Thursday, October 24, 2013

QUYỀN NHÂN THÂN VỚI HÌNH ẢNH CỦA CÁ NHÂN: BAO NHIÊU LÀ VỪA

Muốn sử dụng phải được chủ đồng ý
Hình ảnh của cá nhân thuộc lĩnh vực riêng tư của mỗi người. Tuy nó không có gì bí mật, cần phải hạn chế sử dụng nhưng một khi muốn sử dụng những hình ảnh của cá nhân ai đó, nhất là sử dụng khai thác vào mục đích kinh doanh (như in lịch, in bìa sách, bao bì mẫu quảng cáo…) thì đều phải hỏi ý kiến “người chủ” hình ảnh đó (người thật có hình đó). Bởi về nguyên tắc, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Mỗi người đều có quyền cho hay không cho người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nếu chưa được sự đồng ý mà sử dụng đã là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Trường hợp người trong ảnh đã chết hoặc mất trí, không chủ động quyết định được hoặc đối với hình ảnh của trẻ dưới 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên) hoặc người đại diện của họ đồng ý.
Khái niệm “hình ảnh của cá nhân” nói trên đây bao gồm mọi hình thức tác phẩm nghệ thuật ghi lại hình dáng của con người cụ thể như ảnh chụp, ảnh vẽ, ảnh hoạ chép và suy luận rộng ra có thể cả bức tượng của cá nhân đó nữa.
Đứng về mặt “quyền sở hữu trí tuệ” thì bức ảnh, tấm hình, pho tượng đều là loại hình tác phẩm nghệ thuật, người sử dụng tác phẩm trước hết phải xin phép người chủ bản quyền (chủ sở hữu quyền tác giả) và trả cho họ một khoản lợi ích vật chất, đồng thời phải trả thù lao, nhuận bút cho người sáng tác (người chụp ảnh, sao chép, hoạ hình…). Nhưng đứng về mặt “quyền nhân thân của con người”, ai muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân đều phải được sự đồng ý của người có hình ảnh đó.
Mức bồi thường: Tuỳ toà xử
Theo luật, không nhất thiết phải gây ra thiệt hại mới bị coi là vi phạm quyền nhân thân, mà kể cả trường hợp không có thiệt hại, thậm chí còn làm lợi cho người có hình ảnh đó, cũng bị coi là vi phạm quyền nhân thân của cá nhân dối với hình ảnh nếu sử dụng hình ảnh của họ mà không có sự đồng ý của họ.
Còn làm sao để được sự đồng ý thì hiện nay luật chưa “đả động” đến. Điều 31 Bộ Luật Dân sự nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Có việc này xảy ra tất nhiên phải bồi thường thiệt hại về tinh thần. Nhưng trường hợp không gây ra thiệt hại thì sao? Trong thực tế lâu nay việc sử dụng “ảnh chùa” đã trở thành thói quen của mọi người. Cùng lắm người nào “biết điều” cũng chỉ hỏi ý kiến của người sáng tác (chụp, vẽ ảnh) chứ ít khi chịu tìm đến hỏi ý kiến của “nhân vật trong ảnh”. Bởi người ta vẫn thường đinh ninh rằng người có hình ảnh được sử dụng để “lăng – xê” mình trước xã hội đã là… “khoái” lắm rồi, cần gì phải hỏi ý kiến! Nhưng một khi chuyện dĩ lỡ rồi, người có hình ảnh đó lại tìm cách làm khó dễ, việc xin lỗi không thôi chưa đủ! Tuỳ theo giá trị sử dụng hình ảnh trong việc kinh doanh mà người có hình ảnh đòi phải thanh toán bằng một khoản tiền vài triệu đồng, có khi vài chục triệu và vừa rồi có vụ yêu cầu của phía chủ ảnh lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thử đặt câu hỏi: Người sáng tác chụp ảnh đạt yêu cầu chỉ được trả thù lao cùng lắm vài trăm ngàn hay vài triệu đồng mà nhân vật trong ảnh lại ra giá tới hàng trăm triệu đồng thì có quá đáng không? Dù sao một khi không có luật định thì mạnh ai nấy đòi, đòi cho bằng thích, đến khi vụ việc phải kéo nhau đến toà án thì toà cũng chỉ theo thông lệ là… “việc dân sự muốn xử sao cũng được”!
Lại thử đặt câu hỏi trong tình hình hiện nay nếu áp dụng gắt việc này thì mỗi ngày toà phải xử bao nhiêu vụ người trong ảnh kiện báo chí và mỗi ngày báo chí phải tốn bao nhiêu tiền để bù cho cái thông lệ sử dụng ảnh mà chưa được sự đồng ý của người ta.
Một số vụ xài ảnh bị kiện
  • Tháng 1-2003, cô Phan Thị Như Quỳnh gửi đơn khiếu nại Tổng cục Du lịch Việt Nam và tác giả Vũ Quốc Khánh vì sử dụng bức ảnh “Nụ cười Việt Nam” có ảnh của cô mà không xin phép. Bức ảnh này được nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp năm 1994, đến năm 2000 được Tổng cục Du lịch Việt Nam chọn làm biểu tượng “Việt Nam! Điểm đến của thiên niên kỷ mới!”
  • Đầu năm 2004, gia đình bé Minh Khôi kiện Công ty Biti’s, đòi bồi thường thiệt hại 154 triệu đồng vì Biti’s xài trái phép ảnh của bé Minh Khôi in trên bìa lịch, tập quảng cáo. Tháng 9-2004, TAND quận 6 (TP.HCM) buộc Biti’s phải xin lỗi công khai gia đình bé Khôi, chấm dứt vô điều kiện việc sử dụng trái phép hình ảnh của bé và bồi thường gần ba triệu đồng.
  • Tháng 2-2004, Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) xài không xin phép ảnh “Hai bà cháu” trên thẻ gọi điện thoại 1717. Đây là bức ảnh được nghệ sĩ Mạnh Đan chụp năm 1982. Sau đó, VDC phối hợp với đơn vị thiết kế mẫu đến, gặp gia đình thân nhân người được chụp ảnh để nhận lỗi, thoả thuận bồi thường…
  • Tháng 12-2004, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Trí phát hiện bức ảnh in trên tờ vé số An Giang chính là tấm ảnh có tên “Hoa sen” mà ông chụp ở Đồng Tháp Mười. Ông Trí đã hỏi Công ty Xổ số kiến thiết An Giang và Công ty cổ phần In An Giang, được các nơi này cho biết lấy bông sen trên đĩa vi tính, không đề tên tác giả nên không biết và “mong tác giả thông cảm”!
  • Tháng 4-2006, luật sư Phạm Thành Long khiếu nại sân bay Tân Sơn Nhất dùng bức ảnh “Áo dài” của ông làm pano ở đường vào sân bay. Bức ảnh này được ông chụp nhân ngày khai giảng tại cổng trường Trần Phú (Hà Nội), sau đó được công bố lần đầu vào ngày 6-9-2004 trên mạng. Ông đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với bức ảnh tại Cục Bản quyền (Bộ Văn hoá – Thông tin). Trước đó, bức ảnh từng bị … “xài chùa” 14 lần khiến ông phải khiếu nại nhiều tờ báo và doanh nghiệp. Kết quả, một doanh nghiệp của Nhật đã phải bồi thường…
SOURCE:  Pháp luật TP.Hồ Chí Minh

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code