Thursday, February 13, 2014

KINH DOANH CÔNG SẢN

VOV - Vụ việc “kinh doanh công sản” của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA (gọi tắt là Viện SENA) có trụ sở bề thế tại tòa nhà 35 Điện Biên Phủ đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua. Ông Viện trưởng Nguyễn Sơn Lộ đã lý giải vụ việc này như thế nào? Cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội sẽ xử lý ra sao?
Lý lẽ của ông Viện trưởng
17h00, ngày 17/3/2009, chúng tôi có mặt tại tòa nhà 35 Điện Biên Phủ theo lời hẹn làm việc của Viện trưởng Nguyễn Sơn Lộ. Tại buổi làm việc này, ông Lộ thừa nhận: Viện SENA không có các tổ chức như Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… Viện cũng chỉ ký hợp đồng với “khoảng 7 đến 8 người”. Lý giải điều này, ông Lộ cho biết: Viện là một hệ thống bao gồm cơ quan Viện và các đơn vị trực thuộc. Cơ quan Viện có tư cách pháp nhân là viện nghiên cứu ứng dụng. Các đơn vị trực thuộc Viện có tư cách pháp nhân là các Công ty cổ phần.
Lý giải của ông Nguyễn Sơn Lộ rõ ràng là rất cần được làm rõ. Nhưng ông Lộ cho rằng đây là vấn đề nội bộ nên không đồng ý cung cấp cụ thể, kể cả những ai được Viện ký hợp đồng, được hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội (mà theo đơn tố cáo thì chỉ có 5 người là nhân viên kỹ thuật, bảo vệ, lái xe, nhân viên lễ tân và nhân viên tạp vụ) ông Lộ cũng cho rằng không quan trọng mà chỉ nói “khoảng 7 đến 8 người”.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng cho thuê nhà và Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 27/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, sắp sếp cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBNDTP. Hà Nội cho phép xử lý thu hồi lại toàn bộ diện tích nhà tại 35 phố Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, theo Điều lệ hoạt động của Viện SENA được ban hành theo Quyết định 134/TC-LHH ngày 3/3/2000 của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam thì các đơn vị trực thuộc của Viện SENA là: Văn phòng, các phòng ban và các Trung tâm; không hề có hệ thống các Công ty cổ phần. Trong khi đó, theo qui định của pháp luật, cụ thể là theo Điều 77 Luật Doanh nghiệp, thì Công ty cổ phần không phải là đơn vị trực thuộc của bất kỳ tổ chức nào, nếu Viện SENA có góp vốn thì cũng chỉ là một trong những cổ đông thành lập Công ty mà thôi.
Việc ông Lộ tự ý ra quyết định bổ nhiệm bà Thạch Lê Anh làm Phó Viện trưởng SENA mà theo Điều lệ qui định thuộc thẩm quyền của Liên hiệp các hội KHKT, ông Lộ lý giải: Có 2 loại Viện phó, một là “Viện phó vĩnh viễn”, hai là “Viện phó Chương trình”. Bà Thạch Lê Anh thuộc loại thứ hai – Viện phó Chương trình – nên thuộc thẩm quyền ông Lộ bổ nhiệm. Tuy nhiên, trong Điều lệ của SENA lại không hề có chức danh “Viện phó Chương trình”. Thực tế, trong các văn bản mà chúng tôi thu thập được, bà Thạch Lê Anh đều ký với chức danh “Phó Viện trưởng SENA”!..

Nội dung mà ông Nguyễn Sơn Lộ cho là quan trọng và nhấn mạnh với chúng tôi trong buổi làm việc là Tòa nhà 35 Điện Biên Phủ thuộc sở hữu của SENA chứ không phải của Nhà nước. Ông Lộ nói: “Thực ra nhà này xây bằng vốn tự có của chúng tôi. Đừng nhầm lẫn giữa quản lý và sở hữu. Ngôi nhà cũ có 164m2 sàn, nhà đấy theo qui định mình phải trả tiền thuê nhà cho Nhà nước. Họ bảo mình đăng ký kê khai. Nhưng phải xác định đơn vị mình là kinh doanh hay sự nghiệp. Nếu là sự nghiệp thì hình như là một nghìn tám. Nhà này trước là của Bộ Công an, sau này chuyển cho chúng tôi, bọn tôi làm khốn khổ thủ tục. Nếu có chậm thì chậm của Nhà nước mấy triệu. Tôi nghĩ là không lớn lắm…”.
Còn về việc Viện SENA cho các tổ chức nước ngoài thuê nhà, ông Lộ khẳng định: Các hợp đồng đã ký không phải là hợp đồng thuê nhà  mà là “Hợp đồng thỏa thuận dịch vụ” nằm trong chương trình hợp tác “Ngôi nhà Khoa học và Công nghệ”. Trong văn bản gửi Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, Viện trưởng Nguyễn Sơn Lộ ghi rõ: “Lấy các Viện của Pháp làm ví dụ. Họ đến ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ không phải để thuê trụ sở mà là để phối hợp cùng Viện SENA thực hiện chương trình “Ngôi nhà Khoa học và Công nghệ”… Chúng tôi hỏi: “Chương trình “Ngôi nhà Khoa học và Công nghệ” qui mô như thế nào?”.
Ông Lộ: “Chương trình này chỉ muốn những Viện của Pháp và Việt Nam ngồi cạnh với nhau cái đã”. Lại hỏi: “Đơn vị nào đứng ra chủ trì việc này? Có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hay không?”. Ông Lộ nói nhanh: “Đại sứ quán Pháp.” – Rồi ông lái ngay sang chuyện: “Vừa rồi, tôi nghĩ, người tố cáo kiện 2 vấn đề lớn nhất là cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước và trốn thuế. Còn tất cả các vấn đề khác thì nó là nội bộ. Hai vấn đề lớn nhất thì tôi đã nói với các anh rồi…”.
Chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề, “Ngôi nhà Khoa học và Công nghệ” với sự tham gia hoạt động của các tổ chức nước ngoài nhưng có được phép thành lập và hoạt động hay không? – Ông Lộ không trả lời vấn đề này, chỉ đưa ra một tấm bảng gỗ nhỏ in hình tòa nhà để làm… căn cứ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tham gia vào “ngôi nhà” này, ngoài các tổ chức của Pháp, còn có Công ty JETWIEW, chuyên mua bán tấm cách nhiệt, có trụ sở tại Hồng Kông?
Những lý lẽ trên của ông Viện trưởng Nguyễn Sơn Lộ, dưới góc nhìn của các cơ quan chức năng, tiếc thay, lại không đồng nhất.
Cơ quan chức năng đề nghị thu hồi tòa nhà 35 Điện Biên Phủ!
Trong lý lẽ của ông Lộ, tòa nhà 35 Điện Biên Phủ thuộc sở hữu của Viện SENA. Tuy nhiên, tại văn bản số 573/QL&PTN-QL ngày 9/3/2009, Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã khẳng định nguồn gốc và quyền sở hữu nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ là thuộc sở hữu Nhà nước. Do đó, cơ quan này đề xuất một số biện pháp xử lý. Trong đó có nội dung: truy thu số tiền thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước mà SENA chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật từ 1/1/2005 đến 31/12/2008. Văn bản này, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã gửi Sở Xây dựng Hà Nội để báo cáo.
Cùng liên quan đến việc xử lý nhà 35 Điện Biên Phủ, ngày 10/3/2009, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 1370/SXD-QLN gửi UBND thành phố Hà Nội, nội dung như sau:
Nhà 35 Điện Biên Phủ là nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố Hà Nội do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, cho thuê. Theo hồ sơ lưu tại Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, có hợp đồng thuê nhà ngày 6/5/1997 đứng tên bên thuê nhà là Viện Nghiên cứu Kỹ thuật và Phát triển đô thị (Viện SENA), diện tích thuê là ngôi nhà 2 tầng có sẵn, diện tích thuê 164m2, thời hạn thuê đến 6/5/2000. Ngày 28/10/1997, Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp Giấy phép xây dựng số 241/GPXD cho Công ty Kinh doanh nhà số 1 xây lại thành 2 ngôi nhà làm việc: 1 ngôi 4 tầng, diện tích sàn xây dựng 545m2; 1 ngôi 7 tầng, diện tích sàn 1.287,7m2.
Diện tích nhà sau khi xây dựng xong thuộc về Cty Kinh doanh nhà số 1 quản lý. Và Viện SENA thực hiện ký lại hợp đồng thuê nhà theo quy định hiện hành. Công ty Kinh doanh nhà số 1 đã ủy quyền cho Viện SENA đầu tư vốn và thực hiện xây dựng. Hết hạn hợp đồng thuê nhà, Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (thời điểm này là Công ty Kinh doanh nhà số 1 Hà Nội) thông báo cho Viện SENA ký tiếp hợp đồng thuê nhà nhưng Viện không thực hiện, với lý do: Viện SENA là một đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, Viện SENA không sử dụng nhà mà cho các tổ chức khác thuê lại, cụ thể có các tổ chức thuê lại để làm văn phòng như sau: JETVIEW Việt Nam (Hồng Kông); CENTRE DE LA RECHERCHE SCIENTIFIQUE (Pháp); Tổ chức CIRAD (Pháp); Viện Nghiên cứu phát triển IRD (Pháp).
Văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội kết luận và đề nghị: “Viện SENA không ký hợp đồng thuê nhà, không trả tiền thuê nhà cho Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và không có nhu cầu sử dụng nhà mà đem cho thuê lại. Thực tế số nhà 35 Điện Biên Phủ hiện nay không do Viện SENA sử dụng, Viện SENA cũng không có chức năng kinh doanh nhà nhưng đã đem nhà thuê của Nhà nước cho thuê lại, thu lợi nhuận mà không đăng ký cho thuê và không được sự đồng ý của bên cho thuê nhà là vi phạm quy định về hợp đồng thuê nhà và đã sử dụng nhà không đúng mục đích thuê; đồng thời vi phạm các quy định về nghĩa vụ tài chính, thuế… của Nhà nước.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng cho thuê nhà và Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 27/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, sắp xếp cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép xử lý thu hồi lại toàn bộ diện tích nhà tại 35 phố Điện Biên Phủ”.
SOURCE: VOVNEWS

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code