CHI MAI
Bên cạnh số phí phải đóng hằng năm cho loại hình bảo
hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới, nhiều chủ xe còn bỏ ra khá bộn tiền để
mua thêm một số loại hình bảo hiểm tự nguyện khác. Thế nhưng, để có
được khoản tiền bồi thường từ công ty bảo hiểm quả không dễ! Khi tai nạn
xảy ra, khách hàng nào cũng phải thấm mệt vì bị “hành” khi đi đòi bảo
hiểm…
“Hành trình” đòi tiền bảo hiểm
Ngày 3-10-2003, chiếc xe tải nhẹ của ông Nguyễn Văn
Đức (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đụng vào một chiếc ôtô khác
đang lưu thông trên quốc lộ 1A, gây hư hỏng cho chiếc xe này. Ngay khi
xảy ra tai nạn, ông Đức đã báo cho Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex
để yêu cầu bồi thường.
Ông được một nhân viên công ty hướng dẫn phải cung
cấp một bộ hồ sơ bao gồm tất cả trên 10 loại giấy tờ: giấy yêu cầu bồi
thường, chứng nhận bảo hiểm, chứng nhận an toàn kỹ thuật và hàng loạt
các biên bản khám nghiệm hiện trường, giải quyết tai nạn của cơ quan
công an…
Khó khăn nhất chính là các giấy tờ của cơ quan công
an. Ông Đức đã vất vả cả chục lần lên xuống mà Công an huyện Bến Lức,
tỉnh Long An (nơi xảy ra tai nạn giao thông) vẫn cứ yêu cầu phải có giấy
giới thiệu của công ty bảo hiểm. Ông Đức đến công ty bảo hiểm nhiều lần
nhưng nhân viên phụ trách hồ sơ của ông lại… bận đi công tác xa, không
cấp giấy giới thiệu cho ông được.
Ngày 17-11-2003, sau khi vất vả chạy đi chạy lại công
ty bảo hiểm và Công an huyện Bến Lức để hoàn tất hồ sơ yêu cầu bồi
thường, ông lại được nhân viên công ty bảo hiểm yêu cầu chờ… giám đốc
duyệt giá. Đến nay, sau hơn ba tháng kể từ khi tai nạn xảy ra, ông Đức
đã phải chạy vạy khắp nơi mới nhận được khoản tiền bồi thường 30 triệu
đồng từ công ty bảo hiểm.
Một khách hàng (chủ xe du lịch bốn chỗ) của Công ty
Bảo hiểm TP.HCM (Bảo Minh) cũng than phiền: do ông mua bảo hiểm vật chất
chiếc xe của mình nên trong quá trình đi công tác xa xe gặp tai nạn bị
hư hỏng, phải sửa chữa hơn 1 triệu đồng. Để hoàn tất hồ sơ yêu cầu bồi
thường, ông đã phải tốn thời gian gần hai tháng trời đi nhiều nơi xin
xác nhận, chi phí đi lại và thời gian thu thập hồ sơ, chờ đợi nhận bảo
hiểm cũng vượt quá khoản tiền nhận được!
Quyền to hơn… sự thật
Không hẳn bất cứ khách hàng nào bỏ công sức, thời
gian, tiền bạc để thu thập hàng đống hồ sơ, giấy tờ đòi bảo hiểm cũng
nhận được khoản tiền bồi thường. Nhiều trường hợp khách hàng đã vô cùng
bức xúc vì đã bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường một cách hết sức vô
lý.
Tháng 8-2002, Công ty TNHH Tiến Lên (TP Biên Hòa,
tỉnh Đồng Nai) có mua bảo hiểm vật chất 13 xe cơ giới tại Công ty Bảo
Minh với tổng phí 72 triệu đồng. Ngày 1-3-2003, trong lúc giao nhận hàng
cho cơ sở Trường Tiến tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình
Dương, chiếc xe cẩu này đã bị phóng điện và cháy toàn bộ, rất may tài xế
và phụ xe thoát nạn.
Ngay khi tai nạn xảy ra, Công ty Tiến Lên đã báo cho
công ty bảo hiểm và Bảo Minh cũng cử nhân viên xuống hiện trường, cho
kéo chiếc xe về TP.HCM để chờ giải quyết. Sau hơn hai tháng thu thập
khoảng 20 loại giấy tờ theo yêu cầu của Bảo Minh để hoàn tất hồ sơ yêu
cầu bồi thường (số tiền bảo hiểm cho chiếc xe là 600 triệu đồng), Công
ty Tiến Lên tưởng đã yên tâm để nhận tiền bảo hiểm.
Thế nhưng, đúng một tháng sau kể từ ngày nộp đầy đủ
hồ sơ (trong khi theo bản qui tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới mà công ty
đưa ra thời hạn tối đa để giải quyết bồi thường là 15 ngày), Bảo Minh
đã ra văn bản từ chối bồi thường vì lý do “xe đi vào đường cấm, khu vực
cấm…”, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm của bảo hiểm.
Theo giải thích của Bảo Minh, căn cứ vào biên bản
hiện trường của cơ quan công an, nguyên nhân cháy là do xe vi phạm “an
toàn lưới điện” tại khu vực nên công ty không bồi thường. Tuy nhiên,
thực tế hiện trường xảy ra tai nạn là bãi đất trống, hằng ngày vẫn dùng
làm nơi giao nhận hàng của cơ sở Trường Tiến, có nhiều xe qua lại tại
đây. Ở bãi giao hàng này không hề có biển cấm của bất cứ cơ quan chức
năng nào.
Theo đại diện của Công ty Tiến Lên, việc họ mua bảo
hiểm là “mua cái rủi ro”. Trong trường hợp này vì tài xế không thấy có
biển cấm hay cảnh báo gì về tình trạng lưới điện nên mới cho xe vào giao
hàng và đã suýt gặp nguy hiểm về tính mạng chứ không phải thấy biển báo
cấm mà vẫn đi vào. Bảo Minh viện dẫn điều khoản xe đi vào “đường cấm,
khu vực cấm” không chịu bồi thường là thiệt thòi cho công ty.
Điều khoản mù mờ, khách hàng bất lợi
Nhiều khách hàng khi mua bảo hiểm xe cơ giới hiện nay
cũng tỏ ra rất bức xúc vì những qui định bất hợp lý trong ký kết hợp
đồng. Hợp đồng bảo hiểm được ký kết có nội dung rất sơ sài, trong khi đó
những qui định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên chỉ được qui định cụ
thể trong những quyết định, qui tắc khác mà công ty phát hành căn cứ
theo các văn bản của Nhà nước về vấn đề này.
Các qui định ấy lại rất chung chung, nhất là các điều
khoản về miễn trừ trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm hoàn toàn
mù mờ, khó hiểu. Từ đó dẫn đến tình trạng công ty bảo hiểm có thể tùy
nghi muốn bồi thường cho khách hàng nào cũng được.
Theo ý kiến của khách hàng và nhiều luật sư, luật gia
từng tham gia trong các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, các công ty
bảo hiểm thường buộc khách hàng phải có nghĩa vụ cung cấp toàn bộ hồ sơ,
giấy tờ yêu cầu bồi thường là không đúng, nhất là đối với các biên bản
hiện trường, kết luận của cơ quan công an về nguyên nhân tai nạn…
Đây là những tài liệu mà cơ quan công an không thể
cung cấp cho người dân, ngoại trừ khi công ty bảo hiểm yêu cầu. Trong
khi đó, theo qui tắc về bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, doanh nghiệp
bảo hiểm phải có nghĩa vụ phối hợp với chủ xe và cơ quan chức năng ngay
từ đầu để giải quyết tai nạn, thu thập giấy tờ cần thiết nhằm xác định
nguyên nhân, mức độ thiệt hại và phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
Trên thực tế khi có tai nạn xảy ra, khách hàng thường
không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía công ty bảo hiểm, phải tự mình
thu thập hồ sơ, giấy tờ để yêu cầu bồi thường. Công ty bảo hiểm thường
chỉ ngồi chờ, phó mặc mọi nghĩa vụ cho khách hàng.
Hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng dân sự, phải có sự thỏa thuận bình đẳng giữa hai bên. Qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới hiện nay có thể thấy khách hàng chưa có được sự “bình đẳng” khi thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Nhiều người “lỡ” mua bảo hiểm đã than thở: nếu biết trước sẽ phải làm gì để đòi được tiền bảo hiểm thì chẳng bao giờ họ mua bảo hiểm xe cơ giới, trừ khi bị bắt buộc mua theo qui định!
SOURCE: TUOITRE.COM.VN
0 comments:
Post a Comment