Gần đây, báo chí thường xuyên đề cập đến
vấn đề vi phạm quyền sở hữu thương hiệu (1), làm nhái nhãn hiệu hàng
hoá. Trường hợp của Cà phê Trung Nguyên và Dầu khí Việt Nam
(PetroVietnam) là những ví dụ sinh động về các vấn đề mà các doanh
nghiệp đang gặp phải khi bảo vệ thương hiệu của mình ở nước ngoài. Các
doanh nghiệp này đã phát hiện ra thương hiệu của mình bị đánh cắp trước
khi doanh nghiệp triển khai đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường Mỹ
và hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán giành lại thương
hiệu của mình. Tại thị trường nội địa, những nhãn hiệu nước khoáng như
“La Vie” của Công ty Liên doanh La Vie hay thức ăn gia súc như “Con Heo
Vàng” của Công ty TNHH thương mại VIC… cũng liên tục bị làm nhái. Bảo vệ
tốt quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung, thương hiệu nói riêng là vô
cùng quan trọng nếu Việt Nam muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nếu bảo hộ thương hiệu kém thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh
nghiệp Việt Nam ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, và hạn chế
tính hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài.
Khung pháp luật chưa hoàn chỉnh
Trong vòng một thập kỷ qua, Việt Nam đã
có những cố gắng đáng kể để xây dựng hệ thống pháp luật về SHTT. Bộ luật
Dân sự được thông qua năm 1995 có một phần về quyền sở hữu trí tuệ và
chuyển giao công nghệ (Phần VI) và sau đó là hàng loạt các nghị định và
thông tư hướng dẫn thi hành được ban hành. Tuy nhiên, SHTT chỉ là một
phần nhỏ trong Bộ luật Dân sự cho nên còn chung chung và tương đối sơ
sài, bên cạnh đó nhiều văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật chưa cụ thể
và chi tiết. Thông thường ở các nước phát triển, luật SHTT là một bộ
luật riêng biệt rất chi tiết, rõ ràng và được chia ra các nhánh cụ thể
(bao gồm: quyền tác giả và sở hữu công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu
ích, nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp…). Các doanh nghiệp Việt
Nam cũng thường đề cập đến một số chính sách bất cập trong việc phát
triển thương hiệu, ví dụ như quy định về chi phí cho hoạt động tiếp thị
và quảng cáo không được quá 10% tổng chi phí để tính thuế thu nhập trong
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cơ chế xử lý vi phạm còn quá yếu
Hiện tại, có nhiều cơ quan cùng tham gia
việc thực thi bảo hộ thương hiệu như Cục SHTT, Quản lý thị trường, Công
an Kinh tế, Thanh tra khoa học công nghệ, Bộ đội biên phòng, Hải quan,
Toà án. Tuy nhiên, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về vấn đề
này. Các thẩm phán thường thiếu kiến thức chuyên môn về SHTT, vì vậy
khi xét xử, phải phụ thuộc vào ý kiến của nhiều cơ quan khác trước khi
đưa ra phán quyết. Điều này làm cho quy trình xử lý vi phạm của toà án
kéo dài và không hiệu quả. Do vậy, nhiều doanh nghiệp là nạn nhân của
tình trạng đánh cắp và nhái thương hiệu đã buộc phải đàm phán trực tiếp
với đối tượng vi phạm. Cách giải quyết không chính thức như thế này
không những gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp mà còn
tạo cơ hội cho tham nhũng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức xử phạt hành
chính đối với vi phạm thương hiệu hiện nay từ 2 triệu đến 100 triệu
đồng là còn quá thấp và không có tác dụng nhiều đến việc ngăn ngừa tình
trạng làm hàng nhái hoặc hành vi đánh cắp thương hiệu. Việc xử phạt hình
sự lại rất ít khi được áp dụng mà mức phạt cũng chỉ từ 20 đến 200 triệu
đồng (2).
Năng lực hạn chế của các cơ quan quản lý việc đăng ký và thực thi bảo hộ SHTT
Gần đây số lượng hồ sơ đăng ký bảo hộ
nhãn hiệu hàng hoá đã tăng nhiều do các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng
nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của thương hiệu. Trong năm 2003, Cục
SHTT đã nhận được tổng số gần 16.000 hồ sơ xin đăng ký sở hữu công
nghiệp. Hiện Cục chưa có chi nhánh tại các tỉnh thành và với tổng số 140
cán bộ thì khối lượng công việc như vậy là quá tải. Vào năm 2002, Cục
đã xây dựng trang web của mình, cung cấp một số thống kê cơ bản về số
lượng hồ sơ đăng ký sở hữu công nghiệp và một số rất ít các văn bản pháp
luật về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên trang web này vẫn chưa đăng tải
những thông tư hướng dẫn chi tiết, những thủ tục hay biểu mẫu để người
dùng có thể tham khảo và đăng ký, và các thông tin chưa được cập nhật
thường xuyên.
Hiểu biết hạn chế về thương hiệu từ phía doanh nghiệp và thiếu vắng các chuyên gia giỏi về thương hiệu
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt
đầu nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, song việc đầu tư cho
thương hiệu vẫn còn rất dè dặt. Theo các chuyên gia, việc phát triển
thương hiệu là vô cùng quan trọng, cần phải có thời gian và hệ thống;
trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ đăng ký nhãn hiệu khi
sản phẩm của mình bán chạy trên thị trường. Một kết quả khảo sát gần đây
do báo Sài Gòn Tiếp thị cho thấy: chỉ khoảng 16% doanh nghiệp có bộ
phận chuyên phụ trách công tác tiếp thị, hơn 80% doanh nghiệp không có
chức danh quản lý nhãn hiệu, và 74% doanh nghiệp chỉ đầu tư dưới 5%
doanh thu cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Không chỉ các doanh nghiệp mà các nhà
cung cấp dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực này cũng ít về số lượng, thiếu kỹ
năng và chuyên môn. Phần lớn các công ty tư vấn chỉ đơn thuần giúp các
doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu; rất ít công ty chuyên sâu về phát triển
thương hiệu. Còn các công ty tư vấn nước ngoài tuy có tính chuyên nghiệp
và chuyên môn cao song còn hạn chế về hiểu biết tâm lý và văn hoá bản
địa nên cũng chưa cung cấp được dịch vụ hỗ trợ hiệu quả.
(1) Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa pháp lý về thương hiệu.
(2) “Thực thi quyền bảo hộ SHTT tại Việt Nam”, Cục SHTT, Hà Nội, tháng 3 năm 2003.
(2) “Thực thi quyền bảo hộ SHTT tại Việt Nam”, Cục SHTT, Hà Nội, tháng 3 năm 2003.
SOURCE: http://www.vcci.com.vn
0 comments:
Post a Comment