Wednesday, January 1, 2014

QUẢNG NGÃI: "GIẤY ĐỎ" CẤP SAI, BỐN NĂM CHƯA GIẢI QUYẾT XONG

ÁI PHƯƠNG
Nếu đương sự không chịu nộp lại “giấy đỏ” được cấp thì UBND huyện cần ra quyết định hủy bỏ.
Không bằng lòng với việc nhà thờ và nhà hương hỏa của cha mẹ để lại bỗng biến thành nhà riêng của hai đồng thừa kế, ông Đặng Ngọc Sinh (57 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng đã bốn năm nay, vụ việc của ông vẫn chưa được giải quyết xong.
Rối rắm vì quá nhiều sai sót
Năm 1973, cha mẹ ông Sinh lập di chúc để lại nhà thờ và nhà hương hỏa cho các con làm nơi thờ cúng. Nhà hương hỏa nằm trên mảnh đất hơn 100 m2, còn mảnh đất có nhà thờ rộng 1.500 m2. Hai căn nhà này tọa lạc tại thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Đầu năm 2001, người chị dâu của ông Sinh là bà L. đã làm thủ tục xin cấp “giấy đỏ” cho căn nhà hương hỏa và được UBND huyện Đức Phổ cấp giấy vào ngày 3-10-2002. Năm 2003, trong khi ông Sinh đang đại diện các đồng thừa kế khác khiếu nại việc cấp “giấy đỏ” thì chồng của bà L. đã xin cấp “giấy đỏ” đất nhà thờ cho riêng mình và cũng được chấp nhận.
Thủ tục cấp “giấy đỏ” cho bà L. và chồng đã sai sót ở nhiều điểm. Đó là ngay từ năm 1998, ông Sinh đã có đơn trình bày về lai lịch của hai căn nhà trên, đề nghị UBND thị trấn Đức Phổ không xét cấp “giấy đỏ” cho bất kỳ ai, chỉ giải quyết khi có sự đồng thuận của các đồng thừa kế. Không hiểu vì sao cán bộ địa chính thị trấn Đức Phổ thời đó lại để thất lạc lá đơn này.
Ngoài việc làm mất đơn, hồ sơ cấp “giấy đỏ” cho bà L. và chồng còn nhiều điểm sai sót khác như không thông báo công khai hồ sơ xét duyệt theo hạn quy định (hồ sơ của chồng bà L. không thông qua hội đồng xét duyệt cấp “giấy đỏ” của thị trấn). Điều này vi phạm quy trình, thủ tục được quy định tại Thông tư 1990 ngày 30-11-2001 của Tổng cục Địa chính.
Ngoài ra, theo kết quả thẩm tra, xác minh của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đức Phổ, những sai phạm trong quá trình cấp “giấy đỏ” trên liên quan đến nhiều cơ quan, cán bộ, trong đó có một phần trách nhiệm thuộc về ông Huỳnh Căn – nguyên Trưởng phòng Địa chính huyện Đức Phổ. Ông Căn là con rể của vợ chồng bà L. Ông cũng chính là người “viết giùm” hồ sơ xin cấp “giấy đỏ” của mẹ vợ (bà L.).
Thừa nhận sai nhưng chưa chịu sửa
Sau một thời gian dài xem xét lại vụ việc, UBND huyện Đức Phổ kết luận việc cấp “giấy đỏ” cho bà L. là trái pháp luật. Ngày 15-4-2004, UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi lại “giấy đỏ”.
Tiếp theo, ngày 15-11-2004, UBND huyện Đức Phổ cũng kết luận việc cấp “giấy đỏ” đất nhà thờ cho chồng bà L. là sai và cũng ban hành quyết định thu hồi. Thế nhưng chồng bà L. không nộp lại “giấy đỏ” được cấp mà giao con trai cất giữ. Dùng dằng mãi cho đến khi ông mất, con trai ông (hiện đang sống trong ngôi nhà trên) vẫn kiên quyết không trả lại.
Nội dung không mấy phức tạp nhưng tại sao huyện không cố gắng giải quyết dứt điểm? Ông Phạm Quang Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Phổ, cho biết: “Tôi mới vừa nhận nhiệm vụ nên không nắm rõ vụ việc. Hiện nay, UBND huyện đang kiểm tra, rà soát lại các quyết định và giấy tờ liên quan để có hướng xử lý”.
Không cớ gì huyện lại bó tay
Được tham khảo về cách giải quyết đối với những trường hợp tương tự, ông Nguyễn Thanh Nguyên – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi (TP.HCM) cho biết: “Theo Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ, đối với những “giấy đỏ” cấp sai quy định, cơ quan cấp “giấy đỏ” có quyền ra quyết định thu hồi. Nếu đương sự không chịu nộp lại thì cơ quan ra quyết định thu hồi có thể ra quyết định hủy “giấy đỏ”. Khi đó, “giấy đỏ” cũ đương nhiên không còn giá trị. Quyết định hủy “giấy đỏ” được gửi đến UBND cấp xã nơi mảnh đất tọa lạc và những người có liên quan”.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code