báo chí-ngôn luận; bởi vì họ đã được quyền sử dụng dùi cui, súng, nhà tù; nếu trao thêm cho họ công cụ báo chí là một thứ “búa rìu“ dư luận nữa thì đôi khi các thảo dân thấp cổ bé họng sẽ bị đẩy vào tình cảnh “ " thôi rồi Lượm ơi” và chỉ còn biết cam phận làm “con chim chích nhảy trên đường làng”…
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code