Cuộc chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy
sang nền kinh tế thị trường đòi hỏi không chỉ cải cách kinh tế mà cả cải
cách chính trị. Cũng vì thế mà cải cách chính sách Nhà nước trở thành
vấn đề cấp thiết ở tất cả các nước đang thực hiện sự chuyển đổi thể chế
kinh tế. Mục đích của cải cách là xây dựng một thể chế nhằm đảm bảo
những lĩnh vực cần thiết phải có sự điều tiết của Nhà nước cũng như
những lĩnh vực có thể hạn chế sự can thiệp đó. Trong bài viết này, chúng
tôi tập trung phân tích một số lĩnh vực quan trọng, không thể không có
sự điều tiết của Nhà nước trong quá trình xây dựng thể chế kinh tế mới.
Thế kỷ XX đã chứng kiến cuộc đua tranh
giữa hai hệ thống kinh tế, nói đúng hơn là hai giải pháp vĩ mô đối lập
nhau: nền kinh tế chỉ huy dựa trên sự kiểm soát tập trung của Nhà nước
và nền kinh tế thị trường dựa vào thành phần kinh tế tư nhân. Thế nhưng,
chỉ đến cuối thế kỷ XX thì câu trả lời cho sự phân tranh nói trên mới
trở nên rõ ràng: mô hình của nền kinh tế chỉ huy đã thất bại trong việc
duy trì tăng trưởng, trong việc tạo ra sự phồn vinh và thậm chí cả trong
việc nâng cao đời sống nhân dân. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường
lại tỏ ra thành công ở nhiều nước từ Tây Âu đến Bắc Mỹ và cả Châu Á nữa.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế thị trường vẫn là cái gì đó chưa thuyết phục
và chưa được mọi nước chấp nhận một cách dễ dàng.
Vấn đề đặt ra là, nếu thị trường và hệ
thống thị trường là hiệu quả thì sao Nhà nước vẫn phải can thiệp vào các
hoạt động của nó? Tại sao không thực hiện một chính sách để tư nhân
được hoàn toàn tự do kinh doanh? Trả lời vấn đề này, có thể khẳng định
rằng, Nhà nước không thể thay thế cho thị trường nhưng nó có thể tác
động một cách có hiệu quả đến mọi hoạt động của nền kinh tế thị trường.
Lịch sử đã chứng minh rằng, các nền kinh
tế thị trường thành công nhất đều không thể phát triển một cách tự phát
nếu thiếu sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước. Các nền kinh tế thị
trường nguyên thuỷ dựa trên cơ sở sản xuất và trao đổi giản đờn có thể
hoạt động một cách có hiệu quả mà không cần sự can thiệp của Nhà nước.
Tuy nhiên, vì nền kinh tế tăng trưởng dưới tác động bên ngoài ngày một
phức tạp nên sự can thiệp của Nhà nước xuất hiện như một tất yếu cho sự
hoạt động có hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Trong các nền kinh tế
thị trường đã Phát triển, Nhà nước có 3 chức năng kinh tế rõ rệt là: can
thiệp, quản lý và điều hoà phúc lợi. Mặc dù còn có những hạn chế nhất
định, song sự điều tiết của Nhà nước vẫn là một trong các hoạt động của
nền kinh tế thị trường. Theo đó, thị trường tự do với đúng nghĩa của nó
không thể tồn tại, ngoại trừ trong các lý thuyết kinh tế.
Tuy nhiên, khi khẳng định sự cần thiết
phải có sự can thiệp của Nhà nước thì cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng tời cái
được – cái mất của sự can thiệp ấy. Cách giải quyết không phải là bỏ
mặc thị trường, mà phải là nâng cao hiệu quả của sự can thiệp đó. Nhà
nước có một vai .trò chính đáng và thường xuyên trong các nền kinh tế
hiện đại Vai trò đó của Nhà nước đặc biệt thể hiện rõ rệt ở việc xác
định “các quy tắc trò chơi” để can thiệp vào những khu vực cần có sự lựa
chọn, thể hiện nhưng khuyết tật của thị trường, để đảm bảo tính chỉnh
thể của nền kinh tế và để cung cấp những dịch vụ phúc lợi.
Quả thực, không thể phủ nhận vai trò của
Nhà nước trong các lĩnh vực như: ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính
sách tài chính và tiền tệ, củng cố an ninh quốc phòng, cung cấp hàng hoá
công cộng, chống ô nhiễm môi trường, phát triển giáo dục tăng thu nhập
và nâng cao phúc lợi xã hội, tạo dựng một bộ khung xã hội được sự điều
hành của luật pháp, định hướng cạnh tranh một cách có hiệu quả bằng cách
giảm độc quyền…
1. Vai trò của Nhà nước trong quốc phòng và trong việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hoá công cộng.
Quốc phòng là một ví dụ chứng tỏ vai trò
tối quan trọng của Nhà nước. Điều đó được quyết định bởi quốc phòng là
một kiểu hàng hoá hoàn toàn khác hẳn với các loại hàng hoá vật thể khác ở
chỗ, người ta không trả tiền cho mỗi đơn vị sử dụng mà mua nó như một
tổng thể nhằm mục đích bảo vệ an ninh của cả một quốc gia. Ở đây, bảo vệ
cho một cá nhân không có nghĩa là giảm bảo vệ cho người khác, bởi tất
cả mọi người tiêu thụ các dịch vụ quốc phòng một cách đồng thời.
Các loại hàng hoá kiểu như vậy được gọi
là hàng hoá công cộng, bởi không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể bán
quốc phòng của toàn dân cho các công dân riêng lẻ và coi đó là nghề
kinh doanh thu lãi. Đơn giản là không thể có chuyện dịch vụ quốc phòng
lại được đem rao bán cho những người cần hoặc không thực hiện bảo vệ an
ninh quốc gia, cho những người từ chối chi trả kinh phí cho quốc phòng.
Hơn nữa, hàng hoá công cộng là thứ hàng hoá không thể định giá chính xác
được, cho nên tư nhân không thể cung cấp. Đấy là nguyên nhân chính giải
thích vì sao quốc phòng phải do Nhà nước điều hành và chi phí cho quốc
phòng phải được lấy từ nguồn tài chính công, từ ngân sách Nhà nước có
được thông qua thuế.
Hàng hoá công cộng có ba đặc tính: tính
không kình địch trong tiêu dùng, tính không loại trừ (nonexcluđability)
và tính không thể không tiêu dùng mà tựu trung lại, tất cả mọi người đều
có nghĩa vụ và quyền lợi tiêu dùng hàng hoá công cộng như nhau. Có
nhiều ví dụ về hàng hoá công cộng, từ các biện pháp chống lũ lụt cho đến
việc phòng chống vũ khí nguyên tử, nhưng hai ví dụ có thể thấy rõ vai
trò của Nhà nước một cách trực tiếp và thường xuyên nhất, đó là xây dựng
cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thật vậy, một nền kinh tế không thể “cất
cánh” được trừ phi nó có được một cơ sở hạ tầng vững chắc. Nhưng cũng do
tính không thể phân chia của hàng hoá công cộng mà các tư nhân thấy
rằng đầu tư vào đây không có lợi. Vì thế, ở hầu hết các nước, Nhà nước
bỏ vốn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng có thể xem
như là hàng hoá công cộng. Đặc điểm của nền kinh tế thị trường là sự bất
ổn định do các cuộc khủng hoảng chu kỳ. Sự ổn định kinh tế rõ ràng là
điều mà mọi Nhà nước đều mong muốn và nó có lợi cho tất cả mọi người. Do
vậy, chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm duy trì sự ổn định đó trên
tầm vĩ mô.
2. Vai trò của Nhà nước đối với các yếu tố ngoại vi
Yếu tố ngoại vi là các ảnh hưởng tốt hay
không tốt do các yếu tố bên ngoài gây nên cho hoạt động của công ty hay
cho xã hội nói chung. Yếu tố ngoại vi xảy ra khi có sự khác biệt về phí
tổn hoặc lợi ích giữa cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, các chi phí hoặc lợi
ích này (chi phí ngoại vi hoặc lợi ích ngoại vi) lại không được tính
đến trong hệ thống giá cả và thị trường. Những chi phí ngoại vi cho sản
xuất bao gồm: sự tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường mà nhà máy
hoặc xí nghiệp sản xuất tạo ra… Những yếu tố này gây nên sự giảm sút về
phúc lợi của những người dân sống xung quanh hoặc có thể buộc những nhà
máy khác gần đó phải tốn kém thêm chi phí để làm sạch nước sông đã bị ô
nhiễm mà mình phải sử dụng trong sản xuất. Vì phía thứ ba không được đền
bù cho những khoản chi phí ngoại vi, nên các phí tổn sản xuất không
được tính đến trong hệ thống giá. Trong nền kinh tế thị trường tự do,
người ta chỉ mưu toan sử dụng tối đa những phương tiện hay lợi nhuận
riêng của mình, và nhưng chi phí hay lợi ích ngoại vi sẽ không được phản
ánh trong giá cả của các đồ vật. Ví dụ, trường hợp một nhà máy có thể
làm ra một loại sản phẩm rất rẻ nhưng lại làm ô nhiễm môi trường, gây ra
sự giảm sút về phúc lợi cho nhưng người khác. Và do vậy, vai trò kinh
tế của Nhà nước là điều chỉnh lại sự bất hợp lý này. Bằng sự can thiệp,
Nhà nước buộc tất cả những ai hưởng lợi từ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
đều phải trả toàn bộ chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ấy.
Tuy nhiên, Nhà nước không dễ dàng quyết
định chính xác chi phí ấy là bao nhiêu, vì không thể định lượng một cách
chính xác tác hại mà sự ô nhiễm ấy có thể gây ra cho xã hội. Vì những
khó khăn này, Nhà nước cần phải đảm bảo chi phí giảm ô nhiễm không được
cao hơn so với chi phí mà ô nhiễm gây ra cho xã hội. Nếu không các nguồn
lực sẽ không được phân bố hiệu qua.
Nhà nước có thể sử đụng một hệ thống
thuế, luật pháp, điều lệ, mức hình phạt, thậm chí cả mức truy tố để nhằm
giảm ô nhiễm. Ngoài ra, Nhà nước còn sử dụng cả chính sách quyền sở hữu
công khai nguồn tài nguyên, người sử dụng nguồn tài nguyên này nếu gây ô
nhiễm sẽ phải chịu chi phí theo giá thị trường. Các khoản thuế hay biện
pháp trợ cấp tối ưu đều được coi là phương thức để Nhà nước xứ lý những
yếu tố ngoại vi. Do chỗ toàn bộ chi phí xã hội là cái quan trọng quyết
định sự phân bố tài nguyên một cách có hiệu quả, còn những chi phí tư
nhân quyết định giá hàng, cho nên vai trò của Nhà nước là tạo ra sự
thăng bằng giữa cá nhân và xã hội thông qua việc điều chỉnh sản xuất
thừa hoặc tiêu dùng thừa vào chi phí ngoại vi.
Trong các lợi ích ngoại vi, cần chú ý tới
giáo dục bởi đây là lĩnh vực cần phải có sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà
nước. Ngoài ra, trong chừng mực một sán phẩm nào đó có thể tạo ra được
lợi ích ngoại vi, Nhà nước cần xem xét vấn đề trợ cấp tối ưu để khuyến
khích sản xuất, tiêu dùng loại sản phẩm này sao cho giá trị đích thực
các lợi ích ngoại vi được tính đến trong hệ thống giá thị trường. Ở đây,
sự can thiệp cửa Nhà nước là cần thiết, vì trong khi chi phí ngoại vi
có thể dẫn đến sản xuất thừa thì ngược lại, lợi ích ngoại vi lại có thể
dẫn đến sản xuất thiếu.
3. Vai trò của Nhà nước trong việc tạo dựng bộ khung xã hội và luật pháp
Để thực hiện đúng đắn chức năng phân phối
của mình, nền kinh tế thị trường đòi hỏi một loạt thể chế phát triển
cao, trong đó có hệ thống pháp lý để chống lại bạo lực và gian lận bao
gồm: hệ thống có liên quan tới những quyền sở hữu, những điều luật về
phá sản và khả năng thanh toán, hệ thống tài chính với ngân hàng trung
ương và các ngân hàng thương mại để giữ cho việc cung cấp tiền mặt được
thực hiện một cách nghiêm ngặt…
Thật vậy, trong các nền kinh tế thị
trường không có gì bảo đảm để không diễn ra bạo lực và gian lận. Đó là
lý do tại sao Nhà nước cần phải có lưu trữ văn bản, hồ sơ, chứng từ về
đất đai, nhà ở, đảm bảo các hợp đồng mua bán tất cả các loại sản phẩm.
Cả người mua lẫn người bán đều muốn là khi cả hai phía đã đồng ý trao
đổi thì sự thoả thuận nhất định phải được thực hiện. Tình hình đó cũng
giống như đối với quan hệ giữa người chủ và người làm công. Người lao
động đã với tư cách cá nhân hay tập thể trong các tổ chức hiệp hội cũng
đều có sự thoả thuận nhất định về điều kiện làm việc, tiền lương với chủ
sử dụng lao động. Nếu như không có sự đảm bảo cho các thoả thuận ấy,
nghĩa là không có sự thực thi của luật pháp thì các giao dịch trên thị
trường trở nên khó mà có thể thực hiện.
Nhà nước trong các nền kinh tế thị trường
cần phải thiết lập và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, cung như quyền được
hưởng các lợi ích kinh tế xuất phát từ việc sử dụng quyền sở hữu đó. Nếu
không có sự đảm bảo ấy, một số người sẽ gặp phải những rủi ro nếu đầu
tư thời gian và tiền vốn của mình vào lĩnh vực kinh doanh mà rốt cuộc,
tiền lãi thu về lại có thể rơi vào Nhà nước hoặc các tập đoàn khác.
Sự bảo hộ của Nhà nước đối với sở hữu tư
nhân thể hiện một cách rõ ràng đối với đất đai, nhà máy, công xưởng, kho
chứa và các sản phẩm hữu hình khác. Thế nhưng, sự bảo hộ đó còn được áp
dụng cho cả các sở hữu liên quan tới trí tuệ, chẳng hạn như sách, bài
viết, phim ảnh, hội họa, phát minh, sáng chế, thiết kế, bào chế thuốc
hay chương trình phần mềm… Đây là một sự can thiệp rất quan trọng của
Nhà nước trong việc bảo vệ bản quyền tác giả và qua đó, khuyến khích
những hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học, các nghệ sĩ, khuyến khích
việc phát huy khả năng trí tuệ của họ.
4. Vai trò của Nhà nước trong chính sách cạnh tranh
Vai trò này thể hiện ở tập hợp những biện
pháp của Nhà nước nhằm cổ vũ cạnh tranh giữa các nhà cung ứng với nhau,
đồng thời bảo vệ người tiêu dùng chống lại tình trạng độc quyền. Phạm
vi của một chính sách như vậy bao gồm: kiểm soát bằng các biện pháp điều
tiết đối với những hãng có khả năng chi phối, kiểm soát các vụ việc sát
nhập công ty nhằm ngăn ngừa khả năng độc quyền hoá các ngành công
nghiệp, kiểm soát các hành vi chống cạnh tranh.
Nói tới độc quyền là nói tới thị trường
chỉ có một người cung cấp. Thông thường, trong các nền kinh tế thị
trường, tình hình sẽ trở nên nan giải khi một ngành công nghiệp bị chi
phối bởi một số rất ít các Công ty lớn. Các công ty này có thể cấu kết
với nhau thành một tập đoàn hùng mạnh, áp đảo thị trường với mức giá
cao, nhằm thu nhiều lợi nhuận, đồng thời khống chế việc thâm nhập vào
thị trường của các Công ty nhỏ hơn đang cạnh tranh với họ. Để ngăn chặn
tình trạng cấu kết, độc quyền và để duy trì cạnh tranh lành mạnh một
cách có hiệu quả, hầu hết các nền kinh tế thị trường, kể cả Mỹ, đều
thông qua đạo luật chống độc quyền.
Song, thật đáng tiếc, nhiều khi sự kiểm
soát của chính phủ và chính sách chống độc quyền trên thực tế lại dẫn
đến giảm cạnh tranh chứ không phải là khuyến khích cạnh tranh. Các chính
sách này bao gồm: giấy phép độc quyền sản xuất một loại hàng hoá và
dịch vụ nào đó, thuế, côta… Tất cả những cái đó đã hạn chế việc nhập
khẩu hàng hoá và địch vụ từ nước ngoài. Do vậy, chính sách của Nhà nước
về vấn đề cạnh tranh không phải không có điều bất cập. Tuy nhiên, các
nhà kinh tế đều thừa nhận rằng, cái giá tiềm tàng cho phép các Công ty
lớn (hoặc một nhóm các Công ty cấu kết với nhau) giành được vị trí độc
quyền trong các ngành công nghiệp chủ chốt là rất cao. Giá đó đủ lớn đề
thừa nhận vai trò nhất định của Nhà nước trong việc điều tiết để duy trì
cạnh tranh thông qua một hệ thống đạo luật không ngừng được củng cố.
5. Vai trò của Nhà nước đối với vấn đề thu nhập và phúc lợi
Trong nền kinh tế thị trường, khả năng
kiếm sống ở một số người là rất hạn chế, trong khi đó, số khác lại có
nguồn thu nhập rất lớn. Nguồn thu nhập đó có thể do thừa hưởng gia tài,
có thể do tài năng hoặc sự thành đạt trong kinh doanh hay trong các quan
hệ chính trị, xã hội… Do vậy, vai trò của Nhà nước là không thể thiếu
được trong việc phân phối lại thu nhập để trong chừng mực cho phép, có
thể thu hẹp lại khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội. Trên thực tế, các
chính phủ đều luôn thực hiện điều đó thông qua chính sách thuế, đặc
biệt là thuế thu nhập nhằm tạo ra sự công bằng hơn trong phân phối.
Ở đây có hai ý kiến trái ngược. Một là, ý
kiến ủng hộ vai trò của Nhà nước trong việc hạn chế sự tập trung tài
sản và duy trì sự lan toả các năng lực kinh tế giữa cá chủ sở hữu. Hai
là, ý kiến ngược lại cho rằng, chương trình phân phối lại của Nhà nước
thông qua thuế thu nhập sẽ làm cho người lao động giảm động cơ làm việc
để tăng thu nhập, giảm tiết kiệm, giảm đầu tư và do đó sẽ gây nên tổn
hại lớn tới cả một nền kinh tế.
Tuy nhiên, ý kiến đầu tiên đã giành được
nhiều sự ủng hộ hơn của xã hội. Trong hầu hết các nền kinh tế thị
trường, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao phúc lợi
công cộng, xoá đói, giảm nghèo. Các vấn đề như việc làm, sức khoẻ, bảo
hiểm y tế, lương hưu, trợ cấp khó khăn… luôn là những vấn đề rất cần đến
sự quan tâm của Nhà nước. Rõ ràng, điều bàn cãi không còn là ở chỗ Nhà
nước có nên tạo ra quỹ phúc lợi hay không, có nên thực hiện phân phối
lại thông qua thuế thu nhập hay không… mà là mức độ thực hiện ra sao để
vẫn có thể khích lệ được mọi thành phần lao động trong việc tạo ra của
cải và tiết kiệm trong việc chi dùng những của cải ấy.
6. Vai trò của Nhà nước trong các chính sách tài chính và tiền tệ
Nhà nước trong các nền kinh tế thị trường
đóng một vai trò rất lớn trong việc tạo ra các điều kiện kinh tế để thị
trường tư nhân có thể phát huy hết hiệu quả hoạt động của mình.
Một trong các vai trò đó là tạo ra một
thị trường tiền tệ ổn định, được chấp nhận rộng rãi, có khả năng loại bỏ
hệ thống giao dịch cồng kềnh, kém hiệu quả và đồng thời có khả năng duy
trì giá trị tiền tệ thông qua các chính sách hạn chế lạm phát.
Trong lịch sử, các nền kinh tế thị trường
luôn rơi vào tình trạng bị đe doạ bởi khi thì đồng tiền tăng giá đột
ngột, khi thì nạn thất nghiệp tăng cao, khi thì vừa có tình trạng thất
nghiệp, vừa có tình trạng lạm phát. Mặc dù các giai đoạn đó thường diễn
ra nhẹ nhàng, kéo dài không lâu khoảng một năm hoặc ngắn hơn. Tuy nhiên,
lịch sử vẫn chưa quên thời kỳ trầm trọng của siêu lạm phát ở Đức những
năm 20, đặc biệt cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới những năm 30 của
thế kỷ XX, khi cả thế giới lâm vào tình trạng thất nghiệp.
Chính sách tài chính bao gồm các chính
sách thuế và chi tiêu ngân sách của Nhà nước nhằm điều tiết chu kỳ kinh
tế, đảm bảo công ăn việc làm, ổn định giá cả và tăng trưởng liên tục của
nền kinh tế. Trong những thời kỳ kinh tế suy giảm, chính sách tài chính
có tác dụng kích cầu và sản xuất bằng cách Chính phủ tăng mua, giảm
thuế, do đó tạo ra được một thu nhập quốc dân khả dụng lớn hơn để đưa
vào luồng tiêu đùng. Còn trong những thời kỳ kinh tế “quá nóng”, chính
phủ làm ngược lại. Để cân bằng lại những biện pháp tài chính cố ý này,
Nhà nước tạo ra nhưng cái gọi là cơ chế ổn định, như thuế thu nhập luỹ
tiến và phụ cấp thất nghiệp. Chính sách tài chính được điều hành một
cách độc lập với chính sách tiền tệ là chính sách nhằm điều tiết hoạt
động kinh tế bằng cách kiểm soát việc cung ứng tiền.
Khi tăng chi tiêu vào thời điểm thất
nghiệp cao và lạm phát thấp, Nhà nước đã tăng cung ứng tiền, dẫn tới
giảm lãi suất (tức giám giá đồng tiền), nhờ đó ngân hàng mới có nhiều
điều kiện cho vay và chi tiêu cho tiêu dùng được tăng lên. Điều đó có
nghĩa là kích cầu vì tiêu dùng là bộ phận cấu thành lớn nhất và ổn định
nhất của tổng cầu. Lãi suất thấp, đồng thời khuyến khích đầu tư, các chủ
doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thuê thêm công nhân. Trong thời
kỳ lạm phát cao và thất nghiệp thấp thì ngược lại, Nhà nước “làm nguội”
nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất, giảm cung ứng tiền. Cùng với việc
giảm tiền và tăng lãi suất, cả chỉ tiêu lẫn giá cả đều có xu hướng giảm
hoặc ít nhất, nếu có tăng thì cũng rất chậm, và kết quả là thu hẹp lại
sản lượng và việc làm.
Trước năm 1960, chính sách tài chính và
tiền tệ không được áp dụng rộng rãi để ổn định các chu kỳ kinh doanh.
Ngày nay, trừ các trường hợp liên quan tới thiên tai và thảm hoạ chiến
tranh, các chính sách này đã trở thành giải pháp hữu hiệu để khắc phục
lạm phát và giải quyết việc làm. Những tác động của nó chưa ro ràng khi
cả lạm phát và thất nghiệp xảy ra đồng thời. Có một vài nguyên nhân cho
sự hạn chế này. Đó là khó xác định chính xác thời điểm của vấn đề cần
giải quyết để từ đó, đưa ra các biện pháp, chính sách hỗn hợp cho phù
hợp. Ngoài ra, thời gian chờ đợi các chính sách phát huy tác dụng không
phải là ngày một ngày hai. Điều thật tai hại là có khi đến lúc chính
sách Nhà nước phát huy tác đụng thì khó khăn ban đầu đã tự giải quyết
xong và đang chuyển sang một hướng hoàn toàn khác hẳn. Trong những
trường hợp như thế, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô tỏ ra không cần
thiết và thậm chí có khi còn phản tác dụng.
Khi cả thất nghiệp và lạm phát xảy ra
đồng thời, chính phủ có thể rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi
vì, các chính sách tài chính và tiền tệ đều điều chỉnh lại mức chi tiêu
của cả một nền kinh tế quốc dân, nhưng lại không thể đối phó với sự
giảm đột ngột về cung – một nhân tố có thể đẩy nhanh cả lạm phát lẫn
thất nghiệp. Tình trạng này đã xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX,
khi có lệnh đình chỉ xuất khẩu đầu của các nước sản xuất dầu, dẫn tới
giá cả tăng nhanh trong nền kinh tế các nước công nghiệp hoá. Như vậy,
sự giảm cung sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng nhanh trong khi đó thì
sản xuất và việc làm lại giảm. Để đối phó với cú sốc cung này đối với
nền kinh tế quốc dân, Nhà nước có thể tăng cường các biện pháp khuyến
khích sản xuất, tiết kiệm và đầu tư, tăng hiệu quả cạnh tranh băng cách
giảm sự độc quyền, khắc phục sự trì trệ và kìm hãm của các nguồn lực
quan trọng.
Như vậy, có thể nói, dẫu Nhà nước không
thể cung cấp phương thuốc bách bệnh trong cuộc đấu tranh muôn thuở với
lạm phát và thất nghiệp trong các nền kinh tế thị trường thì nó vẫn được
coi là nhân tố tích cực trong việc điều hoà các ảnh hưởng của chúng.
Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay đều thừa nhận tầm quan trọng của Nhà
nước trong cuộc đấu tranh chống lạm phát và thất nghiệp thông qua các
chính sách ồn định dài hạn.
Trong xã hội hiện đại, sự điều hành của
Nhà nước đối với quá trình phát triển kinh tế, khắc phục các cuộc khủng
hoảng kinh tế – xã hội và mở rộng nền dân chủ cũng chính là nhằm đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội. Đặc biệt Nhà nước trong một nền dân
chủ là công cụ có thể làm dịu đi phần lớn những tác động tiêu cực của
hệ thống thị trường, trong khi vẫn duy trì được quyền sở hữu và quyền tự
do. Nói cách khác, chính hệ thống chính trị dân chủ có thể đóng góp
hiệu quả nhất vào hoạt động của nền kinh tế thị trường. Và, cho dù Nhà
nước là tác nhân quan trọng, không thể thiếu được trong một nền kinh tế,
song điều đó không có nghĩa là Nhà nước có thể bao biện, làm thay cho
tất cả các hoạt động thị trường. Nhà nước chỉ nên chú trọng tới những
lĩnh vực mà thị trường không thể làm được, hoặc mức độ làm được không
thể hoàn hảo bằng sự can thiệp của Nhà nước. Những vấn đề được phân tích
ở trên chính là những lĩnh vực mà Nhà nước có thể phát huy đầy đủ nhất
vai trò điều tiết của mình.
Theo Tạp chí Triết học
Bài viết có liên quan:
0 comments:
Post a Comment