Saturday, January 25, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN: 22 NĂM ĐI KIỆN CHƯA XONG

SONG AN
Đến khi hai bên đương sự thỏa thuận được thì vụ án lại bị tắc do tòa sai sót! Sau bốn năm khiếu nại, đương sự mới được tòa giải thích vì sao không ra quyết định công nhận hòa giải thành. Năm 1987, bà L. được hóa giá một căn nhà ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Sau khi đã đóng tiền mua, trong lúc chờ được cấp chủ quyền, bà bán lại nhà cho ông T. với giá năm lượng vàng. Hai bên thỏa thuận sau khi giao đủ vàng, bà L. sẽ giao nhà, sang tên cho ông T.
Hủy hợp đồng sai
Tháng 11 cùng năm, bà L. đã bảo lãnh cho gia đình ông T. vào ở dài hạn trong căn nhà này. Tuy nhiên sau đó, cho rằng ông T. chưa giao đủ vàng nên bà chưa giao toàn bộ căn nhà cho ông. Hai bên lục đục và ông T. khởi kiện ra TAND quận Phú Nhuận.
Đầu năm 1992, tòa quận xử sơ thẩm, tuyên hủy hợp đồng giữa hai bên, giao nhà lại cho phòng xây dựng quận giải quyết vì nhận định căn nhà đang thuộc sở hữu nhà nước, bà L. chưa làm thủ tục hóa giá. Ngay sau đó, cả hai bên đương sự đều kháng cáo rằng án sơ thẩm xử chưa đúng bởi bà L. đã ký hợp đồng mua hóa giá nhà từ giữa năm 1987, chỉ chờ cấp chủ quyền nữa là xong. Điểm khác nhau giữa hai bên là bà L. không muốn bán nhà nữa, còn ông T. vẫn muốn được giao nhà.
Giữa năm 1992, TAND TP xử phúc thẩm, kết luận tòa sơ thẩm hủy hợp đồng mua bán nhà là đúng. Ông T. khiếu nại. Giữa năm 1993, phó chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, nhận định cấp phúc thẩm xử hủy hợp đồng là thiếu căn cứ. Trong trường hợp này, cần phải điều tra làm rõ vì sao ông T. chưa nộp đủ vàng cho người bán mà người bán lại làm giấy bảo lãnh cho ông cư trú dài hạn và cho ông được sửa chữa nhà. Trên cơ sở đó, nếu có đủ căn cứ ông T. đã giao đủ vàng mua nhà thì tòa chấp nhận hợp đồng mua bán.
Cuối năm, TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để TAND TP xử lại theo hướng mà phó chánh án TAND tối cao kháng nghị.
Quên mời đại diện ủy ban
Một năm sau, TAND TP ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì bà L. bị xử lý hình sự trong một vụ khác. Căn nhà tranh chấp cũng chưa được cấp chủ quyền bởi bà L. phải đi thụ án tù.

Đầu năm 1999, sau khi bà L. thụ án xong, TAND TP thụ lý lại vụ tranh chấp trên. Tháng 7-2000, tòa lập biên bản hòa giải thành giữa hai bên với nội dung bà L. đồng ý bán nhà cho ông T. với giá 55 lượng vàng. Sau khi có quyết định của tòa, ông T. sẽ giao trọn gói 55 lượng vàng, còn bà L. phải dọn đi, giao nhà cho ông T.
Biên bản hòa giải được gửi sang VKSND TP. Một tháng sau, VKS có kết luận đồng ý với thỏa thuận hòa giải giữa các đương sự. Tuy nhiên sau đó, điều mà các đương sự chờ đợi là một quyết định hòa giải thành thì… chẳng thấy đâu. Chờ mãi không thấy tòa có động tĩnh gì, ông T. liên tục khiếu nại, VKS cũng có công văn gửi tòa thắc mắc là tại sao chưa có quyết định hòa giải thành nhưng đều không được hồi âm.
Sự im lặng kỳ lạ này kéo dài đến… bốn năm sau. Tháng 8-2004, TAND TP mới ra văn bản trả lời cho ông T. biết là căn nhà tranh chấp vẫn thuộc quyền quản lý của nhà nước nhưng khi lập biên bản hòa giải thành, tòa không triệu tập cơ quan quản lý tham gia tố tụng. Đây là thiếu sót và không đúng quy định nên tòa không thể ra quyết định hòa giải thành.
Bức xúc, ông T. đã nhờ TAND tối cao giải đáp xem lý do trên có phù hợp hay không bởi theo ông, tòa bảo mình sai để không ra biên bản hòa giải thành là chuyện khá lạ lùng và càng lạ hơn là mãi đến bốn năm mới chịu trả lời ông. Cuối năm 2005, Tòa dân sự TAND tối cao đã có văn bản trả lời ông rằng việc TAND TP không ra quyết định hòa giải thành là đúng bởi ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu nhà nước, do ủy ban quản lý. Tòa hòa giải mà thiếu ủy ban là vi phạm tố tụng.
Lại tạm đình chỉ không đúng
Đến đây, ông T. chịu thua, phải quay lại tiếp tục đeo đuổi vụ kiện. Giải quyết tiếp, giữa năm 2007, lấy lý do đã triệu tập và tống đạt hợp lệ nhiều lần nhưng ông T. lại không đến làm việc nên tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Ông T. vội kháng cáo. Tháng 9-2007, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM nhận định việc đình chỉ vụ án của TAND TP là không có căn cứ bởi luật sư của ông T. đã thông báo rõ lý do vắng mặt của thân chủ cho tòa biết, đồng thời ông T. còn có giấy tờ bệnh viện chứng minh vợ ông phải mổ cấp cứu trong ngày được triệu tập. Do vậy, tòa phúc thẩm đã hủy quyết định đình chỉ, giao hồ sơ trở lại cho TAND TP giải quyết lại.
Sau khi TAND TP thụ lý lại, hai bên đương sự đã xin tòa cho tạm đình chỉ vụ án để có thời gian suy nghĩ tìm hướng giải quyết vấn đề. Đến nay, theo các bên, họ chưa đạt được sự thống nhất nào bởi ngoài họ còn có phía UBND quận Phú Nhuận tham gia vào vụ án. Cả hai dù có thương lượng được chuyện gì đi nữa mà không có ý kiến của ủy ban thì cũng sẽ “vô hiệu” như lần trước mà thôi.
Tuổi già ập tới…
Tiếp cận với tình cảnh của các đương sự mới thấy thấm thía câu “vô phúc đáo tụng đình”. Cả hai ông bà giờ đều đã đối mặt với chuyện tuổi già, sức yếu. Tính ra bà L. đã gần 80, còn ông T. cũng gần 70 tuổi. Một phần quãng đời hơn 20 năm đeo đuổi vụ kiện làm cho họ không được thanh thản, bỏ mất bao công sức, thời gian. Mỗi người đều có cái lý của mình với chuyện tranh chấp nhưng cũng không thể không đề cập đến trách nhiệm của tòa khi một vụ kiện không có nhiều tình tiết gay cấn, phức tạp mà lại bị kéo quá dài.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code