Wednesday, October 16, 2013

TRANH CHẤP XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON: "TRUẤT NGỰA TRUY PHONG"

CẨM DUYÊN
TAND huyện Tuy An (Phú Yên) đang giải quyết một vụ kiện đòi truy nhận cha và yêu cầu giải quyết tiền cấp dưỡng cho một cháu bé ngoài giá thú. Người bị kiện không thừa nhận cháu bé là giọt máu rơi của mình trong khi trước đó đã cùng mẹ cháu có một thời gian yêu thương, chung sống và đưa nhau đến xã đăng ký kết hôn…
Say tình, trót dại
Cha mất sớm, chị gái cũng qua đời sau một cơn bạo bệnh, cô E. sống côi cút cùng mẹ trong căn nhà vách đất xiêu vẹo ở Tuy An. Cuộc sống trông chờ vào hai sào ruộng nên mẹ con họ gặp không ít khó khăn thế nhưng cô E. vẫn cố học hết bậc phổ thông trung học rồi thi đậu vào Trường trung học Y tế Phú Yên. Ra trường, không xin được việc nên tháng 5-2006, cô đành kiếm cơm trái nghề bằng công việc đánh máy cho UBND xã nơi cô sống với mức lương mỗi tháng 540 ngàn đồng.
Cô E. tường trình, khi làm việc ở xã, cô được anh H. – phó bí thư xã đoàn kết bạn thân tình rồi dần dà yêu thương nhau. Mật ngọt tình yêu đã khiến cô nhiều lần trao thân gửi phận cho anh H. và dẫn đến hậu quả là cô mang bầu.
Bị gia đình cấm cản, ngày 14-6-2007, anh H. vẫn quyết tâm bảo vệ tình yêu và hạnh phúc của mình. Anh tìm đến nhà cô E. thưa chuyện với mẹ cô E. rồi xin ở lại đó như là con rể. Biết tin con gái mình đã mang bầu, mẹ cô E. đành im lặng chấp nhận. Bốn ngày sau khi nhập gia, anh H. và cô E. cùng ký tên vào tờ khai xin đăng ký kết hôn rồi đem tới cho cán bộ chuyên trách tư pháp xã xác nhận.
Trở mặt vì gia đình không chịu
Những tưởng chuyện tình của họ sẽ kết thúc có hậu bằng một cam kết gắn bó hôn nhân tự nguyện giữa hai người. Tuy nhiên, trắc trở vẫn không buông tha họ.
Đầu tiên, UBND xã thay vì đăng ký kết hôn cho họ trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ (theo Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch) thì lại câu lưu hồ sơ của họ tới 26 ngày. Sau đó, chủ tịch xã ra văn bản thông báo cho gia đình anh H. và cô E. biết việc họ xin đăng ký kết hôn dù pháp luật không quy định xã phải làm việc này. Văn bản này còn nhắc trong vòng bảy ngày kể từ ngày ra thông báo, nếu hai bên gia đình không có ý kiến gì thì đến xã để giải quyết.
Thế rồi, lập tức ngay hôm sau (17-7-2007), cha anh H. (đang công tác ở một cơ quan trong khối nội chính huyện) đã đến gặp cán bộ tư pháp xã để phản đối việc con mình kết hôn. Trong biên bản làm việc với xã, ông này tuyên bố gia đình ông không chấp nhận và cảnh báo nếu nhà cô E. chứa chấp con trai mình thì “phải chịu trách nhiệm với mọi chuyện xảy ra với anh H.”.
Bốn ngày sau khi bị cha ngăn cản kết hôn, đến lượt anh H. bất ngờ trở mặt với người yêu bằng cách viết đơn xin rút lại tờ khai đăng ký kết hôn với lý do: “Quá trình tìm hiểu thấy không hợp nhau. Cô E. có những điều không thật lòng với tôi nên không thể đi đến hôn nhân được”.
Phải giám định ADN
Đầu tháng 4-2008, anh H. đã cưới một cô gái khác. Còn cô E. tháng 1-2008 hạ sinh một cháu trai bụ bẫm. Khi con được bốn tháng tuổi, cô đã đâm đơn kiện anh H. ra TAND huyện Tuy An đòi truy nhận cha và yêu cầu giải quyết tiền cấp dưỡng nuôi con.
Khi bị tòa triệu tập lấy lời khai, anh H. không thừa nhận cháu bé là con và gửi đơn phản tố rằng cô E… vu khống mình?! (Trước đó, trong đơn trình bày gửi công đoàn xã tháng 8-2007, chính anh H. đã tự tay viết rõ: “Tôi và E. có quen nhau một thời gian nhưng gia đình tôi không chịu. Do suy nghĩ còn nông cạn nên tôi đã lên nhà E. ở trong thời gian một tháng một ngày”.)
Vì bên nói có, bên bảo không nên tòa phải trưng cầu giám định ADN để xác định cha cho cháu bé. Có điều số tiền tạm ứng chi phí lên tới 20 triệu đồng – quá lớn đối với một cô gái chân quê nghèo khó, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn nửa triệu đồng, lại phải nuôi mẹ già, con nhỏ. Dẫu vậy, cô E. vẫn cương quyết: “Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con và danh dự của tôi, tôi sẽ vay mượn theo kiện đến cùng”.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code