Saturday, October 26, 2013

MỘT PHƯỜNG CÓ HƠN 400 TRẺ "VÔ DANH"

MINH TRÍ – BẢO PHƯỢNG
——————————————————————————————-
Bà Trịnh Thị Bích, Trưởng phòng Hộ tịch-Lý lịch tư pháp-Quốc tịch, Sở Tư pháp TPHCM, cho biết hầu hết các trẻ chưa đăng ký khai sinh là do vướng về vấn đề hộ khẩu. Sở đã gởi công văn đề nghị Bộ tháo gỡ vấn đề này.
——————————————————————————————-
Cứ năm này qua năm khác, các em được sinh ra, rồi lớn lên trong nỗi khổ thiếu giấy tờ tùy thân “cha truyền con nối”.
Hộ khẩu đã mở nhưng hộ tịch còn bó
Từ 1-7-2007, Luật Cư trú có hiệu lực. Theo luật này, “cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Thế nhưng Nghị định 158 năm 2005 vẫn gói gọn thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em tại ba nơi tuần tự như sau:
- Tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ.
- Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người cha.
- Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì UBND cấp xã nơi trẻ em đang sinh sống thực hiện đăng ký khai sinh.
Theo cách hiểu trước giờ trong đăng ký hộ tịch, “nơi cư trú” của người mẹ hoặc người cha là “nơi có hộ khẩu thường trú”. Trường hợp không có nơi có hộ khẩu thường trú thì phải có giấy xác nhận bị xóa hộ khẩu tại địa phương cũ mới được đăng ký hộ tịch tại nơi tạm trú. Trong 450 trường hợp trẻ em bị “treo” khai sinh tại phường Bình Hưng Hòa A, đa phần do cha mẹ của trẻ đều là dân nhập cư từ tỉnh, thành phố khác. Những người này đều có tình trạng hộ khẩu “lơ lửng”. Không những thế, nhiều người không có cả CMND lẫn giấy chứng nhận kết hôn. Vì thế cứ năm này qua năm khác, các em được sinh ra, rồi lớn lên trong nỗi khổ thiếu giấy tờ tùy thân “cha truyền con nối”.
Quê nhà quá xa xôi
Năm 1989, chị Trần Thị Đoàn và anh Trần Ích Thắng sinh con đầu lòng, đặt tên Trần Thanh Hồng. Chị Đoàn không có CMND lẫn giấy chứng nhận kết hôn. Đến năm 1992 chị mới làm các loại giấy tờ này và bắt đầu đi khai sinh cho con thì lại vướng hộ khẩu. Trước kia chị Đoàn ở Quảng Ngãi, từ khi lấy chồng thì vào TP.HCM làm ăn nhưng không thể chuyển hộ khẩu vào TP.HCM vì vướng quy định về hộ khẩu trước đây. Khi cha mẹ chị ở Quảng Ngãi qua đời, người anh chị làm lại hộ khẩu mới đã xóa tên chị trong hộ khẩu. Không còn hộ khẩu thì khai sinh cho con phải về quê xác nhận bị xóa hộ khẩu rất phức tạp nên anh chị… bỏ lơ luôn khiến các con phải sống trong cảnh “công dân vô danh”. Em Hồng đã lên lớp 11 nhưng vẫn chưa làm được CMND. Gặp chúng tôi trong căn nhà nhỏ xíu chưa đầy 10 m2, Hồng băn khoăn không biết sắp tới muốn thi vào đại học thì phải làm thế nào.

Cháu Phương Linh không được cấp bằng tiểu học vì chưa có giấy khai sinh.
Chị Nguyễn Thị Thơm (mẹ của em Ngô Minh Lâm) là người Ninh Bình, vào sống tại TP.HCM hơn 10 năm, một mình nuôi con. Chị dự định về Bắc để làm giấy khai sinh cho con mà không đủ tiền về. Chị phân trần: “Cứ dành dụm được chút tiền thì mẹ ốm hoặc con ốm lại tiêu hết. Vay mượn thì nghèo khó nên chẳng ai muốn cho vay. Tôi cũng chưa biết bao giờ thì về được mà lo giấy tờ cho cháu”.
Thiếu tiền nhà bảo sanh: Bị “ách” giấy chứng sinh!
Nguyên trước đây chị Mai có hộ khẩu tại quận 6 nhưng vì bán nhà trả nợ nên phải về quận Bình Tân mướn nhà ở tạm. Năm 1994, chị sinh một bé gái, đặt tên là Phương Ly Ly. Hiện Ly đang là học sinh lớp 3 của Trung tâm Chấp cánh (một trung tâm từ thiện ở phường Bình Hưng Hòa A). Chị Mai sinh cháu Ly tại nhà bảo sanh Cây Gõ (phường 9, quận 6), vì không có 300.000 đồng trả cho nhà bảo sanh nên chị không xin được giấy chứng sinh. Chị Mai buồn bã nói: “Mới rồi tôi quay lại nhà bảo sanh xin giấy chứng sinh cho cháu, họ lại đòi 500.000 đồng mới cấp lại giấy chứng sinh. Tôi chưa xoay đâu được tiền nên đành chịu”. Chị của Ly là cháu Hoàng thì có giấy chứng sinh nhưng do hộ khẩu chị Mai còn tại quận 6 nên buộc phải quay về quận 6 để khai sinh cho con. Bị chỉ lên chỉ xuống riết làm chị nản lòng, vẫn chưa khai sinh cho con được.
Lối vào đời quá hẹp
Tại lớp học tình thương Thiên Ân (phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân), phần lớn học sinh đều chưa có giấy khai sinh. Thầy Trần Kính Lữ, giáo viên lớp này, phân trần: “Chúng tôi dạy cho các em nhưng không được cấp bằng. Nếu các em muốn học lên thì phải có bằng, có học bạ, mà muốn được cấp học bạ thì các em phải có giấy khai sinh”. Lớp tình thương Thiên Ân chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Để các em có thể học tiếp lên THCS, thầy Lữ đã xin Trường tiểu học Bình Thuận (nơi thầy đang giảng dạy) cuốn sổ học bạ cho các em học lớp 5. Thầy cũng xin thêm bản sơ yếu lý lịch có chứng nhận của UBND phường để các em có thể tham gia kỳ thi cuối năm lớp 5, có điểm và giấy tờ để xin vào học tiếp lớp 6 ở các trường THCS. Tuy nhiên, có trường chấp nhận, có trường từ chối.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
CÁC BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code