THỤY CHÂU
Năm 2003, vợ chồng ông P. (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) thiếu nợ của hơn 20 người, trong đó nợ của chị T. gần 30 lượng vàng.
Cuối năm 2003, vợ chồng ông P. làm giấy thế chấp nhà,
đất nhằm đảm bảo cho việc thanh toán nợ. Bên nhận thế chấp gồm chị T.
và một đại diện cho các chủ nợ khác. Tháng 8-2004, vợ chồng ông P. lập
biên bản giao hẳn tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để cấn trừ nợ.
Biên bản này được lập có xác nhận của UBND xã Viên
An, ghi rõ các bên đã “vui vẻ thống nhất với nhau”. Sau đó, chị T. và
người đại diện đã cho thuê nhà, đất trên. Chị T. hưởng 1/3, người đại
diện các chủ nợ nhận 2/3 trong số tiền cho thuê nhà.
Bất ngờ, giữa năm 2006, chị T. lại khởi kiện đòi vợ
chồng ông P. hoàn trả vàng. Theo chị T., biên bản thỏa thuận giao nhà,
đất không hợp pháp vì mẹ ruột của chị đã tự ý ký tên vào biên bản thay
cho chị; người đại diện cho hơn 20 chủ nợ còn lại không có văn bản ủy
quyền.
Tháng 9-2007, TAND huyện Ngọc Hiển đã xử chị T. thắng
kiện. Theo cấp sơ thẩm, vợ chồng ông P. đã nhận chuyển giao nhà, đất từ
cha mẹ ruột nhưng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Do cha ruột của ông P.
vẫn là người đứng tên trên “giấy đỏ” nên ông P. không thể dùng tài sản
này để thế chấp hoặc chuyển giao nó cho người khác…
Tuy nhiên, vào đầu năm 2008, TAND tỉnh Cà Mau đã xử
bác yêu cầu kiện đòi trả vàng của chị T. Tòa này cho rằng thỏa thuận
trên tuy có vi phạm về hình thức nhưng cha mẹ ông P. trước sau đều khẳng
định đã chuyển giao tài sản cho con và không hề phát sinh tranh chấp.
Chính chị T. và đại diện các chủ nợ khác đã thực hiện việc quản lý nhà,
cho thuê nhà và phân chia số tiền thu được. Mặt khác, các chủ nợ cũng
không phản đối việc người đại diện đó ký tên vào biên bản…
Theo một luật sư, cấp phúc thẩm đã phân xử hợp lý.
Bởi lẽ chị T. có khả năng biết nhưng đã chấp nhận, không phản đối việc
ký thay của mẹ mình thể hiện qua việc chị đã cùng người đại diện quản lý
nhà, phân chia tiền thuê nhà thu được hàng tháng.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment