Tuesday, January 21, 2014

TÍNH HÌNH THỨC TRONG ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Tính hình thức trong đăng ký kinh doanh chính là nội dung đăng ký kinh doanh yêu cầu phải có, nhưng thực tế cơ quan quản lý kinh doanh không kiểm soát hoặc không thể kiểm soát, ít ra là vào thời điểm doanh nghiệp đăng ký.
Việc đăng ký kinh doanh hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 88/2006/NĐ-CP. Tính hình thức được nói trong bài viết không có nghĩa những đơn từ phải theo mẫu thống nhất của cơ quan quản lý kinh doanh mà là nội dung đăng ký kinh doanh bắt buộc phải có, nhưng trên thực tế cơ quan quản lý kinh doanh không kiểm soát hoặc không thể kiểm soát. Về tên doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp phải ghi bằng tiếng Việt. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn sử dụng bằng tiếng nước ngoài chỉ được dùng tên công ty mẹ. Chính vì quy định này mà có những tên tiếng nước ngoài khi dịch sang tiếng Việt hoàn toàn không mang một ý nghĩa nào như Công ty Hậu cần Quyền lực (Power Logistics Corporation), Công ty Chuyên Nhân tạo (Artificial Pro Inc)…Các nước quanh ta đều cho phép doanh nghiệp sử dụng tiếng nước ngoài đặt tên nhằm nâng cao khả năng hội nhập như Trung Quốc có công ty Lenovo, Haier, Chery, Alibaba.com; Hàn Quốc có Kucky Goldstar (sau này là LG); Nhật có Sony…Có lý không khi các doanh nghiệp Việt Nam đã tên tuổi như X-Men, Kido, Nino Maxx, VnExpress, Vietnamnet… lại không thể dùng tên thương mại của mình để đặt tên cho doanh nghiệp bởi những quy định trên?
Việc buộc đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng Việt bất kể tên đó có ý nghĩa không, có trong sáng và ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng hay không vô hình trung lại là quy định quá hình thức, gây cản trở cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên cùng địa bàn.
Việc quy định tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là tên công ty mẹ cũng là một cản trở với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam thông qua các công ty mẹ có tên khác với tên doanh nghiệp tại Việt Nam. Ví dụ, tên doanh nghiệp ở Việt Nam là Coca Cola, những tên công ty mẹ ở nước ngoài là Fraser & Neaves. Đối với đăngký ten doanh nghiệp, chỉ cần quy định ai đăng ký trước được ưu tiên đặt tên trước là đủ.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, vốn điều lệ của doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) phải ghi bằng tiếng Việt, sau đó có thể ghi tương ứng bằng ngoại tê.
Việc ghi vốn bằng tiếng Việt hay bằng ngoại tệ không ảnh hưởng đến trách nhiệm và hạot động của doanh nghiệp. Khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bất kỳ, bạn quan tâm đến vốn điều lệ quả doanh nghiệp đó là bao nhiêu chứ không cần quan tâm đến đơn vị tiền tệ của số vốn đó. 16.000 đồng hay 1 USD đều không quan trong, chưa kể vào thời điểm góp vốn đồng ngoại tệ có tỷ giá khác so với tỷ giá quy định tại thời điểm nộp đơn.

Con dấu của pháp nhân
Có sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và nước ngoài. Đối với pháp luật nước ngoài, điều quan trọng không phải là con dấu cuả pháp nhân, mà là chữ ký đăng ký của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó. Ở ta, pháp luật quy định pháp nhân phải có con dấu riêng, do cơ quan công an độc quyền cấp. Đứng ở góc độ pháp lý và điều tra hình sự, tự dạng con người có tính ổn định và độ tin cậy cao hơn.
Quy định văn bản tiếng nước ngoài phải được dịch có công chứng, chứng thực. Đây là vấn đề tốn nhiều công sức, thời gian và chi phí nhất của nhà đầu tư. Để có bản dịch có công chứng , chứng thực, doanh nghiệp phải xin con dấu của chính quyền bang, sau đó xin con dấu cảu bộ ngoại giao, rồi của đại sứ quán, sau đó tới sở ngoại vụ, cuối cùng mới đến văn phòng công chứng để dịch. Trong thời đại hội nhập ngày nay, số lượng công chức biết tiếng Anh ở các cơ quan ban ngành không phải là ít. Trong khi đó, việc quy định bản dịch có thể giao cho một văn phòng luật sư chứng nhận và chịu trách nhiệm là được. Điều này vừa thuận tiện, vừa dễ quy trách nhiệm khi có sai sót. Giả sử, sau khi có tất cả các con dấu nêu trên mà tài liệu vẫn còn sai sót, thì cả sở ngoại vụ lẫn Lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam cũng không thể chịu trách nhiệm, vì họ chỉ chứng nhận con dấu của người đóng dấu trước mà thôi.

Giải trình kinh tế kỹ thuật

Dự án phải lập giải trình kinh tế kỹ thuật gồm những dự án có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng hay thuộc ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Đối với lĩnh vực dịch vụ, do hạn chế những cam kết gia nhập WTO, đa phần phải làm giải trình kinh tế kỹ thuật.
Tuy nhiên, không có một tiêu chí nào từ phía Chính phủ xác định các điều kiện để đồng ý hay từ chối cấp chứng nhận đầu tư. Ví dụ, dự án sản xuất phần mềm xưa nay vẫn dễ được cấp chứng nhận đầu tư nhất mà không phải lập giải trình kinh tế kỹ thuật. Sau khi Việt Nam giai nhập WTO, vì sản xuất phần mềm bị coi là dịch vụ, dịch vụ này thuộc cam kết của Việt Nam tham gia WTO nên buộc phải lập giải trình kinh tế kỹ thuật.
Những thông tin trong báo cáo giải trình không có ý nghĩa ràng buộc vè pháp lý đối với nhà đầu tư. Giả sử trong báo cáo giải trình, nhà đầu tư xác định năng lực sản xuất của công ty là 5.000 máy/năm, lợi nhuận 100 tỷ đồng…những các thông số này hoàn toàn có thể khác đi trong thực tế mà không vi phạm pháp luật. Vậy có cần thiết không khi bắt buộc nhà đầu tư làm giải trình trong khi một dự án có giải trình và một dự án không có giải trình đều phải tuân thủ pháp luật như nhau về lao động, thuế hay bảo vệ môi trường.
Thiết nghĩ, khi xét duyệt và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nên tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, càng đơn giản càng tốt. Cơ quan cấp phép nên dành thời gian, công sức để xem xét những vấn đề thuộc về bản chất dự án như sự phù hợp của quy hoạch, nhu cầu đất đai, khả năng đền bù giải toả của nhà đầu tư…hơn là xem xét những vấn đề mang tính hình thức như trên. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây là những trở ngại không đáng có. Người nước ngoài có câu “Substance over form” (bản chất sự việc quan trọng hơn hiện tượng). Ở ta, hình như câu “form over substance” (hiện tượng quan trọng hơn bản chất) có vẻ phản ánh đúng vấn đề hiện nay./.

(Nguồn Nhịp cầu Đầu tư – MOI.GOV.VN)

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code