Hai
ngày, hai chuyến “vi hành”. Một ngày cưỡi xe máy đến phường, quận bằng
xe máy, hôm sau mới có ô tô chở về xã, thôn. Chỉ bằng cách đóng vai dân
thường đi công chứng, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội
Phạm Thanh Cao mới tự mình nắm được những bất cập ở xã, phường từ khi
Luật Công chứng có hiệu lực.
“Làm chứng thực như đánh trận”
“Có đi xuống cơ sở mới biết khi một luật
mới ra đời, không phải bao giờ cũng thực hiện suôn sẻ ngay trong thực
tiễn. Chứ cứ ngồi trong phòng máy lạnh, nghe báo cáo thì…”. Ông Phạm
Thanh Cao giải thích một cách đơn giản lý do “đi thực tế” của mình, khi
đứng trước cửa UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, một ngày đầu tháng
7.
Đặt chân vào phòng Tư pháp hộ tịch, không
còn chiếc ghế nào. Mới đầu giờ làm việc buổi sáng nhưng bà con đã đến
xếp hàng từ bao giờ. Không đến nỗi chen chúc như ở các phòng công chứng
của Thành phố trước đây, nhưng cũng đủ để người cán bộ văn phòng đóng
dấu liên tục, không ngẩng đầu lên.
Được chừng 15 phút, một phụ nữ trẻ thất
vọng quay ra: ông cán bộ tên Đệ dứt khoát không chứng thực cho chị giấy
khai báo tạm trú của sếp chị, là một người Nhật. Rành rành văn bản bằng
tiếng Việt, thẩm quyền ký là Công an phường Quảng An, chỉ mỗi cái tên
“khổ chủ” là mấy chữ tiếng Nhật. Theo giải thích ngắn gọn của ông Đệ:
“Văn bản có yếu tố nước ngoài, phải lên quận”.
Chứng kiến cảnh này, ông Trưởng phòng Bổ
trợ Tư pháp lắc đầu, tức tốc phóng xe máy đến UBND quận Ba Đình. Dù được
chuẩn bị khá kỹ lưỡng: nào tập huấn, nào học luật, nhưng từ đầu tháng
nay, cán bộ Tư pháp ở đây vẫn bắt buộc phải quen với việc kết thúc giờ
làm buổi trưa vào 13h và ra về lúc đã 18h. Bởi mỗi ngày, phòng tiếp nhận
trung bình hàng chục lượt người, mỗi người đến công chứng hàng chục bản
cho mỗi loại giấy, “cho bõ công đi lại”.
Một khách hàng mới tốt nghiệp đại học, Hà
Đăng Ninh tỏ ra thất vọng khi muốn đi chứng thực bản sao 2 loại văn
bản: chứng minh nhân dân và chứng chỉ tin học. Ngặt một nỗi, chứng chỉ
này của cậu lại in bằng 2 thứ tiếng: Việt – Anh, do Liên hiệp Khoa học
Công nghệ cấp.
Năn nỉ một lúc, có lẽ chị cán bộ Tư pháp
quận Ba Đình cũng “thương tình” Ninh, nhận cho cậu chứng chỉ tin học
song ngữ này. “Biết là không đúng luật, nhưng nếu mình không nhận, có
xuống phường thì phường lại đẩy cậu ấy lên đây thôi”, chị cán bộ tư pháp
tỏ ra thông cảm. Còn chứng minh thư thì Ninh buộc phải quay về phường
làm.
Ông Đỗ Gia Khương, Trưởng phòng Tư pháp
quận Ba Đình ví von: “Từ ngày nhận công việc chứng thực, cứ như đi đánh
trận ấy”. “Có ngày, tôi ký đến 4.000 bản sao. Một nữ nhân viên của tôi
đã bị giãn dây chằng vai vì đóng dấu quá nhiều”, ông Khương cho biết.
Ông Phạm Thanh Cao chẳng xa lạ gì với
những “rắc rối” mới phát sinh ấy, bởi ngay trong quá trình tổ chức các
lớp tập huấn cán bộ xã, phường, Sở Tư pháp đã tổng kết các bất cập thành
một văn bản, xin chỉ đạo cách thức xử lý của Bộ.
Ở nội thành, cái thiếu chủ yếu là nhân
lực: tại phường Ngọc Khánh, cán bộ Tư pháp chỉ có một người duy nhất,
lãnh đạo phường bèn phân công cán bộ văn phòng một cửa làm công tác
chứng thực bản sao, một nhiệm vụ “tréo nghoe”. Còn các xã ngoại thành
lại thiếu phương tiện máy móc.
Thiếu máy photocopy, làm sao “soi” gian lận?
Với Ngô Thị Luận, cán bộ Tư pháp xã Tân
Minh (Sóc Sơn, Hà Nội), những ngày tháng 7 nóng nực này quả thực gây một
sức ép lớn. Làm thêm chứng thực bản sao, chữ ký đối với cô đồng nghĩa
là phải làm quen với việc phân biệt bằng thật và bằng giả, phải quyết
định có chứng thực vào tờ giấy cam kết bảo lãnh này không, hay đó là
dạng hợp đồng dân sự phải được làm tại phòng công chứng. Nhưng cái khó
lớn nhất, là cả xã Tân Minh không có… một cái máy photocopy.
Theo ông Phạm Thanh Cao, nếu sở hữu một
máy photocopy, cán bộ tư pháp cấp xã sẽ kiểm soát được tính xác thực của
những bản sao mình sẽ ký, sẽ không phải “soi” nhiều khi đến hàng trăm
bản sao mỗi lần. “Nếu người ta photocopy 50 bản và chỉ “trà trộn” vào 1
bản bị sửa đổi một chi tiết: ngày tháng, tên tuổi thôi, làm sao có thể
phát hiện được? Hoặc với những hợp đồng kinh tế, chỉ cần sai một dấu
phẩy là… chết”, ông Cao nói.
Cũng theo ông Phạm Thanh Cao, cán bộ tư pháp cấp phường, xã chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng phát hiện giấy tờ giả mạo rất thấp. Sau 2 tuần thực hiện Nghị định 79 đưa việc chứng thực về xã, phường chưa xảy ra trường hợp nào nhưng “không thể loại trừ khả năng bằng giả mà trước đây không chứng thực được ở các phòng công chứng sẽ nhân cơ hội này lọt về xã, phường”, ông Cao nhận định.
Cũng theo ông Phạm Thanh Cao, cán bộ tư pháp cấp phường, xã chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng phát hiện giấy tờ giả mạo rất thấp. Sau 2 tuần thực hiện Nghị định 79 đưa việc chứng thực về xã, phường chưa xảy ra trường hợp nào nhưng “không thể loại trừ khả năng bằng giả mà trước đây không chứng thực được ở các phòng công chứng sẽ nhân cơ hội này lọt về xã, phường”, ông Cao nhận định.
Mô hình “một cửa liên thông” đang được
triển khai ở tất cả các xã, phường nhưng theo khảo sát của Sở Tư pháp Hà
Nội, ở rất nhiều nơi, cán bộ tư pháp không được bố trí tham gia “một
cửa”, trong khi 3/4 số việc ở cấp xã, phường hiện nay liên quan đến tư
pháp. Người giải quyết công việc “một cửa” không phải là cán bộ cán bộ
tư pháp nên mới xảy ra chuyện quận “đuổi” về phường, phường lại “đùn”
lên quận.
Chỉ khi nào mọi khúc mắc nảy sinh quanh việc thực hiện Nghị định 79 này được giải quyết, thì niềm vui của người dân được hưởng một dịch vụ hành chính công thuận tiện mới được trọn vẹn. Gánh nặng thiếu người, thiếu phương tiện của các cán bộ cấp phường, xã mới được nhẹ bớt.
Vân Anh Theo Vietnamnet ngày 17/7/2007
Chỉ khi nào mọi khúc mắc nảy sinh quanh việc thực hiện Nghị định 79 này được giải quyết, thì niềm vui của người dân được hưởng một dịch vụ hành chính công thuận tiện mới được trọn vẹn. Gánh nặng thiếu người, thiếu phương tiện của các cán bộ cấp phường, xã mới được nhẹ bớt.
Vân Anh Theo Vietnamnet ngày 17/7/2007
0 comments:
Post a Comment