Saturday, January 25, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI: LẠI TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN BÔNG

QUỲNH NHƯ
Doanh nghiệp dệt Việt Nam không nắm hết các quy định, điều khoản trong giao dịch mua bán bông nên khi có tranh chấp rất dễ bị thiệt. Cuối năm 2008, một số công ty Việt Nam bị một công ty Mỹ phản ứng vì “xù” hợp đồng mua bông. Mới đây, đến lượt một công ty Ấn Độ phản ứng với nội dung tương tự.
Đặt mua khi giá cao…
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sợi Việt Nam cho biết sự vụ lần này liên quan đến ba doanh nghiệp dệt sợi Việt Nam. Đầu năm 2008, ba doanh nghiệp này đã đặt mua khoảng 3.000 tấn bông từ Công ty D.D Cotton (Ấn Độ), giá bông lúc đó còn cao và trên đà tăng giá, cao điểm đến 1.750 USD/tấn bông. Tuy nhiên, trong lúc chưa chuyển hàng, nhận hàng gì thì giá bông thế giới tụt rất nhanh, còn 1.400 USD/tấn. Vì vậy mà doanh nghiệp dệt sợi không muốn tiếp tục hợp đồng.
Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục hợp đồng và nhận bông thì phải thanh toán cho Công ty D.D Cotton số tiền tương ứng với giá bông thời điểm ký hợp đồng trước đây (giá cao). Sau khi nhận, nếu doanh nghiệp bán sang tay số bông này cho doanh nghiệp khác thì phải bán theo giá thị trường sau này (giá thấp). Nếu không sang tay mà dùng bông này làm ra sợi hoặc dệt vải và bán cho các doanh nghiệp dệt may thì cũng phải bán theo giá thị trường (giá thấp), nếu bán giá cao thì công ty dệt may sẽ tìm mối hàng khác giá rẻ. Như vậy, tính đường nào cũng chịu lỗ, cứ nhận về mỗi tấn bông thì doanh nghiệp sẽ lỗ khoảng 300 USD. Như vậy, 3.000 tấn bông sẽ lỗ 900.000 USD, tương đương 15,3 tỷ đồng.
Vào lúc khác thì cũng có thể bấm bụng thanh toán cho xong, coi như rủi ro trong kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2008-2009 là thời điểm khó khăn tài chính, mất một đồng cũng đau lòng xót dạ, nói gì 15,3 tỷ đồng. Do đó, các doanh nghiệp này mới muốn hủy hợp đồng, không mua bông nữa.
Trì hoãn giao hàng, chờ giá thấp?
Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với nhà cung cấp bông ở Mỹ (Công ty Louis Grewfus). Cuối năm ngoái, nhà cung cấp này đã sang Việt Nam làm việc với Bộ Công thương để yêu cầu mười doanh nghiệp mua bông giải quyết. Mười doanh nghiệp này đã đặt mua khoảng 6.000 tấn bông (doanh nghiệp mua nhiều nhất là 1.000 tấn, ít nhất là 200 tấn) vào thời điểm giá cao.

Ông Tuấn cho biết nhà cung cấp bông của Mỹ đã thực hiện việc mua bán khá uy tín. Do đó, khi sự việc xảy ra, dù biết phải chịu lỗ nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chấp nhận rủi ro. Hiện đã có tám trong số mười doanh nghiệp đàm phán thống nhất phương pháp giải quyết tranh chấp. Theo đó, nhà cung cấp cũng đồng ý giảm giá bán để bên này đỡ lỗ hoặc là họ sẽ không giao hàng nữa nhưng bên mua phải đền một khoản tiền, dù sao cũng nhẹ hơn khoản lỗ nếu nhận hàng…
Hơn nữa, nếu doanh nghiệp dệt sợi “xù” hợp đồng mua bông thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp khác. Ngoài ra, ở Mỹ, ngành bông liên kết chặt chẽ với ngành dệt may, nếu nhà cung cấp bông liên kết với nhau và gây tác động trong ngành, phản ứng với doanh nghiệp dệt may Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng đến lượng dệt may xuất khẩu sang thị trường này. Trong khi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam thì các doanh nghiệp dệt sợi khó có thể để mất uy tín, gây ảnh hưởng cả ngành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội Sợi Việt Nam cho biết trong vụ tranh chấp với nhà cung cấp Ấn Độ, khi hiệp hội yêu cầu doanh nghiệp giải trình thì các doanh nghiệp cho biết phía nhà cung cấp đã từng trì hoãn, từ chối giao hàng khi giá bông lên cao hơn giá ký hợp đồng, giao không đủ số lượng, không đúng chất lượng…
Không rành pháp lý, khó mà thắng kiện
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết về mặt pháp lý, phải thừa nhận rằng doanh nghiệp dệt Việt Nam còn rất yếu, không nắm hết các quy định, điều khoản trong giao dịch mua bán bông nên khi có tranh chấp rất dễ bị thiệt. Các nhà cung cấp bông luôn dựa vào các văn bản, các thỏa thuận mà Hiệp hội Bông quốc tế (ICA – International Cotton Association) soạn sẵn. Các văn bản này có rất nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của nhà cung cấp bông nhưng doanh nghiệp ta không hiểu hết.
Một ví dụ, khi không có tàu để chở bông thì nhà cung cấp bông có quyền giao hàng trễ mà không bị bắt lỗi. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp Việt Nam cho rằng nhà cung cấp bông đã từng cố tình trễ hẹn giao hàng khi giá cao thì nhà cung cấp lại cho rằng trễ đó là trễ chính đáng do không có tàu, không có container. Doanh nghiệp Việt Nam lại không có điều kiện đi chứng minh là nhà cung cấp cố tình trì hoãn chứ không phải do kẹt tàu… Hơn nữa, khi nhà cung cấp trễ giao hàng, giao hàng không chất lượng… thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không làm thủ tục khiếu kiện gì cả nên bây giờ cũng khó “bắt giò”.
Quả thật, ngày 19-3, Công ty D.D Cotton đã có văn bản gửi cho Hiệp hội Sợi “vặn” lại các doanh nghiệp dệt sợi với lập luận như trên. Công ty này cho rằng vào tháng 2, tháng 3-2008, tại các cảng bốc hàng, tình hình thiếu container rất nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu bên mua cho rằng chất lượng bông không đạt thì bên mua phải thông báo cho bên bán ngay lập tức trong thời hạn quy định theo Luật ICA nhưng bên mua chưa từng có thông báo nào…
Vì không nắm rõ luật lệ, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở vào thế kẹt, nợ nặng vì bông.
Trên thế giới có khoảng 100 quốc gia trồng bông, tổng sản lượng đạt 24 triệu tấn/năm. Trong đó có một số quốc gia cung cấp chính. Trung Quốc trồng tám triệu tấn nhưng nhu cầu đến chín triệu tấn nên phải nhập khẩu một triệu tấn; Ấn Độ trồng năm triệu tấn, nhu cầu chỉ bốn triệu, có thể xuất khẩu một triệu tấn; Mỹ xuất khẩu hai triệu tấn; Brazil xuất khẩu một triệu tấn…
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code