Tuesday, January 21, 2014

TRAO ĐỔI NỘI DUNG DỰ THẢO THÔNG TƯ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

TRƯƠNG ĐÌNH SONG 
Sau khi nghiên cứu bản dự thảo thông tư Hướng dẫn về thẩm quyền trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng thuê tài sản và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ do Bộ tư pháp soạn thảo, chúng tôi thấy có một số vấn đề sau đây cần trao đổi nhằm hoàn thiện thông tư.
     Bộ Tư pháp với chức năng là cơ quan tư pháp quốc gia đảm trách trước Quốc hội và Chính phủ về việc xây dựng các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật cần khắc phục tình trạng có khoảng trống luật pháp khi văn bản cũ đã bị bãi bỏ, văn bản mới đã có hiệu lực nhưng văn bản dưới luật (NĐ), thông tư hướng dẫn chưa được ban hành. Trong điều kiện hiện nay ta đã trở thành thành viên của WTO chúng tôi đề nghị khi có một dự luật mới ban hành trong quá trình xây dựng phải tiến hành đồng bộ khi luật có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn phải được ban hành ngay cùng thời điểm luật có hiệu lực.
     Về nội dung của bản dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 163/2006-NĐ-CP của Chính phủ do Quý Cục soạn thảo chúng tôi thấy bản dự thảo chuẩn bị tương đối kỹ, đã đề cập được tương đối đầy đủ yêu cầu, nội dung công việc đòi hỏi đăng ký cũng như quy trình thủ tục đăng ký hợp đồng, đăng ký cung cấp thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể chúng tôi có một số ý kiến tham gia như sau:
     1. Về tên gọi của Thông tư: để như dự thảo quá dài, không cần kể hết cả các nộidung công việc vào tên của Thông tư. Từ đó chúng tôi đề nghị tên của Thông tư như sau:
     “Thông tư hướng dẫn về thẩm quyền trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm”.
     2. Nội dung thông tư dự thảo đã đưa gần hết các nội dung của thông tư 06/2006-TT-BTP ngày 28/9/2006, tạo nên sự trùng lặp nội dung của 2 thông tư. Mặt khác, tại điều 1, mục III, phần A quy đinh: trình tự thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm thủ tục hướng dẫn theo quy định tại thông tư số 06/2006-TT-BTP ngày 28/9/2006, trong khi đó nội dung như ở mục I này đã được nêu đầy đủ tại các mục II, III, IV, V, VI, VII và VIII phần B của thông tư dự thảo. Do đó chúng tôi đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu bổ sung một số nội dung còn lại của Thông tư 06/2006-TT-BTP vào Thông tư dự thảo để ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 06/2006 tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.
     3. Đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm (Mục I)
     – Việc quy định “thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ” là một trong các trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm. ở đây cần làm rõ hai vấn đề
     Thứ nhất: một tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ tại một TCTD thì có cần phải đăng ký không? Tại một TCTD khi xử lý tài sản bảo đảm không phải xử lý trật tự ưu tiên – đề nghị làm rõ vấn đề này.
     Thứ hai: một tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ tại nhiều TCTD thì khi xử lý tài sản trật tự ưu tiên xử lý như thế nào khi mà nghĩa vụ bảo đảm sau cùng vi phạm hợp đồng phải xử lý tài sản – cần phải hướng dẫn rõ vấn đề này.
     – Pháp luật đã quy định việc bảo lãnh và tín chấp là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự do đó chúng tôi đề nghị bỏ điểm 3 mục I, bổ sung thêm một tiết c ở điểm 1 mục 1 là: “c: Bảo lãnh và tín chấp”;
     Việc bổ sung bảo lãnh và tín chấp là để bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo lãnh hoặc tín chấp khi giao dịch được bảo lãnh hoặc tín chấp không thực hiện được.
     3. Về cơ quan đăng ký và thẩm quyền đăng ký (phần A mục II)
Để giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình nông dân vay vốn và hoạt động của ngân hàng thương mại bảo đảm an toàn vay vốn ở địa bàn nông thôn đề nghị mở rộng đối tượng và thẩm quyền đăng ký cho uỷ ban nhân dân xã, thị trấn được thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.
     4. Đề nghị bỏ cụm từ “vườn cây lâu năm, nhà ở và các công trình kiến trúc khác” tại điểm d khoản 2 mục II vì phần thêm này trái với điểm b khoản 1 điều 12 của NĐ 163/2006/NĐ-CP và điểm b khoản 1 mục I phần A của thông tư dự thảo.
     5. Đề nghị xem lại tiêu đề mục I phần B của thông tư dự thảo “Những quy định chung” không phù hợp với nội dung quy định cụ thể của mục này – chúng tôi đề nghị sửa lại tiêu đề này như sau: “I. Đối tượng đăng ký, thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm”.
     6. Đề nghị bỏ điểm d điều 3 mục I phần B “nhiệm vụ quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”, vì đây là thông tư hướng dẫn đăng ký giao dịch bảo đảm nên nhiệm vụ quyền hạn khác của Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm,  không liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm, vì vậy, không nên đưa vào nội dung này.
     7. Để phù hợp với nội dung công việc phát sinh, đề nghị chuyển điểm 9.3 lên điểm 9.1, đưa điểm 9.1 xuống điểm 9.3 của điểm 9 mục I, vì hành vi nhận đơn xảy ra trước và hành vi đăng ký xảy ra sau.
     8. Để tạo cơ hội làm ăn cho người đăng ký và giao dịch của NHTM, đề nghị sửa lại khoản 14 mục I phần B về thời hạn giải quyết việc đăng ký như sau: “Trung tâm đăng ký có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký ngay sau khi nhận được đơn trước 15h của ngày làm việc. Trường hợp nhận đơn sau 15h thì việc giải quyết đăng ký chuyển sang ngày hôm sau”.
     Đề nghị bỏ đoạn “Trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết cũng không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn”. Để kéo dài thời gian chỉ gây kẽ hở cho sự nhũng nhiễu của công chức khi thực thi công vụ, làm mất cơ hội của người kinh doanh.
     9. Về việc cấp bản sao chứng nhận đã thực hiện đăng ký Hợp đồng, đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký (khoản 3, mục I, phần B; khoản 3, mục V, phần B,…);
     Vì cơ quan đăng ký chỉ cấp bản sao, mà không cấp bản chính. Vì vậy, cần xác định bản sao này có giá trị pháp lý như thế nào. Nội dung này cũng chưa được quy định trong Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28/9/2006.
     10. Về trách nhiệm của đăng ký viên (khoản 6, mục 1, phần B)
Ngoài các trách nhiệm trong Dự thảo, đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của đăng ký viên là: kiểm tra và yêu cầu kê khai đầy đủ nội dung đăng ký theo mẫu quy định.
     11. Về giấy tờ pháp lý của cá nhân là công dân Việt Nam (điểm 10.1, khoản 10, mục I, phần B);
     Ngoài chứng minh nhân dân, giấy chứng minh của lực lượng quân đội, công an, cần thừa nhận cả những giấy tờ pháp lý khác thay thế trong trường hợp mất, chưa có chứng minh nhân dân. Ví dụ như hộ chiếu, thẻ có dán ảnh do cơ quan công an cấp,…
     Theo quy định điểm 10.6, khoản 10 “người yêu cầu đăng ký không kê khai những giấy tờ khác, ngoài những loại giấy tờ xác định tư cách pháp lý” nói trên có thể dẫn đến trường hợp không bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia giao dịch bảo đảm. Để hạn chế các loại giấy tờ này, có thể quy định người sử dụng giấy tờ phải có đơn nêu rõ lý do không có chứng minh nhân dân.
     12. Về viết tắt tên các bên tham gia hợp đồng (điểm 10.6, khoản 6, mục I, phần B) quy định “không được tự ý viết tắt khi kê khai tên của các bên tham gia hợp đồng” có phần hơi cứng và trong nhiều trường hợp rất khó xác định. Ví dụ tên của một bên ghi trên giấy tờ pháp lý là “công ty trách nhiệm hữu hạn…” vậy, khi kê khai viết tắt là “Công ty TNHH…” thì có được không. Trong khi điểm a, khoản 1, Điều 10 (tên doanh nghiệp), Nghị định về đăng ký kinh doanh số 88/2006/NDD-CP ngày 29/8/2006 đã quy định rõ “cụm từ trách nhiệm hữu hạn có thể viết tắt là TNHH”. Hoặc như cụm từ “NHTM” thay cho “ngân hàng thương mại”, tuy không có quy định nào, nhưng cũng thường xuyên được các ngân hàng sử dụng.
     13. Về ký đơn yêu cầu đăng ký (khoản 11, Mục I, Phần B):
     – Điểm b cần bỏ đoạn “nếu một trong các bên không chịu ký vào đơn yêu cầu đăng ký” trong câu “Đơn yêu cầu đăng ký chỉ cần có chữ ký, con dấu (nếu có) của một trong các bên tham gia Hợp đồng hoặc người được bên này uỷ quyền, nếu một trong các bên không chịu ký vào đơn yêu cầu đăng ký”, vì đã chấp nhận chỉ cần một bên ký, thì không cần biết lý do cụ thể. Nhất là không có cơ sở nào cho răng một bên “không chịu ký”. Ngoài ra, quy định này không giải quyết được trường hợp có nhiều trong số các bên chứ không chỉ “một bên” “không chịu ký”.
     – Cần quy định trường hợp khi ký đơn đăng ký có một trong những người có quyền dân sự trong giao dịch, nếu khi thay đổi hoặc xoá đăng ký mà chỉ có chữ ký của người có nghĩa vụ dân sự trong giao dịch, thì phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, để đảm bảo quyền lợi của người có quyền.
     14. Về các trường hợp từ chối đăng ký ( khoản 12, Mục I, Phần B):
     – Cần bổ sung thêm trường hợp từ chối đăng ký là: Khi phát hiện đơn yêu cầu đăng ký có thông tin sai pháp luật.
     – Nếu quy định một trong những trường hợp từ chối đăng ký là “Yêu cầu đăng ký Hợp đồng có đối tượng là tàu bay dân dụng” (điểm 12.2.e), thì cần bổ sung thêm các đối tượng khác là tàu biển, quyền sử dụng đất, nhà ở…
     – Không nên từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp đơn yêu cầu cung cấp thông tin gửi qua fax, mà người yêu cầu không phải là khách hàng thường xuyên (điểm 12.2.b). Thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm cần phổ biến công khai, do vậy bất kỳ đối tượng nào nộp phí cũng cần được cung cấp thông tin. chỉ nên quy định không cung cấp thông tin cho người không phải là khách hàng thường xuyên khi “người cung cấp thông tin không nộp phí cung cấp thông tin” (điểm 12.2.c).
     15. Về khái niệm “khách hàng thường xuyên”, (các điểm 12.1.d, 12.2.b,… Mục I, Phần B): Nếu không thay thông tư 06/2006/TT-BTP thì phải giải thích khách hàng thường xuyên.
     16. Về các phương thức nộp đơn yêu cầu đăng ký và cung cấp thông tin (điểm 13.1, khoản 13, Mục I, Phần B):
     – Khác với đơn yêu cầu đăng ký, việc gửi đơn yêu cầu cung cấp thông tin qua fax cần được áp dụng đối với mọi đối tượng khách hàng.
     – Riêng khách hàng thường xuyên, cần chấp nhận cả hình thức gửi đơn qua hộp thư điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2006, nhằm tận dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí.
     17. Về các phương thức nộp phí (điểm 13.2, Khoản 13, Mục I, Phần B):
     Ngoài các phương thức trả phí trực tiếp, thông qua bưu điện, chuyển khoản, uỷ nhiệm thu, uỷ nhiệm chi, cần công nhận các hình thức thanh toán khác như thông qua séc, thông qua dịch vụ chuyển tiền của ngành bưu điện.
     18. Đề nghị xem lại chức năng quản lý Nhà nước của Cục về ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký hợp đồng (khoản 1 mục 1X, Phần B). Theo chúng tôi chức năng của Cục chỉ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn văn bản quy phạm pháp luật, Cục tham mưu soạn thảo trình Bộ ký ban hành. Do đó chúng tôi đề nghị tách khoản 1 thành 2 khoản theo thẩm quyền.
     19. Toàn bộ nội dung dự thảo phần B từ Mục I đến mục IX chỉ quy định cho Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp. Còn 3 cơ quan có nhiệm vụ đăng ký viết tại điểm 1, Mục II, phần A có thực hiện nội dung công việc nêu tại phần B của Thông tư Dự thảo hay không đề nghị cần làm rõ vấn đề này.
     20. Thông tư còn thiếu một phần quan trọng chưa được đề cập trong Thông tư dự thảo đó là công tác thanh tra kiểm tra đối với tổ chức cá nhân trong quá trình  thực hiện các nội dung của Thông tư này. Nội dung thanh kiểm tra không được đề cập ở các văn bản trước nên hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm có những khiếu nại gây khó khăn cho khách hàng không được xem xét xử lý kịp thời.                                       
     Trên đây là một số ý kiến sau khi nghiên cứu về nội dung bản thông tư dự thảo hướng dẫn về thẩm quyền trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng thuê tài sản và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ do Bộ tư pháp soạn thảo để các cơ quan soạn thảo tham khảo, hoàn thiện sớm ban hành tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức, đơn vị kinh doanh và cá nhân đúng pháp luật.   
SOURCE:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code