Wednesday, February 12, 2014

BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

TS. ĐỖ TRỌNG BÁ
Trên cơ sở phân tích lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, bài viết bàn về cách thức để bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay.
Lý tưởng của chủ nghĩa Mác là xây dựng một xã hội không còn cảnh người bóc lột người – một tư tưởng rất đáng trân trọng. Bản chất của chủ nghĩa Mác là nói về cuộc cách mạng vô sản, cách mạng XHCN với mục đích chỉ ra bản chất và tính giới hạn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN), nguồn gốc của mọi đau khổ và bị bóc lột của người lao động. Còn về việc xây dựng xã hội mới thì những nét phác thảo của các nhà kinh điển chủ yếu dựa trên những quy luật vận động khách quan của kinh tế – xã hội. Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở các ông về những chỉ dẫn cụ thể cho việc xây dựng một xã hội mới mà nhiệm vụ tiếp theo là thuộc về những người kế tục chủ nghĩa Mác, trong đó cốt lõi là phải hành động đúng quy luật, nắm chắc những tất yếu lịch sử, kinh tế, chính trị và xã hội trong hoạt động thực tiễn.
Có thể khẳng định rằng tư tưởng rút ngắn, “đốt cháy giai đoạn” để làm giảm đi những cảnh đau khổ và nạn bóc lột đối với người lao động là rất nhân đạo nếu như sau cuộc cách mạng XHCN thành công những người cộng sản đề ra được một lý luận đúng đắn để hướng dẫn nhân dân xây dựng xã hội mới. Khi đó nhân dân sẽ không phải đi qua con đường “dích dắc” của lịch sử, tức là phải trải qua quá trình phát triển lịch sử tự nhiên. Có điều, thực tiễn diễn ra luôn luôn theo quy luật phát triển khách quan chứ không phải mong muốn chủ quan. Nước Nga là nước đầu tiên làm cuộc cách mạng XHCN thành công. Sau đó là những mô hình lý thuyết về một xã hội mới được xây dựng như mô hình “chủ nghĩa cộng sản thời chiến”, tiếp theo là NEP (chính sách kinh tế mới), rồi mô hình CNXH Sta-lin… Phải thừa nhận rằng vào thời gian đầu xây dựng CNXH người lao động rất phấn khởi và hăng hái. Họ rất tự hào khi được làm chủ vận mệnh của mình. Đáng tiếc là những đường lối, chính sách sau này cùng với mô hình lý thuyết vạch ra có nhiều sai lầm, sự vận dụng máy móc và giáo điều chủ nghĩa Mác vào thực tiễn khiến cho mô hình CNXH ở Liên Xô sụp đổ. Các nước XHCN khác vì phần lớn mô phỏng theo mô hình của Liên Xô nên cũng rơi vào bế tắc. Một công cuộc cải cách, đổi mới được khởi xướng để thoát khỏi khủng khoảng. Việt Nam là một trong số ít các nước thành công trong việc vừa thoát khỏi khủng khoảng kinh tế – xã hội trầm trọng, vừa tìm được hướng đi đúng đưa đất nước vào giai đoạn phát triển nhanh và ổn định. Mấy chục năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã khẳng định là phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Định hướng XHCN là gì? Dù đi theo con đường nào, rút ngắn hay lịch sử tự nhiên, thì loài người cũng sẽ tiến tới một xã hội tốt hơn, cao hơn xã hội trước đó. Ta hãy hình dung lịch sử xã hội loài người như một chiếc thang dài, trong đó nấc thang sau bao giờ cũng cao hơn nấc thang trước. Nấc thang sau cao hơn nấc thang trước tức là phải khác nấc thang trước về chất. Chất này phải hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc xây dựng lý luận cho một mô hình xã hội mới là không đơn giản. Nó đòi hỏi công sức của nhiều nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực, sau đó tổng hợp lại mới hy vọng xây dựng được một mô hình hợp lý. Trong bài viết này chỉ bàn đến lĩnh vực kinh tế.
Trong CNTB mối quan hệ cơ bản mà C.Mác đã vạch ra là quan hệ giữa tư bản và lao động, hay quan hệ chủ và thợ. Đây là quan hệ bóc lột dù bây giờ nó không còn dã man như thời kỳ đầu của CNTB. Không thể phủ nhận quan hệ bóc lột này được, bởi vì có một tất yếu là những người sản xuất nói chung phải tạo ra giá trị gia tăng ngoài giá trị cần thiết cho mình thì xã hội mới phát triển được. Ai chiếm giá trị gia tăng đó là kẻ bóc lột. Giai cấp tư sản chỉ có thể phát triển nhờ vào sự chiếm đoạt và tích lũy khối lượng giá trị gia tăng ấy, thậm chí không chỉ giá trị gia tăng mà cả giá trị cần thiết của giai cấp công nhân nữa. C. Mác đã phân tích, phê phán tích lũy tư bản, nhưng mặt khác cũng phải thấy đó là vai trò mà lịch sử đã giao cho giai cấp tư sản trên con đường phát triển của nhân loại, tức là thừa nhận sự bóc lột ấy cũng có mặt tích cực. Nếu không có sự bóc lột – tích lũy ấy (chứ không phải bóc lột để tiêu dùng) thì nhân loại không có sự phát triển như ngày nay. Giai cấp tư sản hiện đại không còn như ngày xưa, nhưng tích lũy mở rộng sản xuất nhằm thu được nhiều lợi nhuận hơn vẫn là mục tiêu của họ. Tóm lại, phủ nhận sự bóc lột của giai cấp tư sản là phủ nhận vai trò lịch sử và sự đóng góp của nó vào quá trình phát triển của nhân loại.
————————————————————————————————————
Thực tiễn phát triển của nhân loại đã mách bảo đang có một hình thức kinh tế có thể vẫn bảo đảm phát triển lực lượng sản xuất nhưng vẫn thủ tiêu được quan hệ bóc lột để xây dựng một quan hệ mới – đó là công ty cổ phần mà cổ đông là những người lao động.
————————————————————————————————————
Vậy, muốn tiến lên nấc thang mới, cao hơn hay xây dựng một xã hội mới, thì cái chất mới trong lĩnh vực kinh tế là gì? Chỉ khi xác định được chất mới này thì mới rõ được định hướng. Theo tôi, chất mới ấy là thủ tiêu quan hệ chủ – thợ, tức là thủ tiêu quan hệ bóc lột để xây dựng một quan hệ mới. Nhưng có điều không làm như đã từng làm, vì làm như vậy là ấu trĩ, thô bạo và không có một chút lý luận nào. Trước hết xin trình bày nguyên lý chung. Trong xã hội mới muốn thủ tiêu quan hệ chủ – thợ, thì người lao động phải vừa là chủ vừa là thợ. Chính vì vừa là chủ, vừa là thợ nên quan hệ chủ – thợ diễn ra trong chính người lao động, mà không thể hiện ra ngoài như trước đây giữa A và B. Họ là chủ cho chính họ là thợ và là thợ cho chính họ là chủ. Quan hệ chủ – thợ không thể hiện ra ngoài có nghĩa nó đã bị thủ tiêu. Khi đã không còn nữa, thì quan hệ cơ bản đó trở thành quan hệ quản lý hiểu theo nghĩa phân công tự nguyện, tức là quan hệ giữa người quản lý với người bị quản lý. Đây là quan hệ vĩnh cửu, vì con người luôn sống trong một cộng đồng nhất định. Trong cộng đồng ấy không thể “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” được, nếu muốn có một chương trình hành động chung vì một mục tiêu mong muốn cho cả cộng đồng. Để cho chương trình hành động chung ấy đạt được mục tiêu nhất thiết phải có sự quản lý, điều hành. Có điều phải lưu ý rằng, những người giữ vai trò quản lý phải do cộng đồng lựa chọn một cách dân chủ, chứ không phải do một thế lực nào áp đặt, bởi áp đặt là cai trị, không phải quản lý. Đó là nguyên lý chung cho bất kỳ hoạt động tập thể đồng thuận nào, trong đó có kinh tế. Quan hệ quản lý mang tính hiệu quả cao hay thấp chứ không hề phản ánh sự phân phối lợi ích như trong quan quan hệ chủ – thợ. ở đây người bị quản lý chỉ chịu sự phân công lao động của người quản lý trong một quy trình sản xuất, kinh doanh chung.
Làm thế nào để thủ tiêu được quan hệ chủ – thợ, quan hệ bóc lột? Hay trong điều kiện nào, dưới hình thức kinh tế nào thì quan hệ này tiêu vong? Chính thực tiễn phát triển của nhân loại đã mách bảo đang có một hình thức kinh tế như thế. Đó là công ty cổ phần. Trong đó người lao động vừa là công nhân, vừa là những cổ đông, những người chủ. Công ty cổ phần đã ra đời từ lâu trên con đường phát triển của CNTB, nhưng nó chủ yếu vẫn mang tính chất TBCN, tức là ở đó vẫn tồn tại quan hệ chủ – thợ. Mặc dù vậy, khi nghiên cứu công ty cổ phần TBCN, C.Mác đã nhìn thấy đó là điểm quá độ tất nhiên để tư bản lại chuyển thành sở hữu của những người sản xuất, nhưng không phải với tư cách là sở hữu, mà những người sản xuất riêng lẻ nữa, mà với tư cách là sở hữu mà những người sản xuất liên hiệp, thành sở hữu, xã hội trực tiếp. Đáng tiếc là C. Mác không nói rõ sở hữu xã hội trực tiếp là gì, có khác sở hữu chung không? Chính vì thế, mà các nhà lý luận mác xít sau này đã hiểu rất sai khái niệm này vì điều đó đã được kiểm nghiệm bằng sự sụp đổ của CNXH hiện thực. Theo tôi, sở hữu xã hội và sở hữu chung là khác nhau. Việc thiết lập chế độ sở hữu nhà nước và tập thể trong các nước XHCN là thuộc phạm trù sở hữu chung chứ không phải là sở hữu xã hội. Sở hữu chung có một thuộc tính là “cha chung không ai khóc”, người ta sử dụng nó nhưng không quan tâm bảo vệ nó, mà chỉ muốn xà xẻo nó, biến nó thành của riêng. Vì vậy, sở hữu xã hội nếu là một hình thức sở hữu cao hơn thì không thể đồng nhất với sở hữu chung thời nguyên thủy được. Chúng phải khác nhau. Sự khác nhau là ở chỗ: sở hữu xã hội có nội hàm là mỗi thành viên của xã hội đều có sở hữu, hay nói chính xác là mọi người sản xuất đều có sở hữu. Đương nhiên, đó không phải là sở hữu của những người sản xuất riêng lẻ nữa, mà là sở hữu của những người sản xuất liên hiệp. Nói dễ hiểu là người sản xuất không tự sản xuất riêng lẻ nữa, mà cùng nhau góp vốn để tạo ra một cơ sở sản xuất kinh doanh chung dưới hình thức công ty cổ phần. Khi đó mỗi người sản xuất chỉ sở hữu một bộ phận giá trị trong tổng giá trị của khối lượng tư liệu sản xuất vật chất thuộc công ty, nên khối lượng tư liệu này không thuộc riêng ai cả, mà thuộc về tất cả những người sản xuất liên hiệp với tư cách là cổ đông của công ty cổ phần. Giá trị của tư liệu sản xuất thì thuộc riêng từng người (cùng góp vốn để mua nó), nhưng giá trị sử dụng của nó thì lại thuộc về tập thể những người sản xuất liên hiệp. Đó chính là điểm phân biệt giữa sở hữu xã hội và sở hữu chung. Một khi những người sản xuất trở thành cổ đông của công ty cổ phần, tức là họ trở thành người chủ của chính họ thì ở những công ty như thế quan hệ chủ – thợ sẽ không còn nữa, mà chỉ còn quan hệ quản lý. Vậy, nếu trong công ty cổ phần mọi người sản xuất trực tiếp đều trở thành cổ đông thì không những sẽ thủ tiêu được quan hệ chủ – thợ, thủ tiêu được quan hệ bóc lột, mà còn khắc phục một cách căn bản tình trạng “cha chung, không ai khóc”, vô chủ của sở hữu chung. Đó là mô hình chung, còn làm thế nào để hiện tượng bóc lột không rớt lại trong hình thức kinh tế này chính là nhiệm vụ của những nhà hoạch định chính sách cụ thể, bởi trong thực tế sẽ không có sự máy móc là mỗi cổ đông chỉ được góp vốn để hưởng cổ tức theo tỷ lệ tương ứng với khả năng lao động của từng người. Nhưng xin đừng bắt bẻ chi ly quá. Điều quan trọng nhất, căn bản nhất là người sản xuất đã trở thành ông chủ của chính họ. Khi đã là chủ, người sản xuất sẽ quan tâm một cách tích cực, sáng tạo đến sản xuất, đến sản nghiệp của công ty vì đó là lợi ích thiết thân của họ. Mô hình này không loại trừ việc tham gia thị trường chứng khoán của công ty. Quyền lợi của những người mua bán cổ phiếu của các công ty loại này cũng giống như những người mua bán cổ phiếu của các công ty cổ phần TBCN. Họ không có quyền tham dự vào các quyết định của công ty trừ phi họ mua đủ lượng cổ phiếu để trở thành cổ đông chính của công ty. Hệ thống pháp luật của nhà nước cũng đủ hiệu lực để kiểm soát được mọi nguồn thu nhập, nhất là kiểm soát được tỷ suất lợi nhuận và lợi nhuận siêu ngạch cũng như thuế thu nhập cá nhân, không ngừng phát triển các quỹ phúc lộc.
Khi nghiên cứu nguyên nhân làm giảm sút năng suất lao động, các nhà kinh tế Mỹ đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, song chỉ có kết quả tạm thời. Cuối cùng họ cũng tìm ra nguyên nhân đích thực của nó. Đó là vì người sản xuất không được làm chủ, sản phẩm do họ làm ra không thuộc về chính họ. Và những nhà kinh tế này đã đề ra giải pháp là bán cổ phần của công ty cho công nhân sản xuất. Chương trình ESHOP ra đời. Hiện nay ở Mỹ đã có một số công ty cổ phần mà các cổ đông đều là công nhân sản xuất của công ty. Các công ty này cho đến nay vẫn hoạt động rất có hiệu quả. Mặc dù vậy, chương trình ESHOP, vì nhiều lý do, chủ yếu là vì lợi ích, vẫn bị hạn chế trong CNTB.
————————————————————————————————————
Trong công ty cổ phần khi mọi người sản xuất trực tiếp đều trở thành cổ đông thì không những sẽ thủ tiêu được quan hệ chủ – thợ, thủ tiêu được quan hệ bóc lột, mà còn khắc phục một cách căn bản tình trạng “cha chung, không ai khóc”, vô chủ của sở hữu chung.
————————————————————————————————————
Vậy là cả con đường phát triển lịch sử tự nhiên của nhân loại cũng đã hé lộ ra hướng đi để tiến tới một nấc thang mới cao hơn ở ngay trong lòng CNTB. Những công ty cổ phần của công nhân hay C.Mác còn gọi là những xí nghiệp hợp tác của công nhân là những nhân tố mới sẽ phủ định CNTB để xây dựng một xã hội mới dù rằng con đường đi của nó còn lắm chông gai. Vì vậy, các nước đi theo con đường XHCN cần nhận thức mô hình chung này và nếu thực hiện thành công thì chắc chắn sẽ rút ngắn được lộ trình đi tới đích. Có điều xin lưu ý rằng, nhận thức thì dễ, nhưng việc hoạch định những chính sách cụ thể để thực hiện thành công mô hình này là rất khó và phức tạp. Cái khó nhất là làm thế nào để mọi người sản xuất đều mua được cổ phiếu với một tỷ lệ thích hợp để họ quan tâm thiết thân đến sản xuất trong khi họ phần đông không có tiền tích lũy. Nếu không có sự tác động tích cực vào quá trình này từ phía chính phủ thì nó diễn ra theo con đường tự nhiên. Người nghèo thường thấy giá cổ phiếu của mình lên dăm bảy lần (5 chấm, 7 chấm) thì vội bán đi, nhưng sẽ không bao giờ mua lại được.
Ở nước ta, chủ trương cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước là đúng hướng. Nhưng việc hoạch định chính sách cụ thể để thực hiện chủ trương này còn nhiều lúng túng và dường như có lúc, có nơi sai mục tiêu, chệch hướng vì không có sự quan tâm đúng mức để dẫn đến vai trò làm chủ của người lao động, để họ gắn bó mật thiết với sản xuất bằng quyền tham dự vào những quyết định sống còn của công ty. Đó là chưa kể hiện tượng tham nhũng, “rút ruột” Nhà nước của nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, cùng với việc cậy quyền, cậy thế bán cổ phiếu cho người thân với giá hời. Việc bán cổ phiếu cho công nhân rồi mặc họ tự do chuyển nhượng cũng là việc làm rất thiếu trách nhiệm. Thí dụ như việc cổ phần hóa cửa hàng ăn Tràng Tiền, việc giám đốc và kế toán trưởng của Intimex bị kỷ luật… như báo chí đã nêu. Khi người sản xuất bán cổ phiếu của mình đi, tức là bán đi quyền làm chủ để trở về với thân phận làm thuê, làm thợ. Việc bán đấu giá cổ phiếu tưởng là công bằng, nhưng thực chất là đánh vào giai cấp công nhân, vì họ không có khả năng tham dự. Các công ty cổ phần dù có vốn nhà nước chiếm 51% nhưng nếu người sản xuất vẫn chưa phải là cổ đông, thì ở đó họ vẫn là người làm thuê, một nửa làm thuê cho Nhà nước, một nửa làm thuê cho người ngoài. Dù ngụy biện rằng họ là đồng chủ sở hữu đối với vốn nhà nước thì đó cũng chỉ là “hữu danh, vô thực”. Vậy định hướng XHCN là phải hướng vào việc biến người lao động thành các cổ đông của các công ty cổ phần. Đó chính là cái chất mới so với kinh tế thị trường TBCN của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Song, mặt khác, cũng phải thấy rằng, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của ta còn thấp, vì nước ta vẫn thuộc nhóm các nước nghèo của thế giới, nên không thể nóng vội là doanh nghiệp nhà nước nào khi cổ phần hóa cũng phải theo hình thức mới hoặc không cho phép thành lập các công ty cổ phần TBCN. Làm như vậy là sai lầm bởi quan hệ sản xuất vượt quá xa trình độ của lực lượng sản xuất. Việc Đảng chấp nhận cho đảng viên làm kinh tế tư nhân và việc khuyến khích tôn vinh đội ngũ doanh nhân cả trong khu vực nhà nước lẫn dân doanh là một bước đi cần thiết để phát triển nhanh lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, nếu không quan tâm đúng mức đến giai cấp công nhân, như trên đã nói, thì giai cấp công nhân vẫn là giai cấp làm thuê, làm thợ. Vì vậy, định hướng đúng là phải có lộ trình theo đà phát triển của lực lượng sản xuất tạo ra những nhân tố mới tiến dần tới mục tiêu. Chẳng hạn, khi đời sống công nhân được cải thiện và có tích lũy thì phải có chính sách để các doanh nghiệp tư nhân bán cổ phần cho người sản xuất trong công ty miễn là đừng tước đoạt họ vì làm như vậy là phi cộng sản. Hoặc các công ty cổ phần còn mang tính chất tư bản thì phải chuyển sang hình thức mới… Vấn đề trước mắt là phải chấn chỉnh lại công tác cổ phần hóa. Nơi nào công nhân đã mua được cổ phiếu thì phải tuyên truyền, giáo dục và có những điều kiện ràng buộc để họ không được bán cổ phiếu. Nơi nào trong điều kiện có thể phải giúp đỡ và khuyến khích người sản xuất mua cổ phiếu, vì đó là những nhân tố mới khích lệ hướng đi lên. Đồng thời phải chống tham nhũng một cách tích cực không để người sản xuất nhìn thấy bất công mà chán nản sản xuất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đã có định hướng đúng ngay từ khi chia lại ruộng đất cho nông dân dưới hình thức kinh tế hộ để biến họ trở thành những ông chủ của chính mình. Nhưng đó mới chỉ là sở hữu của những người sản xuất riêng lẻ, chứ không phải là sở hữu của những người sản xuất liên hiệp. Vì vậy, cần phải hướng họ vào các hợp tác xã cổ phần. Tuy thuận lợi hơn so với công nghiệp, nhưng trong thực tế công việc này cũng không được quan tâm đúng mức, trong khi đã có hiện tượng nông dân bán ruộng. Tuy hiện tượng này không hoàn toàn tiêu cực, vì nó tạo ra xu hướng tập trung ruộng đất, khắc phục tình trạng manh mún, nhưng nếu không có định hướng và giải pháp đúng đắn thì người nông dân bán ruộng sẽ rơi vào tình trạng làm thuê trở lại và như vậy lại cũng là không đúng với định hướng XHCN.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 2 (146) NĂM 2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code