Tuesday, January 21, 2014

SỬA ĐỔI LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM 1997: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

PGS.TS. MAI HỒNG QUỲ -   ĐH luật TP.HCM
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Luật thương mại Việt Nam, được Quốc hội thông qua tháng 5/1997, có hiệu lực từ 1/1/1998, đã rất được chờ đón vào thời điểm ban hành. Đạo luật này được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế theo hướng thị trường ở Việt Nam. Luật thương mại trong năm năm qua vừa đạt được những thành tựu có ý nghĩa chính trị to lớn, vừa có ý nghĩa thực tiễn pháp lý và thực tiễn kinh doanh rất đáng trân trọng. Có thể nói Luật thương mại đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động thương mại trong thời kỳ đổi mới, đặt nền móng cần thiết cho pháp luật thương mại Việt Nam, tạo được một hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động của các thương nhân. Thành tựu đặc biệt của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thương mại là đã tạo cơ sở pháp lý, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên qua năm năm thực hiện (và có thể nói ngay sau khi được ban hành), Luật thương mại Việt Nam 1997 đã bộc lộ nhiều bất cập và trở thành một đạo luật có hiệu quả áp dụng trong thực tế không cao. Nhiều vấn đề do luật quy định đã trở nên lạc hậu không đáp ứng được trình độ phát triển của kinh tế và xã hội Việt Nam cũng như thực tiễn thương mại quốc tế. Trong bối cảnh khi chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại Việt- Mỹ, chuẩn bị gia nhập WTO, thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực trong thương mại, sự tương thích của Luật thương mại Việt Nam với các văn bản pháp lý quốc tế cũng cần được tiến hành nhanh chóng.
Vì những lý do trên, việc sửa đổi Luật thương mại 1997 hoặc là việc ban hành một đạo Luật thương mại mới đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết về việc tiến hành sửa đổi Luật thương mại. Từ góc độ thực tiễn của vấn đề, việc tổng kết đánh giá những hạn chế, vướng mắc của Luật thương mại và các văn bản quy định chi tiết cần được tiến hành nghiêm túc. Nhưng trước tiên, để có thể định hướng đúng đắn cho việc xây dựng một văn bản pháp luật – một đạo luật hoặc một Bộ luật thương mại mới, cần phải xử lý giải quyết cho được một số vấn đề lý luận nền tảng. Đó là những vấn đề sau đây:
1. Nói về những bất cập cụ thể của Luật thương mại 1997 có thể có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng dường như nhận định về sự hạn hẹp của đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại 1997 là ý kiến chung của tất cả những người quan tâm. Định nghĩa về hoạt động thương mại trong Điều 45 Luật thương mại là một định nghĩa “hẹp”. Nó trái ngược với định nghĩa “rộng” về hoạt động thương mại được cộng đồng kinh doanh và tài chính quốc tế sử dụng. Năm 1985, Ủy ban quốc tế về Luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (Uncitral) đã giải thích thuật ngữ “thương mại” theo một nghĩa rộng dường như không có giới hạn. Các Luật mẫu của Uncitral về Trọng tài thương mại quốc tế, về Thương mại điện tử đã đưa ra một khái niệm về thương mại như sau:
Thuật ngữ “thương mại cần được diễn giải theo nghĩa rộng để bao quát các vấn đề nảy sinh ra từ mọi mối quan hệ mang tính chất thương mại, dù có hay không có hợp đồng. Các mối quan hệ mang tính thương mại này bao gồm, nhưng không phải chỉ bao gồm, các giao dịch sau đây: bất cứ giao dịch thương mại nào về cung cấp hoặc trao đổi hàng hoá hoặc dịch vụ; thỏa thuận phân phối; đại diện hoặc đại lý thương mại; ủy thác hoa hồng; cho thuê dài hạn; xây dựng các công trình; tư vấn; kỹ thuật công trình; đầu tư; cấp vốn; ngân hàng; bảo hiểm; thỏa thuận khai thác hoặc tô nhượng; liên doanh và các hình thức khác về hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh; chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng đường biển, đường không, đường sắt hoặc đường bộ”.
Định nghĩa hoạt động thương mại trong Luật thương mại Việt Nam vì vậy cũng chưa phù hợp với Hiệp định thương mại Việt – Mỹ. Theo Hiệp định này thì từ “thương mại” bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại trong đầu tư và thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Như vậy, mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại là việc chắc chắn cần làm nhưng mở rộng như thế nào để sự điều chỉnh của Luật thương mại thật sự có hiệu quả. Đặc biệt quy định các chế định cụ thể của Luật thương mại đòi hỏi phải có một cơ sở lý luận thấu đáo.
2. Sự tồn tại của Bộ luật dân sự Việt Nam – với đối tượng điều chỉnh chủ yếu là các quan hệ tài sản – đã và sẽ đặt ra một vấn đề lý luận về phạm vi áp dụng của Luật thương mại. Ở bất kỳ quốc gia nào thừa nhận tính nhị nguyên của “Luật tư” (vừa có luật thương mại vừa có luật dân sự), mối tương quan và quan hệ tác động giữa hai đạo luật này cũng cần được làm rõ. Điều này đã được nhiều nhà khoa học pháp lý Việt Nam nhận diện và kiến nghị các giải pháp. PGS-TS Nguyễn Thị Mơ khi xác định các bất cập của Luật thương mại 1997 nói riêng và pháp luật thương mại Việt Nam nói chung đã chỉ rõ “Vị trí
của pháp luật thương mại Việt Nam chưa được định hình rõ trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam”1. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, việc cho rằng điểm bất cập nêu trên trong pháp luật thương mại Việt Nam thể hiện ở chỗ chúng ta chưa xác định được “đây có phải là một ngành luật độc lập hay không”, dẫn đến việc “lúng túng trong việc phân định mối quan hệ giữa pháp luật thương mại với pháp luật kinh tế”2, theo chúng tôi cần xem xét thêm.
Điểm mấu chốt ở đây vẫn là tính chất và sự tương thích giữa pháp luật dân sự và luật thương mại. “Pháp luật kinh tế” Việt Nam cho đến nay đã trở thành một phạm trù quá đặc thù. Trong khi đó, trước yêu cầu phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như sự hội nhập và phù hợp với pháp luật, tập quán và thông lệ quốc tế, thì sự mâu thuẫn giữa Bộ luật dân sự – Luật thương mại – Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thực sự là một hiện tượng khó lý giải cho các luật sư, luật gia và nhà đầu tư nước ngoài.
3. Xét về mặt khách quan, Luật thương mại là để điều chỉnh các hành vi, hoạt động thương mại. Xét về mặt chủ quan Luật thương mại chỉ để dành cho các “thương nhân” tức là người thực hiện hoạt động kinh doanh và coi đó là “nghề nghiệp chính của mình?”. Quan điểm này là quan điểm của pháp luật thương mại Pháp và một số nước châu Âu.
Đi theo hướng này chúng ta sẽ phải xử lý một loạt các vấn đề như “hành vi thương mại hỗn hợp”, hành vi thương mại do phụ thuộc v.v… Trong khi xu thế “thương mại hóa” các quan hệ dân sự đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nếu Luật thương mại Việt Nam chỉ dành để điều chỉnh mối quan hệ giữa các thương nhân thì tính hiệu quả của Luật thương mại là điều đáng e ngại. Cũng cần nhắc thêm rằng Luật pháp Hoa Kỳ không phân biệt Luật dân sự và Luật thương mại. Tất cả những người nào tham gia vào các giao dịch thương mại đều có thể trở thành chủ thể của luật thương mại, có quyền áp dụng các quy phạm pháp luật thương mại cho mối quan hệ của mình.
4. Trong xã hội hiện đại, khi mà các thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin đã trở thành những yếu tố thiết yếu trong cuộc sống, các quan hệ thương mại đã và sẽ chịu tác động sâu sắc. Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, thể hiện những ưu việt và cả những bất cập, nguy cơ cho các bên tham gia. Luật thương mại mới không thể không có những điều khoản về lĩnh vực mới mẻ này. Hơn nữa, khi pháp lệnh thương mại điện tử đang soạn thảo, sự thống nhất giữa hai văn bản này cần phải chú trọng đúng mức.
II. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC LÝ LUẬN ĐỂ SOẠN THẢO LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM MỚI
Đã có những nghiên cứu và đề xuất về những nguyên tắc chủ yếu trong việc tiến hành sửa đổi Luật thương mại Việt Nam 1997. Có thể thấy rằng, đây cũng là những nguyên tắc chung trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đó là: bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm độc lập chủ quyền, bảo đảm định hướng hội nhập kinh tế quốc tế, sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, với tập quán và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, ngoài những nguyên tắc chung nêu trên, trong việc soạn thảo Luật thương mại mới (hoặc một Bộ luật thương mại – như đã có ý kiến đề xuất) cần thống nhất một số nguyên tắc mang tính chất lý luận chuyên ngành. Chỉ trên cơ sở giải quyết được những vấn đề này, mới có thể định hướng và xử lý những nội dung cụ thể trong luật thương mại sửa đổi.
1. Trước hết, theo chúng tôi, cần xác định Luật thương mại là một văn bản pháp luật mang tính riêng biệt để giải quyết những quan hệ tài sản đặc thù. Tính đặc thù của các quan hệ tài sản do Luật thương mại điều chỉnh là mục đích thu lợi nhuận, là hành vi kinh doanh. Do vậy, Luật thương mại phải đạt được mục tiêu là tạo thuận lợi, hỗ trợ cho các cá nhân, pháp nhân tiến hành hoạt động thương mại – trong một khuôn khổ pháp lý hợp lý.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy khởi thủy Luật thương mại là luật của các thương nhân, do chính các thương nhân tự quy ước để các giao dịch của họ được tiến hành một cách đơn giản, nhanh chóng, với những công cụ có tính chất bảo đảm cho các giao dịch này như ngân hàng, hối đoái v.v… Khi các nhà nước điển hóa luật thương mại (đầu tiên là Pháp vào năm 1807) thì vẫn tôn trọng nguyên tắc này và quy định thêm những chế định nhằm bảo đảm quyền lợi của Nhà nước và các bên thứ ba trong các giao dịch thương mại. Một trong những chế định quan trọng trong lĩnh vực này chính là chế định về đăng ký kinh doanh và công khai hóa các chủ thể kinh doanh. Do vậy, theo chúng tôi Luật thương mại Việt Nam mới cũng phải bảo đảm được hai nguyên tắc: bảo vệ lợi ích của Nhà nước và những bên thứ ba trong các giao dịch thương mại, nhưng trước hết và trên hết Luật thương mại phải là cơ sở pháp lý tin cậy và hiệu quả cho các chủ thể, kinh doanh là “kim chỉ nam” cho họ trong các giao dịch này.
2. Xuất phát từ đặc điểm này, luật thương mại cần được xác định là một văn bản của “luật tư”. Luật thương mại phải dựa trên một nền tảng pháp lý là “Bộ luật dân sự”. Các quy định của Luật thương mại phải phù hợp và không lặp lại các quy định của Bộ luật dân sự. Đặc biệt quan trọng là các quy định của luật thương mại phải thể hiện được tính chất đặc thù của các giao dịch thương mại, thực sự điều chỉnh hành vi của các chủ thể quan hệ pháp luật thương mại. Tuy nhiên, với tính chất là một văn bản “luật tư”, luật thương mại phải chứa đựng phần lớn các quy phạm “hướng dẫn” mà không thể là các quy phạm “mệnh lệnh”, bảo đảm tối đa nguyên tắc “tự thỏa thuận” của các bên giao dịch.
3. Không thể duy trì đối tượng hạn hẹp của Luật thương mại 1997, cũng như cần mở rộng phạm vi áp dụng của Luật thương mại mới. Khi tiến hành mở rộng đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của Luật thương mại mới cần tôn trọng các văn bản pháp luật quốc tế mà chúng ta đã tham gia ký kết hoặc gia nhập để có những quy định tương thích nhằm hỗ trợ quá trình thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại sửa đổi không đồng nhất việc hủy bỏ các văn bản pháp luật cá biệt, đã tồn tại và đang điều chỉnh hiệu quả các quan hệ pháp luật thương mại. Theo chúng tôi khái niệm “thương mại” phải được định nghĩa theo nghĩa rộng, nhưng không phải tất cả các hành vi được xác định là “thương mại” đều phải được điều chỉnh trong luật thương mại mới.
4. Trong điều kiện hiện nay, luật thương mại không nên chỉ là đạo luật của riêng các “thương nhân”. Có thể đưa khái niệm “thương nhân” vào luật hoặc không, nhưng phạm vi áp dụng của luật thương mại mới không thể giới hạn là một văn bản pháp luật dành riêng cho giới thương nhân. Thiết nghĩ, đối với các hành vi thương mại hỗn hợp (chiếm số lượng ngày càng nhiều trong lưu thông dân sự) các bên nên được công nhận quyền lựa chọn luật pháp (luật dân sự hoặc luật thương mại) áp dụng điều chỉnh mối quan hệ của mình. Ưu tiên trong sự lựa chọn này nên để dành cho bên tham gia giao dịch không phải với mục đích kinh doanh. Đây cũng là một thực tế pháp lý tồn tại ở nhiều nước. Với điều kiện Việt Nam, sự tồn tại song song của Bộ luật dân sự và luật thương mại là phù hợp. Có nghĩa là chúng ta cần một đạo luật thương mại (có thể là luật và tiến tới là Bộ luật) độc lập. Nhưng đạo luật này chỉ phát huy hiệu quả nếu nó được các bên tham gia vào giao dịch “tin tưởng” lựa chọn như một công cụ pháp lý điều chỉnh mối quan hệ của mình.
5. “Quản lý nhà nước” đối với hoạt động thương mại trong luật thương mại mới phải được thực hiện bằng công cụ của “pháp luật tư” mà không thể là các quy định mang tính chất hành chính như các quy định của luật thương mại 1997. Theo chúng tôi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ thương mại và các cơ quan ban ngành liên quan đã được quy định trong các văn bản về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này. Quản lý nhà nước bằng biện pháp luật pháp hành chính phải được xử lý thông qua các chế định hành chính. Trong luật thương mại, thông qua việc quy định quyền và nghĩa vụ của các bên giao dịch thương mại, nhà nước áp dụng các biện pháp chế tài mang tính chất tài sản. Đó chính là quản lý nhà nước hoạt động thương mại. Các quy định về chính sách thương mại phải nằm trong các văn bản pháp luật cá biệt mà không nên lồng ghép vào văn bản luật thương mại. Công cụ của “pháp luật tư” được sử dụng để điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật thương mại chính là hợp đồng.
6. Luật thương mại mới không thể duy trì sự phân biệt giữa năng lực hành vi thương mại trong nước và năng lực hành vi thương mại với nước ngoài. Tiếp tục đường lối mở rộng quyền kinh doanh thương mại, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta nên thừa nhận năng lực ký kết hợp đồng nội địa và hợp đồng mua bán ngoại thương là những khái niệm đồng nhất. Để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước, việc xác định năng lực tài chính của các doanh nghiệp và đối tác nước ngoài phải được thực hiện triệt để bởi các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
7. Cần xem xét lại tính cần thiết của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Với các quy định của Bộ luật dân sự và Luật thương mại, việc điều chỉnh quan hệ pháp lý dân sự thương mại đã có một cơ sở pháp lý vững chắc. Mục đích, đối tượng và phạm vi áp dụng của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế cần phải được xem xét một cách khoa học, biện chứng. Theo chúng tôi, việc sửa đổi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế là không cần thiết nếu không nói là thừa.
III. MỘT SỐ CHẾ ĐỊNH CHỦ YẾU CỦA LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT NAM SỬA ĐỔI
1. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm được hầu hết các tác giả đề xuất hiện nay là phải mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại. Ý nghĩa chủ đạo là không giới hạn khái niệm thương mại vào mua bán hàng hóa, mặc dù chắc chắn mua bán hàng hóa là nội dung quan trọng của Luật thương mại.
Để có thể làm việc này một cách hiệu quả, trước hết cần thừa nhận khái niệm “thương mại” theo nghĩa được sử dụng trong các văn bản pháp luật quốc tế. Có nghĩa là “thương mại” bao hàm những vấn đề nảy sinh từ tất cả các mối quan hệ có tính chất thương mại, tức là tính chất thu lợi nhuận.
Có hai cách để chúng ta tiến hành định nghĩa “thương mại”. Một là chúng ta sẽ theo kiểu liệt kê các giao dịch được xem là thương mại: mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, phân phối, đại diện đại lý thương mại, bao tiêu, thuê, cho thuê, xây dựng, tư vấn, cơ khí chế tạo, sở hữu công nghiệp, vận tải hành khách… Cần lưu ý là định nghĩa của Uncitral về “thương mại” cũng theo kiểu liệt kê. Hai là, chúng ta định nghĩa “thương mại” là tất cả các quan hệ có tính chất thương mại, tức là tính chất thu lợi nhuận, không hạn chế là các quan hệ này sẽ phát sinh trong những lĩnh vực nào. Chúng tôi cho rằng cách xử lý thứ hai là phù hợp. Tuy nhiên, việc định nghĩa “thương mại” không đồng nghĩa với việc xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại mới là tất cả các quan hệ này. Cụ thể, trong Luật thương mại mới thương mại được hiểu là tất cả các quan hệ phát sinh trong quá trình hoạt động với mục đích thu lợi nhuận.
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại “là các quan hệ thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại sở hữu trí tuệ và thương mại đầu tư”.
3. Phạm vi áp dụng của Luật thương mại: “Luật thương mại áp dụng cho tất cả các cá nhân, tổ chức trong thực hiện hành vi thương mại”.
Việc định nghĩa “thương mại” theo nghĩa rộng và giới hạn đối tượng điều chỉnh của đạo luật thương mại như vậy thỏa mãn được nhiều yêu cầu:
- Thứ nhất việc định nghĩa thương mại theo nghĩa rộng là rất cần thiết cho mục đích hội nhập pháp luật quốc tế. Nó cũng đặc biệt quan trọng cho việc xác định thẩm quyền xét xử, giải quyết tranh chấp của các trong tài thương mại, nhất là khi vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
- Việc giới hạn đối tượng điều chỉnh của Luật vừa đảm bảo được sự điều chỉnh của Luật thương mại đối với những lĩnh vực thương mại quan trọng, vừa không làm xáo trộn phá vỡ sự ổn định của các văn bản pháp luật cá biệt.
- Việc mở rộng phạm vi áp dụng của Luật thương mại cho phép các chủ thể giao dịch hỗn hợp (một bên là thương nhân, một bên không phải là thương nhân) áp dụng luật thương mại cho các dịch vụ của mình. Hiệu quả của áp dụng của luật thương mại sẽ được tăng lên đáng kể.
4. “Thương mại hàng hóa” là chế định quan trọng của luật thương mại do vậy luật thương mại cần định nghĩa khái niệm “hàng hóa” trong luật thương mại. Việc định nghĩa “hàng hóa” cũng cần đi theo hướng rộng: bao gồm hàng hóa hữu hình, vô hình, quyền tài sản, các loại chứng từ có giá, các loại hàng hóa đã có và các loại hàng hóa sẽ có trong tương lai… Nhưng các quy định của luật thương mại điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa chỉ giới hạn vào một số đối tượng vì việc mua bán các hàng hóa đặc thù cần được xử lý theo các văn bản cá biệt.
5. Liên quan đến “thương mại dịch vụ” cần đưa khái niệm “dịch vụ” vào luật. Cần thiết phải phân biệt khái niệm “hàng hóa” và “dịch vụ” để có quy định thích hợp cho các hành vi thương mại trong lĩnh vực này. Khi định nghĩa khái niệm dịch vụ cần đi theo hướng “mở” tức là nêu những đặc điểm của “dịch vụ” và dự trù trường hợp có những loại hình dịch vụ mới phát sinh.
6. Công cụ pháp lý chủ yếu của hoạt động thương mại là hợp đồng. Trong luật thương mại mới cần có một chương về các nguyên tắc và những đặc điểm quan trong của hợp đồng thương mại. Chính trong chương này phải thể hiện được mục đích của luật thương mại là các quy định về những thủ tục pháp lý đơn giản, nhanh chóng của các giao dịch thương mại.
7. Cần có một chương riêng về hợp đồng mua bán hàng hóa. Chương này không được lặp lại những quy định của chương về Hợp đồng thương mại. Các quy định của chương này cần cụ thể, hướng dẫn giải quyết những tình huống thông thường trong thương mại hàng hóa. Những vấn đề cụ thể như đề nghị giao kết hợp đồng, chấp nhận giao kết hợp đồng, với những tình huống cụ thể (thông qua bán đấu giá, ký hợp đồng qua mạng, qua quảng cáo), đại diện giao kết hợp đồng, hình thức hợp đồng, giá trị các điều khoản cơ bản tạo thành nội dung của hợp đồng v.v… Vấn đề chuyển giao rủi ro và chuyển quyền sở hữu cũng cần được xử lý thấu đáo.
8. Các quy định về chế tài, về giải quyết tranh chấp của luật thương mại cần được đưa vào một chương riêng. Nội dung quan trọng của chương này là cách áp dụng các loại chế tài; các loại thời hiệu khiếu nại (giữa các bên) và thời hiệu xét xử (của cơ quan xét xử tranh chấp) cũng cần được quy định cụ thể hơn.
Thiết nghĩ, luật thương mại nên quy định thời hạn khiếu nại với từng loại tranh chấp. Tất cả các quy định về thời hạn khiếu nại chỉ nên mang tính hướng dẫn.
9. Trong luật thương mại mới phải có điều khoản thừa nhận phương thức thương mại điện tử, cụ thể là một hoặc một số điều khoản quy định về giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu trong các giao dịch điện tử. Mọi vấn đề liên quan đến thương mại điện tử sẽ được xử lý bằng một văn bản cá biệt.
Trên đây là một số vấn đề lý luận cơ bản trong việc sửa đổi luật thương mại 1997. Những vấn đề như cấu trúc và nội dung cụ thể trong các chương, điều của luật thương mại Việt Nam mới, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất.°
1,2 Những bất cập của pháp luật thương mại Việt Nam trước yêu cầu Việt Nam hội nhập về thương mại – Những kiến nghị về phương hướng và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, PGS-TS Nguyễn Thị Mơ, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 1/2002, trang 5.
Tài liệu tham khảo
1. Michel Jeantin, Droit commercial, Précis Dalloz, 1992.
2. Nguyễn Thị Mơ, Những bất cập của pháp luật thương mại Việt Nam trước yêu cầu hội nhập, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 1/2002.
3. Fred Burk, Hiệp định thương mại Việt-Mỹ – Tác động đối với Luật thương mại, Tham luận tại hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện Luật thương mại 1997”, Bộ Thương mại tổ chức 3/7/2003.
4. Luật thương mại qua 5 năm thực hiện, Báo cáo của Vụ pháp chế Bộ thương mại tại hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện Luật thương mại 1997”, Bộ Thương mại tổ chức 3/7/2003.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 3/2003

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code