Wednesday, January 22, 2014

BÀN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA DOANH NGHIỆP

TS. NGUYỄN VÂN ANH – Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu
ThS LÊ VŨ TOÀN – Trường Quản lý KH&CN, Bộ KH&CN
Hiện nay tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta đạt mức 0,6% GDP, trong đó, chủ yếu từ ngân sách nhà nước (0,5% GDP). Mức đầu tư này hiện đang thấp hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới (năm 2010, Nhật Bản đầu tư cho KH&CN là 3,3% GDP, Hàn Quốc là 3%, Mỹ 2,7%, Đức 2,3%, Singapore 2,2%). Do vậy, việc gia tăng tỷ lệ đầu tư cho KH&CN, đặc biệt, việc huy động từ phía doanh nghiệp là vấn đề quan trọng đang được đặt ra. Một trong những hình thức huy động được áp dụng là khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để phục vụ cho việc đổi mới công nghệ tại chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thành lập loại hình Quỹ này ở nước ta hiện còn gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Đặt vấn đề
Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp là một trong những loại hình Quỹ được đề cập đầu tiên tại nước ta trong Luật KH&CN [1] năm 2000. Điều 38.2 Luật KH&CN quy định: “Doanh nghiệp được lập Quỹ phát triển KH&CN để chủ động đầu tư phát triển KH&CN”. Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) (2006) [2], Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (2008) [3] tiếp tục bổ sung và đưa ra những quy định cụ thể. Trên cơ sở quy định của các Luật trên, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể: Quyết định 36 [4], Thông tư 15 [5], Thông tư 105 [6]. Có thể nói, đây là các văn bản pháp lý quan trọng để Quỹ hình thành và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo Báo cáo tại Hội thảo về việc triển khai thực hiện Quỹ trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày 26.4.2013 [7]: “Việc hình thành Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, ít về số lượng (khoảng 15%), lại không đồng đều, như tại Bình Phước có doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế chỉ được khoảng 20 triệu đồng, có doanh nghiệp lại lên đến 189 tỷ đồng”.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến tháng 7/2013 có 5 doanh nghiệp/hơn 8.000 doanh nghiệp thành lập Quỹ. Thành phố Hồ Chí Minh có 49 doanh nghiệp có Quỹ được hình thành. Trong đó có 26 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với tổng cộng 346,8 tỷ đồng nhưng mới sử dụng hết 117,8 tỉ đồng (chiếm 33,9% tổng số tiền); số đơn vị chưa trích lập quỹ là 23 doanh nghiệp do mới lập Quỹ [8]. Tỷ lệ trích lập Quỹ tại 2 địa phương này từ 5 đến 10%, thời gian Quỹ được thành lập chỉ 1-3 năm trở lại đây. Qua tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp và các quy định về Quỹ đã ban hành, nhận thấy có 2 vấn đề quan trọng cần phải quan tâm giải quyết. Đó là:
- Doanh nghiệp không biết áp dụng như thế nào để đủ căn cứ pháp lý và có chứng từ hợp lệ khi sử dụng kinh phí từ Quỹ. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu có thời điểm, một doanh nghiệp trích 5 tỷ đồng cho Quỹ, nhưng không biết cách giải ngân nguồn vốn này.
- Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quy định sử dụng Quỹ có nhiều điều khoản còn chưa hợp lý, cách hiểu về tính chất nguồn vốn của Quỹ của các cơ quan tài chính nhiều địa phương không đồng nhất, có khi gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp khi quyết toán thuế hàng năm.
Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng nguồn vốn thuộc Quỹ, bài viết xin tập trung vào các nội dung: (1) Chỉ ra những văn bản pháp lý, hướng áp dụng đối với những nội dung doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong quá trình thực hiện; (2) Đề cập tới những vấn đề chưa hợp lý của cơ quan nhà nước liên quan đến sử dụng Quỹ của doanh nghiệp; (3) Từ đó đưa ra đề xuất, khuyến nghị nhằm phát triển loại hình Quỹ này.
Những vấn đề doanh nghiệp cần biết khi sử dụng nguồn vốn Quỹ
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 15 và Điều 2, Thông tư 105 (sửa đổi Thông tư 15) nguồn vốn của Quỹ được sử dụng cho các nội dung sau đây:
1. Thực hiện các đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam.
2. Hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam: a) Trang bị cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp (xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, máy móc trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển); b) Mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp; c) Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thông tin KH&CN, các tài liệu, sản phẩm có liên quan để phục vụ cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp theo quy định của Luật CGCN; d) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN để thực hiện các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; đ) Chi phí cho đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về KH&CN; e) Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất; f) Chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Với các quy định như trên thấy rằng, nội dung đề cập doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ rất rộng, nhưng thiếu cụ thể, liên quan đến văn bản quy phạm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính điều này khiến các doanh nghiệp gặp lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn những quy định trong một số trường hợp thường hay vướng mắc, xin đưa ra một số gợi ý như sau:
Đối với việc “Thực hiện các đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam”
Theo quy định của Thông tư 15: “Đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp phải được xây dựng và chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện theo những quy định của Nhà nước về thủ tục xét duyệt, nghiệm thu (có hội đồng đánh giá đầu vào, hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả đầu ra)…”.
Cho đến nay, chưa có văn bản quy định của Nhà nước về thủ tục xét duyệt, nghiệm thu đối với các đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở cấp nhà nước, Bộ KH&CN đã ban hành các văn bản liên quan đến quản lý các đề tài/dự án cấp nhà nước, cụ thể: Quyết định 101, Quyết định 112, Thông tư 073, Thông tư 124, Thông tư 085, Thông tư liên tịch 936 Thông tư liên tịch 447; Thông tư 118.
Nội dung các văn bản trên quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ xét duyệt, nghiệm thu, sử dụng kinh phí, cùng các biểu mẫu liên quan thuyết minh/báo cáo tổng kết đề tài, dự án ở cấp nhà nước. Trên cơ sở các văn bản này, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố đã vận dụng để xây dựng các văn bản quy định cụ thể việc quản lý các đề tài/dự án sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học tại địa phương. Do vậy, các doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu các văn bản trên để xây dựng những quy định cụ thể tại đơn vị cho phù hợp.
Đối với nội dung quy địnhMua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp”
Việc “Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp”, về thực chất đây là quá trình tiếp nhận công nghệ, hay là doanh nghiệp thực hiện CGCN (với tư cách là bên nhận công nghệ) để đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Về nội dung này, cần lưu ý:
- Theo Nghị định 133 [9] của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật CGCN, doanh nghiệp được phép tham gia thực hiện CGCN đối với các công nghệ không bị cấm. Việc mua bán công nghệ phải được lập hợp đồng CGCN. Đối với các công nghệ không bị cấm, doanh nghiệp có thể đăng ký hoặc không đăng ký Hợp đồng CGCN với cơ quan quản lý KH&CN tại địa phương (Sở KH&CN) nhưng nếu đăng ký thì
sẽ được hưởng ưu đãi với các nội dung liên quan. Đối với các công nghệ hạn chế chuyển giao, bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký với Bộ KH&CN. Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ cấm chuyển giao được quy định tại Điều 5 Nghị định 133.
- Giá công nghệ do doanh nghiệp và đối tác thoả thuận (Điều 22, Luật CGCN). Tuy nhiên, khi doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước (chiếm tỷ lệ 51% trở lên), để nhận CGCN trong dự án đầu tư, doanh nghiệp phải lập phương án nhận CGCN, trong đó nêu rõ nội dung CGCN và giá ước tính của công nghệ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư (Điều 4, Nghị định 133).
Trường hợp “Mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp”
Đến nay, cũng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về thủ tục xác nhận việc mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua việc triển khai thực tiễn tại địa phương, để có cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận “máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp đảm bảo thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn”, doanh nghiệp cần xây dựng dự án hoặc phương án mua máy móc, thiết bị trước khi mua và báo cáo kết quả thực hiện (trong đó cần phân tích rõ hiện trạng và kết quả đạt được sau khi đưa máy móc, thiết bị vào sử dụng) gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương (Sở KH&CN).
Nhằm hạn chế nhập các công nghệ, máy móc thiết bị cũ lạc hậu vào Việt Nam, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 [13], quy định cụ thể đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có một số nội dung quan trọng, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện: “ Chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến, cao phì hợp với dự án đầu tư đã được phê duyệt, khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị có tính năng vượt trội về tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thân thiện môi trường; Trong trường hợp cần thiết phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, phải đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ KH&CN; Không nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường…” (Mục 5, Chỉ thị 17).
Về nội dung “Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất”
Để một sáng kiến được công nhận, phải được thông qua Hội đồng. Thành phần của Hội đồng sáng kiến được quy định tại Điều 8, Nghị định 13 [10]: “Hội đồng sáng kiến bao gồm những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến, đại diện của tổ chức công đoàn nơi tác giả là công đoàn viên và các thành phần khác theo quyết định của người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến”.
Nội dung chi phí hoạt động sáng kiến bao gồm: Chi phí tạo ra sáng kiến, chi phí áp dụng sáng kiến, trả thù lao, trả thưởng cho tác giả sáng kiến và những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (Điều 16, Nghị định 13).
Việc trả thù lao của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến cho tác giả sáng kiến và những người tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu theo thoả thuận. Theo Nghị định 13: “Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; đã được áp dụng và áp dụng thử tại cơ sở đó có khả năng mang lại lợi ích thiết thực; không thuộc đối tượng loại trừ theo quy định” (Điều 3). Như vậy, sáng kiến cũng có thể là công nghệ nếu giải pháp thoả mãn tiêu chí quy định của Luật CGCN “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm” (Điều 3.2). Sáng kiến cũng có thể là đối tượng sở hữu trí tuệ nếu được xác lập và bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ [11]. Vì vậy, nếu các bên không thoả thuận được, thì ngoài việc áp dụng theo quy định (Điều 10, Nghị định 13) về sáng kiến, còn có thể vận dụng Luật CGCN, Luật Sở hữu trí tuệ hoặc Luật KH&CN 2013 [14] để làm cơ sở thanh toán khi xét thấy phù hợp. Theo quy định của Luật KH&CN 2013 (có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2014) thì: “Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%” (Điều 43, Luật KH&CN 2013).
Một số vấn đề thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan
a) Tỷ lệ trích lập: hiện nay mức quy định tỷ lể trích lập là tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm áp dụng cho tất cả mọi loại hình doanh nghiệp (Điều 17.1. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp). Quy định này chưa phù hợp với loại hình doanh nghiệp nhỏ. Đây cũng là ý kiến nêu lên tại Hội thảo ở Bình Phước “Tỷ lệ trích Quỹ nên phân theo các mức khác nhau (doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ)” [7]. Đồng thời cần “Mở rộng đối tượng lập Quỹ cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp mới thành lập chưa có lãi, các hợp tác xã, làng nghề”[7].
b) Một số quy định của Nhà nước chưa phù hợp với tính chất hoạt động KH&CN.
- Tại Điều 5.1.1, Thông tư 15 quy định “Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam”: “Kết quả đề tài được hội đồng KH&CN đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định về KH&CN, được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Điều này chưa phù hợp bởi lẽ: hoạt động KH&CN bao gồm nhiều công đoạn: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm. Tính chất của hoạt động KH&CN tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động R&D từ nghiên cứu cơ bản đến sản xuất thử nghiệm,… không phải bao giờ cũng thành công. Theo tổng kết của UNESCO thì tỷ lệ thành công của hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai tương ứng là 25%, 40%, 60% [12]. Nếu cứ hiểu theo quy định trên, thì những đề tài/ dự án mà kết quả nghiên cứu thất bại (không đáp ứng mục tiêu đề tài, dự án đặt ra), doanh nghiệp không thể đưa vào áp dụng, thì phải chăng sẽ không được sử dụng kinh phí của Quỹ? Hay quá trình nghiên cứu, doanh nghiệp biết kết quả áp dụng sẽ thất bại, không nên sản xuất đại trà, nhưng doanh nghiệp vẫn phải áp dụng để được sử dụng kinh phí từ Quỹ? Theo chúng tôi, trong quy định nêu trên nên bỏ đoạn “được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
- Điều 2, Thông tư 105 quy định “Chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước”:
- Các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về KH&CN theo các danh mục thuộc lĩnh vực KH&CN được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc cho phép nghiên cứu, triển khai (như Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ…).
- Các tổ chức, doanh nghiệp trong nước là các tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có chức năng nhiệm vụ theo đúng chuyên ngành cần hợp tác nghiên cứu".
Hoạt động R&D diễn ra hết sức đa dạng, phong phú, các văn bản pháp quy của Nhà nước hiện chưa thể cập nhật, điều chỉnh kịp thời. Đến nay, chỉ có các văn bản quy phạm pháp luật về danh mục công nghệ cấm chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao (Nghị định 133); danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển (Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ); hoặc danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức KH&CN (Quyết định 97/2009/QĐ-TTg ngày 24.7.2009). Do vậy, doanh nghiệp hoàn toàn được phép nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu với các đối tác những vấn đề mà Nhà nước không cấm. Hơn nữa, việc hợp tác có thể từ hai bên trở lên, đối với những vấn đề phục vụ cho chính nhu cầu cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc đáp ứng cho nhu cầu thị trường, nếu xét thấy kết quả nghiên cứu đó có khả năng sinh lời. Hình thức hợp tác có thể cử cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật phối hợp thực hiện nghiên cứu, hoặc cùng với các doanh nghiệp khác đầu tư vốn cho một tổ chức KH&CN nào đó nghiên cứu. Với những tình huống đã nêu, thì nội dung quy định đối với “Chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước” trên đây là chưa phù hợp, thiếu thực tế, cản trở đến sự phát triển KH&CN nói chung cũng như gây khó khăn cho việc quyết toán kinh phí sử dụng Quỹ của doanh nghiệp nói riêng.
c) Về tính chất của nguồn vốn Quỹ
Thời gian qua, một số doanh nghiệp khi quyết toán kinh phí sử dụng vốn Quỹ bị cơ quan tài chính tại một số địa phương không đồng ý các khoản chi thuộc đề tài/dự án mà doanh nghiệp đã triển khai thực hiện, với lý do định mức chi cho các đề tài/dự án vượt quá định mức chi cho các đề tài/dự án có sử dụng ngân sách nhà nước theo “Thông tư liên tịch số 44/2007/ TTLT-BTC-BKHCN ngày 7.5.2007” (Thông tư 44), với lập luận: “Nếu như doanh nghiệp không trích lập Quỹ, thì 25% số kinh phí này phải nộp vào ngân sách nhà nước (nộp thuế thu nhập doanh nghiệp). Do vậy, doanh nghiệp sử dụng Quỹ này coi như sử dụng kinh phí có sử dụng ngân sách nhà nước” (mặc dù vốn của doanh nghiệp hoàn toàn là 100% tư nhân). Một lãnh đạo của một cơ quan thuộc Bộ KH&CN cho biết, chính bởi quan điểm này, có doanh nghiệp đã trích lập Quỹ cả 4.000 tỷ đồng, nhưng không thể giải ngân được…
Liên quan đến vấn đề này, hiện có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của các tác giả (ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước, bài viết tạm chưa bàn đến) đối với doanh nghiệp có 100% vốn không phải của Nhà nước, kinh phí sử dụng từ Quỹ không thể được coi là kinh phí có sử dụng ngân sách. Bởi vì, số kinh phí trích nộp có đến 3/4 đương nhiên là của doanh nghiệp, không cần bàn cãi. Đồng thời nếu như doanh nghiệp thấy việc sử dụng nguồn vốn này khó khăn, rất có thể doanh nghiệp không trích lập Quỹ nữa mà chuyển sang mục đích đầu tư khác. Do vậy, doanh nghiệp không bắt buộc phải áp dụng định mức chi cho các đề tài/dự án theo Thông tư 44 đã ban hành. Hơn nữa, định mức chi theo Thông tư 44, so với thời điểm hiện nay đã quá lạc hậu, quá thấp, không phù hợp với định mức chi cho đề tài/dự án doanh nghiệp thực hiện trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, càng không thể áp dụng để chi cho các chuyên gia là người nước ngoài (nếu có) hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghiên cứu đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp.
Đề xuất, khuyến nghị
Trong giai đoạn hiện nay, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D là quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, việc hình thành Quỹ phát triển KH&CN tại các doanh nghiệp là một yếu tố hết sức ý nghĩa đối với quá trình đổi mới KH&CN ở Việt Nam. Nếu như tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều thành lập Quỹ này, sẽ tạo ra một nguồn kinh phí rất lớn đầu tư cho KH&CN. Từ đó, giúp xã hội hoá hoạt động KH&CN, hỗ trợ tích cực vào quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp. Kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề lớn, trọng điểm, thực sự tạo ra những sức bật, đòn bẩy cho nền kinh tế.
Dưới góc độ nghiên cứu từ cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, thấy rằng bên cạnh việc quan tâm làm sao các Quỹ phải được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích, cần lưu ý đến việc đưa ra các quy định và cơ chế sử dụng kinh phí Quỹ phải hợp tình, hợp lý cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy xin đưa một số ý kiến đề xuất, khuyến nghị như sau:
Đối với các doanh nghiệp (đã, đang và sẽ có ý định) thành lập Quỹ, cần cụ thể hoá các nội dung được phép trích lập, sử dụng Quỹ trong Điều lệ hoạt động. Cử cán bộ chuyên trách, hoặc bộ phận chuyên trách xây dựng các định mức, quy chế, quy trình, thủ tục cụ thể về việc sử dụng kinh phí Quỹ theo từng nội dung được phép sử dụng để áp dụng trong nội bộ, làm cơ sở quản lý việc sử dụng Quỹ tại doanh nghiệp, đồng thời làm cơ sở pháp lý quyết toán thuế với cơ quan nhà nước.
Đối với cơ quan quản lý KH&CN tại các địa phương, cử bộ phận chuyên trách hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện. Tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, quy định việc triển khai thực hiện việc trích lập, sử dụng, quyết toán thuế khi sử dụng nguồn vốn Quỹ, làm cơ sở cho các sở, ban ngành và các doanh nghiệp triển khai thực hiện tại địa phương.
Đối với Bộ KH&CN và các bộ/ngành liên quan: cần quan tâm nắm bắt tình hình triển khai Quỹ tại các địa phương để chỉnh sửa, bổ sung hoặc đề xuất cho cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhằm phát triển loại hình Quỹ này. Trong đó:
Trường Quản lý KH&CN của Bộ KH&CN cần xây dựng chuyên đề về các loại Quỹ liên quan đến hoạt động KH&CN nói chung cũng như Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp nói riêng, đưa nội dung này vào chương trình tập huấn thường xuyên hàng năm, đồng thời mời các giảng viên am hiểu cả về lý thuyết và thực tiễn, đặc biệt có kinh nghiệm về việc xử lý tình huống trích lập và sử dụng kinh phí Quỹ của doanh nghiệp để tham gia tập huấn cho các địa phương.
Cơ quan chịu trách nhiệm về phát triển KH&CN địa phương của Bộ KH&CN cần sâu sát hơn với tình hình cơ sở, hàng năm tổ chức hội thảo với chủ đề phát triển Quỹ, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý KH&CN chia sẻ kinh nghiệm và học tập các mô hình triển khai tốt tại các địa phương.
Chú thích và tài liệu tham khảo
1 Quyết định số 10/2007/QĐ-BKHCN ngày 11.5.2007 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc ban hành Quy định tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước.
2 Quyết định số 11/2007/QĐ-BKHCN ngày 4.6.2007 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về Quy định tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn cấp nhà nước.
3 Thông tư số 07/2009/TT-BKHCN ngày 3.4.2009 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về Hướng dẫn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học xã hội cấp nhà nước.
4 Thông tư số 12/2009/TT-BKHCN ngày 8.5.2009 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về Hướng dẫn đánh giá, nghiệm thu đề tài KHCN, dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước.
5 Thông tư 08/2011/TT-BKHCN ngày 30.6.2011 của Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quy định ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BKHCN ngày 11.5.2007 và Quyết định số 11/2007/QĐ-BKHCN ngày 4.6.2007 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.
6 Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-KHCN ngày 4.10.2006 của liên Bộ KH&CN – Tài Chính về Hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.
7Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7.5.2007 của liên Bộ Tài chính và KH&CN về Hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.
8 Thông tư số 11/2013/TT-BKHCN ngày 29.3.2013 của Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý dự án KH&CN.
[1] Luật KH&CN số 21/2000/QH10 ngày 9.6.2000.
[2] Luật CGCN số 80/2006/QH11 ngày 29.11.2006.
[3] Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3.6.2008.
[4] Quyết định 36/2007/QĐ-BTC ngày 16.5.2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
[5] Thông tư 15/2011/TT-BTC ngày 9.2.2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
[6] Thông tư số 105/2012/TT-BTC ngày 25.6.2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 9.2.2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
[9] Nghị định 133/2008/NĐ-CP ngày 31.12.2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CGCN.
[10] Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ về ban hành Điều lệ Sáng kiến.
[11] Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; và Luật sửa đổi bổ sung Luật sở hữu trí tuệ 2009.
[12] Nguyễn Danh Sơn (2001), Nghiên cứu hình thành và cơ chế hoạt động của hệ thống của quỹ hỗ trợ tài chính cho hoạt động KH&CN ở Việt Nam, Đề tài cấp bộ, Bộ KH&CN 8/2001.
[13] Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp.
[14] Luật KH&CN số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013.
SOURCE: TẠP CHÍ VÀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, SỐ 18 NĂM 2013 (661)
TRA CỨU BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code