Wednesday, January 1, 2014

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA: CHỦ SỞ HỮU KHÔNG CÓ LỖI CŨNG PHẢI BỒI THƯỜNG?

NGUYÊN TRƯỜNG
TAND huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vừa giải quyết một vụ đòi bồi thường do tai nạn giao thông gây nhiều tranh cãi: Trước đó, công an xác định người đã chết có lỗi nên không khởi tố. Đến khi xử vụ gia đình người đã chết kiện đòi bồi thường, tòa lại kết luận tai nạn xảy ra do lỗi hỗn hợp và buộc hai người còn sống phải liên đới bồi thường cho gia đình người đã chết vì là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.
Người chết có lỗi
Theo chồng bà Nhung (người bị tai nạn chết) kể lại, ngày 7-8-2007, bà Nhung chạy xe máy đến đoạn đường Cầu Ông Điệp (thị trấn Mỹ Xuyên) thì bị ông H. chạy xe máy ngược chiều va chạm mạnh làm bà văng ra khỏi xe, té sấp xuống mặt đường. Cùng lúc đó, một chiếc xe tải (loại 1,5 tấn) do ông T. lái đổ dốc cầu với vận tốc cao, thắng không kịp, cán qua người bà Nhung, kéo bà đi vài mét dẫn đến chết.
Sau hơn hai tháng xác minh, Công an huyện Mỹ Xuyên đã xác định người có lỗi là bà Nhung (vượt trái phép dẫn đến tai nạn). Ngày 23-10-2007, công an huyện đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì bà Nhung đã mất. Sau đó, chồng bà Nhung khiếu nại quyết định này nhiều lần nhưng từ công an huyện đến công an tỉnh đều trả lời rằng không đủ yếu tố để khởi tố vụ án.
Tòa cũng bị “làm khó”
Tháng 3-2008, chồng bà Nhung đã kiện ông H. và ông T. ra TAND huyện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau nhiều lần đề nghị Công an huyện Mỹ Xuyên cung cấp hồ sơ liên quan để nộp cho tòa mà không được đáp ứng, chồng bà Nhung đã phải nhờ tòa thu thập chứng cứ theo luật định.
Ngày 11-4, TAND huyện có công văn yêu cầu công an huyện cung cấp sơ đồ hiện trường. Sau khi cán bộ tòa trực tiếp đến liên hệ, công an huyện mới chịu cung cấp bản sơ đồ hiện trường phôto. Do bản ảnh hiện trường phôto này quá mờ, tòa tiếp tục có công văn yêu cầu công an cung cấp bản chính nhưng không được trả lời.
Ngày 30-5, TAND huyện Mỹ Xuyên ra quyết định về thu thập chứng cứ gửi cho công an nhưng nơi này tiếp tục cung cấp bản sao. Đến cuối tháng 6, công an huyện vẫn không cung cấp chứng cứ (vi phạm khoản 2 Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự), buộc lòng tòa phải gửi công văn trình bày việc này đến VKS cùng cấp. Mãi đến giữa tháng 7, việc cung cấp chứng cứ cho tòa mới “đầu xuôi, đuôi lọt”.
Không lỗi, vẫn phải bồi thường
Ngày 17-7, TAND huyện Mỹ Xuyên đã đưa vụ kiện ra xét xử. Trước tòa, hai bị đơn H. và T. đều luôn cho mình không có lỗi nên không chịu bồi thường. Thậm chí phía ông T. còn phản tố, đòi chồng bà Nhung bồi thường 20 triệu đồng vì “xe bị công an tạm giữ điều tra nên mất thu nhập”.
Tòa đã viện dẫn khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự. Theo đó, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi (trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết)…
Ở đây, xe máy và xe tải là nguồn nguy hiểm cao độ. Mặt khác, qua chứng cứ thu thập cùng lời khai của các nhân chứng tại hiện trường, tòa nhận định vụ tai nạn xảy ra không phải hoàn toàn do lỗi cố ý của bà Nhung mà do lỗi hỗn hợp (cả bà Nhung lẫn ông H. và ông T. đều có lỗi). Từ đó, tòa đã tuyên buộc ông H. và ông T. phải liên đới bồi thường cho gia đình bà Nhung hơn 27 triệu đồng.
Ngay sau phiên xử này, hai ông H. và T. đã kháng cáo, yêu cầu TAND tỉnh Sóc Trăng xem xét lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có phán quyết của tòa phúc thẩm.
Nguồn nguy hiểm cao độ
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự)

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code