TRẦN VIỆT HÙNG – Phó cục Trưởng cục Sở hữu Trí tuệ
Trên nền tảng Luật Sở hữu trí tuệ 2005 Sở
Hữu trí tuệ Việt Nam đã có những giai đoạn phát triển mới, trong đó tất
cả các yếu tố của hệ thống đều được đổi mới, hoàn thiện theo hướng chất
lượng, hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của đất nước và yêu cầu
của quá trình hội nhập quốc tế. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách
về sở hữu trí tuệ tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với đòi hỏi nội tại
của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hàng loạt văn bản pháp luật
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được
Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì xây dựng và đã được ban hành (Nghị định số
103/2006/NĐ-CP ngày 22.09.2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp,
Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22.09.2006 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ
quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ). Đặc biệt,
trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Cục Sở hữu trí tuệ đã trực tiếp
chuẩn bị nội dung, phương án và tham gia đàm phán về sở hữu trí tuệ
trong các phiên đàm phán song phương và đa phương với các nước thành
viên WTO, góp phần kết thúc 12 năm đàm phán gia nhập, chính thức đưa
Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ thứ 150 của WTO kể từ ngày
11.01.2007. Thủ tục cần thiết để Việt Nam tham gia Nghị định thư Madrid
về đăng ký quốc tế nhãn hiệu đã được hoàn thành (chính thức có hiệu lực
tại Việt Nam từ ngày 11.07.2006). Luật pháp quốc tế (TRIPS/WTO, BTA…) về
sở hữu trí tuệ tiếp tục được bảo đảm thi hành nghiêm túc. Thủ tục hành
chính về sở hữu công nghiệp tiếp tục được cải cách, hiện đại hoá phù hợp
với đòi hỏi của thực tiễn, các loại đơn về sở hữu công nghiệp được xử
lý theo thời hạn quy định. Công tác tự động hoá, ứng dụng công nghệ mới
được coi trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng xử lý công việc, giảm
đáng kể thời gian xử lý các loại đơn về sở hữu công nghiệp. Tính đến
hết ngày 31.12.2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận được 52.371 đơn các
loại (tăng gần 25% so với năm 2005), trong đó có 30.944 đơn đăng ký sở
hữu công nghiệp (tăng khoảng 22% so với năm 2005), đồng thời cũng đã xử
lý 34.909 đơn các loại (tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó cấp
14.473 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hoạt động hợp
tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, quan
hệ song phương và đa phương với các đối tác không ngừng được củng cố và
phát triển. Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác đa
phương về sở hữu trí tuệ, trong đó đã tổ chức thành công các sự kiện
trong khuôn khổ APEC, ASEAN, EU…, gây ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc
tế. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ tốt
đẹp với nhiều đối tác như Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Cơ
quan Sáng chế châu âu (EPO) Cơ quan Nhãn hiệu và Kiểu dáng công nghiệp
châu âu (OHIM), các cơ quan sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật
Bản, Nga… Các dự án hợp tác với nước ngoài cũng tiếp tục được triển khai
có hiệu quả, như Dự án Hợp tác kỹ thuật về sử dụng thông tin sở hữu trí
tuệ tại Việt Nam do Nhật Bản tài trợ, Chương trình quốc gia dành cho
Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ
do EU tài trợ, Chương trình Hợp tác đặc biệt Việt Nam – Thuỵ Sĩ về sở
hữu trí tuệ do Thụy Sỹ tài trợ, góp phần hiện đại hoá và nâng cao nâng
lực cho hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ và tư vấn về sở
hữu công nghiệp được Cục chú trọng và thực hiện thường xuyên, các hoạt
động nhằm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp bước đầu
được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Ngoài việc tư vấn, hướng dẫn thủ
tục đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện thường xuyên cho hàng trăm
lượt người, các hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây
dựng và phát triển tài sản trí tuệ (đặc biệt là chỉ dẫn địa lý) cũng
được tăng cường. Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của
doanh nghiệp (được phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ ngày 04.04.2005) đã được triển khai ngay sau khi Thông
tư quản lý tài chính của Chương trình được ban hành (ngày 31.10.2006)
với hàng loạt hạng mục công việc có nội dung khác nhau. Đồng thời, công
tác thông tin và năng lực thông tin về sở hữu công nghiệp cũng tiếp tục
được hoàn thiện, phát triển. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục xây dựng và
hoàn thiện các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu thông tin về sở hữu công
nghiệp (hệ thống phân loại sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu
phù hợp với quốc tế, các chương trình tra cứu thông tin, số hoá tư liệu
sáng chế), bổ sung hàng chục vạn tư liệu sở hữu công nghiệp và phát hành
các sản phẩm thông tin nhằm nâng cao chất lượng phục vụ thông tin về sở
hữu công nghiệp cũng như phục vụ đắc lực công tác xử lý đơn đăng ký sở
hữu công nghiệp.
Ngoài ra, công tác thực thi và giải quyết
khiếu nại tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ chú trọng theo hướng hiệu
quả. Ngoài việc tiếp nhận và xử lý hàng trăm đơn khiếu nại về xác lập
quyền sở hữu công nghiệp, yêu cầu chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo
hộ, Cục Sở hữu trí tuệ còn tham gia thẩm định, giám định pháp lý về sở
hữu công nghiệp theo yêu cầu của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, cũng
như tích cực tham gia các hoạt động tư pháp, tố tụng liên quan đến giải
quyết khiếu nại và tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp tại Toà án, đặc
biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi xử lý hàng trăm vụ vi
phạm hành chính và xâm phạm về sở hữu công nghiệp. Nhằm khắc phục tình
trạng xâm phạm, vi phạm về sở hữu trí tuệ, nạn hàng giả, hàng nhái… tiếp
tục diễn ra nghiêm trọng làm cho hệ thống sở hữu trí tuệ bị coi là
thiếu hiệu quả, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì nghiên cứu, tu chỉnh và
trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu
trí tuệ” để triển khai thực hiện năm 2007.
SOURCE: TẠP CHÍ TIÊU CHUẨN – ĐO LƯỜNG – CHẤT LƯỢNG SỐ 1+2+3/2007
0 comments:
Post a Comment