TS. LÊ THỊ THU THỦY – KHOA LUẬT – ĐHQG HÀ NỘI
Cầm cố tài sản
là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, cụ thể là biện pháp
bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay vốn. Chế định cầm
cố xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử xã hội loài người. Tại Vavilon,
vào thế kỷ VI trước công nguyên, đã có các nhà ngân hàng cho vay tiền
dưới hình thức cầm cố các đồ quý1. Khái niệm cầm cố cũng được nhắc đến
trong Bộ luật Manu của Ấn Độ (thế kỷ II trước công nguyên).
Tuy vậy, khi nghiên cứu bản chất, khái niệm cầm cố và
liên quan với nó là tài sản cầm cố không thể không kể đến vai trò của
Luật La Mã. Ở đây, hình thức đầu tiên của cầm cố được quy định là
“fiducia” và cầm cố cho phép bên cho vay có quyền sở hữu vật cầm cho đến
khi bên đi vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp bên
đi vay không thực hiện nghĩa vụ, vật cầm cố sẽ vẫn thuộc sở hữu của bên
cho vay, thậm chí cả khi số tiền vay nhỏ hơn nhiều so với giá trị tài
sản cầm cố. Nếu bên đi vay thực hiện nghĩa vụ của mình thì quyền sở hữu
tài sản cầm cố sẽ được chuyển từ bên cho vay sang bên đi vay2.
Vậy bản chất của “fiducia” là bên đi vay (người có
nghĩa vụ) bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ bằng việc đưa tài sản cầm cố
cho bên cho vay làm sở hữu. Những quan hệ này thường chỉ phát sinh trên
cơ sở sự tin tưởng (fides). Chính vì đặc điểm này của “fiducia” – bên đi
vay phải chuyển giao quyền sở hữu tài sản cầm cố, hình thức cầm cố này
không thể đáp ứng với yêu cầu của đời sống xã hội, đặc biệt trong điều
kiện phát triển không ngừng của các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại.
Kinh tế hàng hoá đòi hỏi phải có sự mềm dẻo trong việc điều chỉnh các
quan hệ cầm cố, tạo cho bên cầm cố có khả năng khai thác những công dụng
của tài sản cầm cố và trên cơ sở đó góp phần vào việc đảm bảo thực hiện
nghĩa vụ. Ý tưởng này đã được thể hiện rất rõ nét trong pháp luật về
cầm cố ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, trước Bộ luật dân sự, khái niệm cầm cố
được quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 17 ngày 16/01/1990 hướng dẫn
thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và được hiểu là: “ … trao
động sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người cùng quan hệ hợp đồng để
giữ làm tin và bảo đảm tài sản trong trường hợp vi phạm hợp đồng kinh tế
đã ký kết …”.
Hiện nay, Điều 329 Bộ luật dân sự quy định “Cầm cố
tài sản là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc sở hữu
của mình cho bên có quyền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự; nếu tài
sản cầm cố có đăng ký quyền sở hữu, thì các bên có thể thỏa thuận bên
cầm cố vẫn giữ tài sản cầm cố hoặc giao cho bên thứ ba giữ”. Dựa vào căn
cứ trên, trong khoa học Luật dân sự cầm cố được hiểu chung nhất là việc
dùng tài sản thuộc sở hữu giao cho bên có quyền để bảo đảm cho nghĩa vụ
của chính mình chứ không có sự chuyển giao quyền sở hữu.
Quan hệ cầm cố tài sản của tổ chức tín dụng đối với
khách hàng được điều chỉnh đồng thời bởi qui định của pháp luật về dân
sự, kinh tế và ngân hàng.
Về bản chất, cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng cũng
giống như cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong quan hệ vay
vốn ngân hàng, cầm cố tài sản là việc khách hàng vay (bên cầm cố) có
nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc sở hữu của mình cho TCTD (bên
nhận cầm cố) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Hay nói cách khác,
cầm cố trong quan hệ hợp đồng tín dụng ngân hàng là việc người đi vay
dùng động sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho khoản tiền vay tại
ngân hàng. Nó là một hợp đồng phụ gắn liền với nghĩa vụ chính – nghĩa vụ
trả nợ trong hợp đồng tín dụng ngân hàng.
Vậy đặc trưng của cầm cố tài sản theo pháp luật Việt
Nam là đối tượng cầm cố chỉ có thể là động sản. Bộ luật dân sự đã có sự
mở rộng hơn so với trước đây là quyền tài sản tham gia với tư cách là
đối tượng của cầm cố (trừ quyền sử dụng đất là đối tượng có thể được thế
chấp). Việc mở rộng đối tượng cầm cố là phù hợp với thực tiễn đòi hỏi
của bảo đảm nghĩa vụ dân sự nói chung và nghĩa vụ trả nợ vốn vay nói
riêng. Điều này là cơ sở quan trọng cho các giao dịch kinh tế, dân sự có
liên quan đến các loại chứng khoán, giấy tờ có giá trị mà sự hiện diện
của chúng đang trở nên phổ biến ở nước ta. Quy định này của Bộ luật dân
sự tạo điều kiện cho việc cầm cố các loại chứng khoán, giấy tờ có giá
trị để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc cầm cố quyền tài sản theo pháp
luật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở quy định còn mang tính nguyên lý
chung, được thể hiện vẻn vẹn trong Điều 388 Bộ luật dân sự3. Điều này
được lý giải bởi việc cầm cố quyền tài sản trong thực tế giao lưu dân
sự, kinh tế, thương mại ở Việt Nam ít xảy ra và chưa trở thành một biện
pháp bảo đảm phổ biến. Trong tương lai pháp luật cần qui định cụ thể hơn
về việc cầm cố quyền tài sản như việc cầm cố quyền sở hữu trí tuệ,
thương phiếu, các loại chứng khoán, việc xử lý tài sản cầm cố là quyền
tài sản.
Khác với Luật dân sự Việt Nam, trong Luật dân sự của
một số nước không có sự phân biệt đối tượng của cầm cố là động sản hay
bất động sản4. Ở đây, tiêu chí quan trọng để phân biệt cầm cố với thế
chấp là phải có sự chuyển giao tài sản dùng để bảo đảm, không phân biệt
tài sản đó là động sản hay bất động sản. Tuy nhiên, cầm cố động sản vẫn
là hình thức phổ biến nhất. Cầm cố bất động sản và quyền tài sản phải
tuân theo các qui định đặc biệt, liên quan đến việc hình thành cầm cố,
các yêu cầu phản bác, hiệu lực, … phù hợp với đặc điểm các vật được cố
5.
Theo Bộ Luật dân sự Việt Nam, vấn đề chuyển giao tài
sản được kết hợp với qui định tài sản cầm cố phải là động sản và đây là
nét đặc trưng của cầm cố. Tài sản cầm cố về nguyên tắc chung được chuyển
giao cho người nhận cầm cố, trừ tường hợp tài sản cầm cố có đăng ký
quyền sở hữu thì các bên mới có thể thỏa thuận bên cầm cố vẫn giữ tài
sản cầm cố hoặc giao tài sản cho bên thứ ba giữ. Nhưng Điều 15,
Nghị định 165 về giao dịch bảo đảm lại cho phép bên cầm cố có thể đựơc
giữ cả tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu (tuy nhiên phải được đăng
ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm). Như vậy, trong trường hợp
này văn bản dưới luật lại mâu thuẫn với Luật, bởi lẽ theo Nghị định
08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm
việc đăng ký giao dịch bảo đảm được áp dụng không chỉ đối với việc cầm
cố tài sản có đăng ký quyền sở hữu mà còn được áp dụng đối với những
loại tài sản khác.
Vậy ta thấy, pháp luật Việt Nam thừa nhận hai phương
thức cầm cố: có chuyển giao tài sản cầm cố và không chuyển giao tài sản
cầm cố. Tuy vậy, việc giao tài sản cho bên nhận cầm cố là điểm đặc trưng
của cầm cố vì tài sản phải đăng ký quyền sở hữu có số lượng ít hơn tài
sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Còn điều kiện đối với cầm cố mà
không có sự chuyển giao tài sản cầm cố pháp luật qui định còn khá ngặt
nghèo: trong phạm vi đối với động sản có đăng ký quyền sở hữu và phải được các bên thoả thuận.
Trên thực tế, việc áp dụng các qui định này trong lĩnh vực vay vốn ngân
hàng là không phù hợp và tạo ra những bất cập nhất định, bởi lẽ hoạt
động cho vay vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) có tài sản cầm cố làm
bảo đảm là một trong những hình thức hoạt động tín dụng cơ bản nhất, đem
lại nguồn lợi nhuận nhiều nhất cho các tổ chức này. Thêm vào đó, điều
quan trọng để thiết lập quan hệ vay vốn giữa ngân hàng và khách hàng là
khách hàng phải đảm bảo được ba điều kiện tiên quyết sau đây: 1. Tình
hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của khách hàng có lãi; 2.
Tình hình tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng phải đảm bảo; 3.
Vấn đề bảo đảm khoản vay. Trong ba điều kiện trên thì hai điều kiện đầu
là điều kiện cần, còn điều kiện 3 là điều kiện đủ nhưng cũng khó có thể
thiếu được trong tình hình hiện nay khi các ngân hàng Việt Nam vẫn có
“thói quen” cho vay phải có tài sản bảo đảm và khả năng tự hoàn trả nợ
của khách hàng còn yếu. Tuy nhiên, pháp luật qui định rất rõ việc thực
hiện bảo đảm tiền vay chỉ nhằm cơ sở pháp lý và kinh tế cho khoản vay,
hạn chế rủi ro, chứ không phải với mục đích là xử lý tài sản để thu hồi
nợ và về phía khách hàng cũng không muốn đưa tài sản hay bán tài sản đề
khấu trừ nợ6. Hay nói cách khác, bảo đảm tiền vay không phải là một
nguyên tắc bắt buộc trong hoạt động cho vay của các TCTD. Mục đích của
ngân hàng và khách hàng là khoản nợ cho vay ra đều được thu hồi trên cơ
sở khách hàng có nguồn thu trả nợ từ việc sử dụng vốn vay ngân hàng và
ngân hàng luôn tạo điều kiện để khách hàng có thể sử dụng, khai thác
những lợi ích từ tài sản cầm cố, trên cơ sở đó có thể thực hiện nghĩa vụ
trả nợ của mình. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh rằng, ngân hàng không
phải là “tiệm cầm đồ”, không phải là kho lưu trữ tài sản. Do vậy, nên
chăng cần mở rộng phạm vi áp dụng phương thức cầm cố mà không cần chuyển
giao tài sản bảo đảm cho bên nhận cầm cố để bên cầm cố vẫn có điều kiện
sử dụng, khai thác, kinh doanh thu lãi trả nợ. Điều này có nghĩa là
việc nới lỏng điều kiện đối với cầm cố mà không có sự chuyển giao tài
sản là điều cần thiết, nhằm tạo cơ sở cho sự phát huy tính hiệu quả của
tín dụng ngân hàng trong việc góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, không phải mọi tài sản đều có thể đưa ra để
cầm cố vay vốn ngân hàng. Chỉ những động sản thỏa mãn những điều kiện
nhất định thì mới đưa ra để cầm cố (Điều 5 Nghị định 165 về giao dịch
bảo đảm):
- Động sản phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm.
- Động sản có giá trị chuyển nhượng hoặc mua, bán dễ dàng (được phép giao dịch) và không có tranh chấp.
- Bên bảo đảm mua bảo hiểm đối với tài sản (động sản) mà pháp luật qui định phải được bảo hiểm.
- Điều 236 BLDS cũng qui định: “vật bảo đảm thực hiện
nghĩa vụ dân sự phải thuộc sở hữu của người bảo đảm và được phép giao
dịch”. Đây là một qui định rất đặc biệt của Bộ luật dân sự, của pháp
luật dân sự Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và cũng được áp dụng đối
với trường hợp cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng. Việc phân tích qui định
này có ý nghĩa không chỉ về lý luận mà còn quan trọng trong việc giải
quyết những hậu quả trong thực tiễn. Tài sản cầm cố phải thuộc sở hữu
của bên cầm cố, vì khi đã đưa vào cầm cố thì tài sản đó có thể bị định
đoạt để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (nghĩa vụ chính trong hợp đồng
tín dụng ngân hàng), tức là có thể phát mại. Vậy muốn định đạt được tài
sản cầm cố, tài sản đó phải an toàn về phương diện sở hữu – phải thuộc
sở hữu của bên cầm cố. Trong những trường hợp cụ thể qui định này có thể
có ngoại lệ, ví dụ: doanh nghiệp nhà nước cầm cố tài sản của nhà nước
giao cho doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng, thì tài sản đó chỉ thuộc
quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp đó.
Tài sản cầm cố thuộc sở hữu của nhiều người thì phải
cam kết bằng văn bản của các đồng chủ sở hữu. Tài sản cầm cố thuộc sở
hữu tập thể, liên doanh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn
phải có Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đại biểu các thành
viên đồng ý và ủy quyền cho người đại diện vay vốn và ký hợp đồng cầm
cố. Tài sản của hộ gia đình phải có cam kết đồng ý của các đồng sở hữu
trong gia đình.
Để xác định tài sản cầm cố có thuộc sở hữu của khách hàng hay không phải dựa vào các căn cứ sau đây:
- Căn cứ vào giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản (trong trường hợp nếu có)
- Nếu tài sản thuộc loại không đăng ký quyền sở hữu
thì phải dựa vào các căn cứ xác lập sở hữu, dựa vào thực tế của tài sản
đó, loại trừ các căn cứ chấm dứt sở hữu đối với tài sản đó tại thời điểm
xem xét, từ đó có thể suy đoán về tính chất tài sản có thuộc sở hữu của
người đem cầm cố hay không. Nếu tài sản không thuộc sở hữu thì không
được đưa vào cầm cố vay vốn ngân hàng.
Trường hợp tài sản cầm cố không đăng ký quyền sở hữu,
người nhận cầm cố phải chịu trách nhiệm trước tiên nếu tài sản cầm cố
bị chủ sở hữu không phải là bên cầm cố kiện đòi theo quy định của Điều
264 Bộ luật dân sự. Quy định này của Bộ luật dân sự khác với pháp luật
của nhiều nước trên thế giới: Điều 336 Bộ luật dân sự Nga. Điều 747 Bộ
luật dân sự Thái Lan, Điều 342 Bộ luật dân sự Nhật Bản … theo đó vật cầm
cố không nhất thiết phải thuộc sở hữu của bên cầm cố. Bên nhận cầm cố
luôn được đảm bảo trong mọi trường hợp, họ có quyền ưu tiên so với các
chủ nợ khác, kể cả trong trường hợp tài sản cầm cố không thuộc sở hữu
của bên cầm cố.
Theo qui định của Điều 11 Nghị định 178, điểm 3, mục
5, chương II Thông tư 06 thì trong mọi trường hợp, một tài sản được dùng
để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ tại một TCTD, nếu tài sản có đăng ký quyền
sở hữu thì có thể được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ nhưng cũng
chỉ tại một TCTD. Như vậy là trái với qui định của BLDS Việt Nam. Theo
BLDS, khoản 2, Điều 329, nếu tài sản có đăng ký quyền sở hữu theo quy
định của pháp luật, thì có thể đem cầm cố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ
dân sự, tức là có thể bảo đảm cho nhiều TCTD nếu có giá trị lớn hơn tổng
giá trị của các nghĩa vụ được bảo đảm. Quy định này của BLDS rất mới,
có tính mềm dẻo áp dụng sự năng động của quan hệ trao đổi trong nền kinh
tế thị trường. Trong khi đó, theo qui định của Điều 6 Nghị định 165 về
giao dịch bảo đảm, kể cả tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu cũng có
thể dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ dân sự. Vậy các quy định khác
nhau của pháp luật đã gây khó khăn cho các TCTD áp dụng trong thực tế.
Ngoài quy định về tài sản cầm cố phải thuộc sở hữu
của khách hàng, pháp luật còn yêu cầu tài sản đó phải được phép giao
dịch và không có tranh chấp. Vì cầm cố là một loại giao dịch dân sự,
muốn cho giao dịch đó có hiệu lực pháp luật thì tài sản trong giao dịch
phải hợp pháp về sở hữu và được tham gia vào giao dịch. Tài sản được
phép giao dịch là tài sản mà pháp luật cho phép hoặc không cấm mua, bán,
tặng cho, chuyển đổi, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh và các
giao dịch khác7. Tuy vậy, có những tài sản có thể ở dạng sở hữu hợp pháp
nhưng không được giao dịch, ví dụ: tài sản đang bị cơ quan có thẩm
quyền tạm giữ, niêm phong, phong tỏa, tài sản đang làm thủ tục giải thể,
phá sản doanh nghiệp. Từ đó, có thể hiểu rộng ra rằng, “được phép giao
dịch” là theo qui định của pháp luật được đưa tài sản đó vào giao dịch,
trở thành đối tượng của giao dịch, phạm trù được phép giao dịch được suy
đoán bằng sự loại trừ ra những trường hợp bị cấm, bị hạn chế tham gia
giao dịch theo qui định của pháp luật.
Liên quan đến qui định này có vấn đề đặt ra là: vậy
một tài sản thuộc sở hữu nhưng bị hạn chế quyền định đoạt (Điều 204
BLDS) có thể dùng để cầm cố không? Có thể trả lời cho vấn đề này như
sau:
- Thứ nhất: có nhiều lý do hạn chế quyền
định đoạt và nội dung hạn chế cũng khác như: có thể tạm thời bị hạn chế
định đoạt (ví dụ đối với tài sản bị kê biên), có thể bị hạn chế nội dung
định đoạt mà không hạn chế việc thực quyền định đoạt (tài sản là cổ
vật, là di tích lịch sử, văn hóa).
- Thứ hai: đưa tài sản vào cầm cố là có thể dẫn đến khả năng tài sản đó phải bị định đoạt để bảo đảm nghĩa vụ.
Trong trường hợp tài sản bị hạn chế quyền định đoạt
thì khi hạn chế này vẫn còn hiệu lực, tài sản không được đem vào cầm cố;
nhưng tài sản chỉ bị hạn chế về nội dung quyền định đoạt thì vẫn có thể
đưa vào cầm cố. Ví dụ tài sản là cổ vật khi đem bán nhà nước vẫn được
quyền ưu tiên mua (Khoản 2 Điều 204 BLDS), nhưng khi chưa bán thì chủ sở
hữu vẫn có quyền đem tài sản đó cầm cố. Và trong trường hợp nếu phải
bán tài sản để bảo đảm nghĩa vụ của chủ sở hữu- khách hàng vay thì quyền
ưu tiên mua phải dành cho nhà nước. Nói cách khác, trong trường hợp
này, các bên trong quan hệ cầm cố (TCTD và bên cầm cố) có thỏa thuận khi
nghĩa vụ không thực hiện thì tài sản cầm cố thuộc bên nhận cầm cố
(TCTD), nhưng nếu thỏa thuận là tài sản sẽ được bán thì nhà nước được
quyền ưu tiên mua.
Ngoài ra, điều kiện về tài sản không có tranh chấp
được hiểu là tài sản này không có tranh chấp về nghĩa vụ hợp pháp trong
quan hệ pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm. Khách hàng vay,
bên bảo lãnh phải cam kết bằng văn bản với TCTD về việc tài sản cầm cố,
bảo lãnh không có tranh chấp tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo lãnh và
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình8. Trên thực
tế, ngân hàng không biết lấy cơ sở nào để xác minh chính xác được tài
sản cầm cố là “tài sản không có tranh chấp”, nhưng không một chính quyền
địa phương nào xác nhận vấn đề này vì họ cho rằng cơ quan cấp trên chưa
có văn bản hướng dẫn. Cũng vì lý do này mà nhiều cán bộ ngân hàng tỏ ra
ngần ngại với nhiều trường hợp cho vay có cầm cố hoặc thế chấp tài sản
vay vốn ngân hàng.
Pháp luật qui định bên bảo đảm phải mua bảo hiểm đối
với tài sản mà pháp luật qui định phải mua bảo hiểm. Tài sản mà pháp
luật qui định phải mua bảo hiểm thì khách hàng vay, bên bảo lãnh bắt
buộc phải mua bảo hiểm tài sản trong thời hạn bảo đảm tiền vay. Ví dụ:
một số tài sản mà pháp luật bắt buộc phải mua bảo hiểm như : máy bay,
tầu biển, … Một số vấn đề đặt ra là liệu bên nhận bảo đảm có thể mua bảo hiểm cho tài sản bảo đảm trong thời hạn bảo đảm hay không?
Theo quan điểm của chúng tôi là hoàn toàn có thể được, bởi lẽ hợp đồng
bảo đảm (trong đó có điều khoản về tài sản được bảo hiểm) được xác lập
trên cơ sở bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng đó. Vậy căn cứ vào nguyên tắc thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm cũng có thể trả tiền bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm chứ không phải nhất nhất trong mọi trường hợp phải là khách hàng hoặc bên bảo lãnh như qui định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, tài sản cầm cố bao gồm
nhiều loại, trong đó có tiền Việt Nam và ngoại tệ9. Thông tư
06/2000/TT-NHNN ngày 04/4/2000 hướng dẫn thi hành Nghị định 178 cũng chỉ
rõ: tài sản cầm cố gồm ngoại tệ, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền
gửi tại TCTD bằng tiền Việt Nam. Theo chúng tôi việc qui định như vậy là
không hợp lý vì BLDS qui định tiền, kim khí quý, đá quý là đối tượng
của đặt cọc. Khoản 1, Điều 363 BLDS có ghi: “Đặt cọc là việc một bên
giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các vật có
giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm
giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự”. Đành rằng, tiền cũng là một
loại tài sản, tài sản đặc biệt. Nhưng BLDS có phân biệt cụ thể các biện
pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh,
đặt cọc, ký cược, ký quỹ, phạt vi phạm. Nghị định 178 chỉ qui định 3
biện pháp trong số 7 biện pháp nói trên mà không có đặt cọc vì đặt cọc
chủ yếu để bảo đảm ký kết hợp đồng, và không có lý do gì mà người ta
mang tiền đi đặt cọc để vay một khoản tiền khác. Nghị định trên phân
biệt rất rõ hai khái niệm tài sản và tiền, ví dụ tại điểm d, khoản 2
Điều 34 qui định: “trong trường hợp bên thứ ba có nghĩa vụ trả tiền hoặc
tài sản cho khách hàng, bên bảo lãnh thì TCTD được trực tiếp nhận các
khoản tiền hoặc tài sản từ bên thứ ba”; hoặc tại Điều 33 Nghị định 178
có ghi: “TCTD được trực tiếp nhận các khoản tiền và tài sản từ bên thứ
ba”.
Mặt khác, nếu cho ngoại tệ tiền mặt hay tiền gửi là
tài sản cầm cố để vay vốn ngân hàng thì trường hợp này ít có khả năng
xảy ra (nó chỉ được thực hiện khi cần dự trữ ngoại tệ và khi ngoại tệ có
khả năng tăng, hoặc khi tiền gửi ở TCTD chưa đến kỳ hạn rút). Và nếu
xảy ra trường hợp nói trên thì việc cầm cố đối với loại tài sản đặc biệt
này cần được qui định thật rõ ràng, ví dụ nếu kỳ hạn tiền gửi không phù
hợp với kỳ hạn của hợp đồng tín dụng thì liệu việc cầm cố có được thực
hiện hay không? Còn TCTD nếu nhận tài sản cầm cố là tiền gửi thì việc
phong tỏa tài sản hay đóng tài khoản tạm thời của khách hàng có xảy ra
không? Nếu tài khoản bị phong tỏa thì người gửi tiền sẽ không được hưởng
lãi. Do vậy, để có lợi cho mình, khách hàng có thể rút tiền gửi sử dụng
thay vì đem số tiền này cầm cố vay ngân hàng và phải trả một khoản lãi
suất nhất định khi đến hạn.
Hơn thế nữa, vấn đề đặt ra là có phải tất cả các loại
tiền đều có thể được coi là cầm cố không? Khi xem xét tiền – tài sản
cầm cố, chúng ta cần phải phân biệt tiền theo tiêu chí người phát hành
(dưới dạng tiền VNĐ hay tiền nước ngoài), hoặc hình thái của nó (tiền
mặt hay tiền chuyển khoản) hay tiền với vai trò là vật cổ, có giá trị
lớn hơn nhiều so với mệnh giá. Tuy nhiên theo qui định của Bộ luật dân
sự thì tài sản cầm cố phải là loại tài sản được phép giao dịch và phải
chuyển nhượng được, bởi vì việc cầm cố có thể dẫn đến việc bán tài sản
để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Trong trường hợp bên cầm cố không thực
hiện đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận cầm cố có thể phát mãi tài sản
để thu hồi nợ. Ở đây chúng ta thấy rằng, tiền không có đặc điểm này (trừ
tiền là vật cổ). Do đó, nếu xuất phát từ chính bản chất của quan hệ
cầm cố thì chúng ta có thể khẳng định rằng tiền không thể là đối tượng
của cầm cố. Không đời nào người ta đem tiền đi đặt cọc để vay tiền ở
ngân hàng và thông thường ngân hàng yêu cầu giá trị tài sản bảo đảm
phải lớn hơn giá trị khoản vay.
Từ những sự phân tích trên đây cho thấy đối tượng của
cầm cố tài sản trong vay vốn ngân hàng là động sản và các quyền tài
sản. Các tài sản này phải thỏa mãn những điều kiện nhất định theo luật
định. Ngoài ra, đối với quyền tài sản còn phải trị giá được bằng tiền và
không bị tranh chấp (tại thời điểm cầm cố), bởi vì, khác với động sản,
quyền tài sản là quyền đối nhân, do đó đòi hỏi nó phải thể hiện về mặt
giá trị để tạo khả năng bảo đảm về kinh tế, không bị tranh chấp để tạo
an toàn về pháp lý, vì vậy Điều 338 BLDS qui định: trong trường hợp
quyền tài sản được đem cầm cố thì bên cầm cố giao cho bên nhận cầm cố
giấy tờ xác nhận quyền tài sản đó và phải báo cho người có nghĩa vụ về
việc cầm cố tài sản đó. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản pháp luật về cầm
cố tài sản nói chung và trong lĩnh vực vay vốn ngân hàng nói riêng còn
nhiều bất cập, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, và đôi lúc chưa minh bạch,
do vậy việc sửa đổi, bổ sung là điều cần thiết và cấp bách, trên cơ sở
đó mới bảo đảm được các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham
gia quan hệ cầm cố.
Chú thích:
1 Budiolov V.M. Luật cầm cố của Nga và Đức. Mát xcơva, 1993, tr.7.
2 Pôpốpki N .A.Cầm cố, lịch sử ra đời và phát
triển; Tạp chí Natariux, số 1; Mat xcơva, 1997, tr.67. Braginxki M.I.
Luật hợp đồng: Những vấn đề chung, Matxcơva, 1998, tr. 395.
3 Điều này qui định: Trong trường hợp quyền tài
sản được đem cầm cố, thì bên cầm cố giao cho bên nhận cầm cố giấy tờ xác
nhận quyền tài sản đó và phải báo cho người có nghĩa vụ về việc cầm cố
quyền tài sản đó.
4 Ví dụ trong Bộ luật dân sự Nhật Bản và Pháp,
Luật về thế chấp của Cộng hòa Liên bang Nga ngày 16/7/1998, đối tượng
của cầm cố có thể là động sản hoặc bất động sản.
5 Luật Nhật Bản, tập II: 1997 – 1998, Nhà xuất bản Thanh niên, tr. 259.
6 Nghị định 178 về bảo đảm tiền vay của các TCTD ngày 24/12/1999.
7 Khoản 2.2 mục 2 Thông tư 06/2000/TT – NHNN 1
ngày 4/4/2000 hướng dẫn thi hành Nghị định 178/1999/NĐ – CP ngày
29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.
8 Khoản 2.3 mục 2 Thông tư 06/2000/TT – NHNN 1
ngày 4/4/2000 hướng dẫn thi hành Nghị định 178/1999/NĐ – CP ngày
29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.
9 Theo qui định tại Điều 7 Nghị định 165 về giao dịch bảo đảm.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 4/2004
0 comments:
Post a Comment