Thursday, February 13, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG: GỬI NGÂN HÀNG 3,9 TỶ, CÒN GẦN 1 TỶ?

CÔNG QUANG
Cho rằng giao dịch của Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn Thương tín có nhiều “mập mờ” gây thiệt hại cho mình, ông Phan Văn Tuyết (ngụ số 97 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một) vừa có đơn phản ánh gửi đến Dân trí.
Theo đơn, từ cuối năm 2007 đến tháng 6/2008, ông Tuyết đã nhiều lần tới phòng giao dịch Thủ Dầu Một (Ngân hàng Thương mại CP Sài gòn Thương tín – Sacombank) gửi tiền tiết kiệm và thực hiện giao dịch rút tiền.
Trong quá trình giao dịch, ông Tuyết được 2 cán bộ của ngân hàng là Phan Khánh Tường và Trần Thị Minh Hằng hướng dẫn các thủ tục.
Mỗi lần gửi tiền vào ngân hàng, ông Tuyết đều được cấp 1 mã số tài khoản tiền gửi và sổ tiết kiệm khác nhau. Tính đến ngày 19/3/2008, ông Tuyết đã thực hiện 13 lần gửi tiết kiệm với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Tiếp đó, ông Tuyết đã vay của ngân hàng 2.300 lượng vàng tại 2 hợp đồng tín dụng ngày 19/11/2007 và hợp đồng ngày 4/1/2008. Cả 2 hợp đồng vay vàng này được thế chấp bằng các sổ tiết kiệm đã gửi tại ngân hàng.
Ngày 9/6/2008, ông Tuyết đến ngân hàng để làm thủ tục thanh quyết toán các khoản nợ và chốt số tiền gửi còn lại gửi ở ngân hàng. Tại đây, ông Tuyết đã đưa cho chị Phan Khánh Tường toàn bộ số sổ tiết kiệm để kiểm tra và làm thủ tục tất toán các khoản vay.
Sau khi làm xong, chị Tường đưa cho ông Tuyết 1 phiếu nộp tiền có đóng dấu đỏ của ngân hàng với thông báo số tiền còn lại của ông Tuyết tính đến ngày 9/6/2008 là 3,9 tỷ đồng.
Từ ngày 11 đến ngày 20/6/2008, ông Tuyết ủy quyền cho vợ mình để rút 200 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm còn lại là 3,7 tỷ.
Thế nhưng, ngày 25/6/2008, ông Tuyết mang giấy thông báo tiền là 3,9 tỷ mà chị Tường đã giao cho ông trước đó đến ngân hàng để rút tiền thì được một nhân viên thông báo giấy báo này không có giá trị và số tiền thực không phải như vậy.
Ông Tuyết còn tá hoả khi được ngân hàng thông báo, ông còn có thêm 2 hợp đồng vay của ngân hàng là 1.000 chỉ vàng. Ông Tuyết khẳng định 2 hợp đồng tín dụng số 1076 ngày 24/1/2008 và hợp đồng số 1082 ngày 26/1/2008 với số vàng vay là 1.000 chỉ, là hợp đồng giả mạo.
Ngày 7/10/2008, Giám đốc Ngân hàng Sài gòn Thương tín – chi nhánh Thủ Dầu Một Bình Dương – Phạm Thanh Kỳ đã gửi thông báo số dư trong tài khoản của ông Tuyết là 2,550 tỷ đồng.

Đồng thời, thông báo số tiền còn lại của ông Tuyết sau khi tất toán 2 khoản vay 1.000 chỉ vàng (mà ông Tuyết khẳng định đây là hợp đồng giả mạo chữ ký của ông) là 919.489.851 đồng.
Sau khi nhận được những phản ảnh của Dân trí, ông Trần Xuân Huy, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín – Sacombank đã có văn bản phúc đáp đến báo Dân trí như sau:
Về việc Sacombank đã từ chối chi trả khi ông Tuyết xuất trình giấy nộp tiền 3,9 tỷ đồng:
Căn cứ điều 15 “Rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm”, Điều 26 “Quyền của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”. Quy chế về tiền gửi tiết kiệm được Thống đốc NHNN ký ban hành theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/09/2004 quy định:
Người gửi tiền khi đến rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm phải “xuất trình thẻ tiết kiệm”. Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được quyền từ chối việc chi trả tiền tiết kiệm nếu người gửi tiền không xuất trình Thẻ tiết kiệm khi đến rút tiền.
Khi đến giao dịch, ông Tuyết không xuất trình được thẻ tiết kiệm như quy định nên Sacombank đã từ chối chi trả số tiền 3,9 tỷ đồng mà ông yêu cầu.
Hơn nữa, căn cứ vào Biên bản làm việc giữa ông Tuyết với Sacombank, ông Tuyết đã xác nhận số tiền 3,9 tỷ đồng không phải là số tiền mà ông đã nộp vào ngày 9/6/2008 để mở Thẻ tiết kiệm với thời hạn 3 tháng theo như nội dung trên Giấy nộp tiền ngày 9/6/2008 do ông cung cấp.
Giấy nộp tiền ngày 9/6/2008 chỉ là giấy xác nhận công nợ do bà Phan Khánh Tường (nguyên Phó Phòng giao dịch Thủ Dầu Một) cung cấp để xác nhận tổng số tiền gửi còn lại của ông tại phòng giao dịch Thủ Dầu Một theo thư yêu cầu của ông.
Việc bà Tường lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Sacombank phân công/uỷ quyền, ký phát hành chứng từ và sử dụng con dấu của Ngân hàng để xác nhận công nợ bằng Giấy nộp tiền là vi phạm nghiêm trọng quy định của Sacombank.
Sau khi sự việc xảy ra, Sacombank đã thông báo bằng văn bản các khoản tiền gửi mang tên Phan Văn Tuyết hiện đang được Ngân hàng quản lý và đề nghị xuất trình Thẻ tiết kiệm để có cơ sở giải quyết chi trả theo đúng quy định nhưng cho đến nay, ông Tuyết đã không xuât trình các Thẻ tiết kiệm cho Sacombank.
Về việc 02 Hợp đồng tín dụng số 1076 và 1082 đề cập trên Đơn khiếu nại:
Dữ liệu trên chương trình quản lý của Sacombank có thể hiện 2 khoản vay này và hiện tại Sacombank vẫn đang lưu giữ 2 hợp đồng tín (bản chính) và các Thẻ tiết kiệm được cầm cố để đảm bảo cho khoản vay mang tên Phan Văn Tuyết.
Trong thời gian qua, Sacombank đã nhiều lần làm việc và thông báo bằng văn bản đề nghị ông Tuyết thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với 2 khoản vay trên do đã vi phạm các quy định trên Hợp đồng. Tuy nhiên, ông Tuyết không thực hiện nên Sacombank đã xử lý các Thẻ tiết kiệm được cầm cố để thu hồi nợ vay theo đúng các điều khoản đã quy định trong hợp đồng.
Các vấn đề nêu trên, Sacombank đã nhiều lần làm việc với ông Tuyết nhưng cả 2 bên đã không thống nhất được ý kiến. Cả 2 bên đều đưa ra những lý lẽ và bằng chứng để bảo vệ quan điểm của mình là đúng.
Do vậy, ông Tuyết nếu thấy chưa thoả đáng, ông có thể liên hệ với Cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục khởi kiện theo Luật để được giải quyết.
SOURCE: BÁO DÂN TRÍ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code