Thursday, October 24, 2013

TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ

I-VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. Về bố cục của dự thảo:
Đa số ý kiến nhất trí với giải trình của UBTVQH và cách thiết kế, bố cục các chương, điều của dự thảo.
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào chương III một điều qui định về quyền và nghĩa vụ của chủ hộ, vì chủ hộ là người có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các công việc liên quan đến quản lý cư trú nói chung và sổ hộ khẩu nói riêng.
2. Về mô hình quản lý cư trú:
-Đa số ý kiến cho rằng trong tình hình hiện nay, vẫn cần thiết duy trì phương thức quản lý thường trú bằng việc cấp sổ hộ khẩu cho hộ gia đình hoặc cá nhân, vì bên cạnh việc đảm bảo quyền cư trú của công dân thì vấn đề cư trú còn liên quan trực tiếp đến yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, cần qui định về trình tự, thủ tục đăng ký và quản lý hộ khẩu thật đơn giản để đảm bảo quyền của công dân. Đặc biệt, cần phân biệt tách bạch rạch ròi giữa hộ khẩu là quản lý cư trú với quyền sở hữu tài sản của công dân (nhà ở, đất đai…); tách bạch giữa hộ khẩu với quyền tiếp xúc và thụ hưởng các dịch vụ công của công dân.
3. Về vấn đề cư trú của công dân:
Đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật, xác định hình thức cư trú gồm: thường trú, tạm trú (các khoản 1,2,3 điều 3). Đồng thời, bổ sung hình thức “lưu trú” thay cho hình thức tạm trú ngắn hạn (khoản 4 điều 3), nhằm phân biệt người tạm trú sinh sống thường xuyên, ổn định lâu dài tại một địa phương nhất định vối những trường hợp tạm trú mang tính chất vãng lai. Các quy định này giúp cho người dân, cơ quan, tổ chức dễ phân biệt, áp dụng, đồng thời đảm bảo quyền của người tạm trú.
4. Về đăng ký thường trú:
- Đa số ý kiến nhất trí qui định việc đăng ký thường trú ở các thành phố đô thị cần chặt chẽ, đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ của đô thị , đáp ứng gia tăng cơ học, tránh quá tải đột biến gây nhiều phức tạp về an ninh trật tự, an toàn đô thị.
- Đa số ý kiến nhất trí cho rằng cần quy định việc đăng ký thay đổi nơi thường trú khi thay đổi hoặc chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới. Tuy nhiên về thời hạn thực hiện còn có ý kiến khác nhau:
+Nhiều ý kiến đề nghị phải qui định rõ thời hạn thực hiện ngay trong luật để dễ thực hiện cho cả cơ quan quản lý và công dân. Nếu quy định không cụ thể như phương án 2 điều 24 sẽ phải chờ hướng dẫn, cũng như tra cứu văn bản để áp dụng gây lãng phí thời gian, hơn nữa trong một số quy định khác của dự thảo cũng đã cụ thể hóa thời gian trong một số thủ tục. Tuy nhiên thời hạn 24 tháng như phương án 1 điều 24 là quá dài, cần rút xuống còn 12 tháng (khoản 1 điều 21 của dự thảo về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương cũng đã quy định có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố từ 1 năm trở lên thì được đăng ký thường trú). Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị đưa khoản 2 của phương án 2 điều 24 thành khoản 2 của phương án 1 điều 24 để xác định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
+Một vài ý kiến tán thành phương án 2 điều 24 (không quy định cụ thể về thời hạn thực hiện việc đăng ký thường trú khi thay đổi và chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới).
5. Về đăng ký tạm trú (điều 31)
-Đa số ý kiến nhất trí như giải trình của UBTVQH và nội dung điều 31 dự thảo luật .
-Có ý kiến đề nghị nên bổ sung vào khoản 4 điều 31 về trách nhiệm của nơi đăng ký mới phải thông báo cho nơi đăng ký cũ biết để thực hiện việc xoá tạm trú, vì thực tế nhiều người đăng ký tạm trú sau khi chuyển đi nơi khác không báo với cơ quan đã đăng ký và cơ quan đã đăng ký nhiều khi cũng không biết được họ đã không còn tạm trú tại địa phương.
6. Về thông báo lưu trú:
-Đa số ý kiến nhất trí như dự thảo. Về quy định thông báo qua điện thoại , đề nghị nếu áp dụng việc thông báo qua điện thoại thì phải quy định rõ biện pháp chế tài trách nhiệm để xử lý vi phạm .
-Có ý kiến cho rằng Dự thảo qui định trách nhiệm thông báo việc lưu trú của “nhà ở tập thể”, “cơ sở chữa bệnh” là không khả thi và chưa phù hợp, vì đối với nhà ở tập thể thì có thể không có người trực tiếp quản lý mà mỗi chủ hộ có sổ hộ khẩu riêng, còn đối với bệnh viện (cơ sở chữa bệnh) thì không phải là trách nhiệm của bệnh viện, nếu có thì chỉ là đối với bệnh nhân còn với thân nhân nuôi bệnh thì không thể buộc bệnh viện phải quản lý. Vì vậy, đề nghị qui định cho phù hợp hơn.
7. Về khai báo tạm vắng (Điều 33)
-Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo, theo đó chỉ quy định một số trường hợp phải khai báo tạm vắng như tại khoản 1 và khoản 2 điều 33.
-Điều 33 dự thảo có qui định trường hợp “quản chế”. Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn vì có “quản chế hành chính” và “quản chế” là hình phạt của Tòa án.
II/ Ý KIẾN CỤ THỂ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT
1.Về đối tượng áp dụng (điều 2)
Có 2 ý kiến cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng của luật này.
2. Về giải thích từ ngữ ( Điều 3):
-Khoản 1 điều 3: Có 1 ý kiến cho rằng theo tinh thần qui định trong dự án Luật thì những người “lưu trú” vẫn phải khai báo và chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền nơi đến lưu trú nên khái niệm “cư trú” phải bao hàm cả “lưu trú” thì mới đầy đủ.
-Khoản 4 điều 3: đề nghị quy định rõ hơn về việc“ ở lại một thời gian nhất định” khi giải thích khái niệm về lưu trú. “Thời gian nhất định” là bao lâu? Lưu trú nhiều lần liên tục trong một thời gian dài thì có còn là lưu trú không?
-Khoản 5 điều 3 quy định “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc địa điểm cụ thể khác mà công dân sử dụng để cư trú; chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho mượn, cho ở nhờ, cho thuê theo quy định của pháp luật”.
Quy định như dự thảo còn chung chung, sẽ dẫn đến hiểu nhiều cách khác nhau. Các nơi trong chợ, gầm cầu thang chung cư, trên xích lô, trên ghe thuyền không đăng ký… có được xem là nơi ở hợp pháp để đăng ký thường trú không? Đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đồng thời, cần quy định rõ, ngoài nơi ở hợp pháp thì những nơi ở khác nên quy định ghi tình trạng nhà ở của người cư trú như : nhà chưa hợp pháp, ở nhờ, cho thuê… để không bị vướng trong quá trình di chuyển và đăng ký, phân biệt việc cư trú không có giá trị đối với tài sản.
-Một số ý kiến đề nghị bổ sung giải thích các khái niệm: “nhà”, “gia đình”, “hộ khầu”, “sổ hộ khẩu”, “nhân khẩu”.
3. Về nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú (Điều 5)
Khoản 4 điều 5 quy định “Mọi thay đổi về cư trú đều phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi”
-Có ý kiến cho rằng quy định như trên chỉ mới nhấn mạnh đến yêu cầu của công tác quản lý, chưa rõ trách nhiệm công dân. Để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, đồng thời để đảm bảo công tác quản lý xã hội, đề nghị sửa lại như sau: “Mọi thay đổi về cư trú đều phải đăng ký, mỗi người được đăng ký thường trú tại một địa phương nhất định, đăng ký tạm trú tại nơi mình thường xuyên lao động, học tập và cư trú”.
-Ý kiến khác cho rằng quy định như trên là không khả thi, vì một người có thể đăng ký thường trú, tạm trú nhiều lần ở các nơi khác nhau. Đề nghị viết lại khoản 4 điều 5 cho rõ hơn là : “…mỗi người tại một thời điểm nhất định chỉ được đăng ký thường trú, tạm trú tại một nơi”.
4.Về tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cư trú (điều 7)
Có 1 ý kiến đề nghị bỏ điều này. Trách nhiệm tuyên truyền pháp luật nói chung đã được các văn bản pháp luật khác quy định.
5.Về các hành vi bị nghiêm cấm (điều 10)
-Khoản 1 điều 10 quy định nghiêm cấm hành vi “cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú”. Có 1 ý kiến cho rằng quy định như dự thảo còn chung chung, đề nghị cụ thể hơn, nghiêm cấm hành vi “cản trở công dân thực hiện quyền đăng ký cư trú”.
-Khoản 8 điều 10: Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, thế chấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú.
6. Về nghĩa vụ của công dân về cư trú (Điều 13)
Khoản 6 Điều 13: có ý kiến đề nghị bổ sung thêm từ “lưu trú” sau từ “tạm trú” cho đầy đủ.
7.Về nơi cư trú của vợ, chồng (Điều 17)
Khoản 2 điều 17 quy định “vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận”. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì sẽ làm phát sinh thủ tục không cần thiết
8. Về thủ tục đăng ký thường trú (điều 22)
Khoản 3 điều 22: nên quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong “10 ngày làm việc”.
9. Về xoá đăng ký thường trú (Điều 23):
- Có ý kiến đề nghị bổ sung xoá thường trú đối với các trường hợp: bắt đi tù, có quyết định đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh; xuất cảnh học tập, công tác ở nước ngoài trên 12 tháng vì những người này thật sự không có mặt tại địa phương một thời gian mà vẫn còn hộ khẩu thường trú là chưa hợp lý, không phù hợp với điều 24 của dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một trường hợp để xoá đăng ký thường trú là “bị Tòa án cấm cư trú”, vì “cấm cư trú” là một hình phạt, nếu Tòa án cấm cư trú thì buộc phải xóa hộ khẩu.
10. Về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương (Điều 21)
Khoản 2 điều 21 quy định các trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình. Có ý kiến đề nghị quy định rõ ngoài quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con; những người không có mối quan hệ trên phải có sự đồng ý bằng văn bản của người có chỗ ở hợp pháp.
11. Về điều chỉnh những thay đổi về sổ hộ khẩu (Điều 30)
Đề nghị bổ sung thêm một trường hợp phải điều chỉnh những thay đổi về sổ hộ khẩu là trường hợp thêm, bớt nhân khẩu trong sổ hộ khẩu.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code