Wednesday, January 22, 2014

MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP NHÌN TỪ GÓC ĐỘ SO SÁNH QUA PHÁP LUẬT EU

THS. NGUYỄN THANH TĀM -  ĐH Luật Hà Nội
I. QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH CỦA EU VỀ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Quy định hiện hành của EU về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu được ghi nhận trong Quy chế chuyển giao công nghệ của EU năm 2004, viết tắt là TTBER.
1. Mục đích của Quy chế
(i) TTBER nhằm mục đích xử lý mối quan hệ giữa vấn đề chuyển giao công nghệ chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp) và vấn đề cạnh tranh, chống độc quyền.
(ii) TTBER cần đáp ứng hai đòi hỏi: thứ nhất, bảo đảm cạnh tranh hiệu quả; thứ hai, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch kinh doanh. Khi thực hiện những mục tiêu này, cần tính đến nhu cầu đơn giản hoá khung pháp luật và việc áp dụng pháp luật; cần loại bỏ cách tiếp cận theo kiểu liệt kê các điều khoản được hưởng sự miễn trừ; phải chỉ ra các hợp đồng được hưởng sự miễn trừ và phải cụ thể hóa các hạn chế cạnh tranh hoặc các điều khoản không được đưa vào hợp đồng.
(iii) Theo Điều 2 TTBER, Điều 81 (1) Hiệp ước EC về việc cấm các thỏa thuận nhằm ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh không được áp dụng đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết giữa hai nhà kinh doanh, liên quan đến sản xuất và cung ứng sản phẩm theo hợp đồng. Việc miễn trừ này áp dụng trong phạm vi theo đó hợp đồng ghi nhận các hạn chế cạnh tranh thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 81 (1) Hiệp ước EC. Sự miễn trừ này phải áp dụng với điều kiện quyền sở hữu trí tuệ của công nghệ chuyển giao chưa hết hạn bảo hộ hoặc không bị tuyên bố vô hiệu; nếu đó là bí quyết, thì bí quyết vẫn còn tính bí mật, trừ trường hợp bí quyết đã được công chúng biết đến như là một kết quả của hoạt động của bên nhận, theo đó sự miễn trừ sẽ áp dụng trong thời hạn của hợp đồng.
2. Định nghĩa hợp đồng chuyển giao công nghệ
(i) Khái niệm “chuyển giao” (“transfer”) được hiểu là công nghệ phải dịch chuyển từ nhà kinh doanh này sang nhà kinh doanh khác. Thông thường, công nghệ chuyển giao dưới dạng licence, theo đó Bên giao trao cho Bên nhận quyền sử dụng công nghệ của mình để đổi lấy tiền bản quyền. Nó cũng có thể dưới dạng “licence” thứ cấp” (“sub – licensing”), trong đó Bên giao cho phép Bên nhận trao licence cho bên thứ ba (Bên nhận thứ cấp) được khai thác công nghệ.
(ii) Theo Điều 1 Khoản 1 (b) và (f) TTBER, “công nghệ” nghĩa là sáng chế, ứng dụng sáng chế, mẫu hữu ích, ứng dụng mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí các sản phẩm bán dẫn, các giấy chứng nhận bảo hộ bổ sung đối với sản phẩm y học hoặc các sản phẩm khác có thể là đối tượng của giấy chứng nhận bảo hộ bổ sung, giấy chứng nhận giống cây trồng, bí quyết (know – how), bản quyền phần mềm. Như vậy, khái niệm “công nghệ” theo TTBER khá rộng và bao hàm các đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu hàng hóa.
(iii) “Hợp đồng chuyển giao công nghệ” là hợp đồng licence, hoặc hợp đồng chuyển giao hỗn hợp các đối tượng nói trên, kể cả hợp đồng ghi nhận các quy định về bán và mua sản phẩm, hoặc liên quan đến việc chuyển giao, chuyển nhượng các quyền sở hữu trí tuệ, trong đó các quy định này không phải là đối tượng của một số hợp đồng, và chúng liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm theo hợp đồng.
(iv) Cũng theo Điều 1 Khoản 1 (b) TTBER, việc “chuyển nhượng” hoặc kết hợp các đối tượng nói trên, sẽ được coi là các hợp đồng chuyển giao công nghệ, và phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm được sản xuất hoặc làm bằng nhiều thao tác có sử dụng công nghệ.
(v) Theo quy định của TTBER, các hợp đồng licence có đối tượng là nhãn hiệu hàng hoá không được coi là hợp đồng chuyển giao công nghệ.
TTBER chỉ điều chỉnh việc chuyển giao các loại quyền sở hữu trí tuệ khác, như nhãn hiệu hàng hoá và quyền tác giả (không phải là bản quyền phần mềm), trong chừng mực các quyền sở hữu trí tuệ này liên quan trực tiếp đến việc khai thác công nghệ được chuyển giao, và không cấu thành đối tượng số một của hợp đồng. Điều kiện này nói lên rằng: các hợp đồng chuyển giao các loại quyền sở hữu trí tuệ khác chỉ được áp dụng sự miễn trừ, trong chừng mực theo đó các quyền sở hữu trí tuệ này tạo ra cho Bên nhận khả năng khai thác tốt hơn công nghệ được chuyển giao. Tuy nhiên, trong trường hợp giá trị của công nghệ được chuyển giao cho Bên nhận bị giới hạn, do Bên nhận đã sử dụng một công nghệ giống hệt hoặc tương tự, và đối tượng chính của hợp đồng là licence nhãn hiệu hàng hóa, thì không thuộc phạm vi áp dụng của TTBER.
Theo quan điểm của Ủy ban Châu Âu, việc chuyển giao nhãn hiệu hàng hóa thường diễn ra trong bối cảnh phân phối và bán lại hàng hóa, dịch vụ, và nói chung là nó giống hợp đồng phân phối hơn là hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nếu một hợp đồng licence nhãn hiệu hàng hóa liên quan trực tiếp đến việc sử dụng, bán lại hàng hóa, dịch vụ, và không cấu thành đối tượng số một của hợp đồng, thì hợp đồng này được điều chỉnh bằng Quy chế (EC) số 2790/1999 về áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC đối với các loại hợp đồng và có phối hợp theo chiều dọc.
3. Phạm vi điều chỉnh của Quy chế
(i) Quy chế này không điều chỉnh các hợp đồng licence có đối tượng là nhãn hiệu hàng hóa.
(ii) Quy chế này chỉ điều chỉnh các hợp đồng licence theo đó Bên giao cho phép Bên nhận khai thác công nghệ được chuyển giao nhằm mục đích sản xuất hoặc cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ.
Tuy nhiên quy chế này không điều chỉnh các hợp đồng licence có mục đích:
- Tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ được chuyển giao;
- Thiết lập các liên kết sáng chế, chẳng hạn: hợp đồng quy định việc liên kết các chuyển giao nhằm mục đích chuyển giao cả gói các quyền sở hữu trí tuệ cho bên thứ ba. Loại hợp đồng này được gọi là “hợp đồng liên kết công nghệ”; hợp đồng trong đó Bên nhận được bên giao cho phép cấp licence cho bên thứ ba (Bên nhận phụ) để khai thác công nghệ của Bên giao; hợp đồng licence, bao gồm cả các hợp đồng licence chéo, có mục đích bảo đảm rằng một bên không dẫn chiếu quyền sở hữu công nghiệp của mình để ngăn cản bên khác khai thác chính công nghệ của mình (“hợp đồng không đòi hỏi”- “non-assertion agreements”).
(iii) Quy chế này chỉ điều chỉnh các hợp đồng ký kết giữa một Bên giao và một Bên nhận, kể cả khi các điều kiện hợp đồng được quy định cho hơn một cấp thương mại (đa cấp). Chẳng hạn: hợp đồng yêu cầu Bên nhận thiết lập một hệ thống phân phối đặc biệt, và cụ thể hóa các nghĩa vụ của Bên nhận, theo đó Bên nhận phải, hoặc được phép, bắt buộc người bán lại sản phẩm phải sản xuất theo licence. Tuy nhiên, các điều kiện và nghĩa vụ nói trên phải phù hợp với quy tắc cạnh tranh áp dụng cho các hợp đồng cung ứng và phân phối. Các hợp đồng cung ứng và phân phối được ký kết giữa một Bên nhận và các bên mua không được miễn trừ theo Quy chế này. Các hợp đồng này chỉ được miễn trừ, nếu chúng được điều chỉnh bằng một quy chế về áp dụng điều khoản miễn trừ cho các hợp đồng cung ứng và phân phối.
(iv) Mối quan hệ với các quy chế miễn trừ khác.
TTBER điều chỉnh các hợp đồng giữa hai bên liên quan đến việc chuyển giao công nghệ vì lý do sản xuất hoặc cung ứng sản phẩm theo hợp đồng. Tuy nhiên, công nghệ
(bao hàm các đối tượng sở hữu công nghiệp) cũng có thể là một yếu tố của các loại hợp
đồng khác. Do đó, cần phải thấy được sự giao thoa giữa TTBER và các quy chế miễn trừ khác. Đó là:
- Quy chế (EC) số 2658/2000 về áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC cho các loại hợp đồng đặc biệt;
- Quy chế (EC) số 2659/2000 về áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC cho các loại hợp đồng nghiên cứu và phát triển;
- Quy chế (EC) số 2690/2000 về áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC cho các loại hợp đồng và thủ đoạn có phối hợp theo chiều dọc.
Quy chế (EC) số 2658/2000 về áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC cho các loại hợp đồng đặc biệt điều chỉnh các hợp đồng sản xuất liên kết, chẳng hạn như hợp đồng liên doanh. Quy chế có các quy định về chuyển nhượng hoặc sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ, trong đó các quyền sở hữu trí tuệ không cấu thành đối tượng số một của hợp đồng, nhưng liên quan trực tiếp và cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng.
Trong trường hợp các nhà kinh doanh thiết lập một liên doanh sản xuất và cho phép liên doanh khai thác công nghệ để sản xuất sản phẩm, thì việc chuyển giao này thuộc sự điều chỉnh của Quy chế (EC) số 2658/2000, chứ không thuộc sự điều chỉnh của TTBER. Tuy nhiên, trong trường hợp liên doanh cam kết chuyển giao công nghệ cho bên thứ ba, thì hoạt động này không có mối liên hệ với hoạt động sản xuất của liên doanh, do đó không phụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế (EC) số 2658/2000.
Quy chế (EC) số 2659/2000 về áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC cho các loại hợp đồng nghiên cứu và phát triển điều chỉnh các hợp đồng trong đó hai hoặc nhiều nhà kinh doanh đồng ý liên kết tiến hành hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), và đồng ý liên kết khai thác các kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Quy chế (EC) số 2790/1999 về áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC điều chỉnh các hợp đồng và thủ đoạn có phối hợp theo chiều dọc, các hợp đồng ký kết giữa hai hoặc nhiều nhà kinh doanh, trong đó mỗi nhà kinh doanh hoạt động ở các cấp thương mại khác nhau của dây chuyền sản xuất và phân phối, và các bên được phép mua, bán lại một số hàng hóa, dịch vụ. Quy chế này cũng điều chỉnh các hợp đồng cung ứng và phân phối.
TTBER và Quy chế (EC) số 2790/1999 có liên quan chặt chẽ với nhau. Hợp đồng giữa Bên giao và Bên nhận là đối tượng của TTBER, trong khi đó hợp đồng giữa Bên nhận và người mua là đối tượng của Quy chế (EC) số 2790/1999.
4. Hướng dẫn áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC cho các hợp đồng chuyển giao công nghệ
(i) Chỉ áp dụng Điều 81 (3) Hiệp ước EC cho các hợp đồng chắc chắn thoả mãn bốn điều kiện của điều khoản này. Thứ nhất, góp phần vào phát triển sản xuất hoặc phân phối sản phẩm hoặc khuyến khích tiến bộ kỹ thuật hoặc kinh tế; thứ hai, dành cho người tiêu dùng một sự phân chia công bằng các lợi ích đạt được; thứ ba, không áp đặt các hạn chế không cần thiết cho việc đạt tới các mục tiêu này; thứ tư, không tạo ra cho nhà kinh doanh khả năng loại trừ cạnh tranh liên quan đến một phần quan trọng của sản phẩm.
(ii) Yêu cầu về ngưỡng thị phần đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Đối với các hợp đồng giữa các đối thủ cạnh tranh, cần thoả mãn yêu cầu theo đó, tổng thị phần của các bên không vượt quá 20% và không chứa đựng các hạn chế mang tính phi cạnh tranh nghiêm trọng (“hardcore restrictions”); và điều này phải có hệ quả là phát triển sản xuất hoặc phân phối và cho phép người tiêu dùng có được một sự phân chia lợi ích công bằng.
Đối với các hợp đồng giữa các nhà kinh doanh không phải là đối thủ cạnh tranh, cần thoả mãn yêu cầu như trên, thị phần cá biệt của mỗi bên không vượt quá 30%. Theo Điều 1 khoản 1 (h) TTBER, “các đối thủ cạnh tranh” nghĩa là các nhà kinh doanh cạnh tranh trên thị trường công nghệ liên quan và/hoặc thị trường sản phẩm liên quan.
Các nhà kinh doanh cạnh tranh trên “thị trường công nghệ liên quan” nghĩa là các nhà kinh doanh chuyển giao công nghệ cạnh tranh (đối thủ cạnh tranh hiện tại trên thị trường công nghệ). TTBER phân biệt giữa các đối thủ cạnh tranh và các nhà kinh doanh không phải là đối thủ cạnh tranh vì lý do sau đây: nói chung, hợp đồng giữa các đối thủ cạnh tranh đặt ra một rủi ro lớn hơn đối với cạnh tranh trên thị trường so với hợp đồng giữa các nhà kinh doanh không phải là đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh sử dụng cùng một công nghệ (cạnh tranh intra – technology) tạo ra một sự bổ sung quan trọng cho sự cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh sử dụng các công nghệ mang tính cạnh tranh (cạnh tranh inter- technology). Chẳng hạn: sự cạnh tranh intra – technology có thể dẫn tới việc giảm giá sản phẩm chứa đựng công nghệ liên quan, nó không chỉ sinh ra lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho người tiêu dùng sản phẩm này mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh tiếp theo giữa các nhà kinh doanh sử dụng các công nghệ mang tính cạnh tranh. Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, cũng phải tính tới tình huống các Bên nhận thực hiện hành vi bán sản phẩm của chính mình, chứ không bán lại sản phẩm do nhà kinh doanh khác cung ứng. Do đó, sự khác biệt về chất lượng sản phẩm dựa trên sự cạnh tranh giữa các Bên nhận là lớn hơn so với trường hợp các thỏa thuận về bán lại sản phẩm. Theo Điều 8 Khoản 2 TTBER, nếu thị phần ban đầu không vượt quá ngưỡng 20% và 30%, nhưng tăng dần và vượt quá các ngưỡng nói trên nhưng không quá 25% và 35%, thì hợp đồng sẽ được tiếp tục áp dụng sự miễn trừ trong thời hạn 2 năm liên tục, tiếp theo năm mà ngưỡng 20% hoặc 30% bị vượt quá lần đầu tiên.
Theo Điều 8 Khoản 3 TTBER, nếu thị phần ban đầu vượt quá ngưỡng 20% và 30%, nhưng không quá 25% và 35%, thì hợp đồng sẽ được tiếp tục áp dụng sự miễn trừ trong thời hạn 1 năm, tiếp theo năm mà mức 25% hoặc 35% bị vượt quá lần đầu tiên.
TTBER quy định về ngưỡng thị phần nhằm mục đích xác định “ngưỡng an toàn” (“safe habour”) cho các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, để các bên không vi phạm luật cạnh tranh.
(iii) Điều 81 (3) Hiệp ước EC không áp dụng đối với các hợp đồng chứa đựng hạn chế mang tính phi cạnh tranh nghiêm trọng (“hardcore restrictions”), bất kể thị phần của các nhà kinh doanh liên quan là bao nhiêu. Điều 4 TTBER quy định về các hạn chế mang tính phi cạnh tranh nghiêm trọng.
Trong trường hợp một bên của hợp đồng là đối thủ cạnh tranh, sự miễn trừ không được áp dụng cho hợp đồng, nếu hợp đồng này, trực tiếp hoặc gián tiếp, có một yếu tố hoặc kết hợp nhiều yếu tố dưới sự kiểm soát của các bên, có mục tiêu sau đây:
(a) Hạn chế khả năng của một bên trong việc ấn định giá bán sản phẩm cho các bên thứ ba;
(b) Giới hạn sản lượng hoặc bán hàng, trừ các giới hạn sản lượng của sản phẩm theo hợp đồng được áp đặt cho Bên nhận theo một hợp đồng không mang tính có đi có lại;
(c) Phân chia thị trường hoặc khách hàng, trừ trường hợp:
- Nghĩa vụ của Bên nhận, theo một hợp đồng không mang tính có đi có lại, phải khai thác công nghệ được chuyển giao trong một hoặc nhiều lĩnh vực sử dụng mang tính kỹ thuật, một hoặc nhiều thị trường sản phẩm;
- Yêu cầu theo đó Bên nhận sản xuất hoặc cung ứng các sản phẩm theo hợp đồng nhằm mục đích sử dụng cá nhân, bao gồm việc bán sản phẩm theo hợp đồng, như phụ tùng của chính sản phẩm của mình;
(d) Hạn chế khả năng của Bên nhận trong việc khai thác công nghệ của chính mình, hoặc hạn chế khả năng của các bên của hợp đồng trong việc tiến hành hoạt động nghiên cứu và phát triển, trừ khi hạn chế này là cần thiết để ngăn cản việc tiết lộ cho các bên thứ ba bí quyết được chuyển giao.
Việc ấn định giá giữa các đối thủ cạnh tranh cấu thành một sự hạn chế cạnh tranh về đối tượng. Chẳng hạn, việc ấn định giá có thể dưới dạng một hợp đồng trực tiếp quy định giá chính xác phải trả, hoặc bảng giá với sự giảm giá tối đa được phép. Nó cũng có thể được thực hiện một cách gián tiếp bằng việc áp dụng các biện pháp phản khuyến khích để làm thay đổi một mức giá đã thoả thuận, chẳng hạn: quy định rằng tỉ lệ phần trăm tiền bản quyền sẽ tăng nếu giá sản phẩm bị giảm xuống dưới một mức nào đó.
Về sự giới hạn việc bán hàng và sản lượng: nếu các đối thủ cạnh tranh đồng ý giới hạn sản lượng của nhau, thì hợp đồng này không khác gì một cartel. Tương tự như vậy đối với các hợp đồng trong đó quy định giảm sự khuyến khích các bên mở rộng sản lượng, chẳng hạn: áp đặt cho một bên phải thanh toán cho bên kia, nếu sản lượng vượt quá một mức nào đó.
Về vấn đề phân chia thị trường và khách hàng: chẳng hạn như các thoả thuận chuyển giao chéo, trong đó mỗi bên được trao một quyền độc quyền trong việc khai thác công nghệ được chuyển giao trên một lãnh thổ đặc biệt. Chúng có thể dưới dạng một licence không mang tính có đi có lại, trong đó Bên nhận được trao một lãnh thổ độc quyền, trong khi đó Bên giao giữ lại một lãnh thổ khác cho mình. Thậm chí trong trường hợp không có sự hạn chế cạnh tranh rõ ràng hoặc hiểu ngầm nào bị áp đặt cho Bên giao, thì nó cũng được coi là hạn chế mang tính phi cạnh tranh nghiêm trọng, nếu hợp đồng licence hạn chế Bên nhận trong việc bán hàng ở đâu và cho ai.
Trong trường hợp một bên của hợp đồng không phải là đối thủ cạnh tranh, sự miễn trừ không được áp dụng cho hợp đồng, nếu hợp đồng này, trực tiếp hoặc gián tiếp, có một yếu tố hoặc kết hợp nhiều yếu tố dưới sự kiểm soát của các bên, có mục tiêu sau đây:
(a) Hạn chế khả năng của một bên trong việc ấn định giá bán sản phẩm cho các bên thứ ba, không ảnh hưởng tới khả năng áp đặt một giá bán tối đa hoặc đặt trước một giá bán, với điều kiện nó không phải là một giá bán cố định hoặc tối thiểu, như là hệ quả của sức ép hoặc khuyến khích từ bất kỳ bên nào;
(b) Giới hạn lãnh thổ hoặc khách hàng mà Bên nhận được phép bán sản phẩm theo hợp đồng, trừ trường hợp:
- Hạn chế việc bán hàng vào lãnh thổ độc quyền hoặc bán hàng sản phẩm cho một nhóm khách hàng độc quyền của Bên giao;
- Hạn chế việc bán hàng tích cực (“active sales”) vào lãnh thổ độc quyền hoặc bán hàng cho một nhóm khách hàng độc quyền mà Bên giao đã ấn định cho Bên nhận khác;
- Yêu cầu theo đó Bên nhận phải sản xuất hoặc cung ứng các sản phẩm theo hợp đồng chỉ nhằm mục đích sử dụng cá nhân, bao gồm việc bán sản phẩm theo hợp đồng, như phụ tùng của chính sản phẩm của mình;
- Hạn chế việc một Bên nhận, kinh doanh ở tất cả các cấp bán hàng, được bán hàng cho người sử dụng cuối cùng;
- Hạn chế việc các thành viên của một hệ thống phân phối chọn lọc được bán hàng cho nhà phân phối không được cấp phép;
(c) Hạn chế việc một Bên nhận, là một thành viên của một hệ thống phân phối chọn lọc và kinh doanh ở cấp bán lẻ, được bán hàng tích cực hay thụ động cho người sử dụng cuối cùng, không ảnh hưởng đến khả năng cấm một thành viên của hệ thống được kinh doanh ở một số cơ sở không được cấp phép.
Các hạn chế được nêu trong Điều 4 TTBER bị coi là các hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng. Các hạn chế này rõ ràng là không cần thiết cho việc phát triển sản xuất hoặc phân phối. Do đó, Điều 81 (3) Hiệp ước EC không áp dụng đối với các hợp đồng chứa đựng các hạn chế nêu trên.
(iv) Điều 5 TTBER quy định về các điều kiện để một hợp đồng được áp dụng sự miễn trừ:
- Sự miễn trừ không được áp dụng cho bất kỳ nghĩa vụ nào, được quy định trong hợp đồng, được liệt kê dưới đây:
(a) Bất kỳ nghĩa vụ trực tiếp hoặc gián tiếp nào của Bên nhận trong việc cấp licence độc quyền cho Bên giao hoặc cho bên thứ ba do Bên giao chỉ định, mà licence này liên quan đến cải tiến quan trọng hoặc sự ứng dụng mới của công nghệ đựơc chuyển giao (nghĩa vụ cấp licence ngược, hay nghĩa vụ grant – back);
(b) Bất kỳ nghĩa vụ trực tiếp hoặc gián tiếp nào của Bên nhận trong công việc chuyển nhượng, toàn bộ hoặc một phần, cho Bên giao hoặc bên thứ ba do Bên giao chỉ định, các quyền được cải tiến hoặc ứng dụng mới công nghệ được chuyển giao;
(c) Bất kỳ nghĩa vụ trực tiếp hoặc gián tiếp nào, theo đó không thừa nhận giá trị hoặc phản đối tính bí mật hoặc tính quan trọng về nội dung của quyền sở hữu trí tuệ mà Bên giao nắm giữ trên thị trường chung, không ảnh hưởng tới khả năng chấm dứt hợp đồng, trong trường hợp Bên nhận không thừa nhận giá trị phản đối tính bí mật và tính quan trọng về nội dung của quyền sở hữu trí tuệ được chuyển giao.
Mục đích của các quy định nói trên là làm vô hiệu hoá việc áp dụng sự miễn trừ đối với các hợp đồng, mà chúng có thể làm giảm sự khuyến khích sáng tạo của Bên nhận. Nói cách khác, Điều 5 TTBER nhằm bảo vệ sự sáng tạo của Bên nhận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- Sự miễn trừ không được áp dụng cho bất kỳ nghĩa vụ trực tiếp hoặc gián tiếp nào, mà nó giới hạn sản lượng của các sản phẩm theo hợp đồng bởi Bên nhận trong một hợp đồng không mang tính có đi có lại giữa các đối thủ cạnh tranh.
- Trong trường hợp các bên của hợp đồng không phải là các đối thủ cạnh tranh, sự miễn trừ không được áp dụng cho bất kỳ nghĩa vụ trực tiếp nào, mà nó giới hạn khả năng của Bên nhận trong việc khai thác chính công nghệ của mình, hoặc giới hạn khả năng của các bên của hợp đồng trong việc thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, trừ khi hạn chế này là cần thiết để ngăn cản việc tiết lộ cho các bên thứ ba bí quyết được chuyển giao.
Điều 4 và Điều 5 TTBER quy định danh sách các hạn chế mang tính phi cạnh tranh nghiêm trọng và các điều kiện áp dụng miễn trừ nhằm mục đích bảo đảm rằng: các hợp đồng, mặc dù được áp dụng sự miễn trừ, cũng không làm giảm sự khuyến khích sáng tạo, không làm chậm trễ việc phổ biến công nghệ, không hạn chế quá mức sự cạnh tranh giữa Bên giao và Bên nhận, hoặc giữa các Bên nhận. Việc TTBER quy định kết hợp về ngưỡng thị phần, về việc không miễn trừ đối với các hợp đồng chứa đựng các hạn chế mang tính phi cạnh tranh nghiêm trọng, và về các điều kiện áp dụng miễn trừ, nói chung sẽ bảo đảm rằng: kể cả trong các trường hợp các hợp đồng được áp dụng điều khoản miễn trừ, thì điều đó cũng không làm mất đi sự cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh.
(v) Để đạt được lợi ích và mục tiêu của chuyển giao công nghệ, Quy chế này cũng được áp dụng cho các điều khoản không phải là đối tượng số một của hợp đồng, nhưng liên quan trực tiếp tới việc áp dụng công nghệ được chuyển giao.
(vi) Nếu một hợp đồng licence được miễn trừ áp dụng quy định cấm hạn chế cạnh tranh theo Điều 81 Hiệp ước EC, thì điều đó không có nghĩa là hợp đồng này được miễn trừ áp dụng quy định cấm lạm dụng vụ trí ưu thế theo Điều 82 Hiệp ước EC.
5. Không áp dụng điều khoản miễn trừ và không áp dụng Quy chế
(i) Theo Điều 6 Khoản 1 TTBER, trong các trường hợp đặc biệt, khi mà hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế nhưng trái với Điều 81 (3) Hiệp ước EC, thì Uỷ ban Châu Âu được phép không áp dụng sự miễn trừ. Đặc biệt là các trường hợp sau đây:
(a) Hạn chế các bên thứ ba tiếp cận thị trường, chẳng hạn: bằng tác động tổng hợp của hệ thống song song của các hợp đồng hạn chế cạnh tranh tương tự, theo đó cấm Bên nhận sử dụng công nghệ của các bên thứ ba;
(b) Hạn chế Bên nhận tương lai tiếp cận thị trường, chẳng hạn: bằng tác động tổng hợp của hệ thống song song của các hợp đồng hạn chế cạnh tranh tương tự, theo đó cấm Bên giao chuyển giao cho các Bên nhận khác;
(c) Các bên không khai thác công nghệ được chuyển giao mà không có bất cứ một lý do khách quan nào.
(ii) Theo Điều 6 Khoản 2 TTBER, các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên được phép không áp dụng điều khoản miễn trừ cho các hợp đồng trái với Điều 81 (3) Hiệp ước EC, trong trường hợp tác động của các hợp đồng này diễn ra trên lãnh thổ của một nước thành viên, hoặc một phần của lãnh thổ này, mà nó có tất cả đặc trưng của một thị trường riêng biệt về địa lý. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng: việc thực hiện thẩm quyền này không làm tổn hại tới việc áp dụng thống nhất các quy tắc cạnh tranh trên phạm vi thị trường chung của EU hoặc không làm tổn hại tới hiệu lực đầy đủ của các biện pháp thực thi các quy tắc cạnh tranh.
(iii) Theo Điều 7 Khoản 1 TTBER Ủy ban Châu Âu được phép tuyên bố rằng; nếu hệ thống song song của các hợp đồng chuyển giao công nghệ tương tự chiếm trên 50% thị trường liên quan, thì Quy chế này sẽ không áp dụng đối với các hợp đồng chứa đựng các hạn chế đặc biệt liên quan đến thị trường này. Như vậy, Ủy ban Châu Âu đã khôi phục sự áp dụng đầy đủ Điều 81 Hiệp ước EC đối với các hợp đồng này.
1.6. Thời hạn có hiệu lực của Quy chế
Quy chế này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/05/2004 và hết hiệu lực ngày 30/04/2014.
II. NHỮNG KINH NGHIỆM TỪ PHÁP LUẬT EU CHO VIỆC HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
1. Quy chế chuyển giao công nghệ của EU năm 2004 nhằm mục đích xử lý mối quan hệ giữa vấn đề chuyển giao công nghệ (bao hàm chuyển giao sở hữu công nghiệp) vấn đề cạnh tranh, chống độc quyền. Nó phản ánh thực tiễn quan hệ sở hữu công nghiệp và cạnh tranh ở trình độ rất cao. Đây là kết quả của hơn 40 năm hội nhập kinh tế khu vực ở Tây Âu và sự phát triển của pháp luật EU về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, hoạt động chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp còn rất đơn điệu và lẻ tẻ. Có thể nói rằng chưa có thị trường khoa học – công nghệ ở nước ta. Thực tiễn nói trên được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật Việt Nam về sở hữu công nghiệp và cạnh tranh. Còn trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật Việt Nam mới chỉ quan tâm tới việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chưa tập trung nhiều vào vấn đề chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh liên quan tới quyền sở hữu công nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay chưa có một văn bản nào tương tự như TTBER của EU.
Luật cạnh tranh vừa được Quốc Hội thông qua, và khi có các hoạt động trên thị trường sở hữu công nghiệp, thì lúc đó mới xuất hiện nhu cầu xử lý mối quan hệ giữa vấn đề chuyển giao công nghệ (bao hàm chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp) và vấn đề cạnh tranh, chống độc quyền. TTBER của EU sẽ là một trong những kinh nghiệm của thế giới để Việt Nam có thể tham khảo.
2. Theo kinh nghiệm lập pháp của EU, quan hệ hợp đồng liên quan đến chuyển giao công nghệ không chỉ được điều chỉnh bằng TTBER, mà còn được điều chỉnh bằng nhiều Quy chế khác. Điều này tạo thuận lợi cho việc xử lý chồng chéo trong điều chỉnh quan hệ hợp đồng liên quan đến chuyển giao công nghệ.
3. Về định nghĩa về hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Theo TTBER, khái niệm “chuyển giao” (“transfer”) được hiểu là licence, theo đó Bên giao trao cho Bên nhận quyền sử dụng công nghệ của mình để đổi lấy tiền bản quyền. Quan niệm này của pháp luật EU cũng giống như các nước công nghiệp phát triển khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, v..v.. Theo pháp luật Hoa Kỳ, tất cả các loại hợp đồng chuyển giao công nghệ đều được gọi là hợp đồng licence (có người dịch là hợp đồng cấp phép)1, nghĩa là sự cho phép của Bên giao cho Bên nhận được sử dụng những tri thức nhất định, trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận. Sự cho phép này thực chất là cho thuê công nghệ, chứ không phải là chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, các nước đang phát triển hiểu về chuyển giao công nghệ theo nghĩa rộng nhất, nhấn mạnh yếu tố chuyển giao, bao hàm việc trang bị cho Bên nhận khả năng điều hành một chu trình sản xuất kinh doanh một sản phẩm, dịch vụ nhất định.
TTBER định nghĩa khái niệm “công nghệ” khá rộng nhưng không bao hàm nhãn hiệu hàng hóa. Như vậy, “hợp đồng chuyển giao công nghệ” là hợp đồng licence công nghệ, kể cả hợp đồng ghi nhận các quy định về bán và mua sản phẩm. Tuy nhiên, các hợp đồng licence có đối tượng là nhãn hiệu hàng hóa không được coi là hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bởi vì, theo quan điểm của Ủy ban Châu Âu, việc chuyển giao nhãn hiệu hàng hóa thường diễn ra trong bối cảnh phân phối và bán lại hàng hóa, dịch vụ, do đó nó giống hợp đồng phân phối hơn là hợp đồng chuyển giao công nghệ. Còn theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, hợp đồng licence nhãn hiệu hàng hóa được coi là hợp đồng chuyển giao công nghệ, và được điều chỉnh, cùng với các hợp đồng licence khác, bằng Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 01/07/1998 về chuyển giao công nghệ.
4. Phạm vi điều chỉnh của TTBER rất rõ ràng, không điều chỉnh chồng chéo các loại quan hệ hợp đồng liên quan tới chuyển giao công nghệ.
5. Việc Quy chế quy định kết hợp về ngưỡng thị phần, về việc không miễn trừ đối với các hợp đồng chứa đựng các hạn chế mang tính phi cạnh tranh nghiêm trọng, và về các điều kiện áp dụng miễn trừ, nói chung sẽ bảo đảm rằng, kể cả trong trường hợp các hợp đồng được áp dụng điều khoản miễn trừ, thì điều đó cũng không làm mất đi sự cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh. Các quy định trong Quy chế chuyển giao công nghệ hiện hành của EU cho thấy pháp luật có thể bảo vệ hữu hiệu sự cạnh tranh lành mạnh giữa Bên giao và Bên nhận, hoặc giữa các Bên nhận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ nói chung và chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp nói riêng.
Trong khi đó, Điều 13 Khoản 1-7 Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01/07/1998, khi quy định cấm ghi nhận các điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng licence, chỉ tập trung vào bảo vệ lợi ích của Bên nhận, mà thông thường là các doanh nghiệp Việt Nam. Quy định trên dường như chưa quan tâm đến tình huống theo đó các doanh nghiệp Việt Nam là Bên giao trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, hoặc cả Bên giao và Bên nhận đều là các doanh nghiệp Việt Nam. Trong những trường hợp này, pháp luật dường như chưa bảo vệ được sự cạnh tranh lành mạnh của cả Bên giao và Bên nhận trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
6. Quy chế của EU có thời hạn hiệu lực trong 10 năm (2004 – 2014). Thời hạn này phù hợp với sự phát triển và thay đổi về khoa học – công nghệ, về quan hệ thương mại liên quan tới quyền sở hữu công nghiệp. Trong khi đó, Nghị định số 45/1998/NĐ/CP ngày 01-07-1998 có thời hạn hiệu lực không xác định, nghĩa là được áp dụng trong một thời gian dài, do đó có thể không theo kịp sự thay đổi của chính sách và mục tiêu kinh tế trong từng giai đoạn.
1 Carolyn hot chokiss, Luật quốc tế về doanh nghiệp, tr. 27 (sách dịch), Nxb Thống kê, 1996.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2004

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code