Saturday, October 26, 2013

ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH CÒN PHIỀN HÀ

NGUYỄN HUỲNH HUYỆN
Hơn 2 năm thi hành Nghị định 158 của Chính phủ, những vướng mắc phát sinh trong quá trình đăng ký và quản lý hộ tịch đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch cho người dân ở cơ sở vẫn nảy sinh sai sót, vướng mắc.
Trước hết là việc cấp khai sinh theo yêu cầu công dân. Theo Điều 13 của Nghị định 158 thì trách nhiệm và thẩm quyền đăng ký khai sinh cho công dân thuộc UBND cấp xã, tuy nhiên một số địa phương vẫn chưa thực hiện đúng quy định này, cụ thể vẫn còn đặt ra một số thủ tục hành chính mà luật pháp không quy định như: phải xác minh trước khi đăng ký, yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, hoặc chứng minh nhân dân… Có nơi, để được thực hiện đăng ký khai sinh còn phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, nghĩa vụ lao động, hoặc các khoản phí và lệ phí khác của địa phương… Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có văn bản chỉ đạo và nghiêm cấm, khi thực hiện đăng ký khai sinh, UBND cấp xã không được đặt ra một điều kiện ràng buộc nào để hạn chế quyền được khai sinh của trẻ em.
Nghị định 158 của Chính phủ còn quy định, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Tuy nhiên, một số cơ quan chưa coi giấy tờ hộ tịch do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó. Cụ thể, theo quy định, những giấy tờ khác của công dân như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, các chứng chỉ, bằng cấp, lý lịch… phải căn cứ vào giấy khai sinh gốc để cải sửa cho phù hợp, nhưng một số nơi, Ngành Giáo dục, Công an, Lao động, Thương binh – Xã hội… không căn cứ vào giấy khai sinh (bản chính) để cải sửa, lại hướng dẫn cho công dân làm các thủ tục khác để cải chính, gây tốn kém thời gian, không đúng quy định pháp luật.
Một thực tế nữa ở một số địa phương, nhất là cơ sở, việc cấp bản sao giấy khai sinh cho người dân cũng chưa đúng quy định. Điều 61 Nghị định 158 quy định, nội dung bản sao giấy tờ hộ tịch phải ghi theo đúng nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch. Do vậy, trước hết cán bộ tư pháp, hộ tịch phải kiểm tra và căn cứ những nội dung đã thể hiện trong Sổ hộ tịch để cấp bản sao cho người có yêu cầu. Tuy nhiên trên thực tế, cán bộ hộ tịch chưa thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Nghị định, dẫn đến thông tin về hộ tịch của người dân, như số thứ tự đăng ký khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, họ và tên cha, mẹ trong giấy khai sinh… bị sai lệch, gây khó khăn khi giải quyết công việc dân sự.
Ngoài ra, các thủ tục đăng ký khai sinh, cán bộ hộ tịch cơ sở cũng thường nhầm lẫn. Theo quy định tại các Điều 15, 45, 48 Nghị định 158, chỉ đăng ký lại việc sinh mới yêu cầu đương sự viết tờ khai, nếu có yêu cầu. Còn đăng ký khai sinh đúng hạn, hay quá hạn thì người yêu cầu không cần phải nộp tờ khai để làm thủ tục đăng ký. Nhưng thực tế, cán bộ hộ tịch vẫn yêu cầu công dân phải nộp tờ khai cho những trường hợp nói trên.
Những sai sót trong quá trình giải quyết hộ tịch cho người dân nêu trên, đều do cán bộ tư pháp, hộ tịch cơ sở chưa nghiên cứu kỹ quy định của Nghị định 158. Để thuận lợi cho công dân; công tác đăng ký, quản lý hộ tịch chính xác, cán bộ tư pháp-hộ tịch không những phải nắm vững pháp luật mà còn phải có ý thức trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:
7/ContentID/87920/Default.aspx

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code