Friday, October 25, 2013

ÁN LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI MẮC BỆNH TÂM THẦN: KHÔNG GÍAM ĐỊNH, TÒA "CHÀO THUA"

ÁI NHÂN
Các vụ việc dân sự có đương sự bị tâm thần thường gặp khó khăn trong việc giám định làm án bị kéo dài, bế tắc. Theo Chánh án TAND huyện Củ Chi (TP.HCM) Nguyễn Văn Danh, từ đầu năm 2007 đến tháng 9-2008, huyện này có tới 10 vụ án dân sự bế tắc liên quan đến người tâm thần vì không giám định được. TAND huyện đã phải tập hợp hồ sơ, chuyển lên TAND TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo.
Phía đương sự thiếu hợp tác
Do việc giám định người bị tâm thần bị trì hoãn nên thời gian giải quyết án cũng kéo dài. Trong ảnh: Theo dõi thông tin giải quyết án tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
Năm trước, TAND huyện Củ Chi thụ lý một vụ tranh chấp thừa kế. Trong vụ này có ông P. – bà con của hai bên nguyên, bị đơn được tòa xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau khi niêm yết lịch xét xử, tòa mới được công an thông báo là ông P. bị tâm thần (gia đình ông P. và hàng xóm cũng xác nhận).
Trước việc này, tòa đã gửi gia đình ông P. quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu họ đưa ông P. đi giám định để tòa có căn cứ tuyên ông mất năng lực hành vi dân sự rồi cử người giám hộ. Tuy nhiên, gia đình ông P. không thiết tha gì với việc chia tài sản nên bỏ mặc luôn. Tòa càng thúc giục họ bao nhiêu thì họ càng đủng đà đủng đỉnh bấy nhiêu, viện ra đủ thứ lý do này lý do kia làm việc giải quyết án bị ách lại cho đến nay.

Trên đây chỉ là một trong cả chục vụ án đang gặp vướng mắc tương tự. Lý do để gia đình người có dấu hiệu bị tâm thần lần lữa không làm theo yêu cầu của tòa thì đủ loại như nghèo khó, đường xa, bận rộn, bị người bệnh chống trả… Ngoài ra, có gia đình người bệnh còn nói thẳng là không muốn phải thực hiện việc chia tài sản hay thực hiện nghĩa vụ tài chính. Vì thế, dù tòa thường xuyên nhắc nhở nhưng việc giám định vẫn giậm chân tại chỗ.
Tòa chào thua!
Do việc giám định bị trì hoãn nên thời gian giải quyết án cũng kéo dài. Trong khi đó, phía nguyên đơn lại liên tục hối thúc tòa sớm giải quyết dứt điểm vụ án, thậm chí có người đã phản ứng rất gay gắt.
Theo ông Nguyễn Văn Danh, trong án dạng này, nếu xác định được người bệnh không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì tòa sẽ ra quyết định tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó, người giám hộ (giám hộ đương nhiên hoặc do tòa cử) sẽ đại diện cho người bệnh tham gia tố tụng. Có người giám hộ tham gia tố tụng thì vụ án sẽ không đi vào ngõ cụt. Nhưng vấn đề mấu chốt là để có người giám hộ thì tòa phải tuyên người bệnh mất năng lực hành vi mà muốn tuyên như thế thì cần phải có kết quả giám định.
Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, tòa không được phép cưỡng chế trưng cầu giám định với đương sự có dấu hiệu bị tâm thần. Do đó, một khi gia đình họ thiếu hợp tác thì tòa cũng đành chào thua, chỉ biết chờ đợi. Thực tế này đã khiến quyền lợi chính đáng của các bên đương sự khác trong vụ án bị “treo”.
Gỡ cách nào?
Theo thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt (Phó Chánh Tòa dân sự TAND TP.HCM), trong các vụ án như trên, thủ tục tố tụng dân sự chưa dự liệu hết thực tế nên chưa có lối thoát.
Ông Đạt phân tích: Án dạng này nếu không có người giám hộ cho đương sự bị bệnh thì tòa không thể xử bởi nếu xử thì sẽ vi phạm tố tụng và bản án sẽ bị hủy. Tòa cũng không có căn cứ để bắt buộc người bệnh phải tuân thủ theo quy trình tố tụng thông thường. Còn gia đình của người bệnh lại không phải là chủ thể tố tụng nên không thể buộc họ chấp hành quyết định của tòa, tức là họ không có nghĩa vụ phải hợp tác với tòa trong việc đưa người bệnh đi giám định.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nhận xét nếu không có kết luận của cơ quan giám định về tình trạng của người bệnh thì tòa không thể làm gì khác. Gặp trường hợp này, theo luật sư Tâm, tòa nên tạm đình chỉ vụ án để chờ.
Tuy nhiên, tiến sĩ luật Nguyễn Thị Hoài Phương (Trường đại học Luật TP.HCM) lại cho rằng không cần phải quan tâm đến tình trạng bệnh của người bị cho là tâm thần vì khi chưa có kết luận của cơ quan hữu quan thì người này vẫn có khả năng tham gia tố tụng. Tòa cứ tiến hành theo đúng thủ tục (tống đạt, niêm yết…) và xét xử vắng mặt nếu đương sự không đến tòa. Nếu gia đình người bệnh cho rằng tòa xử vắng mặt sẽ bất lợi cho người bệnh thì họ sẽ phải đi giám định để có cơ sở đứng ra giám hộ, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh. Như vậy, tòa có thể giải quyết vụ án thuận lợi mà không bị bế tắc vì chuyện gia đình đương sự thiếu hợp tác.
Giả bệnh trốn nợ?
Đầu năm 2007, TAND huyện Củ Chi thụ lý một vụ kiện đòi nợ hơn 100 triệu đồng. Lúc đầu, bị đơn không có biểu hiện bất thường gì. Nhưng khi tòa tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử thì chị ruột bị đơn bất ngờ đến tòa nói bị đơn bị tâm thần và trình cho tòa sổ theo dõi điều trị bệnh ngoại trú do một bệnh viện tâm thần cấp. Sau đó, từ giữa năm 2008, tòa đã đưa quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với bị đơn cho người chị nhưng đến nay bà này vẫn không hề liên hệ lại.
Theo thẩm phán Phạm Văn Phẹo, trong lịch sử tố tụng không thiếu các trường hợp giả bệnh tâm thần để né tránh nghĩa vụ tài chính. Tòa có nghi ngờ thì cũng bó tay vì luật không cho phép cưỡng chế giám định đối với người bệnh.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code