Wednesday, January 22, 2014

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Paul E. Salmon
Việc bảo hộ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ (IPR) trên thế giới có ý nghĩa sống còn đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của tất cả mọi quốc gia trong tương lai. Vì các điều ước quốc tế về IPR tạo ra cơ sở pháp lý và quy định chung nên những văn bản này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chặt chẽ sở hữu trí tuệ, và nhờ vậy sẽ thúc đẩy việc mở rộng kinh tế toàn cầu và phát triển những công nghệ mới.
Tuy nhiên, mãi đến khi vòng đàm phán Uruguay của Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) sáng lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký kết Hiệp định thương mại về Quyền Sở hữu Trí tuệ (TRIPS) năm 1994 thì cộng đồng quốc tế mới có một nguồn thống nhất về các chuẩn mực và nghĩa vụ vể quyền sở hữu trí tuệ.
Tầm quan trọng của Hiệp định TRIPS được thể hiện ở ba điểm:
  1. Đây là hiệp định duy nhất đầu tiên thực sự mang tính quốc tế đã đưa ra các chuẩn mực tối thiểu về bảo hộ nhiều hình thức của sở hữu trí tuệ;
  2. Đây là hiệp định quốc tế đầu tiên về sở hữu trí tuệ có những quy định cụ thể về trách nhiệm dân sự, hình sự và bảo vệ biên giới; và
  3. Đây là hiệp định quốc tế đầu tiên về sở hữu trí tuệ được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, TRIPS đặt nền tảng cho một hạ tầng cơ sở vững chắc và hiện đại trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng quốc tế.
Là một nước tích cực thực hiện Hiệp định TRIPS và tất cả các điều ước quốc tế khác về IPR nêu ra dưới đây, Chính phủ Mỹ khuyến khích các quốc gia khác tham gia và thực thi các điều ước quốc tế này.
TRIPS
Hiệp định TRIPS có hiệu lực vào năm 1995 trong khuôn khổ Hiệp định Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới. TRIPS đã tổng hợp và xây dựng trên cơ sở các hiệp định quan trọng và mới nhất về sở hữu trí tuệ do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thực thi với Công ước Paris về Bảo hộ Tài sản Công nghiệp và Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật – những hiệp định có từ những năm 1880.
Hiệp định TRIPS có vị thế độc nhất trong số các điều ước quốc tế về IPR bởi lẽ việc trở thành thành viên của WTO đồng nghĩa với việc tham gia “trọn gói” các hiệp ước. Nói cách khác, các quốc gia thành viên của WTO không được phép lựa chọn các hiệp ước mà phải tuân thủ tất cả các hiệp ước đa phương của WTO, bao gồm cả TRIPS.
Hiệp định TRIPS áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế đối với các quốc gia thành viên về sở hữu trí tuệ, trong đó có quy chế đối xử quốc gia và quy chế tối huệ quốc. TRIPS cũng đề ra các chuẩn mực tối thiểu về mức độ, phạm vi và việc sử dụng bảy hình thức sở hữu trí tuệ – quyền tác giả, nhãn hiệu, xuất xứ địa lý, thiết kế công nghiệp, bằng phát minh sáng chế, thiết kế bố trí mạch điện tử tích hợp và thông tin mật (bí mật thương mại). TRIPS cũng nêu cụ thể những hạn chế và ngoại lệ có thể chấp nhận nhằm hài hòa lợi ích sở hữu trí tuệ với lợi ích trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn như sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. (Toàn văn Hiệp định TRIPS cũng như phần giải thích các điều khoản của hiệp định có tại trang web của WTO http://www.wto.org).
Theo Hiệp định TRIPS, các nước phát triển hoàn toàn thực thi hiệp định này vào ngày 1/1/1996. Các quốc gia đang phát triển và những thành viên đang trong thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường được phép lùi ngày thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định trong TRIPS đến 1/1/2000. Các nước kém phát triển được phép bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ của mình vào ngày 1/1/2006, và có khả năng được kéo dài thời kỳ chuyển giao nếu có yêu cầu. Các quốc gia đang phát triển chưa có quy định bảo hộ bằng phát minh sáng chế đối với một số lĩnh vực công nghệ nhất định tính đến thời điểm xin gia nhập thì được phép kéo dài thêm năm năm nữa, tức là đến ngày 1/1/2005, để ban hành quy định bảo hộ như vậy.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của WTO tại Doha năm 2001, các quốc gia kém phát triển đã được gia hạn thêm 10 năm để thực thi các quy định về bảo hộ bằng phát minh sáng chế và “bí mật thương mại” trong khuôn khổ của TRIPS vì những quy định này có liên quan đến dược phẩm.
Tuy nhiên, do Hiệp định TRIPS đã trải qua 10 năm nên không thể bao hàm được một số diễn biến mới, như các vấn đề về Internet và tác quyền kỹ thuật số, công nghệ sinh học tiên tiến, và quá trình nhất thể hóa những chuẩn mực toàn cầu về luật pháp hoặc thông lệ. Hiệp định này mới chỉ đặt nền tảng cho việc bảo hộ IPR ở mức tối thiểu chứ chưa phải tối đa.
Kể từ khi ký kết Hiệp định TRIPS, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã giải quyết nhiều vấn đề tác quyền kỹ thuật số trong các hiệp định về Internet, cụ thể Hiệp định Quyền tác giả của WIPO (WCT) và Hiệp định về Biểu diễn và Ghi âm của WIPO (WPPT).
Dưới đây là phần tóm lược một số hiệp định khác của WIPO bổ sung cho Hiệp định TRIPS, đề cập đến những phát triển công nghệ mới. Toàn văn các hiệp định của WIPO đề cập dưới đây có tại địa chỉ http://www.wipo.int/.
HIỆP ƯỚC VỀ LUẬT NHÃN HIỆU
Hiệp ước về Luật Nhãn hiệu (TLT), được thông qua ngày 27/10/1994, đã có hiệu lực ngày 1/8/1996. Tính đến ngày 1/7/2005, 33 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã tham gia hiệp định. TLT được ban hành để đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, đăng ký và hài hòa thủ tục đăng ký nhãn hiệu giữa các quốc gia khác nhau. TLT đã hài hòa thủ tục của các cơ quan cấp phép đăng ký nhãn hiệu của các quốc gia khác nhau thông qua việc quy định những yêu cầu tối đa mà một bên tham gia có thể đưa ra.
TLT dành cho nhãn hiệu dịch vụ – dấu hiệu nhận biết đặc thù của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để phân biệt với hàng hóa – quy chế “bình đẳng” với nhãn hiệu. Trước đây, nhiều nước dành quy chế pháp lý khác nhau cho nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ. TLT đã yêu cầu các quốc gia thành viên đăng ký nhãn hiệu dịch vụ và dành quy chế pháp lý tương tự như nhãn hiệu hàng hóa.
Theo quan điểm của những người sở hữu nhãn hiệu, TLT đã tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho quá trình chuẩn bị và lập hồ sơ xin đăng ký. Hiệp định này đã đơn giản hóa quy trình gia hạn sau khi đăng ký, thu âm, đổi tên và địa chỉ và quyền hạn của người được ủy quyền. Các quốc gia tham gia TLT có nghĩa vụ cho phép đăng ký đa chủng loại, giúp chủ sở hữu nhãn hiệu xin đăng ký một lần cho nhiều chủng loại hàng hóa và dịch vụ.
Một khía cạnh quan trọng khác của TLT cũng đem lại lợi ích cho chủ sở hữu nhãn hiệu là cấm các cơ quan cấp phép của các quốc gia thành viên yêu cầu xác thực các hồ sơ và chữ ký đối với các đơn thư xin đăng ký nhãn hiệu. Nhiều quốc gia yêu cầu bất kỳ chữ ký nào nộp kèm trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cũng cần phải công chứng hoặc phải được hợp pháp hóa phù hợp với luật pháp của quốc gia đó. Theo quy định của TLT, trong hầu hết mọi trường hợp, không cần phải tuân thủ các thủ tục này nữa. Khía cạnh này cho phép người chủ sở hữu nhãn hiệu hoàn tất và nộp hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu nhanh hơn với chi phí thấp hơn.
Một lợi thế nữa của TLT là việc hài hòa thời hạn đăng kí nhãn hiệu ban đầu và gia hạn giữa các quốc gia thành viên: TLT quy định thời hạn đăng ký ban đầu là 10 năm, và có thêm 10 năm gia hạn.
Các đặc điểm chính khác của TLT còn bao gồm việc giới thiệu hệ thống ứng dụng đăng ký mục đích sử dụng (có bằng chứng chứng tỏ các nhãn hiệu này đã sử dụng trước khi đăng ký); hợp lý hóa thủ tục gia hạn; giảm thiểu những yêu cầu hoàn tất ngày nộp đơn đăng ký và đơn giản hóa thủ tục thay đổi tên và sở hữu hồ sơ và đăng ký nhãn hiệu.
Nói tóm lại, TLT nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thương mại quốc tế: Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ đang tìm kiếm thị trường ở các quốc gia khác. Hiện tại, Ủy ban Thường trực về Nhãn hiệu, Thiết kế công nghiệp và Ký hiệu địa lý WIPO (SCT) đang đàm phán các đề xuất sửa đổi TLT. Ủy ban này kiến nghị Đại hội đồng WIPO tổ chức một hội nghị ngoại giao từ ngày 13-31/3/2006 để xem xét việc thông qua TLT sửa đổi.
HIỆP ƯỚC VỀ LUẬT CHỨNG NHẬN PHÁT MINH, SÁNG CHẾ
Hiệp ước về Luật Chứng nhận Phát minh, Sáng chế (PLT) do WIPO thông qua vào tháng 6 năm 2000 đã có hiệu lực ngày 28/4/2005. PLT là kết quả của nhiều năm tiến hành đàm phán đa phương về hài hòa hệ thống chứng nhận phát minh sáng chế trên thế giới. PLT đã hài hòa một số thủ tục đăng ký bằng phát minh sáng chế nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ những thủ tục và nguy cơ bị mất quyền sở hữu. PLT không hài hòa nội dung luật chứng nhận phát minh, sáng chế – tức là luật của mỗi quốc gia quy định các điều kiện bắt buộc để có thể nhận được bằng phát minh, sáng chế ở quốc gia đó. Tuy nhiên, WIPO đang tiến hành thương thảo nhằm hài hòa nội dung luật chứng nhận phát minh, sáng chế.
PLT tạo điều kiện cho những người nộp đơn đăng ký bằng phát minh và chủ sở hữu bằng phát minh được cấp và duy trì bằng phát minh, sáng chế khắp nơi trên thế giới thông qua việc đơn giản hóa và – ở một mức độ rộng rãi – hợp nhất các yêu cầu của quốc gia và quốc tế gắn liền với việc đăng ký và cấp bằng phát minh sáng chế.
PLT:
  • đơn giản hóa và giảm thiểu các yêu cầu đăng ký cấp bằng phát minh, sáng chế để hẹn ngày lập hồ sơ;
  • giới hạn những yêu cầu về mặt hình thức mà các bên ký kết có thể đưa ra;
  • nới lỏng những yêu cầu về mặt trình bày đối với nhiều vấn đề mang tính hình thức;
  • nới lỏng những giới hạn về thời gian mà Văn phòng Tác quyền của một quốc gia có thể đưa ra và phục hồi quyền khi một người xin đăng ký hoặc sở hữu đã không tuân thủ quy định về giới hạn thời gian và việc không tuân thủ đó đã có hậu quả trực tiếp là gây ra mất các quyền lợi; và
  • quy định việc hiệu chỉnh hoặc bổ sung các yêu cầu ưu tiên và phục hồi quyền ưu tiên.
HỆ THỐNG HIỆP ƯỚC HỢP TÁC VỀ BẰNG PHÁT MINH SÁNG CHẾ
Hiệp định hợp tác về bằng phát minh sáng chế (PCT) đã bắt đầu manh nha từ năm 1966 khi Ban Điều hành Công ước Paris về Bảo hộ Quyền Sở hữu trí tuệ kêu gọi nghiên cứu tìm cách giảm bớt những gánh nặng có liên quan tới việc lập hồ sơ và được cấp bằng cho cùng một phát minh sáng chế ở các quốc gia khác nhau đối với những người đăng ký và cơ quan cấp bằng phát minh sáng chế. Kết quả là Hiệp định PTC của WIPO đã được ký kết tại Washington, D.C. năm 1970 và có hiệu lực năm 1978. Hiệp định đã được sửa đổi năm 1979, 1984, 2001 và 2004. Tính đến ngày 15/9/2005 đã có 128 bên tham gia ký kết PCT.
Nhờ đơn giản hóa quá trình lập hồ sơ đăng ký bằng phát minh sáng chế nên PCT đã giúp những nhà phát minh được bảo hộ bằng phát minh của họ trên toàn thế giới. Hiệp định này cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và các cá nhân tìm cách bảo hộ bằng phát minh sáng chế của họ ở nước ngoài.
Theo hiệp định này, các công dân của một quốc gia tham gia ký kết chỉ cần lập một hồ sơ đăng ký cấp bằng phát minh duy nhất – thường được gọi là hồ sơ “quốc tế” – và gửi tới Cơ quan cấp bằng phát minh của nước họ hoặc tới WIPO với tư cách là cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Như vậy, đơn xin cấp bằng phát minh sáng chế của họ sẽ tự động được gửi tới tất cả 127 quốc gia tham gia PCT.
Hiệp định cho phép những người nộp đơn có thời gian dài hơn – 30 tháng – để cam kết trang trải mọi chi phí dịch thuật, lệ phí hồ sơ trong nước và thực thi ở tất cả mọi quốc gia nơi họ muốn được bảo hộ. Nhờ cho phép người nộp đơn có nhiều thời gian và thông tin hơn để đánh giá thế mạnh trong bằng phát minh sáng chế tương lai của họ và quyết định kế hoạch tiếp thị của mình, thời hạn 30 tháng giúp các ứng viên lựa chọn tốt hơn những quốc gia nơi họ muốn nộp hồ sơ. Đây là một bước tiến quan trọng so với thời hạn ưu tiên 12 tháng đã được quy định trong Công ước Paris đối với những người nộp đơn xin cấp bằng phát minh sáng chế.
Trong khuôn khổ PCT, WIPO đã ấn hành “áp dụng tính quốc tế” cùng với hướng dẫn về việc công nhận phát minh sáng chế. Việc hướng dẫn như vậy có nghĩa là tiến hành nghiên cứu sơ bộ và/hoặc kiểm tra thông qua một “cơ quan quốc tế” – một trong 11 cơ quan cấp bằng phát minh sáng chế hiện đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về nhân lực và các yêu cầu xử lý hồ sơ khác được WIPO ủy quyền. Việc chỉ dẫn như vậy giúp người nộp đơn quyết định xem có nên tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp bằng phát minh, sáng chế tới các cơ quan cấp bằng phát minh, sáng chế ở trong nước hay trong khu vực hay không. Các cơ quan cấp bằng phát minh cũng được hưởng lợi từ quá trình chỉ dẫn này khi quyết định có nên cấp bằng phát minh sáng chế quốc gia hay khu vực dựa theo hồ sơ đăng ký trong khuôn khổ của PCT hay không. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài đã xác định những văn bản liên quan cần thiết giúp các cơ quan cấp bằng phát minh, sáng chế đảm bảo nguồn lực trong quá trình điều tra và nâng cao chất lượng kiểm tra của họ.
NGHỊ ĐỊNH THƯ MADRID VỀ HỆ THỐNG ĐĂNG KÝ CÁC NHÃN HIỆU QUỐC TẾ
Nghị định thư liên quan tới Hiệp định Madrid về đăng ký các nhãn hiệu quốc tế – Nghị định thư Madrid – đã được thông qua tại thủ đô Tây Ban Nha ngày 27/6/1989, và có hiệu lực ngày 1/12/1995. Nghị định thư này là một trong hai hiệp định tạo nên hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid. Hiệp định đầu tiên – Hiệp định Madrid 1891 – đã quy định đăng ký nhãn hiệu ở một số quốc gia thông qua việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế với WIPO tại Geneva.
Nghị định thư Madrid đã ra đời vì một số quốc gia gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Hiệp định Madrid. Điều đó được coi là cải thiện hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế. Do đó, ngày càng nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu đang sử dụng Nghị định thư Madrid mỗi năm để bảo hộ nhãn hiệu của họ ở nước ngoài. Tính đến ngày 15/9/2005, đã có 66 quốc gia ký kết Nghị định thư Madrid.
Nghị định thư Madrid là một hiệp định về thủ tục lập hồ sơ chứ không phải là hiệp định điều chỉnh về mặt nội dung. Nghị định thư giúp những người sở hữu nhãn hiệu – các cá nhân và doanh nghiệp – bảo vệ được nhãn hiệu của họ một cách hiệu quả cùng một lúc ở nhiều quốc gia thông qua việc lập hồ sơ xin cấp bằng phát minh sáng chế tới một cơ quan duy nhất với một ngôn ngữ, một khoản chi phí và một loại tiền tệ. Hơn nữa, không cần phải lập hồ sơ qua trung gian. Đơn xin cấp bằng phát minh, sáng chế có thể được lập bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc Tây Ban Nha.
Việc nộp hồ sơ đăng ký mang tính quốc tế cũng có hiệu quả tương tự như hồ sơ đăng ký nhãn hiệu ở trong nước như đã được người nộp hồ sơ lựa chọn. Khi cơ quan bảo hộ nhãn hiệu ở một quốc gia được lựa chọn đồng ý bảo hộ thì nhãn hiệu đó sẽ được bảo hộ trong toàn hệ thống tương tự như cơ quan này đã đăng ký.
Nghị định thư Madrid cũng đơn giản hóa việc quản lý nhãn hiệu bởi lẽ một thủ tục đơn giản sẽ giúp Cục Quốc tế của WIPO cập nhật được những thay đổi sau này về sở hữu, hoặc tên, hoặc địa chỉ của người sở hữu nhãn hiệu.
Trước khi nghị định thư được ban hành, các yêu cầu hành chính phức tạp đối với việc chuyển giao tài sản bình thường của doanh nghiệp đã gây khó khăn cho những người sở hữu thực hiện việc chuyển nhượng hợp pháp các nhãn hiệu của họ trên thế giới. Nghị định thư đã cho phép người sở hữu đăng ký trên phạm vi quốc tế chỉ bằng một hồ sơ duy nhất, trả tiền một lần trước khi chuyển nhượng một nhãn hiệu ở tất cả mọi quốc gia tham gia ký kết. Việc gia hạn đăng ký cũng chỉ có duy nhất một thủ tục đơn giản. Việc đăng ký trên phạm vi quốc tế có thời hạn 10 năm và thời gian gia hạn mới là 10 năm.
Những người sở hữu nhãn hiệu có thể lựa chọn thêm một số quốc gia nữa nếu họ quyết định tìm cách bảo hộ ở nhiều quốc gia thành viên hơn hoặc nếu có thêm nhiều quốc gia mới gia nhập nghị định thư.
Nếu việc đăng ký cơ bản – hoặc việc đăng ký làm cơ sở cho đăng ký quốc tế – bị hủy vì bất kỳ lý do gì trong năm năm đầu tiên thì công ước Madrid sẽ tạo điều kiện cho người đăng ký quốc tế chuyển việc đăng ký đó thành một loạt các hồ sơ đăng ký ở các quốc gia tham gia ký kết như đã lựa chọn. Các đơn đăng ký này sẽ giữ nguyên ngày ưu tiên như đã nêu trong hồ sơ đăng ký quốc tế ban đầu ở mỗi nước. Người sở hữu cũng bảo lưu quyền ở mỗi quốc gia thành viên, ngay cả khi không thực hiện được đăng ký quốc tế.
HỆ THỐNG KÝ GỬI KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP QUỐC TẾ LA HAY
Hệ thống La Hay là hệ thống đăng ký quốc tế, cho phép chủ sở hữu bảo hộ các thiết kế công nghiệp của họ với thủ tục và chi phí thấp nhất. Chỉ cần một hồ sơ đăng ký quốc tế được nộp cho Cục Quốc tế của WIPO đã có thể thay thế một loạt các hồ sơ trước đây ở một số quốc gia và/hoặc các tổ chức liên chính phủ tham gia hệ thống La Hay. Việc quản lý đăng ký quốc tế cũng trở nên dễ dàng hơn trong hệ thống này. Ví dụ, chỉ cần một thủ tục là có thể thay đổi tên hoặc địa chỉ của chủ sở hữu, hoặc thay đổi sở hữu đối với một số hoặc tất cả các bên tham gia ký kết đã được lựa chọn.
Tính đến ngày 26/4/2005, Hệ thống La Hay đã có 42 bên tham gia ký kết.
HIỆP ƯỚC BUDAPEST VỀ CÔNG NHẬN QUỐC TẾ ĐỐI VỚI KÝ GỬI VI SINH VẬT NHẰM HOÀN TẤT THỦ TỤC BẰNG PHÁT MINH SÁNG CHẾ
Hiệp định Budapest về công nhận quốc tế đối với việc ký gửi vi sinh vật nhằm hoàn tất thủ tục bằng phát minh sáng chế đã được ký kết ngày 28/4/1977 và được sửa đổi ngày 26/9/1980. Hiệp định Budapest loại bỏ việc ký gửi vi sinh vật ở mỗi quốc gia nơi người ta đăng ký bảo hộ bằng phát minh sáng chế.
Theo hiệp định này, việc ký gửi một vi sinh vật tại “một cơ quan ký gửi trên phạm vi thế giới” đáp ứng các yêu cầu về ký gửi trong luật về bằng phát minh sáng chế của tất cả các thành viên tham gia hiệp định. “Cơ quan ký gửi trên phạm vi thế giới” có khả năng lưu giữ vật liệu sinh học và đã đề ra các thủ tục đảm bảo việc tuân thủ Hiệp định Budapest. Những thủ tục như vậy bao gồm các yêu cầu giữ nguyên phần ký gửi trong suốt thời gian có hiệu lực của bằng phát minh sáng chế, và các mẫu phẩm sẽ chỉ được chuyển đến những người hoặc chủ thể được phép tiếp nhận.
Việc thành lập một “cơ quan ký gửi trên phạm vi thế giới” đem lại nhiều thuận lợi cho cả người nộp đơn đăng ký bằng phát minh lẫn quốc gia tham gia ký kết. Những người nộp đơn đăng ký được hưởng lợi vì yêu cầu ký gửi ở nhiều quốc gia nơi họ tìm kiếm sự bảo hộ đã giảm đi rất nhiều. Vì việc ký gửi duy nhất ở bất kỳ “một cơ quan ký gửi trên phạm vi thế giới” nào cũng sẽ đảm bảo yêu cầu bảo mật ở tất cả mọi quốc gia thành viên nên chi phí mà người đăng ký bằng phát minh phải trả sẽ thấp hơn rất nhiều. Sử dụng một cơ quan duy nhất làm nơi ký gửi sẽ tăng cường độ an toàn của ký gửi và tạo cơ chế phân bổ ký gửi. Các quốc gia tham gia ký kết được hưởng lợi vì họ có thể dựa vào các tiêu chuẩn thống nhất của hiệp định để đảm bảo việc ký gửi hiệu quả. Họ không cần phải tự xây dựng một cơ quan ký gửi “được công nhận” để đáp ứng các yêu cầu bảo mật bằng phát minh sáng chế quốc gia.
Tính đến tháng 5 năm 2005, đã có 60 cơ quan cấp bằng phát minh sáng chế tuân thủ các điều kiện của Hiệp định Budapest và có 35 “cơ quan ký gửi” ở 22 quốc gia khác nhau.
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ BẢO HỘ CÁC GIỐNG CÂY MỚI
Công ước quốc tế về bảo hộ các giống cây mới (UPOV) đã thiết lập một hệ thống tài sản trí tuệ đã được quốc tế công nhận nhằm bảo vệ các giống cây mới. Công ước UPOV khuyến khích và dành phần thưởng cho những người nhân giống cây mới một cách khéo léo và sáng tạo. Bất cứ ai đưa ra giống cây mới có thể kháng bệnh, kháng hạn, kháng rét hoặc đơn giản đẹp hơn về mặt thẩm mỹ cũng đều là một nhà phát minh tương tự như ai đó đã cải thiện máy móc của xe hơi hoặc tìm ra loại thuốc mới. Sự khác biệt duy nhất là những người nhân giống cây làm việc với những sinh thể chứ không phải các chất vô tri vô giác.
Quá trình tạo ra một loại cây mới thường rất lâu và tốn kém. Tuy nhiên, việc tái tạo lại một giống cây đã có lại có thể nhanh và tương đối dễ dàng. Do đó, hệ thống bảo hộ tài sản trí tuệ hữu hiệu cần phải khuyến khích cho những đổi mới, sáng tạo bằng cách cho phép các nhà đầu tư hoàn vốn đầu tư và đồng thời truyền bá những kiến thức về phát minh đó cho những người khác để họ có thể hoàn thiện tốt hơn. Hệ thống UPOV đề ra ba nguyên tắc pháp lý cơ bản về bảo hộ nhằm khuyến khích những người nhân giống tăng cường óc sáng tạo của họ bằng cách trao cho họ độc quyền sở hữu phát minh về loại cây của họ trong khi vẫn khuyến khích tìm ra các loài cây mới.
Trong khuôn khổ hệ thống UPOV thiết lập năm 1991 – một trong những hiệp định được ký kết gần đây nhất – những đặc quyền dành cho nhà phát minh (thường được gọi là “quyền của nhà gây giống ”) đòi hỏi một bên khác ngoài chủ sở hữu các đặc quyền đó được ủy quyền:
  • tạo ra hoặc tái tạo một sản phẩm đã được bảo hộ;
  • sử dụng sản phẩm đó để nhân rộng, và
  • bán hoặc tiếp thị, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc dự trữ sản phẩm đã được bảo hộ.
Để hưởng độc quyền, người gây giống phải phát minh ra một loại cây mới hoàn toàn mới, đặc thù, thống nhất và ổn định. Tuy nhiên, theo Công ước UPOV, một người nhân giống cây nhìn chung không cần có ủy quyền từ những người nhân giống cây khác khi sử dụng các giống cây đã được bảo hộ để tiến hành các hoạt động không vì mục đích thương mại hoặc thí nghiệm nhằm tìm ra các loại cây mới. Công ước UPOV cũng cho phép mỗi quốc gia thành viên hạn chế độc quyền của người nhân giống đối với bất kỳ một loại cây nào có thể cho phép người nông dân sử dụng một phần thu hoạch của họ để trồng trên mảnh đất của họ sau này. Tuy nhiên, những hạn chế như vậy cần phải nằm trong giới hạn cho phép và cần phải bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của người nhân giống.
Các quốc gia thành viên tổ chức hội nghị của Hội đồng chấp hành – cơ quan thường trực của công ước – hai năm một lần. Các cơ quan khác của UPOV bao gồm Ủy ban Hiệp thương, Ủy ban Hành chính và Pháp luật, Ủy ban Kỹ thuật, gồm nhiều nhóm làm việc kỹ thuật (TWP) trong các lĩnh vực khác nhau của ngành nông nghiệp. TWP họp định kỳ để chia sẻ và thảo luận những nhận xét và tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực của nông nghiệp. Điều này giúp họ chuẩn hóa các tiêu chuẩn kiểm tra ở các quốc gia thành viên. Các cuộc họp của TWP đem lại lợi ích cho những người nhân giống vì các tiêu chuẩn càng thống nhất thì càng tăng cường tính nhất quán trong quá trình lập hồ sơ đăng ký ở nhiều quốc gia khác nhau.
Tính đến ngày 29/6/2005, đã có 59 quốc gia tham gia Công ước UPOV. Dự kiến trong vài năm tới sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia ký kết UPOV
Thông tin tham khảo thêm về UPOV có tại địa chỉ http://www.upov.int/.
KẾT LUẬN
Trong kỷ nguyên thông tin, với tốc độ tiến bộ công nghệ ngày càng nhanh thì chỉ thực thi Hiệp định TRIPS không thôi vẫn chưa đủ tạo lập một hệ thống sở hữu trí tuệ vững chắc. Cho dù tới thời điểm này TRIPS là hiệp định đầu tiên quy định đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ nhưng hiệp định này cũng đã ra đời được một thập kỷ và hiện cho thấy đây là một hiệp định “ra đời đúng lúc cấp bách”. Những tiến bộ công nghệ trong ngành thông tin, sinh học và các ngành khác đòi hỏi chúng ta phải chỉnh sửa những bộ luật quốc tế và quốc gia về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Rất may là WIPO đã đi đầu trong việc đưa ra những chuẩn mực quốc tế mới nhằm đáp ứng những thách thức này.
WIPO cũng đã nêu ra cách đơn giản hóa và hợp lý hóa những thủ tục tìm kiếm, giữ gìn và duy trì các quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều quốc gia. Thông qua “Dịch vụ Bảo hộ Toàn cầu” và các hiệp ước mang tính dung hòa, WIPO đã giúp các nhà sáng chế và các Cục Sở hữu trí tuệ Quốc gia tiết kiệm được rất nhiều thời gian và sức lực. WIPO cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cao cấp cho việc thiết lập và nâng cấp hệ thống IPR toàn cầu. Các quốc gia nên tham vấn cả WTO lẫn WIPO khi xây dựng hệ thống IPR của riêng mình.
___________________________________
Paul E. Salmon là luật sư chuyên về bằng sáng chế của Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Hoa Kỳ. Ông Salmon đồng thời là Tùy viên về Sở hữu trí tuệ tại Geneva, Thụy Sỹ đại diện cho Chính phủ Hoa Kỳ trong các cuộc họp của WIPO và WTO. Ông thường xuyên giảng bài với chủ đề về luật quốc tế đối với bằng sáng chế.
*********
CHUYÊN ĐỀ VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 1/2006
Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code