NGUYỄN AN LƯƠNG – Phòng PT kinh tế và dự báo- Vụ CSTT NHNN VIỆT NAM (Tổng hợp)
Năm 2007 giá
lương thực, thực phẩm (LT-TP) trên thị trường Việt Nam tăng cao đạt mức
18.9%, cao hơn nhiều so với mức lạm phát 12,63%, trong đó nhóm lương
thực tăng 15,5%, thực phẩm tăng 21,16%. Bước sang năm 2008, tình hình
vẫn không được cải thiện mà giá LT-TP ngày càng gia tăng. Chỉ trong vòng
4 tháng đầu năm giá LT-TP đã tăng 18,01%, cao gấp rưỡi mức 11,6% của
lạm phát CPI và cao tương đương bằng mức tăng giá LT-TP của cả năm 2007,
trong đó lương thực tăng 25%, còn thực phẩm tăng 15,6%. Mặc dù đánh giá
nguyên nhân khiến giá LT-TP tăng cao đã có rất nhiều bài báo đề cập
đến, tuy nhiên bài viết này xin tổng hợp lại theo hai nhóm tác động, đó
là: những tác động làm tăng mặt bằng giá chung trong đó có nhóm LT-TP và
những tác động làm tăng riêng giá LT-TP.
Những tác động làm tăng mặt bằng giá chung (CPI):
Thứ nhất: Giá LT-TP toàn cầu tăng, do các nguyên nhân sau:
Thiên tai dịch bệnh gia tăng, diện tích đất chăn nuôi trồng trọt thu hẹp và việc sản xuất nhiên liệu sinh học:
Xuất phát từ quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu khiến thiên tai liên
tiếp xẩy ra như động đất, sóng thần, bão lũ lụt, cùng với dịch bệnh lan
rộng như dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, bò điên…xuất hiện ở
nhiều nơi trên thế giới cùng với những năm qua kinh tế trên thế giới
tăng trưởng mạnh đã làm quá trình công nghiệp hoá được đẩy mạnh khiến
diện tích đất sử dụng cho trồng trọt, chăn nuôi bị thu hẹp, đặc biệt là
tại Philippine trong khi dân số tăng rất nhanh thì đất chuyển từ trồng
trọt sang sân gold, khu công nghiệp hoá, đô thị lại khá lớn làm sản
lượng LT-TP ngày càng giảm mạnh. Ngoài ra, giá năng lượng tăng cao đã
khiến nhiều nước sử dụng một sản lượng lớn ngũ cốc chuyển sang sản xuất
nhiên liệu sinh học càng làm cho nguồn cung lương thực đã giảm lại càng
giảm sút. Tình trạng khan hiếm gạo toàn cầu đã đẩy Mỹ – một nền kinh tế
bình quân từ năm 2001-2005 đã xuất gạo thứ 4 thế giới lâm vào tình trạng
người dân tích trữ gạo do lo sợ không đủ nguồn cung khiến giá gạo càng
bị đẩy lên cao hơn nữa.
Giá dầu và giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp liên tục gia tăng:
Trong 4 năm từ 2003-2006 kinh tế toàn cầu liên tục tăng trưởng cao, đặc
biệt là nhóm các nước “mới nổi” ở khu vực Châu á, nhất là Trung Quốc đã
đẩy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng cao đột biến, cùng với những bất
ổn và xung đột chính trị quân sự tại khu vực Trung Đông là các nguyên
nhân trực tiếp đẩy giá dầu lên cao chưa từng có trong lịch sử 120
USD/thùng, đồng thời giá các nguyên vật liệu đầu vào khác như gas, phân
bón, thuốc trừ sâu…cũng liên tục gia tăng. Kết quả là giá dầu đã tăng
80%, phân bón tăng 65%, khí hoá lỏng tăng 95% kể từ đầu năm 2007 đến
tháng 3/2008 và đây cũng là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Một khối lượng tiền lớn được đưa ra nền kinh tế toàn cầu:
Kinh tế toàn cầu có biểu hiện rơi vào suy thoái từ những tháng cuối năm
2007, mà biểu hiện bắt đầu là cuộc khủng hoảng cho vay dưới tiêu chuẩn
của Mỹ vào tháng 7/2007 sau đó lan rộng toàn cầu. Điều này khiến các
NHTW không còn cách nào khác là phải bơm một lượng tiền khổng lồ để cứu
vãn nền kinh tế, trong đó riêng Mỹ từ tháng 8/2007 đến 3/2008 đã phải
đưa ra nền kinh tế trên 2.300 tỷ USD, trong đó có 800 tỷ USD tiền mặt để
cứu vãn hệ thống ngân hàng, NHTW Châu Âu, Nhật Bản, Anh cũng phải đưa
một lượng tiền lớn để cứu vãn nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng;
cùng với việc một số NHTW phải thực hiện cắt giảm lãi suất từ tháng
8/2007 trở lại đây như Mỹ, Anh, Canada. Việc cứu vãn nền kinh tế thế
giới rơi vào suy thoái bằng biện pháp đưa hàng nghìn tỷ USD ra nền kinh
tế lại càng đẩy lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao, trong đó có giá
lương thực thực phẩm.
Thứ hai: Chi phí sản xuất tăng cao:
Trước bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng đã tác động
làm giá hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ
như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu – là những nguyên nhiên vật liệu
đầu vào chính của sản xuất. Mặc dù Chính phủ đã cố gắng kiểm soát giá
xăng dầu, nhưng từ đầu năm 2007 đến hết Quý I/08 giá xăng dầu đã phải
điều chỉnh tăng 4 lần, tính chung giá xăng dầu đã tăng tới 38%, giá điện
tăng 7,6%; giá than tăng 30%; giá phân bón tăng 58%, thuốc bảo vệ thực
vật như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu cũng tăng giá khoảng 100% . Ngoài
ra còn do khâu lưu thông phân phối và do các cửa hàng đã cộng thêm lãi
suất 2%/tháng, tính từ ngày mua tới hết vụ (thường 3-4 tháng).
Thứ ba: Chính sách tiền tệ từ 2001-2007 được nới lỏng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng:
Trong vòng 7 năm trở lại đây kinh tế Việt Nam liên
tục tăng trưởng ở mức rất cao gần 8% (7,74%), và mục tiêu của giai đoạn
này đối với Chính phủ Việt Nam là ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Với mục
tiêu này đã khuyến khích cho “chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng đã
thực hiện trong nhiều năm liền..” khiến tổng phương tiện thanh toán tăng
cao trong khi tăng trưởng kinh tế giai đoạn này tăng tháp hơn nhiều nên
đã tác động tới cân bằng tiền hàng khiến mặt bằng giá của Việt Nam liên
tục gia tăng trong đó có mặt hàng LT- TP.
Những tác động tới riêng giá lương thực thực phẩm:
Thứ nhất: Do cầu lúa gạo liên tục gia tăng:
Nhu cầu lương thực trên thị trường thế giới gia tăng
dẫn đến gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục gia tăng: Nếu như năm 2004,
xuất khẩu gạo của Việt Nam là 4 triệu tấn thì năm 2005 là 5,2 triệu tấn.
Từ năm 2006, để đảm bảo an ninh lương thực Chính phủ đã phải chốt hạn
ngạch nên năm 2006 và 2007 lượng gạo xuất khẩu giảm xuống lần luợt là
4,8; 4,5 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao 24% năm
2007.
Bốn tháng đầu năm 2008 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam
đã tăng đột biến lên mức 233% so với cùng kỳ năm 2007 mặc dù Chính phủ
đã ban hành Công văn 639/BTM-XNK ngày 16/8/2007 và Công văn số
266/TTg-KTTH ngày 21/2/2008 để khống chế lượng gạo xuất khẩu tối đa từ
3,5-4 triệu tấn nhằm kiểm soát lạm phát và đảm bảo an ninh lương thực
trong nước. Tuy nhiên tính đến hết tháng tư lượng gạo xuất khẩu của Việt
Nam mới xuất được gần 1,6 triệu tấn nên có thể các doanh nghiệp vẫn
tiếp tục thu mua cho đến khi hết hạn ngạch cho phép là 3,5-4 triệu tấn.
Thứ hai: Nguồn cung tăng trưởng chậm so với cầu:
Thiên tai và dịch bệnh liên tục xảy ra: Biến
đổi khí hậu toàn cầu trên thế giới không những tác động đến nhiều quốc
gia mà Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ trong tháng 10/2007, miền
Trung phải hứng chịu 5 cơn bão liên tiếp, và đợt rét đậm rét hại lịch
sử trong vòng ba mươi năm qua khiến nhiều héc ta mạ reo cấy bị chết cùng
hàng loạt gia súc chết như trâu bò (127 nghìn con), gà lợn.. trong khi
đó dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt như cúm gia cầm, lợn tai xanh,
lở mồm long móng ở lợn, vàng lùn ở lúa cùng với rét đậm khiến cho nguồn
cung LT-TP bị sụt giảm .
Chỉ tính riêng trong năm 2007, dịch bệnh tai xanh đã
xuất hiện ở 324 xã thuộc 65 huyện của 19 tỉnh thuộc cả 3 miền Bắc,
Trung, Nam. Tổng số gia súc mắc bệnh là trên 70.000 con, số chết và phải
tiêu hủy là trên 20.000 con nhưng chăn nuôi lợn lại chiếm tới 70% GDP
của toàn ngành. Mỗi năm ngành chăn nuôi cung cấp cho thị trường khoảng
2,8 triệu tấn thịt lợn thương phẩm. Nhưng với trên 222.000 con lợn mắc
bệnh trên địa bàn 657 xã của 10 tỉnh thành trong cả nước như hiện nay,
thì theo ước tính, nếu dịch bệnh dừng lại, sản lượng thịt lợn thương
phẩm sẽ giảm khoảng 10%.
Diện tích đất trồng trọt và chăn nuôi bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá:
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong nhiều năm khiến diện tích đất
nông nghiệp chuyển sang đô thị hoá là khá lớn. Kết quả là diện tích
trồng lúa giảm qua các năm 2006: giảm -0,1% so với năm 2005, 2007: giảm
-1,7% so với 2006, nhưng do năng suất bình quân tăng nên sản lượng năm
2006 giảm -0,1% so với năm 2005 còn năm 2007 lại tăng chút ít 0,1% so
với năm 2006. Điều này dẫn tới giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2007
tăng 2,9% thấp hơn so với mức 3,6% của năm 2006, trong đó cả trồng trọt
lẫn chăn nuôi đều có mức tăng thấp hơn năm 2006 lần lượt ở mức 2,4% và
4,6% so với 2,7% và 7,3%.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên-Môi trường, từ 2001
-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi
nông nghiệp tới trên 366.000ha, bình quân mỗi năm diện tích đất nông
nghiệp bị thu hồi trên 73.000ha, theo tính toán trung bình cứ 1ha đất
thu hồi, sẽ làm hơn 10 lao động nông dân thất nghiệp. Cũng theo thống kê
50% số đất nông nghiệp bị thu hồi trong thời gian qua nằm trong những
vùng canh tác trọng điểm. Trong đó, 80% diện tích đất này thuộc loại đất
màu mỡ . Với diện tích bị thu hồi thuộc đất ruộng màu mỡ thì mỗi vụ lúa
Việt Nam đã mất hàng nghìn tấn lúa. Đơn cử tại Bắc Ninh, tổng sản lượng
lúa trong vài năm trở lại đây đã giảm mạnh do đất nông nghiệp giảm, năm
2008, diện tích đất trồng trọt còn hơn 42.000ha. Tại TP Hà Nội bình
quân một năm giải phóng mặt bằng gần 1.000ha, trong đó chiếm tới 80% là
đất nông nghiệp. Theo dự kiến năm 2008, Hà Nội sẽ thu hồi 1.500ha, trong
đó 904 ha đất hai vụ lúa.
Triển vọng giá lương thực thực phẩm trong thời gian tới
Giá LT-TP dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Sức cầu về lương thực xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng cao mặc dù dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2008 gia tăng:
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USAD) và các tổ chức quốc
tế. Lúa gạo và lúa mỳ sẽ bội thu trong năm nay, theo đó sản lượng lúa mỳ
toàn cầu sẽ tăng 8%, lên mức kỷ lục 656 triệu tấn; sản lượng gạo cũng
tăng lên mức kỷ lục 432 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với niên vụ
2007/2008. Tuy nhiên, giá lương thực sẽ vẫn cao trong vài năm tới chủ
yếu do tình trạng thiếu hụt và khan hiếm lương thực, đặc biệt tại các
nước kém phát triển ở châu Phi và Nam Á; Giá các nguyên liệu phục vụ
nông nghiệp, như hạt giống và phân bón, không ngừng tăng đẩy giá lương
thực tăng lên; Giá thành chi phí bảo quản, dự trữ gạo ngày một tăng cao,
các nước liên tiếp cắt giảm lượng gạo tồn kho, khiến lượng gạo dự trữ
toàn thế giới giảm; Ngoài ra, hạn hán, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về
sản lượng nông nghiệp; Nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực, cũng
khiến giá leo thang…
Nguồn cung thực phẩm vẫn giảm sút: Trong khi
tình hình lợn tai xanh lan rộng sẽ dẫn tới số lượng con giống chắc chắn
sẽ thiếu hụt, nhưng cho tới nay chưa thể có những dự đoán vì tình hình
bệnh dịch vẫn chưa dừng lại còn dịch cúm gia cầm có biểu hiện bùng phát.
Các giải pháp kiểm soát giá LT-TP:
Thứ nhất: Đối với gia cầm, gia súc:
Ngoài những nỗ lực dập dịch và công việc hiện nay là
phải đặc biệt quan tâm bảo vệ các trang trại giống vì đây là đối tượng
có vai trò quyết định trong việc khôi phục lại đàn sau khi hết dịch.
Thứ hai: Đối với lương thực:
Có thể tham khảo một số giải pháp của Trung Quốc nhằm
đối phó với giá lương thực: Cũng như Việt Nam giá lương thực, đặc biệt
là gạo và thịt lợn tăng chóng mặt, đã tác động tiêu cực tới đời sống
hàng trăm triệu hộ dân ở Trung Quốc và đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên mức
cao nhất 12 năm qua. Trung Quốc đang áp dụng biện pháp tăng cung để giảm
giá bằng các giải pháp sau:
Ngăn chặn tình trạng mất đất canh tác: Chính
phủ Trung Quốc đã ban hành quy định về bảo vệ đất canh tác và phát động
các chiến dịch điều tra việc sử dụng đất của các doanh nghiệp, bắt giữ
2.700 quan chức sai phạm trong sử dụng đất. Chính quyền các cấp ở Trung
Quốc cũng đã thực thi một loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tình
trạng mất đất canh tác do quá trình đô thị hóa, nếu muốn triển khai bất
kỳ dự án phát triển nào có liên quan tới sử dụng đất canh tác, thì
trước tiên dự án đó phải được phê chuẩn, nếu không sẽ bị cắt nước, điện,
khí đốt và không được vay vốn ngân hàng.
Chú trọng tự cung, tự cấp lương thực: Cách tốt nhất
để tránh tác động tiêu cực của tình trạng thiếu lương thực toàn cầu đẩy
giá lương thực tăng cao đe doạ ổn định xã hội như hiện nay là vấn đề tự
túc để bảo đảm an ninh lương thực được Chính phủ Trung Quốc đặt lên hàng
đầu. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, sau khi thực hiện chính sách “cởi
trói”, chia ruộng khoán cho các hộ dân làm ăn riêng lẻ, Trung Quốc đã
bảo đảm tự túc lương thực cho hơn 1 tỷ dân nước này. Trong chuyến đi
kiểm tra công tác gieo trồng vụ xuân tại tỉnh Hà Bắc đầu tháng 4/2008,
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết lượng lương thực dự trữ của nước này đạt
150-200 triệu tấn, chiếm 30-40% sản lượng gạo hàng năm của đất nước đủ
khả năng để tự cung cấp cho 1,3 tỷ dân của mình.
“Giữ chân” người nông dân ở lại với đất bằng cách hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp nông thôn:
Khi cơn bão giá lương thực toàn cầu tràn tới là một
dấu hiệu thị trường khuyến khích nguồn cung lớn hơn do lợi nhuận nông
dân gia tăng nên họ sẽ tranh thủ sản xuất và bán ra. Nhưng nếu vì ổn
định an ninh lương thực và kiềm chế lạm phát mà Chính phủ hạn chế xuất
khẩu gạo thì người nông dân thu nhập sẽ rất thấp do chi phí sản xuất thì
gia tăng mà giá đầu vào bị chặn do không được xuất khẩu sẽ dẫn người
dân sẽ bỏ ruộng. Một nghiên cứu gần đây của CCTV cho hay, hơn 11% đất
trồng tại Trùng Khánh sẽ không còn được dùng để trồng lúa vì năng suất
và lợi nhuận thấp do chi phí đầu vào từ phân bón, giống đều tăng, cùng
những biến động thời tiết tạo áp lực lớn cho đời sống và sản xuất của
người nông dân. Ở mức giá gần đây, nông dân chỉ kiếm được chừng 500 nhân
dân tệ trên một mẫu đất trồng lúa mà chưa tính chi phí lao động. Trong
khi đó, họ có thể kiếm được hàng ngàn nhân dân tệ từ các nghề lao động ở
thành phố khi làm công nhân di cư. Do đó Chính phủ Trung quốc đã nhanh
chóng thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính nữa để ’’giữ chân’’
người nông dân ở lại với nghề trồng lúa.
Theo Tân Hoa Xã, năm 2008, Trung Quốc cam kết chi
562,2 tỷ Nhân dân tệ (80,1 tỷ USD) cho sản xuất nông nghiệp và phát
triển nông thôn. Tháng 3/2008, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi
thêm 25,2 tỷ Nhân dân tệ (3,6 tỷ USD) cho ngân sách nông thôn năm 2008
gồm: (i) hỗ trợ nông dân mua giống, dầu diezen, phân bón và nguyên liệu
phục vụ sản xuất nông nghiệp; (ii) động viên và bảo hộ sáng kiến của
nông dân trong trồng cây lương thực để tăng năng suất; (iii) tăng giá
thu mua tối thiểu hai mặt hàng gạo và lúa mì lần thứ 2 trong năm để
khuyến khích sản lượng ngũ cốc và kiềm chế lạm phát từ ngày 28/3, theo
đó, mức giá tối thiểu thu mua gạo là từ 77-82 NDT/50 kg, giá lúa mì
tương ứng là từ 72-77 NDT, tăng trung bình từ 2-7 NDT cho mỗi bao ngũ
cốc (Trung Quốc bắt đầu áp dụng giá thu mua tối thiểu từ năm 2004).
Ngoài ra, trước tình trạng mất đất canh tác ngày càng
trầm trọng thì Chính phủ tất cả các quốc gia cần có hành động ngay nhằm
ngăn chặn hoạt động xâm chiếm đất canh tác, đất trồng lúa, hoạt động
phá rừng; kiềm chế tốc độ đô thị hoá, xây dựng khu công nghiệp, khu vui
chơi giải trí; đối phó với hiện tượng sa mạc hoá… và phải thực hiện cuộc
cách mạng Xanh ở tất cả các nước.
0 comments:
Post a Comment