TS. NGUYỄN MINH PHONG – Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội Trong
lịch sử đấu tranh với lạm phát ở Việt Nam từ năm 1976 đến nay, ngành
ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng. Tuy
nhiên, trong các nguyên nhân của động thái lạm phát tiêu cực diễn ra
những năm 2007 và 2008 ở nước ta, không thể không nhận thấy những bất
cập của các chính sách tiền tệ, cũng như của bản thân ngành ngân hàng.
Những bất cập này thể hiện ở việc điều hành tỷ giá, ở
chính sách cung tiền và quản lý ngoại tệ, ở các hoạt động tín dụng và ở
chính sách lãi suất… từ đó gây ra 3 nghịch lý sau đây:
Đồng tiền Việt Nam bị định giá quá cao
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: chủ trương
và chỉ đạo chung, sự gia tăng về chi phí đầu vào, cũng như phần lớn các
hoạt động ngoại thương và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đều được thực
hiện thông qua USD. Bản thân việc duy trì quá lâu tỷ giá gần như cố định
giữa VND và USD đã khiến VND luôn bị định giá quá cao, làm cho hàng
Việt Nam trở nên đắt đỏ trên thị trường thế giới và nhập siêu tăng vọt
trong 2 năm 2007 và 2008. Hơn nữa, sự bất cập trong điều hành tỷ giá của
NHNN còn thể hiện ở chỗ, một mặt, NHNN chỉ đạo bắt buộc các NHTM chỉ
được mua vào USD đang dồi dào với giá sàn đắt đỏ hơn nhiều giá trên thị
trường để duy trì tỷ giá VND danh nghĩa. Mặt khác, NHNN lại không chịu
mua lại số USD này theo giá sàn trên khiến các NHTM “chê”" USD, xuất
hiện thực tế đầy nghịch lý là lạm phát cao, trong khi các nhà đầu tư
nước ngoài khan hiếm VND và thừa USD. Hệ quả là cuộc săn lùng VND của
các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài trở nên nóng bỏng hơn, khiến có
những sự “bán tháo USD và nghẽn mạch lưu thông tiền tệ, gây tổn hại
chung cho nền kinh tế đất nước.
Do đó, NHNN cần duy trì một tỷ giá “mềm” hơn, không
“neo” quá “cứng” vào một đồng ngoại tệ, cụ thể là hạ giá VND sát, thậm
chí thấp hơn thực tế để hỗ trợ xuất khẩu. Giải quyết vấn đề này, kinh
nghiệm của Trung Quốc là rất đáng tham khảo.
Bên cạnh đó, hoạt động mua ngoại tệ cần phải được
tiến hành bình thường, không phải bằng tiền phát hành mà bằng tiền huy
động, ví dụ qua phát hành công trái…
Vi phạm chính sách lãi suất tiền gửi thực dương
Một trong những nguyên tắc cơ bản và phổ biến của
“đơn thuốc” chống lạm phát tiền tệ trong kinh tế thị trường là thực hiện
lãi suất thực dương – tức lãi suất tiền cho vay cao hơn lãi suất tiền
huy động và lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát. Tuy nhiên, dù
buộc phải vào cuộc chống lạm phát, nhưng bất chấp chỉ đạo của Chính phủ
là phải bảo đảm lãi suất thực dương, trong cả 2 năm 2007 và 2008, các NH
Việt Nam mới thực hiện được ½ đơn thuốc này, tức mới bảo đảm lãi suất
tiền cho vay cao hơn lãi suất huy động, còn lãi suất huy động lại thấp
hơn nhiều mức lạm phát.
Thậm chí, lo ngại sự đảo chiều của các dòng tiền gửi,
nhất là việc một số NHTMNN bị các NH khác cạnh tranh hút bớt khách gửi
tiền, NHNN còn yêu cầu các NHTM phải triệt để áp dụng trần lãi suất huy
động 12%, rồi phải hạ tiếp xuống 11%…, trong khi mức lạm phát cùng thời
điểm là 16 -18%, hơn nữa lại cho phép thả nổi trần lãi suất cho vay. Kết
quả, dư lượng tiền thừa trong lưu thông vẫn quá nhiều trong khi nhiều
ngân hàng không huy động đủ tiền mặt để bảo đảm tính thanh khoản, cho
vay cần thiết.
Những tồn tại này đến nay chỉ có thể được cứu vãn bởi
quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng mạnh lãi suất thực dương để hút
tiền vào, tất nhiên chỉ trong một thời điểm nhất định, và dùng chính
tiền đó để mua USD.
Hoạt động tín dụng còn chạy theo bề rộng
Làn sóng thành lập các ngân hàng mới, đua nhau tăng
vốn điều lệ và phát hành các loại chứng khoán mới, sự gia tăng các hoạt
động cho vay chéo, đầu tư đa ngành mang nặng tính đầu cơ… đã tạo ra
những xung lực cực mạnh làm gia tăng tổng phương tiện lưu thông, gây ra,
dung dưỡng và thúc đẩy vòng xoáy tăng giá – lạm phát trong thời gian
gần đây ở nước ta. Hơn nữa, trong khi thoải mái “mua rẻ – bán đắt” các
nguồn vốn đang dồi dào của xã hội, các ngân hàng đã “ngậm miệng ăn tiền”
trong năm 2007, hoặc nhân danh chống lạm phát trong năm 2008 thanh minh
việc khống chế trần huy động vay tín dụng thấp để cho vay thấp, giúp
giảm giá thành và kiềm chế tăng giá chung, trong khi luôn cho vay theo
lãi suất cao không bị hạn chế. Rốt cuộc, họ đều thu được các khoản lợi
nhuận kếch xù từ chênh lệch lãi suất vay và cho vay, từ chênh lệch giá
ảo với giá khởi điểm của các chứng khoán ngân hàng và cả từ nguồn thu
phí dịch vụ kinh doanh chứng khoán các loại…
Thực tế này đã đến lúc phải điều chỉnh theo hướng hạn
chế thấp nhất hoạt động cho vay bề rộng mang tính đầu cơ như cho vay
bất động sản, chứng khoán, đầu tư dàn trải… Đồng thời, cần hạn chế sự
“bắt tay” giữa 3 giới: các DN lớn, ngân hàng, quan chức, để tránh việc
nguồn vốn bị đọng ở các dự án đầu tư không hiệu quả và tránh những hiện
tượng lũng đoạn nào đó cho nền kinh tế.
Như vậy, đã đến lúc cần có cái nhìn toàn cục, tỉnh
táo và mới hơn về hoạt động NH trong nền kinh tế thị trường thời hội
nhập, thống nhất về nhận thức, hoàn thiện hơn về chính sách và bổ sung
các công cụ quản lý cần thiết và hiệu quả, nhằm chủ động phát huy các
vai trò tích cực, phòng ngừa và khắc phục kịp thời các bất cập và hệ quả
trái chiều của hoạt động ngân hàng, góp phần kiềm chế vững chắc lạm
phát nói riêng và phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững nền kinh tế –
xã hội của đất nước nói chung.
0 comments:
Post a Comment