Saturday, January 25, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN: CÁI MÁY BIẾN ÁP “TỰ NHIÊN” CHÁY

HOÀNG YẾN
Các bên tranh cãi quyết liệt về nguyên nhân làm máy biến áp cháy gây thiệt hại hàng tỷ đồng… Tháng 1-2008, Công ty T. (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ký hợp đồng mua một máy biến áp hiệu S. với giá gần 260 triệu đồng từ Công ty A. (đại lý chính thức của nhãn hiệu máy biến áp này ở quận 11, TP.HCM). Theo hợp đồng, đây là loại máy biến áp mới 100%, được bảo đảm đúng tiêu chuẩn và quy cách sản xuất, có thời hạn bảo hành hai năm…
Cháy công ty
Theo phía Công ty T. trình bày, tháng 7-2008, chiếc máy biến áp trên được lắp đặt tại nhà máy sản xuất tôn và bắt đầu vận hành thử từ ngày 19-7. Đến ngày 8-8, dây chuyền sản xuất chạy bình thường từ sáng đến chiều thì ngưng. Riêng máy biến áp vẫn hoạt động (chạy nguội), tới khoảng 19 giờ 15 thì xảy ra vụ cháy làm Công ty T. bị thiệt hại nặng.
Giữa tháng 10-2008, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an có kết quả giám định. Theo đó, vùng cháy đầu tiên là khu vực đặt máy biến áp, nơi xuất phát cháy đầu tiên là bên trong máy biến áp. Cơ quan này loại trừ khả năng cháy do đốt phá hoại, do thuốc nổ gây cháy và cả cháy do sự cố kỹ thuật điện trên các đường dây bên ngoài máy biến áp. Theo cơ quan này, nổi lên khả năng nguyên nhân cháy là vỏ dây dẫn điện trong máy biến áp bị giảm độ cách điện do chịu tác động của nhiệt độ, lại bị ảnh hưởng bởi sự thoát nhiệt chậm làm phát sinh sự cố phóng điện.
Sau khi có kết quả giám định, Công ty T. thông báo kết quả thiệt hại và mời đại lý A. cùng giải quyết hậu quả nhưng không đạt được thỏa thuận. Vì thế, Công ty T. đã kiện đại lý A. ra TAND quận 11 (TP.HCM) đòi bồi thường vì đã “giao hàng không đúng quy cách chất lượng, không đúng thông số kỹ thuật dẫn đến hậu quả cháy gây thiệt hại”.
Tranh cãi căng thẳng
Ban đầu, Công ty T. yêu cầu đại lý A. bồi thường tổng cộng khoảng 10 tỷ đồng nhưng sau đó đã rút lại một số khoản, chỉ yêu cầu bồi thường khoảng sáu tỷ đồng. Theo Công ty T., đây là chi phí lắp đặt lại hệ thống tủ điều khiển hệ thống dây chuyền mạ tôn bị hư, tiền mua máy biến áp mới, tiền lương công nhân, chuyên gia và tiền thuê đất trong ba tháng liền công ty không hoạt động được.
Ngược lại, đại lý A. nói mình chỉ là trung gian trong việc mua bán máy biến áp. Theo đại lý A., người mua muốn mua máy với thông số thế nào thì đại lý bán đúng như vậy nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ cháy.

Trong khi đó, nhà sản xuất máy biến áp S. – bên liên quan trong vụ án lại có lời giải thích khác về nguyên nhân cháy. Theo nhà sản xuất, người sử dụng đã lắp đặt máy trong môi trường không thông thoáng dẫn đến hậu quả như trên. Nhà sản xuất không chịu trách nhiệm khi người sử dụng máy không đúng gây ra vụ cháy…
Phản bác, Công ty T. trưng ra bằng chứng là máy biến áp giao cho công ty có tiết diện đầu vào, đầu ra không đúng thông số mà nhà sản xuất đưa ra và đại lý giới thiệu. (Sau khi xảy ra vụ cháy, muốn tìm hiểu kỹ hơn về chất lượng máy đã mua, công ty đem mẫu dây trong máy biến áp gửi cho cơ quan giám định thì biết rằng dây có tiết diện nhỏ hơn tiêu chuẩn.)
Qua hai lần hòa giải, các bên không thể thỏa thuận được với nhau nên tòa lên lịch đưa vụ án ra xử vào đầu tháng 4 này. Tuy nhiên cận ngày xử, phía đại lý và nhà sản xuất máy biến áp đã xin hoãn xử để xem lại một số vấn đề.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code