THỤY CHÂU
Người được miễn
trách nhiệm hình sự không cần bồi thường, chỉ cần được xin lỗi công khai
tại địa phương thì có được hay không? Đó là trường hợp của ông Huỳnh
Ngọc Vượng (ngụ huyện Phú Quốc). Giữa năm 2007, VKSND tỉnh Kiên Giang đã
lập cáo trạng truy tố ông Vượng ra tòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài
sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Tháng 9-2007, TAND tỉnh Kiên Giang đã
xử tuyên phạt ông Vượng 14 năm tù.
Được miễn trách nhiệm hình sự
Theo nhận định của cấp sơ thẩm, ông Vượng đã dùng thủ
đoạn gian dối trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất
tại địa bàn huyện Phú Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều
người. Số tiền ông Vượng chiếm đoạt được trong hai năm 2004 và 2005 lên
đến trên 1,1 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm ghi rõ hành vi phạm tội của ông Vượng
là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Ông đã hợp đồng mua bán đất đai với
nhiều người nhưng không có đất giao, nhận tiền của nhiều người để làm
thủ tục sang tên nhưng lại đem “giấy đỏ” đi thế chấp. Ông còn dùng thủ
đoạn khiến người bị hại tin tưởng mà giao tiền rồi chiếm đoạt tiền của
họ…
Sau đó, bản án này bị tòa phúc thẩm TAND tối cao xử
hủy để điều tra, xét xử lại. Tháng 5-2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an tỉnh Kiên Giang lập bản kết luận điều tra và vẫn khẳng định hành
vi của ông Vượng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan này
cho rằng vụ án có tính chất rất nghiêm trọng nên cần đưa ra xử lý trước
pháp luật.
Tuy vậy, đến tháng 7-2008, VKSND tỉnh Kiên Giang đã
ra quyết định đình chỉ vụ án. Theo viện, ông Vượng đã khắc phục hậu quả
và thỏa thuận bồi thường cho người bị hại. Vì sự chuyển biến của tình
hình mà hành vi của ông không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Do vậy,
VKSND tỉnh Kiên Giang quyết định đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình
sự cho ông Vượng.
Ông Vượng khẳng định mình bị oan. Ông có đủ chứng cứ
để chứng minh mình không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Suốt
thời gian bị tạm giam, ông đã phải chịu nhiều khốn đốn. Người vợ phải
thay ông choàng gánh mọi việc trong gia đình từ chăm sóc mẹ già đến vất
vả buôn bán để kiếm tiền mưu sinh. Sau khi trở về, ông còn nghe nhiều
lời bàn ra tán vào làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc làm ăn. Ông
không cần tiền bồi thường mà chỉ yêu cầu cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi
ông, cải chính công khai tại nơi ông cư trú.
Không thể đòi xin lỗi
Theo Nghị quyết số 388 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, chỉ có người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố
tụng hình sự gây ra mới có thể được khôi phục danh dự, được xin lỗi, cải
chính công khai.
Được xem là bị oan khi không thực hiện hành vi vi
phạm pháp luật mà vẫn bị tạm giữ; không thực hiện hành vi phạm tội mà
vẫn bị tạm giam hay bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án v.v… Trong
khi đó, người được miễn trách nhiệm hình sự là người có hành vi phạm tội
nhưng được các cơ quan pháp luật “tha”, không xử lý hình sự do chuyển
biến của tình hình hoặc đã tự thú, khai rõ sự việc trước khi hành vi
phạm tội bị phát hiện. Theo đó, với việc được chiếu cố để “miễn trách
nhiệm hình sự”, ông Vượng không thể đòi khôi phục danh dự (bao gồm việc
xin lỗi, cải chính công khai).
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) hướng
dẫn: Nếu đủ chứng cứ khẳng định mình bị oan và muốn được công khai xin
lỗi, ông Vượng cần khiếu nại để yêu cầu cơ quan chức năng gỡ bỏ cụm từ
“miễn trách nhiệm hình sự” cho mình. Cụ thể là ông cần khiếu nại quyết
định đình chỉ vụ án nêu trên của viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang. Thẩm
quyền giải quyết khiếu nại thuộc về VKS cấp trên trực tiếp, tức VKSND
tối cao.
Cách thức khiếu nại về việc này được quy định tại Bộ
luật Tố tụng hình sự. Theo đó, cá nhân có quyền khiếu nại nếu cho rằng
quyết định tố tụng, hành vi tố tụng là trái pháp luật, xâm phạm quyền,
lợi ích hợp pháp của mình. Người khiếu nại cần trình bày trung thực sự
việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại và
chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, tài liệu đó.
0 comments:
Post a Comment