Tuesday, January 21, 2014

CÁC BƯỚC CỤ THỂ CẢI CÁCH LUẬT THƯƠNG MẠI

J.Peter Byrne
Luật thương mại của mỗi nước phải phản ánh được các truyền thống về văn hoá, thương mại và pháp lý đặc thù của nước đó. Tuy nhiên, nó cũng phải đáp ứng được tính hợp lý về kinh tế và phải được xây dựng trên những kinh nghiệm thực tiễn của các nước có nhiều kinh nghiệm trong các giao dịch thương mại. Phần này xem xét một số bước cụ thể nhằm cải cách hiệu quả luật thương mại tại một nước đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội để đi theo nền kinh tế thị trường và họ thấy rằng luật thương mại của mình không phù hợp với những thực tiễn mới.
Xây dựng luật hợp đồng hiện đại và hữu ích cần được ưu tiên. Như chúng tôi đã nhấn mạnh, hầu hết luật thương mại chỉ là sự cụ thể hoá luật hợp đồng đối với các hình thức giao dịch cụ thể. Nếu một nước có luật hợp đồng hiệu quả, thì các bên là doanh nghiệp có thể tham gia hàng loạt các giao dịch bằng những thoả thuận riêng rẽ được giải thích theo các luật lệ chung, mặc dù hợp đồng đó có thể có hiệu lực cao hơn hay thấp hơn so với bộ luật thương mại đầy đủ đang có hiệu lực. Nói cách khác, công việc kinh doanh có thể hoàn toàn bị tê liệt, nếu các bên không thể ký kết các hợp đồng có hiệu lực thi hành trong khi họ có thể đánh giá hợp lý hiệu lực pháp lý của các hợp đồng này.
Các luật mới cần do những người có chuyên môn áp dụng và những người này sẽ sớm xuất hiện trong tương lai. Nhiều nước kinh tế thị trường nhận thấy bị cản trở do thiếu các luật sư, kế toán viên, thẩm phán và những nhà quản lý được đào tạo đầy đủ. Mặc dù thị trường có thể khích lệ đáng kể con người đào tạo những ngành nghề này, song cũng cần phải có thời gian để hệ thống giáo dục có thể thích nghi. Trong khi nguồn nhân lực như vậy chưa có, sẽ là sai lầm nếu các nước ban hành các luật, theo đó đòi hỏi các bên và các luật sư phải có sự sành sỏi nhất định mà vốn dĩ họ hầu như không có. Chẳng hạn như, sẽ là sai lầm của một nước khi không có đội ngũ làm luật có trình độ cao song lại đưa ra các phương pháp hoặc thuật ngữ của Bộ luật Dân sự Ðức, hoặc khi không có nhiều chuyên gia tài chính có kinh nghiệm nhưng lại đưa ra một phiên bản luật giống chương 11 Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ. Tốt hơn là nên đưa ra các luật đơn giản hơn, có tính trực tiếp hoặc rõ ràng hơn cho thời điểm hiện tại.
Công việc soạn thảo luật thương mại cần giao cho một nhóm các học giả và luật sư hành nghề kết hợp với việc tạo điều kiện thảo luận rộng rãi với các nhóm có quyền lợi bị ảnh hưởng. Bất chấp các quy định hiến pháp của một nước về công tác ban hành luật, công việc soạn thảo luật thương mại cần được giao cho nhóm các luật sư không còn tham gia vào con đường chính trị. Các chính trị gia không hiểu nhiều về các yếu tố kỹ thuật của luật thương mại và do đó có thể sẽ ban hành các quy định có lợi cho các nhóm có quyền lợi được thiên vị. Sẽ là nguy hiểm nếu giao công việc soạn thảo luật cho một nhóm quá xa rời với sự cần thiết của các tình huống thương mại hiện tại. Do đó, mặc dầu các nhà soạn thảo luật cần tham vấn các nhóm có quyền lợi bị ảnh hưởng trong tất cả các giai đoạn soạn thảo, song cũng nên tạo cơ hội cho công chúng đóng góp ý kiến rộng rãi về dự thảo luật trước khi thông qua. Chẳng hạn như luật về các công cụ thanh toán phải được các ngân hàng chấp nhận rộng rãi, do họ là đối tượng thực thi chủ yếu luật này. Tương tự như vậy, đại diện cho quyền lợi của giới tiêu dùng cần phải có điều kiện để phát hiện ra những dự thảo luật có thể gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Các luật sư nước ngoài cần chuyển xuống vị trí là nhà tư vấn. Luật sư của các nước có luật thương mại vận hành tốt hoàn toàn và có thể trợ giúp đắc lực cho các luật sư trong nước thông qua đào tạo và hỗ trợ trong quá trình soạn thảo, vì họ có chuyên môn và những quan điểm mà luật sư trong nước không có. Ngoài ra, luật thương mại của các nước sẽ trở lên tương đồng với nhau hơn khi so sánh với sự tác động của luật lên các thể chế văn hoá bản xứ, chẳng hạn như hôn nhân. Tuy nhiên, ý định “giao khoán” cho các luật sư nước ngoài soạn thảo luật thương mại ít khi mang lại các dự thảo luật hiệu quả. Các luật sư nước ngoài đôi khi thiếu đánh giá đầy đủ về truyền thống pháp luật và các điều kiện kinh doanh ở một nước để họ có thể tự mình soạn thảo luật một cách hiệu quả.
Ðược xây dựng dựa trên những mô hình phù hợp. Một số nước xã hội chủ nghĩa đã có luật thương mại từ những ngày đầu của chủ nghĩa xã hội. Trong một số trường hợp, các luật thương mại này là phù hợp và hiện đại vào thời điểm năm 1945 và được hiện đại hoá thành công thông qua các lần sửa đổi luật; bộ luật thương mại của Cộng hoà Séc là một ví dụ. Trong những trường hợp khác, nhiều luật thương mại là lạc hậu vào thời điểm năm 1945 và cần được bãi bỏ. Tuy nhiên, ở các trường hợp khác, luật đó có thể là hoàn chỉnh vào thời điểm năm 1945, song phạm vi điều chỉnh của nó đã thay đổi vượt ra ngoài phạm vi công nhận vào những năm 90. Về mặt kỹ thuật, đưa ra một lựa chọn đúng đắn không có gì khó khăn do các luật sư am hiểu có thể đánh giá những luật cũ dựa trên những diễn biến hiện tại đang xảy ra. Nhưng về mặt chính trị, lựa chọn đó có thể rất đau đớn, đặc biệt tại những nước mà quan niệm về độc lập hoặc thịnh vượng trước đây có sự gắn bó chặt chẽ với luật thương mại cũ không còn hiệu quả.
Việc lựa chọn mô hình nước ngoài nào cho xây dựng luật cũng khó khăn không kém. Một nước có thể nghiêng theo hệ thống pháp luật của quốc gia mà họ có mối quan hệ truyền thống hoặc có chung nguồn gốc sắc tộc, nhưng có thể bản thân luật thương mại của quốc gia đó là phức tạp và vượt quá mức cần thiết. Nói chung, những nước đang nổi lên nên đi theo các đạo luật mới được thông qua gần đây của những quốc gia có nhiều điểm đồng nhất về thương mại và pháp luật với họ. Lẽ dĩ nhiên, các mô hình đó cần phải được đánh giá thận trọng về tính hữu ích trong quá trình xây dựng luật của quốc gia đang soạn thoả.
*****************************************************
LUẬT KINH DOANH VÀ THƯƠNG MẠI: NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
Ấn phẩm của Chưong trình Thông tin Quốc tế, tháng 8/1994
Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code