Sự có mặt của luật sư ngay lúc một công dân được triệu tập bởi cơ quan an ninh hay công an có giúp gì được cho người được triệu tập hay không, và tại sao công an hay điều tra viên luôn từ chối sự có mặt rất quan trọng này của một luật sư?
Thiếu sót quan trọng
Ngày 26/12/ 2013 ông Đỗ Duy Việt, 47 tuổi, cư ngụ tại xã Luận Thành, huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa sau ba ngày bị công an triệu tập điều tra nghi án hiếp dâm trẻ vị thành niên đã chết trong đồn công an. Điều đáng nói là ông Việt chết khi cơ quan điều tra mới đang lấy lời khai xác minh dấu hiệu tội phạm và chưa có quyết định khởi tố.Trường hợp của ông Đỗ Duy Việt không phải là trường hợp cá biệt. Từ năm 2010 tới nay có rất nhiều nạn nhân khi bị triệu tập tới cơ quan an ninh đã trở về nhà với thi hài không còn nguyên vẹn.
Những cái chết này được công an cho là tự tử và hầu hết mọi trường hợp đều không tìm thấy can phạm chính. Ngay cả người bị bắt tự tử trong đồn công an đi chăng nữa thì điều tra viên phải chịu trách nhiệm trực tiếp tới cái chết của họ vì đã bất cẩn trong lúc giam giữ. Tuy nhiên một yếu tố pháp lý khác cần đặt ra trong lúc này đó là sự ràng buộc đối với điều tra viên để họ không còn tự do triệu tập và đánh chết người dân để sau đó dựng lên hiện trường giả chứng minh nạn nhân tự tử.
Những người bị triệu tập họ hoàn toàn có quyền đưa ra những đề nghị với công an rằng nếu tôi có luật sư thì tôi mới làm việc còn nếu không thì tôi không làm việc.Một trong những ràng buộc đó là sự có mặt của một luật sư ngay khi công an ra lệnh triệu tập, bất kể họ là nhân chứng hay nghi phạm.
-LS Trần Thu Nam
Sự có mặt ngay từ lúc đầu của một luật sư sẽ giúp người bị triệu tập vượt qua sợ hãi khi đối diện với công an hay điều tra viên. Lúc bị mời họ hoàn toàn không có bất cứ tội gì được thành lập và vì vậy một luật sư có mặt ngay lúc ấy sẽ tránh được những lời khai do ép cung hay mớm cung có thể dẫn họ tới những tai họa sau này.
Sự không cho phép luật sư có mặt trong giai đoạn xác minh các đơn thư tố cáo của cơ quan điều tra được giải thích rằng do giai đoạn này họ mới bắt dầu tìm kiếm bằng chứng xác minh tội phạm nên sự có mặt của luật sư là không cần thiết và có thể cản trở việc xác minh. Tuy nhiên theo các luật sư thì đây chỉ là ngụy biện, thoái thác sự có mặt của luật sư mà thôi.
Thực ra giai đoạn xác minh không khác gì với giai đoạn đã khởi tố vụ án. Cũng bắt đầu là triệu tập lấy lời khai, xác minh lý lịch rồi yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, giám định và các hoạt động điều tra khác.
Luật sư Trần Thu Nam cho biết việc thoái thác của công an đối với sự có mặt của luật sư ngay vào khi triệu tập một công dân, ông nói:
“Hiện nay trong Luật tố tụng cũng không quy định rõ là có cho phép luật sư hay không. Các công an viên, điều tra viên thường từ chối làm việc với luật sư họ bảo chúng tôi chưa khởi tố cho nên luật sư đừng tham gia, vì vậy nếu không cho luật sư tham gia ngay thì tôi nghĩ rằng cách đối phó của những người bị triệu tập họ hoàn toàn có quyền đưa ra những đề nghị với công an rằng nếu tôi có luật sư thì tôi mới làm việc còn nếu không thì tôi không làm việc. Họ hoàn toàn có thể đưa ra những yêu cầu như vậy.”
Trong giai đoạn xác minh này thiếu vắng sự có mặt của luật sư là một thiếu sót trầm trọng của luật pháp, nó cho phép cơ quan điều tra chiếm dụng tất cả hoạt động tư pháp và không hề chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có oan sai do ép cung trong thời khắc đầu tiên của một vụ án.
Lợi dụng lỗ hổng luật pháp
Bộ Luật Tố tụng Hình sự vì vậy theo nhiều luật sư cần phải bổ xung quyền tham dự của luật sư trong giai đoạn này nhằm tiết giảm bớt quyền hành của cơ quan hành pháp lợi dụng lỗ hổng pháp luật để dùng nhục hình đối với người vô tội.Luật sư Trần Thu Nam cho biết nhận định của ông về sự đóng góp của một luật sư trong giai đoạn này:
“Luật hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam có quy định luật sư được tham gia kể từ khi bị tạm giữ, có nghĩa là người bị tạm giữ trước khi bị khởi tố thì luật sư đã được tham gia rồi. Còn giai đoạn xác minh các chứng cứ liên quan đến hoạt động điều tra thì theo tôi nếu có luật sư tham gia vào thì việc xác minh, thu thập chứng cứ nó cũng sẽ khách quan và đúng đắn hơn. Việc đề nghị cho luật sự tham gia vào giai đoạn xác minh là một sự cần thiết.”
Luật sư Trần Vũ Hải cũng cùng nhận định sự thiếu sót này trong Bộ luật Hình Sự Tố tụng của Việt Nam:
Theo tôi nếu có luật sư tham gia vào thì việc xác minh, thu thập chứng cứ nó cũng sẽ khách quan và đúng đắn hơn. Việc đề nghị cho luật sự tham gia vào giai đoạn xác minh là một sự cần thiết.“Luật pháp Việt Nam vẫn chưa nói rõ vai trò của luật sư trong giai đoạn nghi ngờ trước khi khởi tố vụ án đối với bị can thì không có luật sư. Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng Hình sự có ghi rõ rằng người bị giữ phải có quyền yêu cầu có luật sư ngay. Vì vậy người dân phải hiểu rằng họ có quyền có luật sư ngay và cơ quan điều tra theo Bộ luật Tố tụng Hình sự trong vòng một hai tiếng đồng hồ phải chấp nhận yêu cầu này.
-LS Trần Thu Nam
Nhưng thực tế mà chúng tôi được biết thì cơ quan điều tra không tìm cách hỏi những người bị tạm giữ, thậm chí khi có yêu cầu họ vẫn tìm cách kéo dài. Hiện nay Liên đoàn Luật sư và Đoàn Luật sư các địa phương đang đấu tranh cho vấn đề này. Đang có đề xuất rằng phải có luật sư ngay từ khi bị coi là nghi can thì lúc nào họ cũng có quyền nhờ luật sư. Hiện nay chúng tôi được biết các Liên đoàn Luật sư đang đề xuất được ghi trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hiện nay Bộ luật Tố tụng Hình sự mới chỉ ghi rằng khi bị bắt giữ thì chắc chắn họ được nhờ luật sư, người dân cần nhớ điều đó.”
Theo luật sư Trần Vũ Hải người dân phải biết quyền và trách nhiệm cộng tác với cơ quan điều tra như thế nào để tự bảo vệ một cách hợp pháp nhất trong tiến trình xác minh một vụ án.
“Nếu có một tin báo về một vụ phạm pháp nào xảy ra thì cơ quan công an có quyền xác minh. Trong việc thực hiện xác minh họ có quyền mời những người liên quan hoặc làm nhân chứng đến cơ quan điều tra làm việc. Tuy nhiên nếu muốn giữ lại những người đó phải có lệnh mà theo luật về những lệnh tạm giam, tạm giữ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Còn nếu không có lệnh đó thì cơ quan công an phải giải thích tại sao họ lại giữ người như vừa qua.”
Về những cái chết trong trụ sở công an khi bị triệu tập luật sư Trần Vũ Hải nhận xét:
“Chúng tôi được biết có khá nhiều vụ án cơ quan công an giải thích rằng do người ta tự nguyện ở lại, chúng tôi nghĩ trằng đây là câu chuyện khó thể chấp nhận được. Người ta chỉ tình nguyện ở lại cơ quan điều tra nếu ra ngoài tính mạng của họ bị đe dọa và người ta muốn cơ quan công an bảo vệ mà thôi còn những trường hợp khác không có ai tự nguyện mất tự do cả. Vì vậy cơ quan điều tra phải giải thích rõ tại sao họ bị giữ mấy chục tiếng tới mấy ngày ở đây. Nếu họ không có lời giải đáp một cách chính đáng thì rõ ràng việc tạm giam tạm giữ là trái pháp luật và có thể bị Viện kiểm sát tối cao hay các cơ quan khác khởi tố. Chúng tôi được biết đã có nhiều vụ mà Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã khởi tố một số cán bộ trong ngành công an về việc bắt giữ người trái phép.”
Ngăn ngừa sự lộng quyền bằng một điều luật cụ thể trong Bộ luật Tố tụng Hình sự vẫn là phương án tối ưu và đạt hiệu quả cao nhất. Truy tố kẻ vi phạm pháp luật trong các cơ quan điều tra chỉ là cái ngọn vì sẽ không bao giờ chấm dứt tội phạm khi không có một ngọn roi công lý lúc nào cũng có mặt trong các buổi điều tra.
0 comments:
Post a Comment