Saturday, October 26, 2013

QUẢN LÝ HỘ TỊCH BẰNG CẢM TÍNH

PHẠM VĂN PHONG
Điều 2 Nghị định 158/NĐ-CP quy định “Quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền các cấp, nhằm bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách về KT-XH, ANQP… Thực tế hiện nay, một số địa phương đã thực hiện khá tốt công tác quản lý hộ tịch, giảm phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương tắc trách trong công tác này và hậu quả thì người dân phải chịu.
Ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy thường trú ấp 1, xã TP, huyện VL, Đồng Tháp, do cuộc sống quá khó khăn nên chỉ lo làm ăn mà không quan tâm đến việc đăng ký khai sinh và nhập hộ khẩu cho con. Sau đó, vợ chồng ông Phi xa quê hương đi làm thuê và gửi cháu Hiền lại cho vợ chồng người em ruột là ông Đặng Văn Tý và bà Trần Thị Xê nuôi dưỡng. Cháu Hiền đến tuổi đi học, ông Tý đến UBND xã TP đăng ký khai sinh cho cháu Hiền và “lợi dụng” cán bộ Tư pháp xã TP “không nắm địa bàn” nên ông Tý đã khai vợ chồng ông là cha, mẹ ruột và đề nghị ghi vào phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh của cháu Hiền. Từ đó, ông Tý, bà Xê từ chú, thím “biến thành” cha mẹ của Hiền và đương nhiên, một số giấy tờ cá nhân (trong đó có bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân,…) của Hiền đều có ghi nhận ông Tý, bà Xê là cha mẹ ruột, vì được UBND xã TP thừa nhận và đã đăng ký trong giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh hợp pháp(?)
Sau một thời gian đi làm ăn xa, ông Phi, bà Thúy trở lại quê nhà và “xin” vợ chồng ông Tý “trả” cháu Hiền lại cho vợ chồng ông tiếp tục nuôi dưỡng. Khi ông Phi đến UBND xã TP đăng ký khai sinh cho cháu Hiền thì được cán bộ Tư pháp xã TP cho biết Hiền đã được cha mẹ ruột (là ông Đặng Văn Tý và bà Trần Thị Xê) đăng ký khai sinh, hiện UBND xã TP còn lưu sổ đăng ký khai sinh, nếu ông muốn có giấy khai sinh của Hiền thì ở đây chỉ cấp lại bản sao. Đương nhiên,  “cha mẹ” cháu Hiền ghi trong khai sinh không phải là ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy (theo sổ đăng ký khai sinh). Sau khi tranh cãi quyết liệt, ông Tý đã thừa nhận việc “lừa” cán bộ Tư pháp hộ tịch xã TP để đăng ký khai sinh cho Hiền là con của vợ chồng ông; Sự thật là ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy mới đích thực là cha mẹ ruột của Hiền; Ông Phi yêu cầu UBND xã TP cải chính phần ghi về cha mẹ của cháu Hiền và ghi tên của vợ chồng ông vào giấy khai sinh của con ông đúng sự thật. Tại UBND xã TP, theo hướng dẫn của cán bộ Tư pháp hộ tịch muốn “cải chính” nội dung trên thì giữa vợ chồng ông Phi và vợ chồng ông Tý phải làm “bản cam kết” với nội dung: vợ chồng ông Tý không phải là cha mẹ ruột như trong khai sinh mà vợ chồng ông Phi mới đúng là cha mẹ ruột của cháu Hiền. Từ đó, giấy khai sinh, hộ khẩu của Hiền có ghi tên ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy là cha mẹ ruột…mà không làm thủ tục cải chính theo quy định(?).

Tháng 3.2009 ông Phi (theo ủy quyền của Hiền) đã đến Sở Tư pháp yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để làm thủ tục định cư ở nước ngoài. Sau khi thụ lý đầy đủ các thủ tục theo quy định, Sở Tư pháp chuyển hồ sơ đến Công an Tỉnh để tiến hành tra cứu lý lịch của Hiền thì phát hiện trong hồ sơ lưu tại Phòng Hồ sơ Công an Tỉnh và các giấy tờ hiện tại của Hiền có “2 cặp cha mẹ ruột” là ông Đặng Văn Phi, bà Phạm Kim Thúy và ông Đặng Văn Tý, bà Trần Thị Xê, không biết ai thật, ai giả? Do vậy, để được cấp phiếu lý lịch tư pháp, Công an Tỉnh đã có Công văn gửi Sở Tư pháp yêu cầu  chị Hiền phải đến Phòng cảnh sát Quản lý hành chính Công an Tỉnh để được hướng dẫn làm thủ tục thay đổi những thông tin trên cho thống nhất theo hộ khẩu, CMND, khai sinh… rồi mới cấp phiếu lý lịch tư pháp. Gia đình ông Phi không thể xuất trình Quyết định cho phép cải chính hộ tịch trong giấy khai sinh của Hiền mà chỉ có “bản cam kết”. Vì theo ông Phi, trước đây cán bộ Tư pháp hộ tịch xã TP đã “hướng dẫn” làm như thế! Vấn đề đặt ra trong lúc này là việc “xác định lại” cha mẹ của Hiền cho thống nhất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đơn giản chỉ “ngày một, ngày hai” mà là cả một quá trình “khó khăn”, vì   thực tế không tránh khỏi tình trạng “đùn đẩy” giữa các ngành chức năng liên quan đến việc “cải chính, chỉnh sửa” hộ tịch, hộ khẩu.
Nếu như ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh, cán bộ Tư pháp hộ tịch xã TP cẩn thận xác định chính xác phần ghi về cha mẹ ruột trong giấy khai sinh hoặc tiến hành cải chính hộ tịch của Hiền theo đúng quy định của pháp luật thì gia đình ông Phi không phải tốn nhiều thời gian vất vả để khắc phục những sai sót không đáng có. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc tắc trách này, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là vẫn còn tình trạng đăng ký và quản lý hộ tịch bằng “cảm tính” ở địa phương.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code