Ở Việt Nam, các
quyền cơ bản của con người đã và đang được thực hiện trên thực tế và
được Hiến pháp, pháp luật Nhà nước bảo vệ. Những chính sách, pháp luật
về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và nhất là về tôn giáo đã đi vào
cuộc sống, được các giáo hội, các tu sĩ, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn
giáo hoan nghênh. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm tất cả
những gì có thể làm được nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn dân chủ, nhân
quyền ở Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào việc giải quyết các
vấn đề dân chủ, nhân quyền trên thế giới.
Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ tuyên
bố vào năm 1776 ghi rõ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình
đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong
những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh
phúc”. Tuyên ngôn của cách mạng tư sản Pháp (1789)
tuyên bố: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải
luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Những lời tuyên bố
trong các tuyên ngôn nói trên đã khẳng định sự mong muốn của con người,
của công dân với hai tư cách: tư cách con người nói chung và tư cách
công dân của một quốc gia dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, ở thời kỳ đầu,
quyền con người mới được thể hiện với ý nghĩa trừu tượng, còn quyền công
dân, trong đó cơ bản là quyền tư hữu thiêng liêng thì không bị giới
hạn.
Quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài qua
các thời đại của nhân loại, của các dân tộc bị áp bức trên thế giới nhằm
xác lập quyền bình đẳng, tự do trong các quan hệ giữa người và người,
cũng như giữa các dân tộc; và đó cũng là thành quả đấu tranh của loài
người nhằm hướng tới làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản
thân mình. Đó là quyền của mỗi người với tư cách là thực thể tự nhiên và
xã hội, không phân biệt quốc tịch, màu da, ngôn ngữ, chính kiến, v.v..
được bảo đảm bằng luật pháp quốc tế và quốc gia mà trước hết là luật
pháp quốc gia.
Sống trong một đất nước đã phải trải qua nhiều cuộc
chiến tranh xâm lược do các thế lực thù địch gây ra và do đó, cũng là
một quốc gia dân tộc bị vi phạm lớn nhất về quyền con người, hơn ai hết,
nhân dân Việt Nam hiểu rằng, quyền con người vừa mang tính phổ biến,
thể hiện khát vọng chung của cả nhân loại, được ghi trong Hiến chương
Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng quốc
gia dân tộc. Tính phổ biến và tính đặc thù đó không tách rời nhau, luôn
bổ sung cho nhau để tồn tại, phát triển. Vì vậy, trong một thế giới
toàn cầu hoá kinh tế và ngày càng phát triển đa dạng, khi tiếp cận và xử
lý vấn đề quyền con người, cần có sự kết hợp hài hoà các chuẩn mực,
nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về
lịch sử, chính trị, kinh tế – xã hội và những giá trị văn hoá, tôn giáo,
tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia dân tộc. Đồng thời,
cần có sự nhìn nhận toàn diện đối với tất cả các quyền về dân sự, chính
trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong một tổng thể hài hoà, không nên xem
nhẹ bất cứ quyền nào.
Các quyền cũng như quyền tự do của cá nhân chỉ có thể
được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung
của dân tộc, của cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với
xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hoá các quyền dân sự, chính trị
và một số quyền tự do cá nhân mà không quan tâm thích đáng đến quyền
phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của mỗi cá nhân và của
cả cộng đồng quốc gia dân tộc là cách tiếp cận phiến diện, không phản
ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người.
Do đó, việc bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền con
người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia dân tộc.
Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù
hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến
chương Liên hợp quốc, có tính đến hoàn cảnh của quốc gia mình để bảo đảm
cho người dân được hưởng thụ quyền con người một cách tốt nhất. Thế
nhưng, do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ
phát triển, giá trị truyền thống văn hoá… nên cách thực hiện quyền con
người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Sự hợp tác và đối thoại giữa
các quốc gia để thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ quyền con người là một
yêu cầu cần thiết và khách quan.
Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, tôn trọng và
hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì
mục tiêu chung là thúc đẩy việc bảo vệ và thực hiện ngày càng tốt hơn
các quyền con người. Trong tình hình hiện nay, các quyền con người chỉ
có thể được tôn trọng và bảo vệ trong môi trường hoà bình, an ninh bảo
đảm, hợp tác bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân
bản phải luôn được tôn trọng và bảo vệ.
Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần được tiến
hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc chiến
tranh, xung đột vũ trang dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và khủng bố; chống
nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia. Bởi vì, đó là những yếu
tố trực tiếp đe doạ hoà bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mỗi quốc
gia dân tộc, và do vậy, ngăn cản việc bảo vệ và thực hiện quyền con
người trong mỗi quốc gia dân tộc và trên phạm vi toàn thế giới.
Ở Việt Nam những năm qua, cùng với sự phát triển
không ngừng về mọi mặt của đất nước, các quyền con người cũng ngày càng
được hoàn thiện cả về mặt pháp lý, nội dung và điều kiện thực hiện. Xem
xét một cách tổng quát nội dung hệ thống Hiến pháp, pháp luật nước ta,
có thể nói rằng, qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, căn cứ vào
những điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, trình độ
dân trí của nhân dân, Nhà nước Việt Nam luôn luôn tôn trọng những nguyên
tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con
người.
Pháp luật Việt Nam trong những năm qua đã từng bước
được hoàn thiện theo hướng ngày càng mở rộng và tăng cường bảo đảm các
quyền con người, quyền công dân trên mọi lĩnh vực, thể hiện ngày càng
đầy đủ và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Kể từ
khi ra đời (1946) đến nay, Hiến pháp nước ta đã được sửa đổi, bổ sung 4
lần vào các năm 1959, 1980, 1992 và 2001, với những điều khoản quy định
rõ ràng về các quyền con người được Hiến pháp bảo vệ: các quyền về dân
sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; các quyền riêng của từng giới
xã hội, đặc biệt là của trẻ em, phụ nữ, các dân tộc thiểu số và quyền
bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo.
Trong chương V của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001), khi nói về
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã có những điều ghi như sau:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông
tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”
(Điều 69). “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc
không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách Nhà nước” (Điều
70). “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo
vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu
không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của
Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và
giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức,
xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân” (Điều 71). “Không ai bị coi là
có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã
có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử
trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục
hồi danh dự. Người làm trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác phải
bị xử lý nghiêm minh” (Điều 72). “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về
chỗ ở… thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn
và bí mật. Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín,
điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy
định của pháp luật” (Điều 73)…
Trong quá trình xây dựng và trước khi thông qua Hiến
pháp cũng như các đạo luật quan trọng, dự thảo các văn bản này đều được
công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được điều chỉnh
trên cơ sở các ý kiến đó. Bằng việc tham gia vào quá trình xây dựng Hiến
pháp, luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của
mình, và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi
ích và nguyện vọng của nhân dân.
Như vậy, ở Việt Nam, các quyền cơ bản của con người
đã và đang được thực hiện trên thực tế và được Hiến pháp, pháp luật bảo
vệ. Những chính sách, pháp luật về đời sống chính trị, kinh tế – xã hội
và nhất là về tôn giáo đã đi vào cuộc sống, được các giáo hội, các tu
sĩ, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo hoan nghênh. Việc thực hiện tự
do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta được thể hiện trên tất cả các mặt, mà
trước hết là việc đào tạo chức sắc, nhà tu hành tôn giáo. Thứ đến là
việc phổ biến kinh sách tôn giáo; xây dựng, tu bổ nhà thờ, chùa chiền,
thánh thất, thánh đường… Tất cả những việc này đều được thực hiện rất
tốt, rất phong phú, sinh động.
Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tôn trọng
niềm tin, nghi thức thờ phụng, những sinh hoạt tôn giáo phù hợp với giáo
lý kinh thánh, với truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần nâng cao đạo
đức, nhân cách của con người, chứ không thể chấp nhận những hành vi lợi
dụng hoặc đội lốt tôn giáo để làm những điều trái pháp luật, phản văn
hoá, đi ngược lại những lời răn dạy của Chúa, Phật, thánh, thần… và
những yêu cầu chính đáng của đồng bào tôn giáo.
Trong tiến trình lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
nhiều đồng bào tôn giáo, nhiều tu sĩ, chức sắc tôn giáo đã làm tốt cả
việc đạo lẫn việc đời, góp phần sức lực, của cải, kể cả xương máu của
mình cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Nhiều con em gia đình tôn
giáo đã trực tiếp cầm súng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ tính
mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc. Bởi
lẽ, họ hiểu rằng, trước khi mình là người tôn giáo thì đã là người Việt
Nam, và văn hoá dân tộc Việt Nam là giá trị cơ bản của con người Việt
Nam mà bất cứ tôn giáo nào cũng không thể phủ nhận, nhất lại là văn hóa
của một dân tộc đã có bề dày truyền thống kiên cường, bất khuất trong
quá trình dựng nước và giữ nước.
Trong thế giới ngày nay, tuy có những vấn đề còn tuỳ
thuộc lẫn nhau, thế nhưng mỗi quốc gia dân tộc đều có quyền thiêng liêng
là tự lựa chọn con đường phát triển, thể chế kinh tế, chính trị – xã
hội và trước hết, phải dựa vào Hiến pháp, pháp luật trong nước để thực
hiện dân chủ, nhân quyền của quốc gia dân tộc mình; không một nước nào
có quyền áp đặt giá trị “dân chủ”, “nhân quyền” của mình như là một
khuôn mẫu chung cho các nước.
Tuy nhiên, quyền con người là vấn đề đang được đặt ra
trong các mối quan hệ quốc tế, và Việt Nam luôn tỏ thái độ thiện chí
trong hợp tác giải quyết vấn đề này. Thế nhưng, cũng cần khẳng định
rằng, lịch sử hình thành và phát triển hợp tác quốc tế về quyền con
người luôn gắn với quan điểm, đường hướng của các thể chế chính trị – xã
hội và thời điểm lịch sử của các quốc gia dân tộc khác nhau; gắn với sự
cố gắng chung của nhân loại trong đấu tranh để ghi nhận, bảo vệ và phát
triển các quyền cơ bản của con người. Việt Nam rất mừng là ngày càng có
nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế, tổ chức phi chính phủ, nhiều cá nhân
đã tích cực làm nhiều việc thiện, góp phần làm cho con người sống trên
hành tinh này giảm bớt đau thương, sống ngày càng tốt hơn và quyền con
người ngày càng được bảo đảm hơn. Song cũng đáng tiếc là, tình cảm cao
đẹp đó hiện nay đang bị một số nước lợi dụng vào mục đích chính trị của
mình. Họ lấy các vấn đề dân chủ, nhân quyền làm cái cớ để gây sức ép
chính trị và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Ngày 22-10 vừa qua, Nghị viện châu Âu thông qua cái
gọi là “Nghị quyết về quan hệ với Việt Nam”, kêu gọi gia tăng áp lực
nhân quyền và tự do tôn giáo đối với Việt Nam. Rằng, ở Việt Nam, một vài
nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số vẫn bị phân biệt đối xử và trấn áp.
Các dân biểu châu Âu yêu cầu Uỷ ban châu Âu đánh giá lại chính sách hợp
tác với Việt Nam, “dựa trên tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và quyền cơ
bản”, cũng như có cơ chế đánh giá rõ ràng đối với các dự án phát triển ở
Việt Nam để bảo đảm các tiêu chuẩn về nhân quyền. Họ còn cho rằng, cần
xây dựng những tiêu chuẩn được xác định rõ ràng trong việc đánh giá các
dự án hợp tác phát triển hiện nay tại Việt Nam, theo hướng bảo đảm phù
hợp với điều khoản liên quan đến nhân quyền và dân chủ.
Về sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt
Nam đã khẳng định: “Việc Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết
không phản ánh đúng tình hình Việt Nam, đặt ra những điều kiện không có
căn cứ làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa
Việt Nam và Liên minh châu Âu là không thể chấp nhận được… Bảo đảm và
phát huy các quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công
cuộc đổi mới ở Việt Nam… Những nỗ lực của Việt Nam đã đem lại nhiều
thành quả được cộng đồng quốc tế thừa nhận”.
Trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế thế giới hiện nay,
việc liên kết, hợp tác giữa các nước trong khu vực và trên thế giới là
yêu cầu khách quan đối với sự phát triển của mỗi nước, dựa trên nguyên
tắc các bên cùng có lợi. Với tinh thần đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ
trương mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước trong khu vực và
trên thế giới, đồng thời chúng ta cũng luôn luôn mong muốn là bạn và là
đối tác tin cậy của các nước, tạo mọi điều kiện cho sự hợp tác đó đạt
được kết quả như mong muốn của mỗi bên. Thế nhưng, nhân dân Việt Nam
quyết không chấp nhận việc lợi dụng những vấn đề hợp tác đó vào mục đích
chính trị, can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta trong giải quyết
các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo mà Nghi viện Liên minh
châu Âu nêu ra. Hơn nữa, những vấn đề mà họ đưa ra chỉ dựa vào những
thông tin lệch lạc, có dụng ý xấu và bóp méo, xuyên tạc sự thật về các
vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, không phản ánh
đúng tình hình ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và
đang làm tất cả những gì có thể làm được nhằm thực hiện ngày càng tốt
hơn dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào việc
giải quyết các vấn đề dân chủ, nhân quyền trên thế giới hiện nay./.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 24 (168) NĂM 2008
0 comments:
Post a Comment