Wednesday, January 15, 2014

Góp ý với RFA về bài viết “Hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng”

Trương Nhân Tuấn
Các “học giả, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông” Việt Nam trong trong bài phỏng vấn cùng đồng ý với nhau ở điểm “công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý ràng buộc”.
Công hàm Phạm Văn Đồng - 19958. Nguồn: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Công hàm Phạm Văn Đồng – 1958. Nguồn: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tuy nhiên, lập luận của một số các học giả quốc tế thì không vậy.
Giáo sư Greg Austin trong tập “China’s Ocean Frontiers – International Law”, hayThomas Bradford, trong “The Spratly Island Imbroglio: a tangled web of conflict”, cùng cho rằng VN đã bị phạm nguyên tắc luật học “Estoppel”.
Theo Thomas Bradford, công hàm Phạm Văn Đồng có nội dung “tái xác nhận sự công nhận của Việt Nam về chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo”, do đó VN bị “Estopped”.
Còn Greg Austin thì cho rằng công hàm của ông Phạm Văn Đồng có hiệu lực thuyết phục nhất trong việc khẳng định HS và TS thuộc TQ. Theo học giả này, Công hàm Phạm Văn Đồng là một văn kiện cấp quốc gia, của chính phủ này gởi đến một chính phủ khác. Quan trọng là vì là nhà nước VNDCCH không chỉ đã không có văn kiện phản đối về tuyên bố chủ quyền của TQ tại các đảo, mà nhà nước này lại còn ra tuyên bố ủng hộ nó.
Học giả này dẫn ý kiến nhiều luật gia để chứng minh rằng luật quốc tế rất rõ ràng về nguyên tắc “Estoppel”, trường hợp bị mất tố quyền. Tức là, khi một nước trong quá khứ đã thừa nhận chủ quyền của một nước khác tại một vùng lãnh thổ, nước này trong tương lai sẽ không được thụ lý để tranh dành chủ quyền tại vùng lãnh thổ đó nữa.
Học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong tập “La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys”thì phản biện lại ý kiến cho rằng VN bị “Estopped”. Quí độc giả có thể đọc thêm bài viết ở đây.
Lập luận của bà là:
những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”
Câu “Người ta không thể bán hay cho cái mà mình không có” thấy viết trong bài báo đã dẫn, hay lập luận “Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có chủ quyền” thường thấy nhắc đi nhắc lại ở các bài viết của các học giả VN, đều bắt nguồn từ ý kiến này của bà Monique Chemillier-Gendreau.
Tuy nhiên học giả Monique Chemillier-Gendreau có nhắc một điều quan trọng khác, mà các học giả VN thường không nhắc tới: công hàm Phạm Văn Đồng có thể làm cho VN vướng vào nguyên tắc “acquiescement”.
Lập luận của bà Monique Chemillier-Gendreau cũng tương tự với học giả Greg Austin. Việc nhà nước VNDCCH đã im lặng trước sự khẳng định chủ quyền của TQ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo nội dung tuyên bố 4-9, hoặc các tuyên bố của VNDCCH liên quan đến vùng nước của TQ tại Hoàng Sa, cũng như những bài viết trên báo Nhân Dân…có thể cấu thành yếu tố “acquiescement”, tức sự “đồng thuận”. Tức là nhà nước VNDCCH nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo hoàng Sa và Trường Sa trong một thời gian dài từ 1958 đến 1975. Bây giờ nhà nước VN không thể nói ngược lại.
Quí độc giả có thể đọc bài ở đây về nguyên tắc “acquiescement”. Nếu VN đưa vấn đề tranh chấp ra trước một trọng tài quốc tế, VN có thể bị xử thua kiện.
TS Trần Trường Thủy trong bài phỏng vấn cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng chỉ nhằm công nhận lãnh hải 12 hải lý chứ không nói đến vấn đề chủ quyền.
Trong bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 của Trung Quốc có viết rõ rệt hiệu lực 12 hải lý không chỉ ở đất liền các hải đảo thuộc TQ mà còn ở “Tây Sa” và “Nam Sa” (tức HS và TS của VN). Các học giả quốc tế, kể cả học giả Monique Chemillier-Gendreau (là người bênh vực lập trường và thiết lập hồ sơ pháp lý cho VN), đều cho rằng sự im lặng của nhà nước VNDCCH về điều này đã khiến VN bị phạm nguyên tắc “Acquiescement”. Mặt khác, những tuyên bố, những bài báo trên Nhân Dân, hoặc sự im lặng của VNDCCH khi hải quân TQ đánh chiếm Hoàng Sa, đều củng cố yếu tố “acquiescement” (nếu không nói là estoppel).
Vấn đề là, VN hôm nay có thể nói ngược lại, là chỉ công nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ ở mọi vùng lãnh thổ của TQ, mà không tôn trọng ở HS và TS, với lý do HS và TS thuộc VN hay không?
Theo các nguyên tắc luật học như “Estoppel” hay “Acquiescement”, việc này là không!
Nhưng nếu xem lại trả lời phỏng vấn trước đây của chính tác giả của công hàm, ông Phạm Văn Đồng, hay bộ tưởng bộ Ngoại giao VN thời đó là ông Nguyễn Mạnh Cầm, cả hai đều nhìn nhận nội dung công hàm nhằm ủng hộ chủ quyền của TQ tại HS và TS. Lý do được giải thích là vì thời chiến nên phải làm vậy.
Lập luận của TS Trần Trường Thủy trong bài phỏng vấn e rằng không phù hợp với thực tế.
TS Nguyễn Nhã thì cho rằng “công hàm Phạm Văn Đồng 1958 không có giá trị pháp lý mà chỉ mang ý nghĩa hậu thuẫn chính trị trong giai đoạn hai phe đối đầu ở Việt Nam.”
Có giá trị pháp lý hay không ta cần phải tìm hiểu về tập quán quốc tế và luật quốc tế có quan niệm thế nào về các tuyên bố, hay “công hàm” có nội dung tương tự như công hàm Phạm Văn Đồng, hay Tuyên bố về lãnh hải ngày 4 tháng 9 của TQ.
Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc về lãnh hải quốc gia, là Tuyên bố đơn phương có hình thức “décision- quyết định” (hơn là hình thức “notification”). Tương tự như tuyên bố “notification” của Trung Quốc về Vùng nhận diện phòng không trong biển Hoa Đông (ADIZ) vừa rồi.
Theo tập quán quốc tế hiện nay, khi quốc gia ra tuyên bố về bề rộng lãnh hải của nước mình (hay về vùng ADIZ, thí dụ vậy), thường thông báo đến các quốc gia khác “lập trường” của nước mình qua hình thức “notification- thông báo “. Các nước khác, nếu công nhận lập trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức “reconnaissance – công nhận”. Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm “phản đối – protestation”.
Bất kể tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của TQ mang hình thức “Désision – quyết định” (mang tính ép buộc cho phía nhận quyết định) hay “Notification – thông báo”, công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một Tuyên bố đơn phương, công khai, mang hình thức “công nhận” tuyên bố của TQ. (Ở đây là công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như việc mở rộng lãnh hải 12 hải lý của TQ).
Theo quốc tế công pháp, các tuyên bố đơn phương nói trên đều có giá trị ràng buộc pháp lý.
Lập luận của TS Nguyễn Nhã như thế là không thuyết phục, vì không phản ảnh đúng tập quán cũng như luật pháp quốc tế. Có thể công hàm Phạm Văn Đồng phía VN bày tỏ lập trường “chính trị” ủng hộ TQ. Nhưng vấn đề tranh chấp HS đã có từ năm 1909, phía VNDCCH không thể nói là “không biết” để mà ra tuyên bố ủng hộ như vậy.
TS Nhã cũng nói rằng:
“Theo Hiệp định Geneve (1954) mà Trung Quốc đã ký, về mặt pháp lý quốc tế Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có trách nhiệm quản lý phần lãnh thổ phía Nam. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, chính quyền đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam rồi. Về mặt pháp lý quốc tế phù hợp, chính quyền có thẩm quyền quản lý Hoàng Sa Trường Sa liên tục, từ nhà Nguyễn tới thời Pháp thuộc trong đó có nhiều chính phủ khác nhau và như vậy cho đến sau khi thống nhất các chính phủ có thẩm quyền đều khẳng định chủ quyền của mình và thực thi liên tục không đứt đoạn, vấn đề này thể hiện giá trị pháp lý quốc tế.”
Lập luận cho rằng “Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có trách nhiệm quản lý phần lãnh thổ phía Nam” của TS Nguyễn Nhã cần phải xét lại. Ý của TS Nhã như vậy có nghĩa là, vì không thuộc phạm vi quản lý của mình thì mình có thể tuyên bố thế nào cũng được, không có hiệu lực ràng buộc pháp lý?
Hiệp định Genève 1954 phân chia VN bằng vĩ tuyến 17 thành hai vùng lãnh thổ. Đường phân chia này chỉ có giá trị tạm thời nhằm tập kết quân sự. Điều 6 của Tuyên bố chung các nước tham gia về Hiệp đinh Genève khẳng định rằng, các bên không thể viện dẫn bất kỳ lý lẽ gì để đồng hóa đường phân chia quân sự tạm thời như là đường biên giới phân chia lãnh thổ hay chính trị.
Tức là, nội dung Hiệp định Genève 1954 khẳng định Việt Nam là một quốc gia duy nhất, tạm thời bị phân chia. Việc thống nhất sẽ được diễn ra bằng thể thức “dân chủ, tự do” chậm lắm là tháng 12 năm 1956.
Cho dầu cuộc bầu của thống nhất đất nước đã không diễn ra, nhưng đến thời điểm tháng 9 năm 1958 (hoặc cho đến tháng 4 năm 1975), hai miền VN đều thuộc về một quốc gia Việt Nam duy nhất.
Hiến pháp của VNDCCH, qua nhiều bản hiến pháp khác nhau, đều qui định lãnh thổ nước Việt Nam trải từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Do đó, trên danh nghĩa, cả hai bên VNDCCH hay VNCH, đều có trách nhiệm như nhau trong việc bảo vệ lãnh thổ, cho dầu lãnh thổ đó do bên này hay bên kia quản lý. Lý do đơn giản là vì hiến pháp đã qui định như vậy. Và đó cũng là nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia bị phân chia, như trường hợp Nam, Bắc Hàn hay Đông, Tây Đức.
Về dữ kiện “Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, chính quyền đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam rồi” của TS Nhã, theo tôi cần kiểm chứng lại. Sau 30-4-1975, hai bên Chính phủ Lâm thời Cộng hòa MNVN cũng như chính phủ VNDCCH đều không có tuyên bố nào liên quan đến chủ quyền HS và TS.
Về lập luận của TS Nguyễn Nhã “chính quyền có thẩm quyền quản lý Hoàng Sa Trường Sa liên tục, từ nhà Nguyễn tới thời Pháp thuộc trong đó có nhiều chính phủ khác nhau và như vậy cho đến sau khi thống nhất các chính phủ có thẩm quyền đều khẳng định chủ quyền của mình và thực thi liên tục không đứt đoạn, vấn đề này thể hiện giá trị pháp lý quốc tế.” tôi nghĩ rằng có nhiều điều cần làm sáng tỏ.
Thứ nhất, vấn đề liên tục quốc gia. Người ta dễ dàng chấp nhận chủ quyền HS và TS từ tay của nhà nước phong kiến VN, chuyển sang nhà nước bảo hộ Pháp, sau đó chuyển sang VNCH. Việc này được thể hiện do việc kế thừa và sự liên tục quốc gia. Nhưng từ VNCH chuyển sang CHXHCNVN hiện nay thì có nhiều điều không rõ rệt. TS Nhã có thể cho biết chủ quyền của VNCH tại HS và TS “chuyển” sang CHXHCNVN từ khi nào? Việc “chuyển” này đã thể hiện ra sao?
Việc kế thừa sẽ đặt lại các vấn đề về bang giao quốc tế, gồm các việc tái xác định, hay phủ định, hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố đơn phương của nhà nước (hay quốc gia) tiền nhiệm đã thể hiện đối với các nước khác.
Sau 1975, chính phủ CMLT đã im lặng về tình trạng pháp lý ở HS và TS. Trong khi đó, nước CHXHCNVN, kế thừa VNDCCH, phải có nghĩa vụ tôn trọng những kết ước, những tuyên bố đơn phương về một vấn đề quốc tế… của nhà nước tiền nhiệm VNDCCH (như công hàm Phạm Văn Đồng).
Không thấy TS Nhã nói cụ thể. Riêng tôi có bài viết ở đây, nói về vấn đề “liên tục quốc gia và sự kế thừa”. Hy vọng được sự góp ý của TS Nguyễn Nhã.
Về lập luận của TS Hoàng Việt, giảng viên Luật quốc tế ở đại học Sài Gòn:
Không có ông nào ở miền Bắc lúc đó có quyền nói về công nhận Hoàng Sa Trường Sa được cả. Bởi vì lúc đó theo Hiệp định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, rõ ràng là một bên từ vĩ tuyến 17 trở ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; một bên từ vĩ tuyến 17 trở vào là Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì có tư cách gì mà nói đến.
Theo tôi, thì đây là ý kiến thuộc về “tình cảm cá nhân” của ông Hoàng Việt chứ không phải là ý kiến của một giáo sư về Luật quốc tế hay là một học giả chuyên nghiên cứu Biển Đông.
Điều cốt lõi để tìm hiểu thẩm quyền của ông Phạm Văn Đồng trong lập luận này là hai thực thể VNDCCH và VNCH là hai “quốc gia” riêng biệt, tức có lãnh thổ, có dân chúng, có một nhà nước riêng biệt; hay là hai vùng lãnh thổ thuộc về một quốc gia bị phân chia? TS Hoàng Việt không nói rõ điều này.
Nếu VNDCCH và VNCH là hai quốc gia riêng biệt, tách ra từ một quốc gia thống nhất trước đó như trường hợp Pakistan với Ấn Độ, theo tôi ông Phạm Văn Đồng có tư cách để nói về HS và TS, là đưa ra lập trường của bên thứ ba, là nước VNDCCH, về tranh chấp giữa hai bên VNCH và Trung Quốc. Theo nội dung công hàm 1958, VNDCCH quan niệm HS và TS thuộc TQ.
Nếu VNDCCH và VNCH là hai vùng lãnh thổ của một quốc gia bị phân chia (như trường hợp Nam, Bắc Hàn hay Đông, Tây Đức), thì ông Phạm Văn Đồng cũng có thẩm quyền ra một tuyên bố về lập trường của một bên, liên quan đến một tranh chấp đã lưu cữu từ 50 năm qua, giữa Trung Hoa và nhà nước bảo hộ Pháp (sau đó chuyển qua VNCH).
Bài viết của tôi ở đây, với những dẫn chứng cho thấy ông Phạm Văn Đồng, với tư cách thủ tướng chính phủ, là người có thẩm quyền để ra một tuyên bố tương tự như công hàm 1958.
Bài báo kết luận:
Những phát biểu vừa nêu cho thấy các học giả, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông có chung lập luận là công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý ràng buộc. Nếu có tranh tụng ra Tòa án Quốc tế thì Trung Quốc sẽ không dành phần thắng. Bởi vì ông Phạm Văn Đồng qua công hàm đó không có sự cam kết rành mạch về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, hơn nữa người sở hữu Hoàng Sa-Trường Sa lúc đó được quốc tế công nhận là VNCH. Và quan trọng hơn cả người ta không thể bán hay cho một cái gì mà mình không có.
Công hàm Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý hay không, nhiều học giả quốc tế đã nói. Các ý kiến, các lập luận của các học giả VN trong bài phỏng vấn này, theo tôi là không thuyết phục.
Nếu viết rằng “Nếu có tranh tụng ra Tòa án Quốc tế thì Trung Quốc sẽ không dành phần thắng”, câu hỏi đặt ra tại sao phía VN hiện nay không đề nghị với TQ để đưa vấn đề tranh chấp HS ra một tòa án quốc tế để giải quyết?
Nếu phía TQ từ chối, việc này chỉ củng cố thêm yêu sách chủ quyền của VN tại HS và TS.
Tại sao VN không kiện TQ (như Phi đã làm)?
Phải chăng phía VN lo ngại bị bác đơn, do hệ quả “Estoppel” đã nói ở trên?

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code