Wednesday, February 12, 2014

NHỮNG GIẢI PHÁP VĨ MÔ VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH – TIỀN TỆ – GIÁ CẢ GÓP PHẦN KHẮC PHỤC LẠM PHÁT CAO ĐẢM BẢO PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG

GS.TS. HOÀNG NGỌC HÒA
Tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đem lại nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trong đó, hoạt động tài chính – tiền tệ – giá cả của nước ta đã từng bước đổi mới, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, phát triển nhanh, ổn định. Thế nhưng, hiện nay nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, đe dọa tới sự phát triển kinh tế bền vững. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó và chúng ta phải thực thi những giải pháp vĩ mô về chính sách tài chính – tiền tệ – giá cả ra sao để góp phần khắc phục lạm phát cao, tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.
1. Đặc điểm của nền kinh tế và nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lạm phát cao ở nước ta
Để nhận rõ nguyên nhân, nhằm đưa ra và thực thi những giải pháp vĩ mô phù hợp với chính sách tài chính – tiền tệ – giá cả góp phần khắc phục lạm phát cao, tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta phát triển bền vững, trước hết đó là cần nắm vững những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế nước ta hiện nay. Những đặc điểm đó là:
- Nền kinh tế nước ta có trình độ phát triển còn thấp, ẩn chứa nhiều yếu kém và bất cập so với yêu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế trong điều kiện mới của thời đại.
- Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi một cách căn bản về chất từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Nền kinh tế nước ta chịu tác động rất mạnh mẽ và chịu nhiều hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực châu Á trong những năm 1997 – 1999, do đó bị lâm vào tình trạng trì trệ, giảm phát, suy thoái kinh tế, nên phải sử dụng những “cú hích” kích cầu trong nhiều năm để phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
- Nền kinh tế nước ta có quy mô không lớn, sức cạnh tranh còn thấp, nhưng đã hội nhập khá sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Điều đó thể hiện ở việc đã và đang thực hiện đầy đủ các cam kết song phương, đa phương với phần lớn các quốc gia cùng các tổ chức, định chế kinh tế quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu đã đạt khoảng 60% GDP.
Do sự tác động của những đặc điểm cơ bản đó mà tình trạng lạm phát cao đang diễn ra ở nước ta hiện nay biểu hiện rất đa dạng và không phát sinh từ một nguyên nhân duy nhất. Vì thế, cách chữa trị cũng phải bao hàm một hệ thống các giải pháp tương thích với những nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao đang hiển hiện ở nước ta.
Những nguyên nhân đó là:
- Lạm phát biểu hiện ở giá hàng hóa tiêu dùng tăng là do cầu kéo và chi phí đẩy;
- Lạm phát do kết cấu của rổ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của nước ta còn chưa hợp lý;
- Lạm phát do tác động từ sự tăng giá của thị trường bên ngoài;
- Lạm phát do vai trò điều hành giá trong kinh tế thị trường của Nhà nước và việc phát huy vai trò của các tổng công ty hay nhà nước còn nhiều hạn chế;
- Lạm phát do tác động của nhân tố tài chính, tiền tệ;
- Lạm phát do mặt bằng giá mới đang hình thành.
2. Lạm phát do cầu kéo và chi phí đẩy
Từ năm 2004 đến nay, tổng mức giá tiêu dùng của nước ta đều tăng lên khoảng 8%/năm, riêng năm 2007 tăng tới 12,63% và 3 tháng đầu năm 2008 tăng 9,19%; trong đó, hàng lương thực, thực phẩm có mức tăng rất cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Nguyên nhân chính làm cho giá lương thực tăng cao là do tăng nhu cầu và tăng giá gạo xuất khẩu nhờ liên tục trúng thầu nhiều hợp đồng cung cấp gạo quốc tế khá lớn. Mặt khác, do cung về lương thực tuy có tăng, nhưng không tăng tương ứng với cầu vì thu hẹp diện tích trồng lương thực và nhiều vùng, miền bị hạn hán, bão lụt liên tục xảy ra làm suy giảm sản lượng.
Giá thực phẩm còn gia tăng cao hơn cả giá lương thực là do ảnh hưởng của dịch bệnh đối với gia súc và dịch cúm gia cầm. Đặc biệt là dịch cúm gia cầm xảy ra rộng khắp và liên tục đã làm thay đổi cơ cấu nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, do rét đậm kéo dài gây thiệt hại lớn cho cả chăn nuôi và trồng trọt. Riêng đợt rét đầu năm 2008, hơn 107.000 con trâu, bò bị chết… Diện tích lớn rau, hoa quả, mạ mới gieo, lúa mới cấy,… bị chết và thiệt hại do nhiệt độ xuống quá thấp. Cung về gia cầm giảm, cầu về thực phẩm không phải là gia cầm tăng, nhưng thực phẩm không phải gia cầm cũng bị dịch bệnh làm sụt giảm, tạo cơ hội cho những người trục lợi, “đục nước béo cò”, lợi dụng khó khăn để tăng giá bán lên một cách bất hợp lý.
Những nguyên nhân trên đây đã gây ra lạm phát tăng giá tiêu dùng do cầu kéo về lương thực, thực phẩm ở nước ta từ năm 2004 cho đến nay chưa được ngăn chặn một cách hữu hiệu. Đặc biệt là giá xăng dầu thế giới tăng cao nhất trong lịch sử, giá bán lẻ trong nước Chính phủ chủ trương không bù lỗ, nên các công ty đã điều chỉnh tăng giá bán cho người tiêu dùng.
Một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2001 – 2010) là quyết tâm đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 8% đến 8,5%/năm. Để thực hiện được mục tiêu đó, đã đẩy mạnh đầu tư nhưng chưa có những biện pháp giải phóng sức sản xuất đồng bộ và tiết kiệm chi phí hữu hiệu, làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Cải cách hành chính diễn tiến chậm chạp, còn gây phiền hà, làm mất thời gian và tăng chi phí. Cơ chế chính sách còn chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn đổi mới kinh tế và tốc độ mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế cũng là những yếu tố góp phần làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Do đẩy mạnh xuất khẩu nên phải tăng nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, nhưng giá nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nhập khẩu này trong những năm gần đây đều tăng khá cao, thêm vào đó là sử dụng còn lãng phí làm cho chi phí đầu vào của sản xuất trong nước tăng, kéo theo giá bán tăng lên. Chẳng hạn, do giá thép, xăng dầu, nguyên liệu nhựa… tăng làm cho chi phí đầu vào của các ngành xây dựng và hàng nhựa… tăng theo. Giá xăng dầu tăng kéo theo giá vận chuyển hàng hóa và chi phí đi lại gia tăng. Giá vận chuyển hàng hóa và chi phí đi lại tăng đẩy chi phí sản xuất kinh doanh của mọi ngành sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa và dịch vụ tăng… Đó vừa là lạm phát du nhập do sự tăng giá từ bên ngoài vào, vừa là lạm phát chi phí đẩy ở nước ta trong những năm gần đây và đang diễn ra hiện nay.
Mặc dù do những tác động khác nhau gây nên lạm phát cầu kéo hay chi phí đẩy, nhưng để khắc phục nó thì Nhà nước đều phải tính toán cẩn trọng dựa trên những luận cứ khoa học xác đáng và nhất thiết phải có chiến lược, lộ trình thích hợp trong việc tăng lương, tăng giá, tăng phí. Cần tránh những quyết định gây nên sự tăng giá đột biến, nhất là đối với giá các mặt hàng nhạy cảm và những mặt hàng là đầu vào của sản xuất có ảnh hưởng lan tỏa lớn đối với nền kinh tế quốc dân đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cần thực thi một cơ chế giá uyển chuyển (kể cả tỷ giá và lãi suất) thích ứng nhanh nhạy với sự biến động của thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh táo đề phòng và có giải pháp ứng phó hữu hiệu trước sự chi phối vì lợi ích của các nhóm khác nhau (tập đoàn, tổng công ty, người tiêu dùng…) để không lâm vào tình trạng của Thái Lan trong khủng hoảng tài chính – tiền tệ vào những năm 1997 – 1999.
3. Lạm phát do cơ cấu rổ hàng hóa tiêu dùng của nước ta còn những nhân tố bất hợp lý
Từ đặc điểm của nền kinh tế như đã nêu trên làm cho lạm phát cầu kéo và chi phí đẩy trở thành nguyên nhân đầu tiên của lạm phát tăng giá tiêu dùng ở nước ta. Điều đó có nguyên nhân là các yếu tố cấu thành rổ hàng hóa và dịch vụ dùng để tính toán chỉ số giá tiêu dùng của nước ta còn ẩn chứa những nhân tố bất hợp lý. Phân tích giá của các yếu tố này ta thấy có sự biến động giá quá mạnh của nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đây là một trong những nhân tố chính yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng của năm 2007 tăng lên tới 12,63% và 9,19% trong 3 tháng đầu năm 2008. Nhóm hàng này vừa chiếm tỷ trọng quá lớn so với những năm trước, tuy đã giảm thấp hơn nhưng vẫn còn chiếm tới 42% (2004 = 47,9%), vừa có mức giá tăng nhiều và liên tục tăng cao hơn mức tăng giá chung. Những tháng đầu năm tăng mạnh, những tháng tiếp theo tuy không tăng nhiều, nhưng vẫn giữ ở mức cao. Đặc biệt là trong năm 2007, từ khi công bố chủ trương tăng lương tối thiểu vào tháng 01/2008 thì giá hàng lương thực, thực phẩm liên tục tăng cao.
Nhóm hàng dược phẩm và dịch vụ y tế cũng có tốc độ tăng giá khá cao, chỉ đứng sau lương thực, thực phẩm. Cá biệt có những loại dược phẩm và dịch vụ y tế tăng giá khá mạnh và tăng liên tục không kém gì giá lương thực, thực phẩm. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh từ giữa năm 2007 đến nay với mức khá cao và đang tiếp tục tăng.
Phân tích sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2004 đến nay cho thấy kết cấu rổ hàng hóa tiêu dùng hiện tại, riêng các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng quá lớn, mức tăng giá nhiều và cao là nhân tố chính của lạm phát tăng giá tiêu dùng ở nước ta. Tiếp đến là nhóm hàng dược phẩm, dịch vụ y tế và nhóm hàng năng lượng, nhất là xăng, dầu… Mức tăng giá chung của các nhóm mặt hàng còn lại chiếm dưới 50% mức tăng giá hàng năm. Như vậy, rõ ràng là sự bất hợp lý về kết cấu rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hiện tại cần sớm được sửa đổi, chỉnh lý cho phù hợp để chỉ số giá tiêu dùng phản ánh đúng diễn biến của thị trường.
Chúng tôi cho rằng, sự tăng giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm là cần thiết để bù đắp lại sự tăng giá “đầu vào” và thu hẹp “cánh kéo” giá giữa hàng công nghiệp, dịch vụ với hàng nông sản. Nhưng cần quan tâm và có giải pháp phù hợp đảm bảo cho nông dân là người sản xuất ra lương thực, thực phẩm phải được hưởng phần lợi nhuận do giá tăng. Thực tế đã và đang diễn ra nông dân chưa được hưởng thỏa đáng phần lợi nhuận này. Chẳng hạn như trong năm 2007, giá thóc đã tăng lên 3.000đ/kg, chi phí sản xuất chiếm 1.700đ/kg. Chênh lệch giữa giá bán và chi phí là 1.300đ/kg, nhưng do còn thông qua các tầng lớp trung gian, nên người nông dân chỉ được hưởng một phần khoản chênh lệch đó.
Hơn thế nữa, theo quy luật phát triển, tỷ trọng tiêu dùng hàng lương thực, thực phẩm trong kết cấu chi tiêu của dân phi nông nghiệp, dân thành thị, dân có thu nhập cao luôn thấp hơn tỷ trọng tiêu dùng lương thực, thực phẩm của nông dân. Còn tỷ trọng tiêu dùng hàng lương thực, thực phẩm trong kết cấu chi tiêu của mỗi hộ nông dân ở nước ta lại quá cao. Do vậy, khi giá lương thực, thực phẩm tăng thì điều đó cũng có nghĩa là nông dân phải tốn nhiều tiền hơn cho chi tiêu thiết yếu hàng ngày về lương thực, thực phẩm. Vì thế, mức lợi có được do giá bán lương thực, thực phẩm tăng phải bù đắp cho chính nhu cầu về ăn của họ, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập. Thêm vào đó là phải bù đắp cho giá các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp đã tăng cao. Cho nên, mức thực lợi còn lại của nông dân không nhiều.
4. Lạm phát do tác động từ bên ngoài
Nền kinh tế nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và đang phải nhập siêu, nên chịu tác động không nhỏ của những biến động giá cả từ thị trường bên ngoài. Vì các nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu của một số ngành hàng trong nước được đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu là chính: 90% nhu cầu thép, 100% nhu cầu xăng dầu, khoảng 90% nhu cầu phân urê và 90% nhu cầu nguyên liệu thuốc chữa bệnh… Trong khi đó, trên thị trường thế giới đang diễn ra xu hướng hình thành một mặt bằng giá mới cao hơn. Vì thế, cùng với việc nhập khẩu hàng hóa, chúng ta cũng nhập khẩu luôn cả xu hướng tăng giá từ bên ngoài. Giá hàng nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng làm tăng chi phí sản xuất, do đó buộc phải đẩy giá bán sản phẩm lên cao, kết quả là chỉ số giá tiêu dùng tăng lên.
Sự tăng hay giảm giá bán hàng hóa trên thị trường thế giới là yếu tố khách quan, chúng ta không thể điều chỉnh được và cũng không thể ngừng nhập khẩu. Hiện tại, nếu ngừng nhập khẩu thì nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ thiếu nguyên, nhiên, vật liệu và lâm vào đình trệ. Do vậy, muốn kiểm soát được lạm phát thì một trong những việc cần làm là hạn chế tới mức thấp nhất tác động tăng giá từ bên ngoài bằng cách:
- Phải kiềm chế gia tăng nhập khẩu, chỉ nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu và đòi hỏi các ngành, các đơn vị phải sử dụng tiết kiệm có hiệu quả các loại hàng nhập khẩu.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển một số lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế như lọc hóa dầu, sản xuất gas và khí hóa lỏng, sản xuất thép, sản xuất chất dẻo và nhựa.
- Thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các mặt hàng có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh các nghiên cứu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguyên liệu, sử dụng sản phẩm thay thế có lợi hơn; khuyến khích sử dụng các phương tiện không dùng xăng… nhằm giảm bớt sự phụ thuộc lâu dài vào thị trường thế giới.
5. Lạm phát do vai trò điều hành, kiểm soát giá của Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổng công ty nhà nước còn hạn chế
Chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước nhằm quản lý, điều hành giá cả chưa theo sát yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong điều kiện chuyển mạnh sang kinh doanh theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu của nước ta tăng nhanh và tiếp tục tăng cao hơn trong những năm tới. Từ năm 2004 đến nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã đạt khoảng 130% so với tổng giá trị GDP. Thực tế khách quan đó đòi hỏi Nhà nước phải có sự điều chỉnh tương thích trong nhận thức, trong hoạch định, ban hành và điều hành thực thi chính sách. Nhưng thực tế cho thấy yêu cầu này chưa được đáp ứng tốt. Điều đó thể hiện ở chỗ: cho đến nay ở nước ta chưa có một hệ thống công cụ và giải pháp quản lý giá cả thị trường một cách bài bản, có tầm chiến lược và có hiệu quả, ngay từ khâu phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị trường trong và ngoài nước, đến các khâu điều tiết quan hệ cung – cầu, hỗ trợ hoạt động thị trường; kiểm tra, thanh tra, giám sát giá độc quyền; xử lý các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, lũng đoạn giá cả. Thêm vào đó, nước ta cũng còn thiếu một hệ thống phân phối gồm các tập đoàn thương mại tầm cỡ và một mạng lưới chi nhánh có hệ thống, đủ sức ngăn ngừa tình huống xấu về biến động giá có thể xảy ra, đáp ứng các yêu cầu quản lý vĩ mô của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Trong những năm gần đây và ngay cả trong năm 2007, đầu năm 2008, thực tế diễn ra cho thấy: giá một số mặt hàng tăng chủ yếu không phải do chi phí đầu vào tăng cao như: dược phẩm, sắt thép, nguyên liệu nhựa… mà chủ yếu do việc quản lý điều hành vĩ mô và kiểm soát giá của Nhà nước chưa tốt, để cho các doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng, đầu cơ tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Sự hạn chế của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong quản lý, điều hành, trong phát triển hệ thống phân phối quốc gia thể hiện cụ thể ở việc: không kiểm soát được những biến động về giá thép, dược phẩm; để cho một số công ty độc quyền trong nhập khẩu và phân phối thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc, tạo điều kiện cho một số đầu mối nhập khẩu lợi dụng đầu cơ nâng giá, lũng đoạn thị trường; quản lý lưu thông thép chưa tốt, bị các doanh nghiệp đầu cơ, nâng giá, gây rối thị trường làm ảnh hưởng đến điều hành vĩ mô của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã được hoạch định.
Khả năng dự báo, dự phòng để sẵn sàng đối phó với các tình huống biến động thất thường về giá cả trên thị trường thế giới của Chính phủ và các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Vì Chính phủ và các cơ quan chức năng của nước ta còn thiếu kinh nghiệm, chưa quen vận hành cơ chế thị trường hội nhập quốc tế, trong khi nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở cao, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, nên chịu tác động lớn của sự biến động giá từ nước ngoài.
Các tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm là đội quân chủ lực trong từng lĩnh vực được giao của thành phần kinh tế chủ đạo, nhưng chưa thể hiện được trách nhiệm đó của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp nhà nước thành viên đã quá vì lợi nhuận của mình mà làm ảnh hưởng đến toàn thị trường. Biến động của giá thép trong thời gian qua là một minh chứng về sự yếu kém trong quản lý điều tiết của Nhà nước và trong phát triển hệ thống phân phối. Chính sự yếu kém này đã góp phần làm cho thị trường giá cả biến động.
6. Lạm phát do lượng tiền nằm ngoài hệ thống ngân hàng tăng cao
Trong những năm gần đây, do có tình trạng lạm phát gia tăng nên chính sách lãi suất như đã và đang thực hiện thì lãi suất thực dương quá nhỏ, thậm chí âm, làm giảm khả năng thu hút tiền vào hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp trong một thời gian dài đã tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại tăng lượng tiền cho vay. Những yếu tố này làm tăng lượng tiền nằm lại trong các khu vực dân cư.
Thêm vào đó là việc thực hiện chính sách tài chính – tiền tệ theo hướng kích cầu thông qua việc tăng nhanh dư nợ tín dụng trong những năm qua đã có tác dụng tốt đến việc huy động vốn cho tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời cũng kèm theo tác động làm tăng tổng cầu và chỉ số giá tiêu dùng. Điều đó, được thể hiện qua sức mua trên thị trường ngày một tăng mạnh. Giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hàng năm từ 2004 đến nay tăng bình quân khoảng 20%/năm là một minh chứng. Nhân tố chính làm tăng tổng mức bán lẻ được thể hiện tập trung ở các khu vực tư nhân, tập thể và cá thể. Ba khu vực này đã góp phần nhiều nhất vào sự gia tăng tổng mức bán lẻ trên thị trường những năm qua và năm 2007, đầu năm 2008. Điều này chứng tỏ, tiền đang nằm trong khu vực dân cư rất lớn.
Theo quan điểm tiền tệ, do tiền đang có, hoặc do được đưa quá nhiều vào lưu thông, tốc độ tăng trưởng cung tiền tệ quá cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế thì tiếp sau đó sẽ là sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ. Vì khi có nhiều tiền, việc mua sắm sẽ được quyết định dễ dàng hơn, không cần phải cân nhắc nhiều lắm. Do đó, để giảm lạm phát cần phải kiểm soát được lượng tiền trong lưu thông, giảm tỷ lệ tăng cung tiền tệ. Làm tốt điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng lạm phát cao hiện nay. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều đó cũng đúng, nhưng trong bối cảnh thực tế của nước ta hiện nay thì ngân hàng cần sử dụng tốt các công cụ: thị trường mở, dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu và tái chiết khấu nhằm đảm bảo sự cân đối cung – cầu tiền tệ đang lưu thông, góp phần khắc phục tình trạng lạm phát cao đang diễn ra ở nước ta.
Trong những năm qua, theo những số liệu có được về một số chỉ tiêu của chính sách tiền tệ như: tỷ lệ cung tiền tệ, lãi suất, tỷ giá… thì lạm phát ở nước ta chủ yếu không phải do nguyên nhân từ chính sách tiền tệ. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ kiểm soát được lượng tiền lưu thông qua hệ thống ngân hàng, còn các hoạt động tiền tệ của các tổ chức tài chính khác, không thông qua ngân hàng (như Kho bạc, Quỹ Hỗ trợ phát triển trước đây nay là Ngân hàng Phát triển, các tổ chức bảo hiểm, chứng khoán…) thì chưa được phản ánh hết trong cân đối tiền – hàng nói chung và cân đối cung – cầu tiền của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, để góp phần khắc phục nguy cơ lạm phát cao hiện nay, trên lĩnh vực tài chính – tiền tệ cần phải:
- Tổ chức tốt và duy trì thường xuyên sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành hữu quan trong thực hiện chính sách tiền tệ. Đồng thời, phải mở rộng phạm vi thực tế về khả năng kiểm soát, bao quát của chính sách tiền tệ ở nước ta hiện nay.
- Thực hiện tốt sự phối kết hợp trong điều hành chính sách tài chính – tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô. Đồng thời, phải rà soát, kiểm tra nhằm chuẩn xác hóa các số liệu về tăng trưởng cung ứng tiền và tăng trưởng dư nợ tín dụng để từng bước siết dần kỷ cương tiền tệ, tín dụng, nhất là tín dụng chỉ định.
- Đổi mới quản lý dự trữ bắt buộc theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tế về điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế thị trường. Trước mắt cần xác định tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp với từng loại tiền để thúc ép các ngân hàng thương mại lành mạnh hóa các quan hệ tín dụng và kiểm soát tốt việc huy động cũng như cho vay.
- Tăng cường mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng để phối hợp kiểm soát và điều hành thực hiện đồng bộ có hiệu quả chính sách tiền tệ. Tiếp tục khuyến khích phát triển việc mở tài khoản cá nhân và triển khai tốt việc trả lương qua tài khoản nhằm thu hút nhiều tiền vào trong hệ thống ngân hàng.
- Có biện pháp đồng bộ, hữu hiệu khống chế tổng phương diện thanh toán phù hợp với yêu cầu đảm bảo nâng cao cả lượng và chất của tăng trưởng kinh tế. Duy trì tốc độ tăng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế trong mức độ hợp lý so với tốc độ tăng trưởng kinh tế để ngăn ngừa tình trạng phát triển quá nóng. Tăng cường thanh tra, kiểm soát trong nội bộ từng ngân hàng và thanh tra chuyên ngành của Ngân hàng Trung ương. Nhanh chóng thực hiện kiểm toán và công khai báo cáo kiểm toán đối với hệ thống ngân hàng.
- Thực thi đồng bộ và có hiệu lực những giải pháp quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhằm khắc phục những hậu quả do thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng để kích cầu sau những năm đình trệ đã làm tăng tổng cầu, gây áp lực lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và dẫn tới lạm phát cao như hiện nay.
- Thực hiện chính sách tài khóa tích cực và hiệu quả.
Mặc dầu những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô về thu – chi ngân sách của nước ta hiện nay đều chưa gây ra tác động tiêu cực rõ rệt đến giá cả, lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nhưng cũng còn nhiều bất cập như: vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước đều sử dụng chưa hiệu quả. Đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng trong các dự án còn để xảy ra thất thoát lớn và chi tiêu lãng phí, thể hiện ở sự gia tăng quá nhanh hệ số ICOR, góp phần làm tăng giá cả thị trường. Do đó, cần phải tăng cường kiểm soát để khắc phục tình trạng chi tiêu lãng phí và tham nhũng. Đồng thời, phải sớm xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản tồn tại kéo dài, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
- Đổi mới căn bản cơ chế đầu tư và tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo đúng mục tiêu đã hoạch định, đồng thời bố trí đủ vốn đầu tư theo đúng tiến độ để sớm hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng. Kịp thời khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, để lãng phí, thất thoát vật tư và tình trạng “rút ruột công trình” trong đầu tư xây dựng cơ bản từ tất cả các nguồn.
7. Lạm phát do sự thúc đẩy xu thế hình thành mặt bằng giá mới
Ở nước ta trong những năm gần đây, các áp lực đòi tăng giá đang bị kìm nén đã được tiếp thêm sức bởi sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Nhất là sự tăng trưởng kinh tế rất cao của Trung Quốc là những yếu tố đã đẩy giá xăng dầu, nguyên liệu, năng lượng tăng lên, góp phần hình thành mặt bằng giá mới trên thị trường thế giới và cả ở Việt Nam. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc phân xử sao cho hợp lý giữa một bên là lợi ích của các nhóm đòi tăng giá và đảm bảo sự ổn định vĩ mô về tiền tệ, giá cả, nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế; và một bên khác là lợi ích của người tiêu dùng mà đa số là các tầng lớp dân nghèo và các tầng lớp có thu nhập bình thường trong xã hội (chiếm khoảng 2/3 dân số nước ta). Để thực hiện điều đó, Nhà nước cần tìm cách xác định đúng chi phí, lãi, lỗ trong kinh doanh xăng dầu để đưa ra mức thuế hợp lý và quản lý tốt kinh doanh bán lẻ xăng dầu để việc bù lỗ hay điều tiết thu nhập đảm bảo sự hài hòa quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quá trình hình thành mặt bằng giá mới. Đồng thời đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả đầu tư để giảm thấp chi phí. Không thể nghiễm nhiên công nhận mức chi phí và cách thức đầu tư, kinh doanh hiện tại của các ngành để bù lỗ. Trong bối cảnh xu thế mặt bằng giá mới trên thế giới đang hình thành thì sự tăng giá bán những mặt hàng chịu tác động của xu thế đó là cần thiết, nhưng nên tăng từ từ và đúng thời điểm. Cách thức điều hành giá của Chính phủ cũng cần thay đổi cho tương thích theo một lộ trình thích hợp hướng tới thị trường. Cần tạo ra một số lượng cần thiết các nhà cung cấp những mặt hàng chiến lược cùng cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, không để bất kỳ doanh nghiệp nào chiếm vị trí độc quyền, chi phối, thao túng thị trường các mặt hàng chiến lược quan trọng như xăng dầu, sắt, thép…
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những giải pháp nêu trên sẽ góp phần không nhỏ vào việc khắc phục lạm phát cao đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 7/2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code