MINH NGỌC
Đại Đoàn Kết – Cty
TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng (ĐLHP) vừa có đơn khởi kiện Công
ty TNHH Thương mại Kim Long (Cty Kim Long) ra Tòa án nhân dân quận Hải
An, TP. Hải Phòng (TAND) để đòi tiền điện. Trái ngược với sự lo lắng khi
bị kiện, bị đơn trong vụ kiện này cho rằng đây là cơ hội tốt để nói lên
sự “độc quyền” của ngành điện lực Hải Phòng và nỗi khổ của doanh nghiệp.
Xây trạm biến áp: “Tiền trao, cháo… đổ”
Bà Trần Mai Anh, Giám đốc Cty Kim Long kể về nỗi khổ
của doanh nghiệp mình: Sau khi xây dựng xong khách sạn Thiên Đường,
tháng 8-2007, bà Mai Anh đã đến ĐLHP để xin mua điện. Thay vì được hướng
dẫn làm các thủ tục theo quy định, cán bộ Phòng kinh doanh của ĐLHP đã
giới thiệu bà gặp ông Lê Ngọc Hải, Trưởng phòng Kinh doanh điện lực Ngô
Quyền (ông Hải là em ruột ông Lê Ngọc Thiệp, Giám đốc ĐLHP). Theo lời
nhân viên này thì “chỉ có ông Hải mới giải quyết được việc xây dựng trạm
biến áp cho khách sạn”. Theo đó, ông Hải nhận xây dựng trạm biến áp cho
Cty Kim Long với giá 250 triệu đồng, hoàn thành trong 20 ngày và đóng
điện. Tuy nhiên, sau 4 tháng ông Hải vẫn không thi công trạm biến áp cho
Cty Kim Long, dù trước đó đã nhận số tiền đặt cọc là 40 triệu đồng.
Trước sự việc trên, Cty Kim Long đã khiếu nại lên
UBND TP. Hải Phòng về hành vi của ông Hải và đề nghị UBND TP can thiệp
để Cty Kim Long có điện kinh doanh. Lúc này, Cty Kim Long mới được ĐLHP
hướng dẫn làm thủ tục để làm trạm biến áp theo quy định. Thiết nghĩ mọi
chuyện sẽ suôn sẻ, nhưng sau khi thi công xong trạm biến áp theo hợp
đồng (7 ngày), Cty Kim Long phát hiện phía ĐLHP thi công trạm điện này
không đúng theo hợp đồng. Trạm biến áp được lắp ráp bởi nhiều thiết bị,
chủng loại vật tư kém chất lượng, không đúng theo thiết kế như: Máy biến
áp rỉ dầu, cong vênh và được sơn lại; ống thép có đường kính 220 chì
còn 110; dây cáp cỡ 240 được thay thế bằng loại 95… Trước sự việc trên,
ĐLHP đã phải chấp nhận giảm trừ giá trị hợp đồng từ 350 triệu đồng xuống
còn 250 triệu khi thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, theo bà Trần Mai Anh
thì việc đóng điện công trình không đúng tiến độ (chậm 4 tháng) đã gây
thiệt hại về kinh tế cho Cty và yêu cầu ĐLHP phải bồi thường thiệt hại cho Cty.
Lắp đặt công tơ: Vừa hỏng vừa thất thường
“Chỉ như vậy cũng đã thấy rõ sự… độc quyền của ngành điện!” – Bà Trần Mai Anh bức xúc. Chuyện là: Sau khi ký hợp đồng mua
bán điện với Điện lực Đông Bắc (ĐLĐB), đơn vị trực thuộc ĐLHP, công tơ
điện do ngành điện lắp đặt tại trạm biến áp của Cty Kim Long không chạy.
Sau 3 ngày sử dụng, chỉ số tiêu thụ điện năng vẫn là 000. Sau khi phát
hiện sự cố trên, ĐLĐB thông báo sẽ thay thế công tơ khác. Tuy nhiên, khi
mang công tơ khác đến để thay thế thì chiếc công tơ này đã có chỉ số
tiêu thụ lên đến hàng vạn, Kim Long không chấp nhận. Song, ĐLĐB vẫn cố
tình lắp đặt mà không có sự chứng kiến và nhất trí của khách hàng.
Một tháng sau, ĐLĐB gửi hóađơn yêu cầu Cty Kim Long
thanh toán gần 19 triệu tiền điện, Cty Kim Long phản ứng với lý do “Căn
cứ vào đâu để tính tiền điện?” thì được ĐLĐB giải thích: Theo quy định
của ngành điện, thì khách hàng “cứ nộp tiền trước, giải quyết khiếu nại
sau”. Chưa nhận được câu trả lời khiếu nại thì tháng tiếp theo, Cty Kim
Long lại nhận được thông báo thanh toán tiền điện, với số tiền phải nộp
là gần 14 triệu đồng. Cty Kim Long có ý kiến thì lại nhận được câu trả
lời “cứ nộp tiền trước, giải quyết khiếu nại sau”. Một lần nữa Cty đành
chấp nhận nộp tiền. Đến tháng thứ 3, vẫn chưa nhận được câu trả lời
chính thức, Cty Kim Long lại nhận được thông báo nộp tiền điện là 11,5
triệu đồng. Lần này, Kim Long từ chối nộp tiền điện với lý do “chưa giải
quyết khiếu nại, chưa nộp tiền”. Và tất nhiên là Cty Kim Long sẽ bị cắt
điện (ba tháng kể trên là các tháng 5,6,7-2006).
Sau 5 tháng cắt điện, cuối tháng 12-2006, ĐLĐB mới
đóng điện trở lại cho Cty Kim Long. Lúc này, ĐLĐB mới thay thế công tơ
(lần 3) với chỉ số ban đầu là 000 và có sự chứng kiến của khách hàng.
Theo bà Mai Anh, sau khi lắp đặt công tơ mới có chỉ số 000 thì 3 tháng
liên tục sau đó, bình quân Khách sạn Thiên Đường chỉ tiêu thụ mất từ 6-7
triệu đồng tiền điện/tháng. Đây là cơ sở để Cty Kim Long khiếu nại đòi
ngành điện HP tính toán lại tiền dùng điện trong các tháng 5,6,7-2006 kể
trên. Đây cũng chính là lý do khiến Cty Kim Long không nộp tiền điện,
để rồi ĐLHP phải có đơn khởi kiện ra TAND.
Cái lý của ông “độc quyền”
Trước sự việc, Cty Kim Long có nhiều đơn thư gửi đến
các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí. ĐLHP đã có thông báo gửi
các cơ quan báo chí về việc Cty Kim Long không thanh toán tiền điện. Tại
thông báo này, ĐLHP khẳng định Cty Kim Long yêu cầu ĐLHP phải bồi
thường thiệt hại số tiền là hơn 2,5 tỷ đồng do chậm tiến độ thi công
trạm biến áp là không có cơ sở pháp lý và sự việc trên giữa Cty Kim Long
và ĐLHP đã có biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, theo bà Trần Mai
Anh, Giám đốc Cty Kim Long thì trước khi ký thanh lý hợp đồng, giữa
Cty Kim Long và ĐLHP đã có biên bản thỏathuận ghi rõ: “Việc đóng điện
công trình không đúng tiến độ theo hợp đồng gây tổn thất cho Cty Kim
Long (nếu điều đó là sự thật), 2 bên sẽ bàn bạc giải quyết trên cơ sở
hợp tình, hợp lý trước ngày 30-12-2006″. “Thực tế, sau khi ký xong biên
bản thanh lý hợp đồng, ĐLHP đã nuốt lời!” – Bà Trần Mai Anh khẳng định.
Về việc Cty Kim Long không thanh toán tiền điện, ĐLHP
khẳng định: “Cty Kim Long đã vi phạm hợp đồng mua bán điện giữa ĐLHP và
Cty Kim Long. ĐLHP cũng khẳng định chiếc công tơ điện (lắp đặt lần thứ
2) là chính xác, đủ tiêu chuẩn vận hành trên lưới điện theo TCVN”. Lý
giải cho việc công tơ (lắp đặt lần 2) không có số đo bắt đầu từ 000,
ĐLHP cho biết: “Đây là loại công tơ điện tử nên không thể điều chỉnh
được về 000. Khi thay công tơ, ĐLĐB có chốt chỉ số trên công tơ và có sự
chứng kiến của một nhân viên Cty Kim Long. Mặt khác, như đã nói trên,
ĐLHP cũng đã mời các cơ quan chức năng đến kiểm tra công tơ nói trên là
khẳng định công tơ trên là chính xác, đủ tiêu chuẩn vận hành nhưng Cty
Kim Long không chấp nhận và không nộp tiền điện. Dó đó, ĐLHP buộc phải
khởi kiện Cty Kim Long ra tòađể đòi tiền điện”… Vụ việc này đúng sai thế
nào, TAND sẽ phán quyết. Tuy nhiên, có điều không thể phủ nhận là sự
việc trên đã tốn quá nhiều thời gian của nhiều cơ quan chức năng, trong
khi đó, đây chỉ là một vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế thuộc thẩm quyền
giải quyết của TAND.
SOURCE: BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT
Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com/?CT=NW&NID=15176
0 comments:
Post a Comment