LS. LÊ CÔNG ĐỊNH - Công ty luật DC LAW
Việt Nam trở thành Thành viên chính thức của WTO thực
sự mở ra cánh cửa cơ hội để phát triển đất nước, tất nhiên vẫn còn
nhiều việc phía trước cần phải làm. Một năm trôi qua cho thấy chúng ta
có nhiều vấn đề cần phải giải quyết từ những góc độ khác nhau của nền
kinh tế. Bài viết này nêu lên một số vấn đề cần điều chỉnh từ kinh
nghiệm của các luật sư tư vấn cho các doanh nghiệp đang hoạt động, kinh
doanh tại thị trường Việt Nam trước và sau thời điểm Việt Nam trở thành
hội viên WTO.
Vai trò điều hành và quản lý nền kinh tế của chính phủ
Trong môi trường cạnh tranh để định hình nền kinh tế
thị trường, một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tính hiệu
quả của doanh nghiệp là tăng cường khả năng quản trị. Giải pháp quản
trị này có hai mặt, thứ nhất tự thân doanh nghiệp thay đổi và, thứ hai,
chính phủ với tư cách là người hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải thay đổi,
tức là cải tổ cách thức điều hành và quản lý nền kinh tế của chính phủ
theo hướng rõ ràng, minh bạch. Đây cũng là nguyên tắc của WTO và là yêu
cầu đối với các Thành viên của tổ chức này.
Sự hiệu quả của mỗi chính phủ được đo lường bằng
những luật lệ và chính sách tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp kinh
doanh và tăng lợi nhuận. Luật lệ và chính sách được ban hành chỉ nhằm
mục đích tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp yên tâm kiếm tiền và đóng
thuế. Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do những
luật lệ hay chính sách hay việc thực thi từ phía các cơ quan nhà nước,
thì ngày đó chúng ta vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện thêm chính sách và
việc thực thi chúng để có một hệ thống, cơ chế điều hành nền kinh tế
hiệu quả hơn.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát gần đây đối với
giới doanh nhân trong nước – những người đóng vai trò chính trong việc
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia bằng chính của cải và kỹ năng quản
lý của mình – đã dẫn đến một kết quả đáng ngạc nhiên là khá nhiều doanh
nghiệp không cảm thấy hài lòng về cơ chế chính sách và hệ thống hành
chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ.
Trong một nhà nước pháp trị có hệ thống luật pháp
minh bạch được xây dựng trên những tiêu chuẩn mà Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO) đòi hỏi, cơ quan hành pháp cần tránh ấn định các quy tắc hạn
chế hoặc ngăn cản quyền kinh doanh chính đáng của công dân mà Hiến pháp
đã công nhận.
Việc cải tổ cách thức điều hành và quản lý nền kinh
tế của chính phủ cũng đòi hỏi sự thay đổi cách suy nghĩ của các cán bộ
trong bộ máy hành chính trong việc điều hành một nền kinh tế thị trường
chuyên nghiệp. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực, nên cần
làm ngay và kiên trì từng bước.
Cải cách lập pháp và lập quy
Cải cách lập pháp và lập quy đã được tiến hành từ hơn
mười năm nay với nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trọng tâm của công cuộc
cải tổ mang tầm vóc quốc gia này hầu như chỉ nhằm giải quyết những vấn
đề nội tại của hệ thống luật pháp, hơn là hướng đến mục tiêu cải cách
kinh tế hoặc tạo điều kiện để cả hai tiến trình này được thực thi đồng
thời trong mối liên kết chặt chẽ. Do vậy, trọng tâm sắp tới của cải cách
luật pháp cần phải được xác định rõ ràng là phát triển kinh tế. Để đạt
mục tiêu như vậy cần lưu tâm đến các vấn đề quan trọng dưới đây.
Thứ nhất, cách soạn thảo luật hiện tại, đặc biệt
trong lĩnh vực thuế và hải quan, hầu như không tính đến khả năng tuân
thủ luật và lợi ích của đối tượng được áp dụng là các doanh nghiệp.
Nguyên nhân là vì cho đến nay luật lệ chuyên ngành vẫn do chính các bộ
ngành liên quan soạn thảo và các cơ quan này thường chỉ quan tâm đến sự
tiện dụng của mình trong việc quản lý nhà nước.
Hãy trao cho các đại biểu quốc hội quyền soạn thảo
những dự án luật. Họ sẽ tự trưng cầu ý kiến và sự hỗ trợ về chuyên môn
từ các chuyên gia trong công việc lập pháp của mình. Tất nhiên các bộ
vẫn được trao quyền đề xuất dự án luật, song chỉ hạn chế trong một số
trường hợp đặc biệt và dự án đó phải được đệ trình lên quốc hội để tranh
luận.
Thứ hai, việc soạn thảo các văn bản dưới luật của các
cơ quan công quyền hiện chú trọng nhiều vào việc áp đặt nhiều thủ tục
phức tạp và biện pháp trừng phạt khi vi phạm thủ tục đó, trong khi sự vi
phạm của chính cơ quan công quyền thì không được quan tâm nhiều, hoặc
nếu có thì cũng chỉ là những quy định chung chung. Bên cạnh đó, việc áp
dụng và giải thích không nhất quán các cam kết WTO theo hướng mặc nhiên
hạn chế hoặc ngăn cản quyền của nhà đầu tư nước ngoài cũng là điều đáng
báo động hiện nay.
Để minh bạch hóa quy trình lập quy, cần tránh việc
các cơ quan công quyền khi ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thi
hành luật tự ý giải thích luật theo ý của mình hoặc đặt ra các thủ tục
mà luật không minh định. Phải cân bằng giữa lợi ích nhà nước và quyền
lợi của công dân.
Thay đổi quan niệm về vai trò giải thích luật của tòa án
Vai trò của tòa án đối với việc xây dựng nhà nước
pháp quyền rất quan trọng bởi vì nó liên quan đến niềm tin của giới
doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, đối với việc thực thi
các cam kết WTO của Việt Nam.
Thứ nhất, tòa án cần thủ giữ vai trò kiến tạo đường
hướng án lệ để giải thích luật pháp do Quốc hội ban hành. Đời sống pháp
lý hàng ngày của xã hội rất cần những đường hướng án lệ để giúp làm sáng
tỏ nhiều điều luật tối nghĩa mà cơ quan lập pháp vô tình tạo ra khi
soạn thảo luật. Không một định chế nào khác ngoài tòa án có quyền giải
thích luật. Thói quen trao cho cơ quan lập pháp hoặc hành pháp quyền
hướng dẫn cách áp dụng luật bấy lâu nay cần phải chấm dứt, đơn giản là
vì những cơ quan này không có thẩm quyền như vậy và hướng dẫn của họ
không có giá trị ràng buộc đối với người dân.
Khi vận dụng luật để xét xử, thẩm phán có quyền đưa
ra quan điểm cá nhân để giải thích luật, quan điểm đó nếu đúng đắn và
hợp lý sẽ trở thành án lệ để các tòa án khác noi theo khi xét xử những
vụ án tương tự trong tương lai. Đặc biệt, quan điểm của Tòa án nhân dân
tối cao khi can thiệp bằng một phán quyết chung thẩm, trong đó xác nhận
hoặc bác bỏ cách giải thích luật của tòa sơ thẩm, sẽ tạo thành đường
hướng án lệ mới mà mọi tòa án về sau, kể cả cơ quan hành pháp và người
dân, phải quan tâm khi áp dụng luật. Như vậy, bằng hoạt động tài phán
hàng ngày của mình, tòa án góp phần đáng kể vào việc duy trì sự ổn định
của hệ thống luật pháp quốc gia.
Thứ hai, trong khi luật pháp vẫn còn chưa hoàn thiện
và đầy đủ, thì tòa án bằng quyền tài phán của mình cần thủ giữ vai trò
tạo lập và duy trì trật tự pháp lý và trật tự xã hội, tránh tình trạng
vô tình góp phần tạo ra những bất công hoặc tiền lệ xấu cho hành vi ứng
xử của công dân trong xã hội.
Trên thực tế, nhiều vụ tranh chấp đã được tòa án giải
quyết với kết quả bất lợi đối với bên có quyền lợi chính đáng bị vi
phạm, nhiều khi chỉ vì thẩm phán khi xét xử chỉ biết áp dụng luật một
cách máy móc. Tuân thủ luật là điều quan trọng và cần thiết đối với thẩm
phán trong hoạt động xét xử, song mục đích tối hậu của quyền tài phán
vẫn là lẽ công bằng và sự ổn cố của xã hội, chính luật pháp cũng được
ban hành chỉ nhằm mục đích mang lại công lý và trật tự mà thôi. Không
nên nhầm lẫn giữa một bên là phương tiện và bên kia là mục đích.
* * * *
Trên đây là một vài nhận xét và góp ý mà giới
luật sư trong phạm vi công việc hàng ngày thường gặp và hy vọng có sự
điều chỉnh với mong ước điều đó có thể giúp tạo ra một tiền đề tốt thúc
đẩy hơn nữa tiến trình cải cách nền kinh tế quốc gia./.
SOURCE: trade.hochiminhcity.gov.vn
0 comments:
Post a Comment