Wednesday, January 22, 2014

ÁP DỤNG HỆ THỐNG MADRID VỀ ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU Ở VIỆT NAM

TRẦN HỮU NAM
Từ năm 1949, nước ta đã gia nhập Thoả ước Madrid và gần đây (11.7.2006) tham gia Nghị định thư Madrid về nhãn hiệu hàng hoá. Và cũng cho đến nay, chúng ta đã xác lập được khung pháp lý cơ bản và toàn diện về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Đây là cơ hội để nhãn hiệu của các nước trong hệ thống Madrid được bảo hộ ở Việt Nam và hàng hoá trong nước vươn ra thị trường quốc tế.
Quá trình tham gia Hệ thống Madrid của Việt Nam
Việt Nam gia nhập Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá từ ngày 8.3.1949 cùng thời gian với việc gia nhập Công ước Paris về bảo hộ SHCN. Sau đó, việc thực hiện nghĩa vụ nước thành viên và áp dụng Thỏa ước Madrid của Việt Nam bị gián đoạn và ảnh hưởng do những biến động của lịch sử. Từ năm 1954 đến 30.4.1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (nhà cầm quyền ở miền Nam lúc đó) tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thành viên Thỏa ước Madrid của Việt Nam. Trong thời gian này có hơn 20.000 nhãn hiệu quốc tế được đăng ký tại miền Nam Việt Nam theo Thỏa ước Madrid.
Từ 30.4.1975, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là đại diện hợp pháp và duy nhất của Việt Nam trong các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ thực sự tiếp tục kế thừa các quyền và nghĩa vụ với tư cách thành viên của Thỏa ước Madrid vào năm 1976 (theo Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thành viên Thỏa ước Madrid, Việt Nam đã sẵn sàng tham gia Nghị định thư Madrid vì so với Thỏa ước, Nghị định thư có nhiều ưu điểm và tạo thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất và kinh doanh để Việt Nam sớm hội nhập nền kinh tế thế giới, thực hiện đầy đủ các thỏa thuận song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ (SHTT).
Nghị định thư Madrid bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 11.7.2006. Trong thời gian trước khi Nghị định thư Madrid có hiệu lực tại Việt Nam, Cơ quan SHTT của Việt Nam đã được Văn phòng quốc tế của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và một số nước thành viên Nghị định thư thảo luận và chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế trong áp dụng và vận hành Nghị định thư.
Các văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đến đăng ký nhãn hiệu quốc tế
Giai đoạn 1982-1996
Để thực hiện có hiệu quả nghĩa vụ thành viên của Công ước Paris và Thỏa ước Madrid, Việt Nam đã xây dựng nhiều văn bản pháp luật về bảo hộ các đối tượng SHCN, bao gồm cả đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa ở Việt Nam.
Ngày 14.12.1982, Nhà nước ban hành Điều lệ về nhãn hiệu, đây là văn bản pháp lý đầu tiên về đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được ban hành kèm theo Nghị định 197-HĐBT ngày 14.12.1982 và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 84- HĐBT ban hành ngày 20.3.1990. Điều lệ này quy định: “Cá nhân, pháp nhân nước ngoài được hưởng các quyền do Điều lệ quy định, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại”.
Ngày 28.1.1989, Pháp lệnh Bảo hộ quyền SHCN được ban hành nhằm nâng cao hiệu lực pháp luật của hệ thống bảo hộ quyền SHCN ở Việt Nam. Điều 3 của Pháp lệnh quy định: “Quyền SHCN của tổ chức, cá nhân nước ngoài được bảo hộ theo Pháp lệnh và Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại”.
Nhìn chung, các văn bản pháp luật của Việt Nam trong giai đoạn này mới chỉ đưa ra những quy định chung mang tính nguyên tắc về bảo hộ đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, chưa cụ thể hóa các quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Giai đoạn từ 1996 đến 1.7.2006
Trong Bộ luật Dân sự (có hiệu lực từ ngày 1.7.1996) có một chương riêng về quyền SHCN (chương II, phần 6), đã xác lập khung pháp lý cơ bản và toàn diện nhằm bảo hộ quyền SHCN nói chung và đối với nhãn hiệu nói riêng, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, trong đó có Thỏa ước Madrid. Điều 837 của Bộ luật Dân sự đã ghi nhận nguyên tắc chung: “Bảo hộ quyền SHCN của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với các đối tượng SHCN đã được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ” trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia.
Trên cơ sở đó đã có những văn bản quy định chi tiết được ban hành, trong đó có các quy định cụ thể liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu theo hướng phù hợp với Công ước Paris và Thỏa ước Madrid, bao gồm: Nghị định 63/CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN; Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 1.2.2001 của Chính phủ sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 63/CP và Thông tư 3055/TT-SHCN ngày 31.12.1996 hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN và một số thủ tục khác trong Nghị định 63/CP.
Giai đoạn từ 1.7.2006 đến nay
Luật SHTT đã được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua ngày 29.11.2005 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2006. Luật SHTT có 6 phần, quy định riêng biệt về các đối tượng của quyền SHTT, trong đó phần thứ ba quy định về SHCN, đã xác lập được khung pháp lý cơ bản và toàn diện nhằm bảo hộ quyền SHCN nói chung và nhãn hiệu nói riêng theo hướng phù hợp với những Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, trong đó có Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của hoạt động SHCN. Điều 120 của Luật SHTT đã ghi nhận nguyên tắc chung, đó là “đơn đăng ký SHCN nộp theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên được gọi chung là đơn quốc tế; đơn quốc tế và xử lý đơn quốc tế phải tuân thủ Điều ước quốc tế có liên quan; Chính phủ hướng dẫn thi hành quy định về đơn quốc tế và trình tự, thủ tục xử lý đơn quốc tế của Điều ước quốc tế có liên quan phù hợp với nguyên tắc của Chương này”.
Trên cơ sở các nguyên tắc chung đó, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật SHTT sẽ sớm được ban hành trong đó có các quy định cụ thể liên quan đến nhãn hiệu quốc tế phù hợp với Công ước Paris và Hệ thống Madrid.
Áp dụng Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam
Đối với các đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam
Nhãn hiệu đăng ký theo Thỏa ước Madrid được xem xét theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 1: Trước thời điểm Nghị định 63/CP có hiệu lực (ngày 24.10.1996), nhãn hiệu đăng ký quốc tế được chấp nhận bảo hộ ở Việt Nam mà không được công bố dưới bất kỳ hình thức nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước về SHCN. Hiệu lực của nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam là sau một năm kể từ ngày Văn phòng quốc tế công bố trên công báo nhãn hiệu quốc tế và không bị Cục SHTT Việt Nam từ chối bảo hộ.
Giai đoạn 2: Từ thời điểm Nghị định 63/CP được ban hành cho đến khi Nghị định 06/CP có hiệu lực (ngày 16.2.2001). Nhãn hiệu đăng ký theo Thỏa ước Madrid được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam thì được công bố trên công báo SHCN theo quy định của Điều 31.2b Nghị định 63/CP. Thời điểm hiệu lực áp dụng giống như giai đoạn trên.
Giai đoạn hiện nay: Từ thời điểm Nghị định 06/CP có hiệu lực, nhãn hiệu đăng ký quốc tế được công bố trên công báo SHCN và sẽ được Cục SHTT cấp quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế cho các nhãn hiệu được bảo hộ. Hiệu lực của nhãn hiệu quốc tế tính từ ngày đăng ký quốc tế được công bố trên công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO.
Quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Để được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam, nhãn hiệu đăng ký quốc tế phải qua trình tự xử lý như sau:
Theo quy định tại Điểm 25 Thông tư 3055, sau khi nhận được Thông báo của Văn phòng quốc tế về đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam, Cục SHTT sẽ tiến hành một số thao tác kỹ thuật và xét nghiệm nội dung đơn (xem xét về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu) như đối với đơn nhãn hiệu nộp trực tiếp theo thể thức quốc gia. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhãn hiệu đăng ký quốc tế được công bố trên công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO (sau khi đã hợp lệ về hình thức), Cục SHTT phải có kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam. Đối với những nhãn hiệu có khả năng bị từ chối một phần hoặc toàn phần, Cục SHTT sẽ thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn thông qua Văn phòng quốc tế, có nêu rõ lý do từ chối. Nếu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhãn hiệu đăng ký quốc tế công bố trên Công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO mà Văn phòng quốc tế không nhận được thông báo từ chối liên quan đến đăng ký quốc tế nhãn hiệu nào đó, điều đó có nghĩa là nhãn hiệu đó được bảo hộ ở Việt Nam. Những nhãn hiệu đăng ký quốc tế được công nhận bảo hộ ở Việt Nam sẽ được công bố trên công báo SHCN Việt Nam. Phạm vi bảo hộ của các nhãn hiệu nếu có thay đổi sẽ được Cục SHTT xác nhận theo nội dung đăng ký nhãn hiệu đó và được Văn phòng quốc tế ghi nhận vào đăng bạ quốc tế nhãn hiệu.
Nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Nghị định thư được xem xét như đối với nhãn hiệu quốc tế theo Thỏa ước Madrid nhưng có một số lưu ý về thời hạn từ chối; thời hạn chuyển thông báo từ chối đến Văn phòng quốc tế và thời hạn trả lời các thiếu sót liên quan đến thông báo từ chối của cơ quan quốc gia; thời hạn từ chối trong trường hợp có phản đối và một số lưu ý khác trong quá trình ra thông báo từ chối đăng ký quốc tế.
Theo thống kê của Cục SHTT, số lượng đăng ký quốc tế nhãn hiệu yêu cầu chỉ định mới, mở rộng lãnh thổ và gia hạn hiệu lực bảo hộ hiện nay là 56.055.
Đối với các đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam
Mặc dù Thỏa ước Madrid mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất và kinh doanh về thủ tục, thời gian, chi phí, quản lý và Việt Nam được chấp nhận là thành viên chính thức của Thỏa ước Madrid từ 8.3.1949, nhưng cho đến năm 1986 mới chỉ có một nhãn hiệu đầu tiên của Việt Nam được yêu cầu bảo hộ ở nước ngoài thông qua Thỏa ước này, nhãn hiệu thứ hai được yêu cầu bảo hộ năm 1994 và đến nay đã có 123 nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam được yêu cầu bảo hộ ở nhiều nước khác nhau theo Thỏa ước Madrid với tổng số nước được yêu cầu chỉ định ước tính khoảng 900 lượt nước cho nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Số lượng đơn yêu cầu bảo hộ theo Thỏa ước tăng lên chủ yếu trong 5 năm trở lại đây, điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài. Trong đó có các doanh nghiệp lớn của Nhà nước nhưng đồng thời cũng có những cơ sở nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn.
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 3/2007

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code