HÀ VŨ
Đất đai mang lại hoa
thơm quả ngọt cho đời. Đời người sinh ra từ đất, lớn lên trên mặt đất
rồi khi chết cũng lại trở về với đất. Nhưng cũng từ đất, đã có biết bao
nhiêu tấn bi kịch xảy ra. Trong những tấn bi kịch đầy đau đớn ấy, tất
nhiên đất không có tội mà tội lỗi sinh ra từ lòng tham tự trong chính
mỗi con người. Một câu chuyện đau lòng vừa xẩy ra ở ngay thủ đô Hà Nội,
nguyên do phát sinh cũng từ đất mà hai chị em ruột suýt lâm cảnh "nồi da
nấu thịt "…
Phán quyết chưa công bằng…
Theo tìm hiểu của ĐS &PL tại địa phương, thực
hiện chính sách giãn dân, năm 1976, HTX nông nghiệp Đại Mỗ đã cấp cho 2
vợ chồng cụ là Nguyễn Văn Sửu và Lê Thị Mứt (ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm –
Hà Nội) được 351m2 đất ở thuộc thửa 381, 383 tờ bản đồ số 3. Sau đó, vợ
chồng cụ Sửu cùng các con đã xây dựng một căn nhà cấp 4. Tiếp theo đó,
năm 1986, vợ chồng cụ Sửu đã cho người con trai thứ của mình là ông
Nguyễn Gia Sơn đứng tên chủ sử dụng đất trong trích lục bản đồ của UBND
xã Đại Mỗ. Từ năm 1992 tới 1997 hai vợ chồng cụ Sửu mất đột ngột nên
không để lại di chúc. Tuy nhiên, để ổn định cuộc sống và mảnh đất của
cha mẹ để lại, năm 2005, vợ chồng ông Sơn làm đơn đề nghị cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, Hội đồng đăng ký đất đai xã Đại Mỗ đã tổ chức
xét duyệt và ngày 19.5.2005, mảnh đất trên được UBND huyện Từ Liêm chính
thức cấp sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Bảo (vợ ông Sơn).
Tuy nhiên, theo ông Sơn trình bày thì cuộc sống của
gia đình đang bình yên, bất ngờ tháng 5.2007, không hiểu lý do gì bà
Nguyễn Thị Tài (chị gái ruột của ông Sơn), đã đâm đơn khởi kiện em trai
mình và yêu cầu chia thừa kế ngôi nhà và mảnh đất trên của ông Sơn.
Theo bản án sơ thẩm số 30/2007/DS-ST ngày 28.9.2007
của TAND huyện Từ Liêm, HĐXX chấp nhận "tuốt tuột" hầu hết yêu cầu của
bà Tài. Tòa sơ thẩm còn nhận định bà Bảo đã tự ý kê khai cấp "sổ đỏ" và
cho rằng việc bà Bảo làm "sổ đỏ" bà Tài không biết (?). Phán quyết cuối
cùng của Tòa là nhà đất có diện tích 351m2 thuộc thửa 16, tờ bản đồ 6
tại thôn Chợ là tài sản chung của vợ chồng cụ Sửu nên phải chia đều cho 6
người con, trong đó có bà Tài và ông Sơn, mỗi kỷ phần là 43, 8m2. Ngoài
ra ngôi nhà cấp 4 cũng là tài sản chung (trị giá khoảng 27, 5 triệu
đồng) cũng được chia làm 6 phần.
Quá bất bình trước bản án sơ thẩm của TAND huyện
Từ Liêm, vợ chồng ông Sơn đã làm đơn kháng án. Phần đông chị em ruột của
ông Sơn đều quả quyết, mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của vợ chồng
ông Sơn vì đã được bố mẹ cho riêng. Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm,
TAND TP.Hà Nội đã không xem xét thấu đáo những nội dung trên mà cho rằng
việc tòa sơ thẩm xác định mảnh đất 351m2 và căn nhà cấp 4 mà vợ chồng
ông Sơn đang sử dụng là tài sản chung của 2 vợ chồng cụ là Nguyễn Văn
Sửu và LêThị Mứt là đúng.
Đất có "sổ đỏ": Vẫn bị cưỡng chế?
Vì sao tòa án các cấp lại phủ nhận giá trị của Giấy
CNQSDĐ mà UBND huyện Từ Liêm đã cấp cho gia đình ông Sơn? ông Nguyễn
Viết Hùng (Phó chủ tịch UBND xã Đại Mỗ) khẳng định với ĐS &PL, trong
quá trình lập hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ, UBND xã đã làm đúng qui định
của pháp luật. Theo đó, dựa trên tờ khai của hộ bà Nguyễn Thị Bảo, ngày
4.2.2005, Hội đồng đăng ký đất đai xã Đại Mỗ đã tổ chức xét duyệt và
tuyệt nhiên từ đó tới nay không có khiếu kiện gì. Tháng 8.2005, xã có tờ
trình gửi UBND huyện Từ Liêm và ngày 19.5.2005, mảnh đất trên được
chính thức cấp sổ đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Bảo (vợ ông Sơn). Bên cạnh
đó, cũng theo tìm hiểu của ĐS &PL, ông Lê Văn Bi (cán bộ quản lý
ruộng đất xã Đại Mỗ cũng thừa nhận: "Ban đầu mảnh đất trên là đất giãn
dân được cấp cho cụ Nguyễn Văn Sửu, sau đó chuyển tên cho con trai là
ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên trong sổ địa chính của xã".
Rõ ràng trong quá trình xét xử, các cấp tòa đã đưa ra
những phán quyết chưa công bằng, thiếu khách quan, không xem xét đến
quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Sơn, người đã quản lý, sử
dụng mảnh đất trên hàng chục năm trời. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi
nghi vấn: Liệu có gì uẩn khúc sau những bản án "nghiêng" về phía nguyên
đơn?
Về vụ chia thừa kế trên, luật sư Vương Trọng Thế (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định: TAND huyện Từ Liêm chia thừa kế về đất như vậy là sai. Năm 1976, 351m2 đất giãn dân ở thửa 16, tờ bản đồ số 6 thôn Chợ được cấp cho cụ Sửu. Năm 1986 (thời điểm chưa có Luật Đất đai và Bộ Luật Dân sự) vợ chồng cụ Sửu vẫn còn sống nhưng đã để cho ông Nguyễn Gia Sơn đứng tên trong trích lục bản đồ là mặc nhiên thừa nhận chủ sử dụng đất là ông Sơn. Như vậy, kể từ năm 1986, mảnh đất không còn là tài sản của vợ chồng cụ Sửu nữa.
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment