THS. NGUYỄN THỊ THỦY - ĐH LUẬT TP HCM
Cũng giống
như bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào, đối tượng kinh doanh sẽ chi
phối rất nhiều đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đó. Trong bảo
hiểm tài sản, đặc tính của từng loại tài sản và rủi ro liên quan đến các
tài sản chi phối và hình thành nên kỹ thuật bảo hiểm của các nghiệp vụ
bảo hiểm tài sản. Đồng thời pháp luật bảo hiểm tài sản cũng bị chi phối
bởi những đặc trưng này. Pháp luật được ban hành để điều chỉnh các quan
hệ xã hội, do vậy, pháp luật sẽ bị chi phối bởi những đặc trưng của các
quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Trong quan hệ bảo hiểm tài sản, những
yếu tố chủ yếu chi phối quy định của pháp luật bảo hiểm tài sản bao gồm:
rủi ro, nguyên tắc có quyền lợi đối với tài sản bảo hiểm, nguyên tắc
trung thực tuyệt đối, trách nhiệm bảo hiểm được giới hạn theo giá trị
tài sản, quan hệ bảo hiểm tài sản là quan hệ bồi thường.
1. Rủi ro
Rủi ro là khái niệm đầu tiên cần đề cập khi nói về
bảo hiểm nói chung và bảo hiểm tài sản nói riêng vì rủi ro là cơ sở để
hình thành nên bảo hiểm, có rủi ro mới có bảo hiểm. Có rất nhiều quan
niệm khác nhau về rủi ro. Chẳng hạn, theo Allan Wilett: “Rủi ro là sự
bất trắc cụ thể liên quan đến việc xuất hiện một biến cố không mong đợi”
. Theo David Bland: “Rủi ro ám chỉ một số hình thức không chắc chắn về hậu quả của một tình huống nhất định”.
Còn theo tác giả Nguyễn Hải Sản: “Rủi ro thường được định nghĩa là xác
suất có thể xảy ra một thiệt hại. Nó là sự may rủi về một hậu quả không
có lợi hay là sự tiến triển dẫn tới kết quả gây ra một thiệt hại kinh tế
đối với cá nhân hoặc một công ty”.
- Rủi ro là khả năng xảy ra một sự cố không may.
- Rủi ro là sự kết hợp các nguy cơ.
- Rủi ro là sự không thể đoán trước một khuynh hướng dẫn đến kết quả thực khác với kết quả dự đoán.
- Rủi ro là sự không chắc chắn về tổn thất.
- Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất.
Như vậy, dù định nghĩa dưới góc độ nào thì rủi ro cũng phải bao hàm những yếu tố sau đây:
Thứ nhất, rủi ro là sự không chắc chắn mà
chúng ta coi là mối ngờ vực đối với tương lai. Ở đây, chúng ta phải xem
xét đến các yếu tố có khả năng hay không có khả năng xảy ra một sự cố,
thời gian và không gian xảy ra sự cố này (có thể xảy ra vào lúc nào, ở
đâu). Bởi vì đã là sự ngờ vực thì phải nằm ngoài ý chí chủ quan của con
người.
Thứ hai, nói đến rủi ro, tức phải nói đến
tổn thất hoặc hậu quả do một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra. Yếu tố căn
bản của rủi ro là mức độ nghiêm trọng của nó và đặc biệt là hậu quả mà
nó có thể gây ra như thế nào.
Như vậy, rủi ro là sự không chắc chắn chứ không phải
là tổn thất, nó chỉ là yếu tố gây ra tổn thất. Điều gì chắc chắn không
xảy ra (0% khả năng tổn thất) hay chắc chắn sẽ xảy ra (100% khả năng tổn
thất) thì không phải là rủi ro. Còn bất kỳ sự cố nào mà xác suất xảy ra
trong khoảng từ trên 0% đến dưới 100% (0%<rủi ro<100%) đều có sự
không chắc chắn, và do vậy sẽ có rủi ro.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra một khái niệm về rủi ro như sau: Rủi
ro là những tình huống bất trắc xảy ra ngoài ý muốn của con người là
yếu tố dẫn đến những tổn thất nhất định về mặt vật chất hoặc tinh thần.
Rủi ro là một khái niệm quan trọng, một thuật ngữ cơ
bản trong bảo hiểm. Suy cho cùng, nguyên lý của bảo hiểm là “không có
rủi ro thì không có bảo hiểm”. Đối với các
doanh nghiệp bảo hiểm, trong thực tế, không những cần phải nghiên cứu,
nắm bắt được quy luật của rủi ro, dự kiến được rủi ro, phát hiện rủi ro,
nhận diện rủi ro mà còn phải biết đánh giá rủi ro và lựa chọn những rủi
ro có thể bảo hiểm để tiến hành hoạt động kinh doanh của mình. Còn đối
với nhà nước, là chủ thể quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh
nghiệp bảo hiểm, phải dựa vào đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực bảo
hiểm mà có những quy định phù hợp nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong
kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, đối tượng kinh doanh của các doanh nghiệp
bảo hiểm là rủi ro, là sự không chắc chắn, nên thực chất hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp bảo hiểm là bán các lời hứa trong tương lai. Các
lời hứa này chính là các cam kết chi trả về tài chính từ phía doanh
nghiệp bảo hiểm, do vậy, pháp luật phải có cơ chế phù hợp để doanh
nghiệp bảo hiểm đảm bảo được khả năng tài chính của mình.
Tham gia vào quan hệ bảo hiểm nói chung và bảo hiểm
tài sản nói riêng, mục đích của bên mua bảo hiểm là hoán chuyển rủi ro
cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do vậy, khi tiến hành giao kết hợp đồng bảo
hiểm, bên mua bảo hiểm phải đảm bảo tài sản bảo hiểm vẫn còn tồn tại và
có khả năng rủi ro xảy ra đối với tài sản mà mình mua bảo hiểm. Bởi vì,
như chúng ta đã phân tích, những gì chắc chắn 100% xảy ra tổn thất thì
không phải là rủi ro, trong khi đó đối tượng kinh doanh của doanh nghiệp
bảo hiểm là rủi ro. Do đó, để thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt
động kinh doanh bảo hiểm, pháp luật không thừa nhận một quan hệ bảo hiểm
mà khi tiến hành mua bảo hiểm, rủi ro đã xảy ra đối với đối tượng bảo
hiểm.
Ngoài ra, để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm và
nhằm bảo vệ quyền kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp bảo hiểm thì một
nguyên tắc chi phối quy định pháp luật bảo hiểm nói chung và pháp luật
bảo hiểm tài sản nói riêng đó là pháp luật cho phép doanh nghiệp bảo
hiểm chỉ nhận bảo hiểm đối với những rủi ro khách quan và mang tính ngẫu
nhiên. Tuy nhiên, phải hiểu yếu tố khách quan và ngẫu nhiên ở đây là
đối với bên mua bảo hiểm (bên được bảo hiểm), tức bên mua bảo hiểm không
hề cố ý tạo ra rủi ro.
Ví dụ: Ông A mua bảo hiểm cháy cho căn nhà của mình
tại doanh nghiệp bảo hiểm. Sau đó A xích mích với hàng xóm là ông C nên
đã bị ông C đốt nhà. Trong trường hợp này, việc đốt nhà là hành vi cố ý
của ông C nhưng là ngẫu nhiên đối với ông A nên vẫn phát sinh trách
nhiệm bồi thường từ phía doanh nghiệp bảo hiểm đối với ông A.
2. Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi đối với tài sản bảo hiểm.
Đặc trưng này xuất phát từ nhu cầu bảo vệ tài sản của
người mua bảo hiểm. Bởi vì, mục đích của bên mua bảo hiểm khi tiến hành
bảo hiểm cho tài sản của mình là nhằm chuyển giao sang cho doanh nghiệp
bảo hiểm một phần hoặc toàn bộ tổn thất xảy ra đối với tài sản khi gặp
rủi ro; nói một cách khác, bên mua bảo hiểm thực hiện việc bảo vệ quyền
lợi vật chất của mình thông qua hoạt động bảo hiểm.
Gắn liền với sự tồn tại của tài sản là quyền sở hữu của chủ tài sản – quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản.
Các quyền này xuất phát từ quan niệm, tài sản khi đã thuộc về một tổ
chức hay cá nhân thì những người đó có quyền quyết định đối với tài sản
thông qua việc họ được quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tài
sản, trong đó có quyền bảo vệ lợi ích có được từ tài sản.
Xét về mục đích của bên mua bảo hiểm thì dù đó là
loại hình bảo hiểm gì, bên mua bảo hiểm cũng nhằm chuyển giao những tổn
thất mà lẽ ra mình phải gánh chịu sang doanh nghiệp bảo hiểm, bởi vì,
mục đích của bảo hiểm là chia sẻ tổn thất. Trong bảo hiểm tài sản, bên
mua bảo hiểm phải chứng minh được tổn thất của tài sản phải có những ảnh
hưởng đối với người được bảo hiểm thì người mua bảo hiểm mới được phép
mua bảo hiểm cho tài sản đó. Về mặt lý luận, khi tiến hành mua bảo hiểm,
chủ sở hữu tài sản đã chuyển giao những tổn thất nhất định của tài sản
sang doanh nghiệp bảo hiểm, những tổn thất này lẽ ra bên mua bảo hiểm
phải gánh chịu, vì vậy, số tiền bồi thường từ phía doanh nghiệp bảo hiểm
sẽ thuộc về người chủ sở hữu đối với tài sản. Ngoài ra, trên thực tế
chủ tài sản có thể chuyển quyền chiếm hữu (nắm giữ, quản lý) tài sản
hoặc quyền sử dụng tài sản cho người khác dưới những hình thức như ủy
quyền, cho thuê, cho mượn… và những người này, dưới sự ủy quyền của chủ
tài sản cũng được phép mua bảo hiểm cho tài sản đó. Quy định này xuất
phát từ lý do khi những chủ thể được chủ sở hữu tài sản chuyển giao
quyền sử dụng đối với tài sản thì họ có trách nhiệm đối với tài sản. Nếu
tài sản bị hư hỏng hoặc mất mát thì họ phải có trách nhiệm bồi thường
cho chủ sở hữu. Như vậy, trong trường hợp này, các chủ thể được chủ sở
hữu tài sản ủy quyền quản lý mua bảo hiểm cho tài sản, thực chất là
chuyển giao trách nhiệm vật chất từ mình sang cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Đặc trưng này của bảo hiểm tài sản chi phối rất nhiều
các quy định pháp luật về bảo hiểm tài sản, bởi vì quyền lợi bảo hiểm
trong bảo hiểm con người và bảo hiểm trách nhiệm dân sự khác hẳn với
quyền lợi bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản. Đối với bảo hiểm tài sản,
quyền lợi bảo hiểm phải tính toán được về mặt giá trị, tức chúng ta có
thể định giá được tài sản. Trong một số trường hợp, mặc dù các bên không
định giá được chính xác giá trị của tài sản thì cũng phải dựa vào những
tiêu chí nhất định để xác định giá trị tài sản, những tiêu chí này phải
được nhà nước hoặc các tổ chức định giá hoạt động hợp pháp thừa nhận.
Đối với những tài sản mà các bên không thể định giá hoặc không có cơ sở
để định giá như một số cổ vật, các tài sản là vật đặc định quý hiếm…
thông thường doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối bảo hiểm vì không có căn
cứ để xác định trách nhiệm bồi thường hoặc nếu doanh nghiệp bảo hiểm
chấp nhận bảo hiểm thì cũng dựa vào những yếu tố có căn cứ thực tế để
định giá tài sản. Nhưng trong bảo hiểm con người và bảo hiểm trách nhiệm
dân sự thì không. Cụ thể, trong bảo hiểm con người, đối tượng bảo hiểm
là tính mạng, sức khỏe, tuổi thọ của con người, do vậy, quyền lợi bảo
hiểm là quyền về nhân thân, quyền về tinh thần (các quan hệ mang tính
huyết thống) và các quyền lợi vật chất phát sinh từ con người chứ không
phải là tài sản. Những quyền lợi này không
thể tính toán về mặt giá trị, do vậy mà các bên có quyền “định giá”
thông qua việc thỏa thuận số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.
Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, quyền lợi của
người được bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối
với người thứ ba, tức là trách nhiệm của bên mua bảo hiểm liên quan đến
quyền lợi của người thứ ba (người bị thiệt hại) theo quy định của pháp
luật. Quyền lợi này không thể tính toán được tại thời điểm mua bảo hiểm
vì nó chưa phát sinh, lý do, bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho phần
trách nhiệm dân sự của mình nếu nó phát sinh trong tương lai. Do vậy,
tránh nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm giới hạn trong phạm vi số tiền bảo
hiểm. Nếu thiệt hại thực tế phát sinh lớn hơn số tiền bảo hiểm thì
doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chi trả trong phạm vi số tiền bảo hiểm, bên
mua bảo hiểm phải trả phần còn lại cho bên bị thiệt hại. Trường hợp,
thiệt hại xảy ra nhỏ hơn số tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng
chỉ bồi thường dựa vào thiệt hại thực tế xảy ra.
3. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối
Từ xưa đến nay, để mọi hoạt động kinh doanh trên
thương trường được thực hiện một cách có hiệu quả, các tổ chức, cá nhân
(những chủ thể thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh và những chủ thể
sử dụng những hàng hóa, dịch vụ có được từ hoạt động sản xuất kinh
doanh) đều phải thiết lập mối quan hệ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Trong
thực tế, các luật về hợp đồng của tất cả các quốc gia trên thế giới đều
diễn đạt tinh thần này, có nghĩa là bất kỳ hành vi gian lận hay âm mưu
lừa đảo đều bị coi là vi phạm pháp luật. Sở dĩ, các nước đều có quy định
này, bởi vì, việc thiết lập nên các giao dịch dân sự hay kinh tế là phụ
thuộc vào ý chí của các bên. Ý chí này phải thể hiện sự tự nguyện của
đôi bên và mục đích tham gia vào quan hệ là nhằm đạt được những lợi ích
hợp pháp. Do vậy, nếu một trong các bên tham gia vào các giao dịch mà
không mang tính tự nguyện và nhằm để đạt được những lợi ích bất hợp pháp
thì pháp luật sẽ không thừa nhận.
Nguyên tắc trung thực, hợp tác được quán triệt rất rõ
trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, cụ thể, tại Điều 389 Bộ luật Dân sự Việt
Nam quy định: “Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên
tắc sau đây:
- Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
Như vậy, nguyên tắc trung thực và ngay thẳng chi phối
rất nhiều các quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng nói chung, đây là
nguyên tắc mang tính quán triệt áp dụng cho mọi quan hệ diễn ra trong
lĩnh vực kinh tế và dân sự. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc trưng của các
quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật khác nhau
mà pháp luật trong lĩnh vực đó cũng có những quy định mang tính đặc thù.
Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm
không bán sản phẩm hữu hình mà bán sản phẩm vô hình, sản phẩm có thể
hình thành hoặc không hình thành trong tương lai. Tại thời điểm bán bảo
hiểm, “sản phẩm” bảo hiểm là chưa có. Vì
vậy, để đảm bảo thực hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo
hiểm, pháp luật kinh doanh bảo hiểm phải tuân thủ nguyên tắc trung thực,
tuyệt đối và phải có những quy định phù hợp với đặc thù của hoạt động
kinh doanh này.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tài sản được thực hiện
thông qua việc các doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm của bên mua
bảo hiểm và cam kết bồi thường cho bên mua bảo hiểm nếu đối tượng bảo
hiểm gặp rủi ro dẫn đến tổn thất. Mục đích mà bên mua bảo hiểm muốn đạt
được trong quan hệ này là sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm đứng ra cam kết
thực hiện việc chi trả tài chính trong tương lai, cụ thể, nếu đối tượng
bảo hiểm gặp rủi ro dẫn đến tổn thất thì cam kết này sẽ được thực hiện.
Như vậy, yếu tố làm phát sinh trách nhiệm chi trả từ phía doanh nghiệp
bảo hiểm là phải có rủi ro xảy ra, và hệ quả của rủi ro này là tổn thất
phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên, như chúng ta đã phân tích, rủi ro là
yếu tố mà con người không lường trước được, tức là tại thời điểm giao
kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đều
không thể biết được rủi ro có xảy ra hay không. Trong bảo hiểm tài sản,
quan hệ giao dịch khác với các giao dịch thông thường ở góc độ chỉ có
một người có khả năng biết được tất cả các yếu tố liên quan đến đối
tượng bảo hiểm, đó là người đề nghị bảo hiểm – người được bảo hiểm.
Do vậy, để tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối, người mua bảo hiểm
phải có trách nhiệm khai báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết về mọi yếu
tố liên quan đến đối tượng bảo hiểm. Nếu trong hợp đồng mua bán thông
thường, nguyên tắc thông báo trước (về hàng hóa được đem ra bán) luôn
luôn được áp dụng đối với bên bán, và hai bên mua, bán đều biết được
(bằng mắt thường) về đối tượng của quan hệ mua bán, thì trong hợp đồng
bảo hiểm cả bên mua và bên bán đều không thấy được bằng mắt thường sản
phẩm mà mình mua, bán tại thời điểm giao kết hợp đồng. Đặc biệt, trong
quan hệ mua bán này, chỉ có một bên (bên yêu cầu bảo hiểm – bên mua bảo
hiểm) biết rõ các đặc điểm có thể liên quan đến rủi ro đối với tài sản
mà mình yêu cầu bảo hiểm, còn bên kia (người bảo hiểm – doanh nghiệp bảo
hiểm) thường không biết được những điều đó. Doanh nghiệp bảo hiểm gần
như phụ thuộc hoàn toàn vào những thông tin do người mua bảo hiểm cung
cấp để xét đoán mức độ rủi ro và quyết định thái độ của mình trong việc
có chấp nhận bảo hiểm hay không và nếu chấp nhận thì cách thức tính phí
đối với tài sản bảo hiểm như thế nào.
Ngoài ra, do hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung
và bảo hiểm tài sản nói riêng có đặc điểm các chủ thể thực hiện hoạt
động kinh doanh bảo hiểm phải là những chủ thể có trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ nhất định trong lĩnh vực bảo hiểm nên sự am hiểu của họ trong
lĩnh vực này tốt hơn bên mua bảo hiểm. Vì vậy, họ cũng phải có nghĩa vụ
cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến dịch vụ bảo hiểm mà họ
cung ứng.
Để quán triệt đặc trưng này của bảo hiểm nói chung và
bảo hiểm tài sản nói riêng, pháp luật bảo hiểm Việt Nam đã cụ thể hóa
nguyên tắc này trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, nếu bên mua bảo
hiểm không cung cấp các thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
hoặc cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được bảo hiểm thì doanh
nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, sự trung thực tuyệt đối được thể hiện ở
việc giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo
hiểm trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các điều khoản
loại trừ bảo hiểm. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải trung thực
tuyệt đối trong việc giải quyết bồi thường, không vì lợi ích của doanh
nghiệp bảo hiểm mà bồi thường thấp hơn phần trách nhiệm mà lẽ ra, doanh
nghiệp bảo hiểm phải gánh chịu. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo
hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm
cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích
các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Trường hợp
doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết
hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực
hiện hợp đồng bảo hiểm, và doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt
hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự
thật.
4. Trách nhiệm bảo hiểm được giới hạn theo giá trị tài sản
Về nguyên tắc, tài sản chỉ có thể được bảo hiểm khi
xác định được giá trị. Yếu tố mà bên mua bảo hiểm tiến hành bảo hiểm cho
tài sản là quyền lợi vật chất của bên mua bảo hiểm đối với tài sản. Do
vậy, giá trị của tài sản là yếu tố quyết định đến việc thỏa thuận về số
tiền bảo hiểm, tức giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong
quan hệ bảo hiểm.
Ở góc độ lý luận, quyền sở hữu của một người đối với
tài sản là không thay đổi, nếu quyền đó vẫn được pháp luật thừa nhận.
Tức là, quyền sở hữu đối với tài sản được pháp luật bảo vệ cho đến khi
nào tài sản đó vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, giá trị của tài sản thì có
thể thay đổi theo thời gian. Hay nói cách khác, trong quá trình thực
hiện quyền sở hữu đối với tài sản thì quyền lợi vật chất của người chủ
sở hữu đối với tài sản sẽ thay đổi theo giá trị của tài sản. Do vậy, khi
mua bảo hiểm, bên mua bảo hiểm chỉ được mua bảo hiểm tối đa không quá
giá trị của tài sản tại thời điểm mua bảo hiểm, đồng thời doanh nghiệp
bảo hiểm cũng chỉ bồi thường tối đa không quá giá trị của tài sản tại
thời điểm xảy ra tổn thất. Quy định này xuất phát từ quan điểm, tại thời
điểm tổn thất, bên mua bảo hiểm sở hữu một tài sản có giá trị bao nhiêu
thì chỉ được bồi thường bấy nhiêu. Bởi vì, không có lý do gì mà một
người đang sở hữu một tài sản có giá trị thấp lại được hưởng một số tiền
bảo hiểm lớn hơn giá trị của tài sản đó khi gặp tổn thất. Đây là quy
định nhằm tránh tình trạng trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm.
Xuất phát từ mục đích của bên mua bảo hiểm và nhằm
bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, pháp luật không cho phép bên
mua bảo hiểm tiến hành giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
Hợp đồng bảo hiểm trên giá trị là hợp đồng mà trong đó số tiền bảo hiểm
cao hơn giá thị trường của tài sản bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp
đồng. Bởi vì, sẽ là bất hợp lý khi mục đích của bên mua bảo hiểm nhằm
chuyển giao một phần tổn thất của mình sang doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng
khi rủi ro xảy ra, người mua bảo hiểm được hưởng một quyền lợi vật chất
lớn hơn tổn thất mà lẽ ra mình phải gánh chịu.
Tuy nhiên, do bảo hiểm tài sản là hoạt động nhằm để
chia sẻ những tổn thất vật chất nhất định của doanh nghiệp bảo hiểm với
bên mua bảo hiểm, nên pháp luật cho phép bên mua bảo hiểm được mua bảo
hiểm dưới giá trị; tức là bên mua bảo hiểm được quyền mua bảo hiểm cho
một phần giá trị của tài sản.
Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo
hiểm trong bảo hiểm tài sản khác với trách nhiệm bảo hiểm trong bảo hiểm
con người và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Trong bảo hiểm con người, do
không thể tính toán được giá trị thực tế (vì con người là vô giá) do
vậy, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm là do hai
bên thỏa thuận. Thực chất, trong bảo hiểm con người, bên mua bảo hiểm tự
xác định số tiền bảo hiểm cho mình trên cơ sở chấp thuận của doanh
nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu giá trị bảo hiểm càng cao thì thì phí
bảo hiểm phải nộp sẽ càng lớn.
Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, trách nhiệm của
doanh nghiệp bảo hiểm chỉ giới hạn trong phạm vi số tiền bảo hiểm; tức
là, nếu thiệt hại xảy ra lớn hơn số tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo
hiểm chỉ chi trả trong phạm vi số tiền bảo hiểm. Trường hợp thiệt hại
xảy ra nhỏ hơn số tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường
theo thiệt hại thực tế. Do vậy, trong bảo hiểm con người và bảo hiểm
trách nhiệm dân sự không có khái niệm bảo hiểm dưới giá trị.
5. Bảo hiểm tài sản là quan hệ bồi thường
Trong kinh doanh bảo hiểm, khái niệm bồi thường được
hiểu là một sự hoàn trả tương xứng. Nguyên tắc bồi thường là nguyên tắc
cơ bản chi phối việc chi trả bảo hiểm trong mọi nghiệp vụ bảo hiểm tài
sản. Theo nguyên tắc này, khi tổn thất xảy ra, người được bảo hiểm phải
được đưa về trạng thái tài chính ban đầu như khi tổn thất chưa xảy ra.
Người được bảo hiểm không thể được trả tiển bảo hiểm nhiều hơn quyền lợi
bảo hiểm mà họ có. Điều đó cho thấy, người được bảo hiểm không được
kiếm lời qua con đường bảo hiểm, nhiều nhất, người được bảo hiểm cũng
chỉ được bồi thường đầy đủ, chứ không thể nhiều hơn mức đầy đủ .
Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản còn được
hiểu là “tiền nào của ấy”. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường dựa
trên cơ sở mức phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đóng. Nếu tổn thất xảy
ra đối với tài sản là toàn bộ, thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ tiến hành
bồi thường theo tỷ lệ phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đóng. Trường hợp,
bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho toàn bộ giá trị tài sản nhưng tổn
thất một phần thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng chỉ bồi thường theo tổn
thất thực tế.
Khi một khiếu nại về bảo hiểm tài sản có hiệu lực
phát sinh, doanh nghiệp bảo hiểm đứng trước ít nhất ba phương thức có
thể chọn lựa để bồi thường. Đơn bảo hiểm thường cho phép doanh nghiệp
bảo hiểm lựa chọn phương pháp bồi thường mà họ cho là thích hợp để đảm
bảo chi phí bồi thường bỏ ra là hợp lý nhất nhưng vẫn thực hiện đúng cam
kết.
Các phương thức bồi thường mà bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm được quyền lựa chọn, đó là:
- Sửa chữa tài sản bị thiệt hại. Theo cách này, doanh
nghiệp bảo hiểm tự đứng ra lo việc sữa chữa hoặc thanh toán chi phí mà
bên được bảo hiểm bỏ ra để sữa chữa tài sản bị thiệt hại. Cách bồi
thường này thường được áp dụng đối với những tài sản mà doanh nghiệp bảo
hiểm có dịch vụ sữa chữa hiện đại, đảm bảo khôi phục được công dụng của
tài sản một cách tốt nhất, chẳng hạn như trong bảo hiểm xe cơ giới, bảo
hiểm thân tàu… Phương thức bồi thường này có ưu điểm là các bên không
cần phải thiết lập các chứng từ trong sữa chữa tài sản vì do chính doanh
nghiệp bảo hiểm thực hiện công việc này, do đó, vấn đề trục lợi khi áp
dụng phương thức này rất khó xảy ra. Tuy nhiên nó cũng bất lợi cho bên
được bảo hiểm, khi trình độ kỹ thuật của doanh nghiệp bảo hiểm trong
lĩnh vực này không cao có thể dẫn đến, tài sản sau khi sữa chữa, tính
năng sử dụng sẽ giảm nhiều so với trước khi bị tổn thất.
- Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác.
Với hình thức này, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hoặc có thể ủy quyền
cho người được bảo hiểm thay tài sản bị hư hỏng hoặc bị mất bằng một tài
sản khác cùng loại, cùng tính năng tác dụng… Nhìn chung, doanh nghiệp
bảo hiểm thường không thích áp dụng hình thức này. Lý do, việc tìm được
một tài sản tương xứng để thay thế là điều rất khó, bởi vì tài sản được
bảo hiểm thì đã qua sử dụng, trong khi đó, để thay thế thì bên được bảo
hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm thường mua ngoài thị trường tài sản mới,
mà điều này, ở góc độ nào đó nó vi phạm nguyên tắc bồi thường. Tuy
nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm thường lựa chọn phương thức bồi thường này
trong trường hợp tài sản tổn thất có giá trị thấp, chi phí thay thế tài
sản nhỏ…
- Trả tiền bồi thường. Hợp đồng bảo hiểm tài sản được
thể hiện dưới hình thức pháp lý là đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận
bảo hiểm, thực chất là các cam kết chi trả tài chính từ phía doanh
nghiệp bảo hiểm. Do vậy, hợp đồng bảo hiểm tài sản là hợp đồng trả tiền,
vì vậy, hầu hết các khiếu nại đều được thanh toán bằng tiền. Theo
phương thức này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiến hành chi trả cho bên được
bảo hiểm một số tiền bằng với giá trị tổn thất của tài sản bảo hiểm.
Thông thường, cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đều thích lựa
chọn hình thức bồi thường bằng tiền vì tiện lợi cho cả hai bên. Do vậy,
pháp luật đã quy định, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo
hiểm không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường
sẽ được thực hiện bằng tiền. Tuy nhiên,
hình thức này cũng có điểm bất cập, đó là, bên được bảo hiểm phải chứng
minh được giá trị thiệt hại thực tế xảy ra hoặc doanh nghiệp bảo hiểm
phải có căn cứ xác định giá trị tổn thất. Để thực hiện được điều này,
thông thường phải mất chi phí giám định thiệt hại và thủ tục lại khá
rườm rà.
Nguyên tắc bồi thường được quán triệt đặc biệt trong
một số trường hợp phức tạp như bảo hiểm trên giá trị, bảo hiểm trùng,
trường hợp người thứ ba phải chịu trách nhiệm đối với tài sản bị thiệt
hại. Cụ thể, pháp luật không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua
bảo hiểm được giao kết hợp đồng bảo hiểm trên giá trị.
Hay trong trường hợp bảo hiểm trùng, trách nhiệm bồi thường của các
doanh nghiệp tham gia bảo hiểm căn cứ vào tỷ lệ giữa số tiền đã thỏa
thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng bảo hiểm mà bên
mua bảo hiểm đã giao kết. Trong mọi trường hợp thì tổng số tiền bồi
thường từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt
hại thực tế của tài sản .
Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm trong
quan hệ bảo hiểm tài sản, cũng như phù hợp với nguyên tắc bồi thường,
pháp luật quy định trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại
cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu
cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình nhận bồi thường từ doanh
nghiệp bảo hiểm. Liên quan đến vấn đề này,
pháp luật dân sự nói chung và pháp luật kinh doanh bảo hiểm nói riêng đã
có quy định về “thế quyền”. Thế quyền được coi là hệ quả của nguyên tắc
bồi thường. Áp dụng thế quyền có nghĩa là người bảo hiểm sau khi bồi
thường theo hợp đồng bảo hiểm được phép thế quyền người được bảo hiểm để
đòi lại người thứ ba phần thiệt hại thuộc trách nhiệm của người đó
(trong giới hạn số tiền bồi thường đã trả cho người được bảo hiểm).
Ngoài ra, để quán triệt nguyên tắc bồi thường trong
bảo hiểm tài sản, pháp luật quy định khi thiệt hại xảy ra, bên được bảo
hiểm chỉ được phép đòi bồi thường một trong hai quan hệ mà thôi. Cụ thể
nếu bên được bảo hiểm đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt
hại theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì không được phép yêu cầu
người gây ra thiệt hại phải bồi thường theo quan hệ bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng mà phải chuyển quyền đòi bồi thường này sang doanh
nghiệp bảo hiểm. Quy định này đảm bảo nguyên tắc không được hưởng lợi
bất hợp pháp vượt quá phần giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu của bên
mua bảo hiểm. Bởi vì, nếu pháp luật cho phép bên mua bảo hiểm được quyền
đòi bồi thường từ cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên gây ra thiệt hại, thì
bên được bảo hiểm được nhận một khoản tiền lớn hơn giá trị thực tế của
tài sản bị tổn thất. Tuy nhiên, nếu số tiền bồi thường từ phía doanh
nghiệp bảo hiểm nhỏ hơn số tiền bồi thường từ người gây ra thiệt hại thì
người được bảo hiểm có quyền hưởng số tiền chênh lệch đó.
Tóm lại, những đặc trưng cơ bản của
bảo hiểm tài sản chính là những yếu tố chi phối quy định của pháp luật
về bảo hiểm tài sản. Nếu các nhà làm luật phân tích đúng bản chất của
bảo hiểm tài sản được thể hiện thông qua những đặc trưng của chúng sẽ
giúp cho việc ban hành các quy phạm pháp luật về bảo hiểm tài sản được
chuẩn xác hơn. Bởi vì, bảo hiểm tài sản có quan hệ rất chặt chẽ với pháp
luật bảo hiểm tài sản, thể hiện, đặc thù của quan hệ bảo hiểm tài sản
là cơ sở để hình thành nên các quy phạm pháp luật bảo hiểm tài sản.
Allan Willett, The economic Theory of risk and insurance, Philadelphia: University of Pensylvamia Press USA 1951, tr. 8.
Để đảm bảo khả năng tài
chính của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hoạt động
kinh doanh bảo hiểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2001/NĐ-CP ngày
1/8/2001 quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và
doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư
72/2002/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2001/NĐ-CP.
Theo quy định tại khoản
1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm một trong những trường hợp dẫn đến
hợp đồng bảo hiểm vô hiệu đó là: tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo
hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
Khoản 2, Điều 31, Luật
Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm
cho những người sau đây: a) Bản thân bên mua bảo hiểm; b) Vợ, chồng,
con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm; c) Anh (chị) em ruột; người có quan
hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng; d) Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền
lợi có thể được bảo hiểm.
Điều 32 Luật Kinh
doanh bảo hiểm quy định “Số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số
tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận
trong hợp đồng bảo hiểm”.
Khái niệm sản phẩm bảo
hiểm ở đây được hiểu là kết quả chi trả (bồi thường) bảo hiểm. Nếu có
rủi ro xảy ra thì mới có sản phẩm bảo hiểm, tức sự chi trả (bồi thường)
từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, nếu rủi ro không xảy ra, sẽ không hình
thành nên sản phẩm này có nghĩa sẽ không phát sinh trách nhiệm chi trả
(bồi thường) bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Điều 43 Luật Kinh
doanh bảo hiểm quy định “Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp
đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được
bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng”. Khái niệm thấp hơn giá trị ở
đây có thể được hiểu là bảo hiểm cho một phần giá trị của tài sản.
Khái niệm đầy đủ ở đây
có thể hiểu, bên mua bảo hiểm mất cái gì, thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ
trả lại đúng giá trị của phần tài sản đã bị mất. Quy định này là phù hợp
với mục tiêu của bảo hiểm tài sản, bởi vì, bảo hiểm tài sản là bảo vệ
quyền lợi vật chất của chủ sở đối với tài sản, do vậy bên được bảo hiểm
không thể nhận được một quyền lợi vật chất nhiều hơn những gì mình có
thông qua quan hệ bảo hiểm.
Theo quy định tại
khoản 1 Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm trên giá
trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài
sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết. Mặc dù quy định các bên không
được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị nhưng tại khoản 2
Điều 42, Luật lại quy định, nếu hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị
được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm thì hợp đồng vẫn phát
sinh hiệu lực pháp lý trong phạm vi giá trị thực tế của tài sản. Để xác
định thế nào là lỗi vô ý hay cố ý là rất khó vì hiện tại các doanh
nghiệp bảo hiểm chưa quy định tiêu chí để phân biệt, vì vậy, nên chăng
pháp luật cũng cần có quy định hướng dẫn cách xác định các tiêu chí
trong trường hợp này để các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng thống nhất.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 4(35)/2006
0 comments:
Post a Comment