Wednesday, January 22, 2014

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ – MỘT ĐIỀU KIỆN CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM

PHẠM ĐÌNH CHƯỚNG
Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ được bổ sung không ngừng, đặc biệt trong khoảng 30 năm gần đây, thế nhưng vài năm gần đây đã thấy nhu cầu phải bổ sung thêm.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là xây dựng một cơ chế đủ sức chống lại tình trạng chiếm đoạt các sản phẩm trí tuệ trong cạnh tranh và là nền tảng cho mọi nỗ lực sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế thế giới khi mà hàm lượng trí tuệ ngày càng cao trong các sản phẩm hàng hóa, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần được tăng cường hơn nữa để làm tiền đề đưa nền kinh tế nước ta sang nền kinh tế mới “Nền kinh tế tri thức”. Đó là lược trích nội dung bài tham luận của ông Phạm Đình Chướng tại Hội thảo “Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” tại Hà Nội ngày 21-22/6/2000
1. Tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và hệ thống bảo hộ SHTT.
Khái niệm “tài sản trí tuệ” hay SHTT (intellectual property) bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ này và vốn dĩ được dùng để chỉ các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, gồm: Các tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật; các sáng chế, các kiểu dáng sản phẩm (hay kiểu dáng công nghiệp) và các nhãn hiệu hàng hóa (kể cả nhãn hiệu dịch vụ).
Gắn liền với khái niệm trên là hai khái niệm xuất hiện sớm hơn (nửa cuối thế kỷ XIX), đó là “sở hữu công nghiệp” (SHCN) (industrial property) gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa và “bản quyền” (copyright) gồm các tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật.
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN) cũng như các sáng tạo trong kinh doanh, “nội hàm” của SHTT ngày càng mở rộng. Danh sách các đối tượng SHTT được bổ sung không ngừng và đặc biệt nhanh trong khoảng 30 năm gần đây. Ngày nay, có thêm những đối tượng sau đây được liệt kê thuộc các đối tượng SHTT: Các chủng vi sinh mới; các giống cây trồng mới; các thiết kế bố trí mạch tích hợp (mạch IC); phần mềm máy tính; các thông tin bí mật liên quan đến công nghệ hoặc kinh doanh (know-how và trade secret).Vài năm gần đây lại đã thấy nhu cầu phải kể thêm các chương trình vệ tinh mã hóa, tên miền trên Internet (Domain name)…
Trong lý luận về SHTT, các tài sản trên đây có các đặc tính đáng chú ý: Là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ (chứ không phải là hoạt động trí tuệ thông thường); vô hình nhưng có thể được lưu giữ và thể hiện trên các vật mang nhất định; có khả năng lan truyền, sao chép (nhân bản) mà không làm mất sự hiện diện tại nguồn.
Các dạng tài sản trí tuệ đều là sản phẩm, sự thể hiện, là thước đo đồng thời là động lực của sự tiến bộ nói chung của xã hội về tinh thần, vật chất và trình độ công nghệ sản xuất, công nghệ kinh doanh.
Các tài sản trí tuệ có thể sẽ bị hạn chế lan truyền, tức là bị giữ lại tại nguồn nếu sự lan truyền không bù đắp được các nỗ lực trong quá trình tìm tòi để sáng tạo ra tài sản.
Mục tiêu của hệ thống SHTT là khuyến khích hoạt động sáng tạo; cổ vũ đầu tư tìm kiến các giải pháp kỹ thuật – mỹ thuật ứng dụng, các tác phẩm cũng như các sáng kiến kinh doanh mới; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh đồng thời sử dụng một cách tiết kiệm và có hiệu quả nhất các nguồn lực trí tuệ của xã hội.
Việc tạo dựng, củng cố giá trị của mọi đối tượng SHTT thực chất là một quá trình đầu tư tốn kém về vật chất và trí tuệ. Trong khi đó, bản chất của cạnh tranh lại là tìm kiếm các biện pháp giảm bớt chi phí và tăng cường lợi nhuận. Việc sao chép, mô phỏng, thậm chí đắp cắp nguyên vẹn các thành quả sáng tạo kỹ thuật – kinh doanh của đối thủ là biện pháp hấp dẫn nhất để đạt được mục tiêu trên. Bởi vậy, nguy cơ chiếm đọat các sản phẩm trí tuệ là nguy cơ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng trong các nền kinh tế thị trường công nghiệp hóa. Nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguy cơ này, mọi nỗ lực chính đáng đều bị vùi dập bởi tệ nạn chiếm đoạt hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Một cơ chế pháp luật chống lại nguy cơ như vậy là đòi hỏi ngày càng gay gắt.
Biện pháp để đạt được các mục tiêu trên là thông qua việc vận hành hệ thống các qui phạm pháp luật mà xây dựng và duy trì một lĩnh vực hoạt động gọi là hệ thống bảo hộ quyền SHTT – trong đó quan hệ giữa các chủ thể liên quan đến đối tượng mang nội dung, quan hệ quyền và nghĩa vụ và các quan hệ đó được điều chỉnh sao cho phù hợp với xu thế phát triển kinh tế -xã hội. Hệ thống bảo hộ quyền SHTT được cấu thành bởi hai hệ thống chủ chốt đó là hệ thống SHCN và hệ thống quyền tác giả.
Hệ thống SHCN lại bao gồm: Hệ thống bảo hộ sáng chế (hay còn gọi là hệ thống patent; hệ thống bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và hệ thống bảo hộ thông tinbí mật. Nguyên tắc chung của các hệ thống này là thông qua việc thừa nhận và bảo vệ của pháp luật đối với các quyền SHTT mà chủ thể các quyền đó (người nắm giữ quyền) được bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất trong một thời gian nhất định đủ để khai thác nhằm không những bù đắp các chi phí đầu tư tạo ra giá trị của các đối tượng đó mà còn có thể thu được lợi nhuận để tiếp tục tạo ra các thành tựu mới. Một cách tổng quát, mọi đối tượng nói trên đều được coi là đối tượng sở hữu, các quan hệ xã hội liên quan tới các đối tượng đó được điều chỉnh chủ yếu theo nguyên tắc điều chỉnh các quan hệ sở hữu.
2. Khuynh hướng phát triển SHTT trong vài chục năm sắp tới.
+ Khuynh hướng thứ nhất, SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu chính sách kinh tế – thương mại của các quốc gia, chế độ bảo hộ SHTT phát triển ngược với chế độ bảo hộ mậu dịch.
Các động thái phát triển hoạt động thương mại, kinh tế trong khoảng 10 năm gần đây bộc lộ rõ khuynh hướng vốn đã có các dấu hiệu từ trước, đó là song song với xu hướng gỡ bỏ dần các hàng rào mậu dịch dạng phi thuế, giảm bớt các chế độ bảo hộ mậu dịch, tự do hóa thương mại là xu hương tăng cường các hàng rào bảo hộ SHTT bằng cách củng cố và tăng cường các biện pháp chế tài và mở rộng phạm vi bảo hộ các thành quả sáng tạo KH&CN và kinh doanh, SHTT nói chung và SHCN nói riêng ngày càng gắn chặt, trở thành hoạt động của bộ phận kinh tế thương mại. Khuynh hướng nói trên sẽ tiếp tục và ngày càng rõ nét trong những năm sắp tới.
+ Khuynh hướng thứ hai, SHTT sẽ nhanh chóng mở rộng phạm vi và nội dung sang các đối tượng mới đồng thời có thể sẽ phát sinh các nguyên tắc bảo hộ mới cho các đối tượng không truyền thống.
Vài chục năm truớc đây, hệ thống bảo hộ SHCN được coi là gồm có hai hệ thống chủ chốt: Hệ thống thứ nhất đó là hệ thống patent dùng để bảo hộ các sản phẩm sáng tạo kỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng và hệ thống thứ hai là hệ thống nhãn hiệu dùng để bảo hộ các kết quả sáng tạo kinh doanh và thương mại. Sau đó có thêm hệ thống thứ ba – bảo hộ thông tin bí mật (know-how và bí quyết thương mại). Việc phát triển nhanh chóng các ngành công nghệ mới làm xuất hiện nhiều đối tượng mới không phải là các đối tượng truyền thống, do đó các hệ thống truyền thống nói trên dường như sẽ không đủ thích hợp để thực hiện mục tiêu bảo hộ. Cho tới nay, việc áp dụng nguyên tắc truyền thống cho các thành tựu công nghệ sinh học – nhất là đối với gen và chủng vi sinh cũng như giống vi sinh vật – và trong công nghệ điện tử – tin học – nhất là đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp và phần mềm máy tính đã tỏ ra không hoàn toàn thích hợp. Vì vậy, bản thân các nguyên tắc bảo hộ SHCN cũng đang tiếp tục thay đổi theo hướng mở rộng và linh hoạt hơn.
Hệ thống bảo hộ quyền tác giả cũng có sự mở rộng tương tự như vậy. Vốn dĩ các đối tượng bảo hộ chỉ bao gồm các tác phẩm (khoa học, văn học, nghệ thuật), gần đây đã xuất hiện các đối tượng mới, đó là chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu. Từ chỗ chỉ bao gồm các vấn đề liên quan đến quyền tác giả, hệ thống này mở rộng cả tới các vấn đề về quyền của người thể hiện (quyền của người biểu diễn, người ghi âm, ghi hình… được coi là “quyền kế cận”).
+ Khuynh hướng thứ ba, các thao tác hành chính liên quan tới việc xác lập quyền SHCN sẽ ngày càng đơn giản, nhanh chóng; các thành tựu công nghệ mới – nhất là công nghệ thông tin – sẽ được ứng dụng và làm thay đổi căn bản hoạt động của các cơ quan SHCN.
+ Khuynh hướng thức tư, các hoạt động SHTT diễn ra theo hướng toàn cầu hóa rộng lớn và triệt để.
Việc toàn cầu hóa các hoạt động kinh tế – thương mại là nhân tố hàng đầu có tính chất quyết định đối với việc thúc đẩy sự toàn cầu hóa hoạt động SHTT – trong đó có SHCN. Những năm sắp tới khuynh hướng này sẽ càng bộc lộ rõ. Sự thâm nhập có tính chất toàn cầu các thành quả công nghệ mới đòi hỏi mọi quốc gia đều phải thiết lập các chế độ bảo hộ SHTT theo các tiêu chuẩn thống nhất khiến cho dường như sẽ không còn nền kinh tế nào không gắn liền với chế độ bảo hộ SHTT.
3. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS – WTO): Thách thức về SHTT đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Đầu năm 1995, Việt Nam đã nộp đơn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Để tham gia WTO, chúng ta cần đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có yêu cầu về SHTT được nêu trong “Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT” – gọi tắt là Hiệp định TRIPS.
+Ba vấn đề trụ cột của GATT 1994 (WTO): Thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ và bảo hộ SHTT.
Trong ba vấn đề trên, chỉ có vấn đề thứ nhất (thương mại – hay buôn bán – hàng hóa) là nội dung truyền thống của GATT. Cả hai vấn đề sau (thương mại dịch vụ và SHTT) đều là nội dung mới xuất hiện trong GATT 1994.
Lý do của việc xuất hiện vấn đề về SHTT trong GATT 1994:
- Vai trò, ảnh hưởng ngày càng cao của các sản phẩm trí tuệ đối với kết cấu giá trị của các sản phẩm truyền thống và các ngành truyền thống; xu hướng tăng giá trị và tăng khả năng cạnh tranh nhờ tăng hàm lượng trí tuệ.
- Xuất hiện nhiều sản phẩm mới, thậm chí xuất hiện nhiều ngành mới chủ yếu dựa trên việc khai thác trí tuệ: Nền công nghiệp bản quyền ngày càng phát triển (phim ảnh, ti vi, video, giải trí, phần mềm máy tính…). Sản phẩm của ngành công nghiệp bản quyền chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong thương mại.
- Đầu tư cho trí tuệ ngày càng cao và tốn kém. Trong khi đó khuynh hướng sử dụng mà không đầu tư (thực chất là đánh cắp kết quả đầu tư trí tuệ) càng ngày càng nghiêm trọng. Đã xuất hiện các “nền công nghiệp hàng giả”.
Ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh bất chính là nhu cầu cấp bách liên quan đến SHTT.
+ Hiệp định TRIPS.
Nội dung về SHTT của GATT 1994 được lập thành một văn bản riêng và được gọi là “Hiệp định TRIPS”. Hiệp định TRIPS là Hiệp định đa phương chi tiết, đầy đủ nhất về SHTT trong lịch sử phát triển hoạt động này.
Các khối, các khu vực thương mại khác (EU, NAFTA, ASEAN – AFTA…) cũng coi Hiệp định TRIPS là phù hợp với mình. Các điều kiện về SHTT nêu trong Hiệp định TRIPS là tiêu chuẩn mà Việt Nam phải đáp ứng để hội nhập với khu vực và thế giới.
+ Các tiêu chuẩn về bảo hộ SHTT do Hiệp định TRIPS ấn định. Mọi thành viên của WTO đều phải thiết lập hệ thống bảo hộ SHTT một cách đầy đủ, có hiệu quả theo 4 tiêu chuẩn tối thiểu nhất định về: Nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc bảo hộ; các đối tượng bắt buộc phải được bảo hộ và mức độ, phạm vi bảo hộ các đối tượng đó; hệ thống bảo đảm thực thi và thời hạn thực hiện các tiêu chuẩn đó.
Thứ nhất: Tiêu chuẩn về đối xử quốc gia và nguyên tắc bảo hộ.
Các nước thành viên WTO phải tuân thủ các qui định về nguyên tắc đối xử quốc gia cũng như các nguyên tắc bảo hộSHTT đã được qui định trong các hiệp ước quốc tế: Công ước Paris về bảo hộ SHCN (1883 – 1967); Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (1886 – 1971); Công ước Rome (1961) về bảo hộ người biểu diễn, người sản xuất chương trình ghi âm, ghi hình, tổ chức phát thanh, truyền hình; Hiệp ước Washington về bảo hộ SHTT trong lĩnh vực mạch tích hợp (1989).
Thứ hai: Các đối tượng SHTT bắt buộc phải bảo hộ.
- Bản quyền (quyền tác giả): Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, bao gồm cả chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu theo các nguyên tắc của Công ước Berne nhưng không bao gồm các qui định về quyền tinh thần.
- Quyền kề cận, theo nguyên tắc của Công ước Rome.
- Quyền SHCN: Nhãn hiệu hàng hóa (bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ); chỉ dẫn địa lý (bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa); kiểu dáng công nghiệp; sáng chế; thiết kế bố trí (topography) mạch tích hợp; chống cạnh tranh bất chính và thông tin bí mật (bí quyết kỹ thuật và bí quyết thương mại).
- Giống cây trồng.
Thứ ba: Tiêu chuẩn đối với hệ thống bảo đảm thực thi.
- Phải bảo đảm khả năng khiếu kiện cho người có quyền SHTT khi quyền đó bị xâm phạm.
- Phải bảo đảm khả năng khiếu naị cho người bị xử lý khi áp dụng các biện pháp chế tài hoặc khi giải quyết tranh chấp nếu người đó cho rằng mình bị xử lý sai hoặc không thỏa đáng.
- Phải có qui định rõ ràng về trình tự, thủ tục tố tụng và thủ tục hành chính liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp hoặc xử lý các xâm phạm về SHTT; các thủ tục đó phải đơn giản, có hiệu quả.
- Phải có các qui định về các biện pháp chế tài, kể cả các biện pháp hành chính hoặc hình sự để bảo đảm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyển SHTT, trong đó đặc biệt phải chú ý các biện pháp khẩn cấp, tạm thời.
- Phải có các biện pháp kiểm soát biên giới (hải quan) hữu hiệu nhằm ngăn chặn các sản phẩm xâm phạm tham gia vào lưu thông.
- Phải bảo đảm các biện pháp chế tài hình sự, chống lại các hành vi xâm phạm nghiêm trọng, qui mô lớn.
- Phải có các biện pháp thích hợp ngăn chặn và xử lý các hành vi lạm dụng quyền, đền bù thiệt hại cho bất kỳ bên nào.
Thứ ba: Thời hạn phải đạt được các tiêu chuẩn về SHTT.
Thời gian áp dụng các tiêu chuẩn về SHTT do Hiệp định TRIPS ấn định là: Từ 1/1/1996 cho các nước phát triển; từ 1/1/2000 cho các nước đang phát triển và các nước chuyển đổi nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường và từ 1/1/2005 cho các nước kém phát triển.
+ Hiện trạng của Việt Nam – so sánh với Hiệp định TRIPS.
So với Hiệp định TRIPS, hệ thống SHTT của Việt Nam đã đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhưng còn những tiêu chuẩn khác chưa đáp ứng được. Cụ thể là:
- Chưa gia nhập và cũng chưa thừa nhận ba Hiệp ước về SHTT: Công ước Berne; Công ước Rome và Hiệp ước Washington.
- Các đối tượng sau chưa được pháp luật bảo hộ: Chỉ dẫn địa lý (mới chỉ bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa); thiết kế bố trí mạch tích hợp; thông tin bí mật; chống cạnh tranh không lành mạnh và giống cây trồng.
- Hệ thống thực thi chưa đủ mạnh cả về phương diện luật pháp lẫn khả năng thực thi.
- Chưa có qui định về khả năng và thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp hoặc tạm thời cũng như giải quyết vấn đề đền bù thiệt hại.
4. Một số khuyến nghị.
- Để tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển, Việt Nam chủ trương không khuyến khích nền công nghiệp hàng giả, chủ trương tôn trọng quyền SHTT của mọi chủ thể, nghiêm cấm và nghiêm khắc xử lý các hành vi giả mạo, đánh cắp, tiếm đoạt kết quả đầu tư sáng tạo.
- Chính sách khuyến khích đầu tư cho sáng tạo công nghệ và sáng tạo trong kinh doanh không chỉ chú trọng về phương diện tinh thần mà cần phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về pháp lý thông qua hệ thống các qui phạm pháp luật để người đã đầu tư có khả năng khai thác các thành quả.
- Trong khi chú trọng bảo đảm lợi ích cho người có công sáng tạo, cần phải đồng thời chú trọng bảo đảm lợi ích của xã hội, nói cách khác phải tạo ra một trạng thái cân bằng tương đối giữa lợi ích của xã hội và lợi ích của người sở hữu các thành quả sáng tạo.
- Song song với việc bảo đảm quyền SHTT, cần phải có các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ lạm dụng quyền SHTT.
- Việc phát triển SHCN trước hết là phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước do đó phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước đồng thời phải phù hợp với đòi hỏi của qúa trình hội nhập.
Điều kiện của Việt Nam chưa đòi hỏi và chưa cho phép ngay một lúc hệ thống SHCN của mình có trình độ ngang hàng với trình độ chung của thế giới. Vì vậy, tiến trình phát triển hoạt động này phải được coi là một quá trình gồm nhiều bước, trong đó mỗi bước được xác định bởi nhu cầu và khả năng của thực tiễn để tiến tới xây dựng một hệ thống SHCN toàn diện, có trình độ tương xứng với khu vực và thế giới.
SOURCE:  TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 11/2000

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code