Wednesday, February 12, 2014

BÀN THÊM VỀ MIỄN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP CHỈ CÓ MỘT NHÀ Ở, ĐẤT Ở DUY NHẤT

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã quy định về miễn thuế TNCN đối với trường hợp chuyển nhượng nhà ở, đất ở và tài sản gắn liền với đất ở khi cá nhân chỉ có một nhà ở, quyền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến trường hợp sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất duy nhất và loại bỏ những mâu thuẫn trong quy định về miễn thuế TNCN đối với trường hợp nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản.
Quy định cụ thể hơn về nhà ở, đất ở được coi là duy nhất
Theo quy định của Dự thảo Nghị định, nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất được hiểu là cá nhân hoặc hộ gia đình người chuyển nhượng chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà, đất ở duy nhất ở Việt Nam. Quy định này chưa bao quát hết các trường hợp được coi là chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất. Bởi, trên thực tế một diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này tiến hành xây dựng nhà ở trên diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận, tuy nhiên không phải xây một, mà xây hai, thậm chí nhiều hơn hai ngôi nhà trên cùng một diện tích sử dụng đất. Như vậy, trường hợp này có được coi là sở hữu một nhà ở duy nhất hay không? Nếu xác định là có một nhà ở duy nhất thì không đúng, vì rõ ràng là đã có nhiều hơn một ngôi nhà được xây dựng trên một diện tích đất. Tuy nhiên, nếu không xác định là sở hữu một nhà ở duy nhất thì lại mâu thuẫn với chính quy định, vì rõ ràng chỉ xây dựng trên một diện tích đất ở duy nhất.
Theo chúng tôi, để bao quát được tất cả các trường hợp và quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trường hợp được coi là sở hữu một nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất, Dự thảo Nghị định cần điều chỉnh lại như sau:
Nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất quy định tại điều này được hiểu là cá nhân hoặc gia đình người chuyển nhượng chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà, đất ở duy nhất ở Việt Nam.
Trường hợp, xây dựng nhiều nhà ở trên cùng một diện tích đất ở thì không được coi là có một nhà ở duy nhất.
Bổ sung căn cứ pháp lý để xác định trường hợp sở hữu một nhà ở, quyền sử sụng đất ở duy nhất
Theo quy định của pháp luật, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở là căn cứ để xác định quyền sở hữu nhà ở, đất ở của các cá nhân, hộ gia đình. Dựa vào các Giấy tờ về nhà đất này, cơ quan chức năng sẽ xác định xem, một cá nhân, hộ gia đình sở hữu bao nhiêu nhà ở và quyền sử dụng đất ở để đánh thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng, nếu thoả mãn các điều kiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, mặc dù cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhiều nhà ở, nhiều quyền sử dụng đất ở, thậm chí xây dựng nhiều nhà ở trên cùng một diện tích đất ở, nhưng chỉ đăng ký quyền sở hữu một nhà, một quyền sử dụng đất ở, để trốn tránh việc đóng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng.
Dự thảo Nghị định phải quy định cụ thể về vấn đề này để tránh tình trạng thất thu thuế. Theo đó, không chỉ dựa trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở để xác định cá nhân, hộ gia đình sở hữu bao nhiều nhà ở, quyền sử dụng đất ở, mà còn phải căn cứ vào số lượng nhà ở, đất ở thực tế cá nhân, hộ gia đình sử dụng để xác định cá nhân, hộ gia đình có bao nhiêu nhà ở, quyền sử dụng đất ở để đánh thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở. Theo đó, bổ sung thêm quy định: Trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình còn có nhà ở, quyền sử dụng đất ở khác ngoài nhà ở, quyền sử dụng đất ở đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, thì không được xác định là có một nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất.
Thống nhất quy định về miễn thuế TNCN đối với trường hợp nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; Cha vợ, mẹ vợ với con rể; Ông nội, bà nội với cha nội; Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; Anh, chị em ruột với nhau được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Dự thảo Nghị định, trong trường hợp ngoài nhà duy nhất còn có đồng sở hữu về chuyển nhượng bất động sản là tài sản thừa kế, quà tặng để thực hiện giá trị thừa kế, quà tặng thì cũng được coi là nhà ở, đất ở duy nhất để miễn thuế thu nhập cá nhân. Đối chiếu quy định này với quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân cho thấy có mâu thuẫn: Luật chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân cho trường hợp thừa kế bất động sản thuộc những đối tượng là vợ với chồng; Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; Cha vợ, mẹ vợ với con rể; Ông nội, bà nội với cha nội; Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; Anh, chị em ruột với nhau, nhưng hướng dẫn của Dự thảo Nghị định đã vượt ra ngoài phạm vi miễn thuế trong trường hợp thừa kế. Vì, theo như Dự thảo Nghị định, nếu một người đã có nhà ở duy nhất, sau đó người này nhận giá trị tài sản thừa kế với tư cách là đồng sở hữu của bất kỳ người nào, thì đều không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Theo chúng tôi, Dự thảo Nghị định cần bỏ quy định này để thống nhất với quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp miễn thuế liên quan đến thừa kế, quà tặng là bất động sản.
SOURCE:  Báo Người Đại biểu nhân dân

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code