TS. NGUYỄN VĂN TUYẾN – KHOA PL KINH TẾ – ĐHL HÀ NỘI
Trong
thực tiễn pháp lí ở nước ta, việc xác định một giao dịch pháp lí nói
chung và giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại nói riêng có hiệu
lực hay không luôn là vấn đề phức tạp và thường gây nhiều tranh luận.
Điều này có liên quan trực tiếp đến lợi ích chung của xã hội cũng như
lợi ích riêng của các bên tham gia vào giao dịch mà Nhà nước là người có
sứ mệnh phải bảo vệ. Vì lẽ đó, việc làm rõ vấn đề hiệu lực của giao
dịch pháp lí nói chung và giao dịch thương mại của ngân hàng nói riêng,
thiết nghĩ cũng nên xem là việc làm hữu ích cả về phương diện lí luận
cũng như thực tiễn.
Bài viết này xin trao đổi một vài ý kiến xung quanh
vấn đề hiệu lực của giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại, với
tính cách là loại hình giao dịch dân sự đặc thù phát sinh trong đời sống
pháp lí ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới.
1. Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại
Hiệu lực pháp lí của giao dịch nói chung và giao dịch
thương mại của ngân hàng thương mại nói riêng, thực chất là sự thừa
nhận của Nhà nước về những hệ quả pháp lí phát sinh bởi hành vi giao
dịch của ngân hàng thương mại đối với khách hàng. Việc thừa nhận hiệu
lực của một giao dịch pháp lí được Nhà nước thực hiện bằng cách quy định
các điều kiện có hiệu lực của giao dịch và các nguyên tắc xác định hiệu
lực của giao dịch đó. Ở nước ta, các điều kiện này được quy định tại
Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005 và đương nhiên chúng được áp dụng chung
cho mọi giao dịch, trong đó có giao dịch thương mại của ngân hàng
thương mại.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, để nhận thức đúng về bản
chất, nội dung của mỗi điều kiện có hiệu lực và từ đó có cách thức áp
dụng chính xác các điều kiện này đối với giao dịch thương mại của ngân
hàng thương mại, cần lưu ý đến những vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về điều kiện “người tham gia giao
dịch có năng lực hành vi dân sự”. Với tính cách là một chủ thể nhân tạo
trong đời sống pháp luật, pháp nhân ngân hàng thương mại cũng có năng
lực hưởng quyền và năng lực thực hiện các quyền (năng lực hành vi) giống
như mọi pháp nhân khác. Tuy pháp luật thực định của nước ta không quy
định rõ thế nào là năng lực hành vi dân sự của ngân hàng thương mại
nhưng về lí thuyết có thể hiểu đó chính là khả năng thực hiện các quyền,
nghĩa vụ của ngân hàng thương mại thông qua người đại diện hợp pháp của
nó. Khả năng này (năng lực hành vi dân sự của ngân hàng thương mại)
được xác định bởi hai yếu tố cơ bản sau:
- Tư cách pháp nhân của ngân hàng thương mại.
Sở dĩ phải coi tư cách pháp nhân là yếu tố đầu tiên
hợp thành năng lực hành vi dân sự của ngân hàng thương mại là bởi vì,
giống như bất kì pháp nhân nào, ngân hàng thương mại chỉ có khả năng
thực hiện được các quyền, nghĩa vụ pháp lí của mình (nghĩa là chỉ có
năng lực hành vi) khi nó có đầy đủ các điều kiện của một pháp nhân (được
thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản riêng và tự
chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình trong các quan hệ pháp
luật). Nói như vậy có nghĩa, chỉ khi nào ngân hàng thương mại được Nhà
nước công nhận là một pháp nhân thì khi đó nó mới được Nhà nước thừa
nhận là có năng lực chủ thể (bao gồm năng lực hưởng quyền và năng lực
thực hiện quyền – năng lực hành vi). Đối với pháp nhân ngân hàng thương
mại, tư cách pháp nhân được xác định dựa trên hai bằng chứng có ý nghĩa
quyết định là giấy phép thành lập – hoạt động ngân hàng và giấy chứng
nhận đăng kí kinh doanh do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp.
Nếu thiếu một trong hai bằng chứng này, có thể xem như ngân hàng thương
mại chưa có năng lực hành vi dân sự theo đúng nghĩa.
- Năng lực và thẩm quyền đại diện của người đại diện hợp pháp cho ngân hàng thương mại.
Sở dĩ phải coi năng lực và thẩm quyền đại diện của
người đại diện hợp pháp cho ngân hàng thương mại là yếu tố hợp thành
năng lực hành vi dân sự của ngân hàng thương mại là bởi vì, về nguyên
tắc ngân hàng thương mại chỉ có thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ của nó
thông qua các thể nhân có tư cách là người đại diện hợp pháp cho nó. Từ
quan niệm này, có thể khẳng định nếu thể nhân là người đại diện hợp
pháp cho ngân hàng thương mại không có năng lực tiếp nhận quyền và thực
hiện các quyền đó thay cho và nhân danh ngân hàng thương mại thì coi như
ngân hàng thương mại đã không có khả năng thực hiện các quyền, nghĩa vụ
của mình trong quan hệ pháp luật với chủ thể khác (nghĩa là không có
năng lực hành vi). Mặt khác, cũng có thể xem như giao dịch thương mại
của ngân hàng đã vi phạm điều kiện này khi có bằng chứng chứng minh rằng
người xưng danh đại diện của ngân hàng thương mại không có thẩm quyền
đại diện ngân hàng để xác lập và thực hiện giao dịch với khách hàng.
Thứ hai, về điều kiện “mục đích và nội dung
của giao dịch không trái pháp luật và đạo đức xã hội”. Đây là điều kiện
được pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền lợi công, xét trong mối quan
hệ tương hỗ với quyền lợi tư của các bên giao dịch. Đối với các giao
dịch thương mại của ngân hàng thương mại, mục đích và nội dung giao dịch
không chỉ phản ánh lợi ích của các bên mà còn bị chi phối bởi chính các
lợi ích đó. Mục đích của giao dịch thương mại giữa ngân hàng và khách
hàng sẽ bị coi là trái pháp luật và đạo đức xã hội khi giao dịch đó được
các bên xác lập nhằm vi phạm các quy tắc pháp lí đã được Nhà nước xây
dựng để bảo vệ quyền lợi chung hoặc nhằm xâm hại các giá trị đạo đức đã
được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Ví dụ, nếu ngân hàng và
khách hàng giao kết hợp đồng tài khoản tiền gửi là để giúp cho khách
hàng thực hiện hành vi “rửa tiền” đối với nguồn thu nhập do phạm pháp mà
có thì giao dịch này được xem là có mục đích trái pháp luật. Còn nội
dung của giao dịch thương mại ngân hàng sẽ bị coi là trái pháp luật và
đạo đức xã hội khi các điều khoản được cam kết bởi ngân hàng và khách
hàng đã vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc vi phạm các chuẩn mực
đạo đức đã được Nhà nước thừa nhận. Ví dụ, Ngân hàng A kí kết
hợp đồng tín dụng để cho vay đối với khách hàng là con đẻ của Tổng giám
đốc ngân hàng A. Giao dịch này có nội dung vi phạm điểm c khoản 1 Điều
77 Luật các tổ chức tín dụng nên về nguyên tắc giao dịch sẽ đương nhiên
vô hiệu ngay từ khi xác lập.
Thứ ba, về điều kiện “người tham gia giao
dịch hoàn toàn tự nguyện”. Điều kiện này liên quan mật thiết với điều
kiện về năng lực hành vi dân sự của chủ thể tham gia giao dịch. Chỉ khi
nào xác định rõ chủ thể giao dịch có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì
việc xác định tính tự nguyện và tự do ý chí của chủ thể đó mới chính xác
và khoa học. Đối với chủ thể giao dịch là pháp nhân ngân hàng thương
mại, việc xác định tính tự nguyện và tự do ý chí có phần khác biệt và
phức tạp hơn so với chủ thể giao dịch là thể nhân. Điều này thể hiện ở
chỗ, ý chí của pháp nhân ngân hàng thương mại thực chất là ý chí tập thể
của các thành viên pháp nhân và ý chí này thường được thể hiện thông
qua các quyết định của tập thể thành viên pháp nhân hoặc thể hiện thông
qua hành vi của những người đại diện hợp pháp cho pháp nhân ngân hàng
thương mại.
Có thể lưu ý đến hai tiêu chí cơ bản để xác định mức
độ tự nguyện của ngân hàng thương mại khi xác lập giao dịch với khách
hàng, đó là:
- Mục đích và nội dung của giao dịch phải phù hợp với mục đích và chức năng hoạt động của ngân hàng thương mại như đã được ghi trong Điều lệ của ngân hàng.
Cơ sở khoa học của việc đưa ra tiêu chí này là, xét
về bản chất, ngân hàng thương mại được thành lập ra chính là nhằm thực
hiện các mục đích và chức năng hoạt động như đã được ghi trong Điều lệ
của ngân hàng. Vì vậy, nếu những giao dịch do ngân hàng đó xác lập có
mục đích và nội dung phù hợp với mục đích, tôn chỉ, chức năng hoạt động
của ngân hàng thì mặc nhiên có thể coi đây là một trong những điều kiện
cần có để khẳng định giao dịch đó được xác lập theo ý chí đích thực của
ngân hàng.
- Hành vi xử sự của người đại diện cho ngân hàng thương mại khi xác lập giao dịch phải phù hợp với phạm vi thẩm quyền đại diện.
Sở dĩ phải dựa vào tiêu chí này là bởi vì, ý chí thực
sự của ngân hàng thương mại về việc xác lập và thực hiện một giao dịch
cụ thể thường được thể hiện tập trung và rõ nét nhất ở các văn bản xác
định phạm vi thẩm quyền đại diện cho những người đại diện hợp pháp của
ngân hàng thương mại. Do vậy, nếu người đại diện hợp pháp của ngân hàng
thương mại hành xử hoàn toàn phù hợp với phạm vi thẩm quyền đại diện thì
có thể xem như giao dịch đó được xác lập, thực hiện phù hợp với ý chí
thực của ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong thực tiễn giao dịch,
có những trường hợp mặc dù người đại diện hợp pháp của ngân hàng thương
mại hành xử không phù hợp với phạm vi thẩm quyền đại diện nhưng sau đó
chính ngân hàng thương mại lại chấp nhận ràng buộc với giao dịch do
người này xác lập, bằng cách hoàn thiện các thủ tục uỷ quyền theo quy
định của pháp luật thì về nguyên tắc, ngân hàng thương mại vẫn được xem
là hoàn toàn tự nguyện tham gia giao dịch và do đó giao dịch vẫn có hiệu
lực ràng buộc đối với ngân hàng thương mại.
Thứ tư, về điều kiện “hình thức của giao
dịch”. Theo Bộ luật dân sự hiện hành (1995), hình thức của giao dịch dân
sự phải phù hợp với quy định của pháp luật thì giao dịch mới có hiệu
lực. Trong khi đó, Bộ luật dân sự năm 2005 lại quy định rằng “hình thức
giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp
pháp luật có quy định”. Rõ ràng, quy định mới này của Bộ luật dân sự
năm 2005 nhằm hướng tới mục tiêu nới lỏng các điều kiện có hiệu lực của
giao dịch dân sự trong thời đại kinh tế thị trường, nhất là điều kiện về
hình thức của giao dịch. Đối với các giao dịch
dân sự mang tính đặc thù như giao dịch thương mại của ngân hàng thương
mại, vấn đề hình thức của giao dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi
lẽ loại giao dịch này cần được pháp luật quy định chặt chẽ về mặt hình
thức nhằm ngăn ngừa các rủi ro pháp lí cho các bên trong quá trình xác
lập và thực hiện giao dịch.
Xuất phát từ yêu cầu này của thực tiễn giao dịch ngân
hàng, pháp luật đòi hỏi hầu hết các giao dịch loại này phải được xác
lập dưới hình thức văn bản. Theo tập quán giao dịch ngân hàng, khái niệm
“văn bản giao dịch” trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng thường được hiểu
theo nghĩa rộng, bao gồm các văn bản, tài liệu giao dịch viết trên giấy
và văn bản, tài liệu giao dịch thể hiện trên các phương tiện điện tử
như fax, e-mail, điện tín hay các thông điệp điện tử khác… Quan điểm này
cũng đã được thừa nhận trong khoản 1 Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2005.
Việc Nhà nước chấp nhận rộng rãi các hình thức giao dịch thương mại của
ngân hàng (nhất là giao dịch thương mại của ngân hàng dưới hình thức
điện tử) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các giao dịch thương mại ngân hàng
phát triển. Đến lượt mình, sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch
thương mại ngân hàng sẽ là tiền đề thuận lợi cho việc đẩy nhanh tốc độ
công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, đồng thời đẩy nhanh tiến trình
hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam trong
giai đoạn hiện nay.
2. Sự vô hiệu của giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại và các nguyên tắc xử lí hậu quả vô hiệu
Trên nguyên tắc, khi một giao dịch thương mại của
ngân hàng thương mại không thoả mãn một trong số các điều kiện có hiệu
lực do pháp luật quy định thì giao dịch đó bị coi là vô hiệu và sự vô
hiệu này, về lí thuyết có thể được nhìn nhận là ở trạng thái tuyệt đối
(đương nhiên vô hiệu) hoặc tương đối (có thể vô hiệu).
Trong khoa học pháp lí, việc xác định trạng thái vô
hiệu (tuyệt đối hoặc tương đối) của các giao dịch pháp lí nói chung và
giao dịch thương mại của ngân hàng nói riêng thường dựa vào nguyên tắc
cơ bản là: Nếu giao dịch được xác lập nhưng vi phạm những quy tắc pháp
lí có mục đích bảo vệ lợi ích công hay trật tự công thì hậu quả kéo theo
là giao dịch đó đương nhiên vô hiệu ngay từ khi xác lập (vô
hiệu tuyệt đối) và bất kì ai quan tâm đến lợi ích chung đều có thể yêu
cầu toà án tuyên bố vô hiệu. Ngược lại, nếu giao dịch được xác lập nhưng
chỉ vi phạm các quy tắc pháp lí có mục đích bảo vệ lợi ích tư hay quyền
lợi tư của các bên tham gia vào giao dịch thì hậu quả kéo theo là giao
dịch đó có thể bị coi là vô hiệu (vô hiệu tương đối) và chỉ những người
có quyền lợi bị xâm hại (bao gồm các bên của giao dịch hoặc người thứ ba
không tham gia vào giao dịch nhưng có quyền lợi liên quan) mới có quyền
yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu để bảo vệ quyền lợi của mình.
Khi người ta nói một giao dịch bị vô hiệu tương đối hay tuyệt đối, điều
đó không có nghĩa rằng giao dịch đó bất hợp pháp nhiều hay ít mà chỉ có
nghĩa là xác định quyền lợi tương tranh giữa trật tự công và lợi ích
tư, tuỳ theo bản chất của quy tắc pháp lí mà sự vi phạm quy tắc đó đã
khiến cho giao dịch vô hiệu.
Trong pháp luật thực định của nước ta, tuy các nhà
làm luật không quy định rõ thế nào là giao dịch vô hiệu tương đối và
giao dịch vô hiệu tuyệt đối nhưng Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân
sự năm 2005 đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ một cách khách quan, công
bằng quyền lợi chung của cộng đồng xã hội cũng như quyền lợi riêng của
các bên tham gia vào giao dịch. Thực tế cho thấy việc phân biệt giữa
giao dịch vô hiệu tuyệt đối và giao dịch vô hiệu tương đối đã từng có ý
nghĩa thực tiễn rất quan trọng, đặc biệt là trong việc xác định hiệu lực
của các giao dịch pháp lí trong điều kiện nền kinh tế thị trường với
yêu cầu tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt của các bên tham gia vào
giao dịch.
Vậy, khi giao dịch thương mại của ngân hàng thương
mại bị vô hiệu (tương đối hay tuyệt đối) thì nguyên tắc xử lí hậu quả vô
hiệu đối với các giao dịch đó là như thế nào?
Nhằm bảo vệ sự ổn định, tính an toàn của các giao
dịch thương mại của ngân hàng thương mại trong điều kiện nền kinh tế thị
trường, Nhà nước có những quy định khác nhau về cơ chế giải quyết hậu
quả vô hiệu đối với các giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại.
Sự khác nhau này khởi phát từ nguyên tắc chung là cần tôn trọng quyền tự
định đoạt của các bên tham gia vào giao dịch và Nhà nước chỉ xem xét để
tuyên bố giao dịch vô hiệu khi các bên có yêu cầu hoặc khi giao dịch
được xác lập nhưng vi phạm các quy tắc pháp lí nhằm bảo vệ lợi ích chung
và trật tự công. Để việc giải quyết hậu quả vô hiệu của giao dịch
thương mại của ngân hàng thương mại được khách quan, chính xác và đảm
bảo tính khoa học, có lẽ cần xuất phát từ quan điểm phân biệt giữa giao
dịch vô hiệu tuyệt đối và giao dịch vô hiệu tương đối làm tiền đề. Cụ
thể là:
Thứ nhất, nếu giao dịch thương mại của ngân
hàng thương mại được xác lập nhưng vi phạm các quy tắc pháp lí nhằm bảo
vệ lợi ích công (bao gồm: Giao dịch có nội dung và mục đích trái pháp
luật hay trái đạo đức xã hội; giao dịch được xác lập nhằm che giấu một
giao dịch khác hoặc được xác lập không nhằm mục đích tạo ra các quyền,
nghĩa vụ cho các bên…) thì về phương diện lí thuyết, có thể coi là
trường hợp vô hiệu tuyệt đối. Để xử lí thoả đáng và hợp lí đối với
trường hợp này, chúng tôi bày tỏ sự đồng tình với quan điểm khoa học của
một số tác giả cho rằng cần quán triệt các quan điểm có tính nguyên tắc như sau:
- Giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại bị vô
hiệu tuyệt đối sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên
ngay từ thời điểm xác lập giao dịch. Các bên không thể có lựa chọn nào
khác ngoài việc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi xác
lập giao dịch.
- Bất kì ai là người quan tâm (thường là những chủ
thể có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đến giao dịch thương mại của
ngân hàng thương mại đều có thể yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch thương
mại của ngân hàng thương mại bị vô hiệu.
- Thời hạn để yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại vô hiệu là không bị hạn chế.
- Phán quyết của toà án chỉ là sự xác nhận một tình
trạng pháp lí đã tồn tại trước đó của quan hệ giao dịch – đó là tình
trạng giao dịch không có hiệu lực pháp lí.
Thứ hai, những giao dịch thương mại của ngân
hàng thương mại được xác lập nhưng vi phạm các quy tắc pháp lí nhằm bảo
vệ lợi ích riêng của các bên (bao gồm: Giao dịch được xác lập do người
không có năng lực pháp luật và năng lực hành vi; giao dịch được xác lập
không có sự tự nguyện của người tham gia giao dịch hoặc giao dịch không
tuân thủ hình thức do pháp luật quy định) thì về phương diện lí thuyết,
có thể xem là giao dịch vô hiệu tương đối. Thiết nghĩ, giải pháp hợp lí
cho trường hợp này là Nhà nước phải tôn trọng quyền tự định đoạt của các
bên tham gia vào giao dịch mà quán triệt các quan điểm xử lí mang tính
nguyên tắc như sau:
- Giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại bị vô
hiệu tương đối là giao dịch ở trong tình trạng bấp bênh về hiệu lực
pháp lí trong thời hạn yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Điều này có nghĩa sự vô hiệu của giao dịch là không chắc chắn và các
bên có hai khả năng lựa chọn: a) Tìm cách khắc phục các nguyên nhân làm
cho giao dịch vô hiệu – gọi là hoàn thiện giao dịch (ví dụ, sửa
chữa các sai sót về thủ tục công chứng, thủ tục uỷ quyền, phục hồi lợi
ích cho bên đối tác bị thiệt hại, thay đổi nội dung giao dịch cho phù
hợp với ý chí của cả hai bên…) để làm cho giao dịch hoàn toàn có hiệu
lực; hoặc b) Yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp
các bên lựa chọn giải pháp hoàn thiện giao dịch thì mặc nhiên coi như
đồng nghĩa với việc họ từ bỏ quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô
hiệu.
- Chủ thể có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch
vô hiệu chính là ngân hàng thương mại và khách hàng của họ. Tuy nhiên,
để tránh nguy cơ khách hàng cố ý “trục lợi” đối với ngân hàng bằng thủ
đoạn yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch ngân hàng vô hiệu trong khi chính
khách hàng có lỗi thì cần chấp nhận nguyên tắc: Chỉ bên tham gia vào
giao dịch có quyền lợi bị xâm hại hoặc người thứ ba có liên quan đến
quyền lợi bị xâm hại mới có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch
thương mại ngân hàng vô hiệu; còn bên có lỗi trong việc làm cho giao
dịch có nguy cơ vô hiệu thì không có quyền này.
- Thời hạn yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu
là hạn chế. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995, thời hạn này là 1
năm, còn Bộ luật dân sự năm 2005 lại quy định thời hạn này là 2 năm kể
từ ngày giao dịch được xác lập. Nếu quá thời hạn
này mà người có quyền yêu cầu đã không yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch
vô hiệu thì giao dịch sẽ không thể bị huỷ bỏ sau đó nhưng không vì thế
mà giao dịch đương nhiên được coi là có hiệu lực trở lại, trừ trường hợp
các bên đã tiến hành khôi phục lại những điều kiện cần và đủ để cho nó
có hiệu lực.
- Phán quyết của toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu là
sự kiện pháp lí làm chấm dứt hoàn toàn tình trạng bấp bênh về hiệu lực
pháp lí của giao dịch, theo đó giao dịch chính thức bị huỷ bỏ và không
làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao
dịch được xác lập.
Thiết nghĩ, các quan điểm mang tính nguyên tắc trên
đây hoàn toàn có thể áp dụng chung cho việc xử lí hậu quả vô hiệu của
các loại hình giao dịch pháp lí trong đời sống xã hội hiện đại, trong đó
có giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thực tiễn
xử lí hậu quả vô hiệu của các giao dịch thương mại của ngân hàng thương
mại trong thời gian qua ở nước ta cho thấy khi áp dụng các nguyên tắc
này để xử lí giao dịch thương mại của ngân hàng bị vô hiệu, cần lưu ý
tới một số nét đặc thù sau đây:
Một là, việc toà án tuyên bố vô hiệu đối với
các giao dịch thương mại của ngân hàng có thể gây ra các hậu quả bất
lợi cho phía ngân hàng cũng như bất lợi cho cả khách hàng của họ. Sự bất
lợi này thể hiện ở chỗ, khi giao dịch thương mại của ngân hàng bị tuyên
bố vô hiệu, không những các bên bắt buộc phải khôi phục lại tình trạng
ban đầu như trước khi xác lập giao dịch mà về phía ngân hàng, họ không
thể đòi khách hàng phải trả lãi cho mình (trong thực tế, có nhiều trường
hợp khoản tiền lãi là rất đáng kể). Còn về phía khách hàng, họ cũng
không được quyền tiếp tục sử dụng nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để
hoàn thành kế hoạch kinh doanh hay dự án đầu tư đang thực hiện dở dang
và do đó bắt buộc họ phải đi tìm nguồn tài trợ khác mà đôi khi việc làm
này không hề dễ dàng và đơn giản. Ngoài ra, việc tuyên bố vô hiệu đối
với các giao dịch thương mại của ngân hàng còn gây hậu quả tổn hại về uy
tín của ngân hàng và khách hàng trong kinh doanh. Đặc biệt, hậu quả lớn
hơn là sự vô hiệu của các giao dịch thương mại ngân hàng đồng nghĩa với
việc làm “đóng băng” sự luân chuyển của các dòng vốn tiền tệ trong nền
kinh tế. Điều này sẽ bất lợi cho việc phát triển nền kinh tế thị trường
trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Xuất phát từ tính chất đặc thù như
vậy về hậu quả của việc tuyên bố giao dịch thương mại ngân hàng vô hiệu,
nên chăng các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu cần đặc
biệt lưu ý nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên giao dịch
để từ đó có giải pháp can thiệp hợp lí vào việc xác định hiệu lực của
các giao dịch thương mại của ngân hàng. Các giải pháp này có thể là: a)
Nếu giao dịch thương mại của ngân hàng được xác lập mà vi phạm các điều
kiện có hiệu lực như: Mục đích, nội dung của giao dịch trái pháp luật và
đạo đức xã hội hoặc hình thức của giao dịch không phù hợp pháp luật thì
toà án có thể vì mục tiêu bảo vệ lợi ích chung mà tuyên bố vô hiệu ngay
đối với giao dịch đó chứ không cần phải xác định xem ý chí của các bên
giao dịch có mong muốn và yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu hay
không; b) Nếu giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại được xác lập
mà vi phạm các điều kiện có hiệu lực như chủ thể giao dịch không có
năng lực hành vi hoặc người tham gia giao dịch không hoàn toàn tự nguyện
thì toà án chỉ có thể xem xét để tuyên bố vô hiệu đối với giao dịch đó
khi có yêu cầu của bên giao dịch có quyền lợi bị xâm hại hoặc người thứ
ba có quyền lợi bị xâm hại.
Hai là, đối với các giao dịch thương mại của
ngân hàng, nguy cơ lừa đảo và trục lợi bất chính từ việc thiết lập và
thực hiện giao dịch là rất lớn. Do vậy, việc toà án tuyên bố vô hiệu đối
với các giao dịch thương mại của ngân hàng có thể “vô tình” tạo điều
kiện cho bên có ý định trục lợi hay lừa đảo, thực hiện được ý định đó
một cách dễ dàng và thuận lợi. Ví dụ, A có ý định trục lợi đối
với ngân hàng, đã tìm cách tạo ra chứng cứ về việc vi phạm các điều kiện
có hiệu lực trong quá trình giao kết hợp đồng tín dụng, chẳng hạn như
việc cố tình giả mạo chữ kí của những người đồng sở hữu chủ tài sản bảo
đảm tiền vay; cố ý không thực hiện việc công chứng hợp đồng bảo đảm tiền
vay hoặc không thực hiện thủ tục uỷ quyền theo luật định… Sau khi đã
được ngân hàng giải ngân, A dùng những chứng cứ này làm căn cứ yêu cầu
toà án tuyên bố hợp đồng tín dụng vô hiệu nhằm mục đích chiếm dụng vốn
của ngân hàng trong thời hạn nhất định để sử dụng cho công việc riêng
của mình và tránh không phải trả lãi tiền vay cho ngân hàng. Từ ví dụ
này, có thể nhận định rằng nếu toà án tuyên bố hợp đồng tín dụng vô hiệu
thì người vay đã “đắc lợi” một cách vô căn cứ, còn bên cho vay là ngân
hàng thì phải gánh chịu thiệt hại do bị khách hàng vay chiếm dụng vốn và
không trả lãi tiền vay cho khoảng thời gian sử dụng vốn của ngân hàng.
Có lẽ, giải pháp xử lí thích hợp cho tình huống này là: Khi có bằng
chứng chứng minh một bên tham gia giao dịch có lỗi trong việc gây ra hậu
quả vô hiệu cho giao dịch thì toà án phải “truất quyền” yêu cầu tuyên
bố giao dịch vô hiệu đối với chủ thể đó nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp
cho bên tham gia giao dịch hoặc người thứ ba có quyền lợi bị xâm hại.
Giải pháp này cần phải được xem là một trong những nguyên tắc cơ bản
định hướng cho việc xử lí hậu quả vô hiệu đối với giao dịch nói chung và
giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại nói riêng trong điều kiện
nền kinh tế thị trường ở nước ta./.
- PTS. Trần Đình Hảo, “Giao dịch dân sự và nghĩa
vụ dân sự”, Báo cáo chuyên đề của đề tài: “Những vấn đề lí luận cơ bản
về Bộ luật dân sự Việt Nam”, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu nhà
nước và pháp luật, Hà Nội 1997, tr. 87.
- Trần Hữu Huỳnh, “Một vài vấn đề về hợp đồng vô
hiệu trong pháp luật Việt Nam”, tài liệu Hội thảo về việc xử lí hợp đồng
vô hiệu, Báo diễn đàn doanh nghiệp – câu lạc bộ luật gia Việt Đức,
2003.
. Quan điểm này đã được một
số nhà khoa học đề cập trong các công trình nghiên cứu của mình. Xem:
PTS. Trần Đình Hảo,“Giao dịch dân sự và nghĩa vụ dân sự”, Báo cáo chuyên
đề của đề tài: “Những vấn đề lí luận cơ bản về Bộ luật dân sự Việt
Nam”, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật, Hà
Nội 1997, tr. 89.
.Xem: Corinne Renault-Brahinsky, “Đại cương về pháp luật hợp đồng”, Nhà pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội 2002, tr. 67.
. Về vấn đề này, Bộ
luật dân sự Pháp quy định thời hạn yêu cầu tuyên huỷ một giao dịch pháp
lí vô hiệu tương đối là 5 năm; còn Bộ luật dân sự và thương mại Thái
Lan lại quy định thời hạn này là 1 năm kể từ ngày có sự phê chuẩn hoặc
10 năm kể từ ngày hành vi pháp lí (giao dịch) được thực hiện.
SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 6/2005
0 comments:
Post a Comment