Thursday, October 24, 2013

VỤ BÊNH NHÂN TÂM THẦN NẶNG NGUYỄN VĂN THẮNG BỊ KẾT ÁN TÙ

Phiên toà “công khai” trong trại tạm giam (Bài 1)
(LĐ SỐ 193 – 21/8/2007) – Đến nay, Nguyễn Văn Thắng (tức Nguyễn Ngọc Thắng, ở thôn Phương Chử Bắc, xã Trường Thành, huyện An Lão, Hải Phòng) đã trải qua 2 phiên toà sơ thẩm (một phiên tại Trại tạm giam CA TP.Hải Phòng ngày 15.9.2006 về tội “Cố ý gây thương tích” và một phiên tại Toà án ND huyện Thanh Trì, HN ngày 29.9.2006 về tội “Cướp tài sản”) với tổng số hình phạt là 7 năm 6 tháng tù.
Sau đó, 2 phiên phúc thẩm ngày 27.12.2006 và 20.4.2007 đã “chiếu cố” bệnh tâm thần của Thắng nên giảm án còn 6 năm tù. Những phiên toà liên tiếp nhau xử một bệnh nhân tâm thần nặng khiến khó ai có thể an lòng và những người biết đến Nguyễn Văn Thắng từ khi cậu bé đều không khỏi xót xa.
Vợ chồng ông bà Lê Thị Tiễm (77 tuổi) và Hà Văn Lô (77 tuổi) ở thôn Cách Thượng, xã Lam Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng là một trong những người xót xa cho Thắng. Khi biết chúng tôi đến hỏi chuyện Nguyễn Văn Thắng đã từng phụ nề tại nhà ông bà, ông Lô cho biết: “Từ đầu tháng 2.2005, con trai tôi xây nhà có nhờ anh Thiêm – chủ thầu xây dựng. Trong đám thợ của anh Thiêm có cháu Thắng, trông nhỏ thó, gầy gò nhưng hiền lành, biết vâng lời, nên gia đình rất quý. Biết nó bị bệnh, bà nhà tôi thương nó nên vẫn nấu cơm cho nó ăn, dành riêng cho nó một cái quạt để nghỉ trưa”.
Còn bà Tiễm thì than thở: “Khổ thân thằng bé! Nó làm sao thế nhỉ? Tôi chả biết sao toà xử tù nó, nhưng mà tôi nghĩ khổ nhỉ!”.
Côn đồ hay tự vệ?
Gặp chúng tôi trên đường kêu oan cho con, anh Nguyễn Văn Quá và chị Bùi Hồng Xinh – đều từng tham gia quân đội – đều không giữ được bình tĩnh khi nhắc đến đứa con tâm thần đang nằm trong trại giam Hà Nội.
Bệnh nhân tâm thần Nguyễn Văn Thắng chụp dịp Tết 2005.
Nói trong nước mắt, chị Xinh kể: “Vợ chồng tôi có 2 con, không may đứa đầu là cháu Thắng bị tâm thần từ nhỏ. Lúc 1 tuổi đã thấy nó khác với trẻ bình thường, năm lên 10 thì phát bệnh nặng, vợ chồng tôi đưa đi Đông Khê (BV Tâm thần Hải Phòng – PV) điều trị. Cháu đã được bệnh viện cấp sổ điều trị tâm thần số 2ĐK1A cấp ngày 10.10.1996, sau đó chuyển về Bệnh viện An Lão để tiện theo dõi, điều trị. Cháu thuộc diện bệnh nhân tâm thần được Nhà nước nuôi, trước cháu vẫn được Sở LĐTBXH trợ cấp 45.000 đồng, sau tăng lên 65.000 đồng/tháng. Từ tháng 9.2006, cháu bị toà xử thì mới bị cắt”.
Anh Quá bảo: “Người ta bảo con tôi nay đã được chữa khỏi bệnh, nên phải đem ra xử. Nếu đúng là cháu khỏi thật thì vợ chồng tôi cũng mừng, vì con đã trở thành người bình thường. Nhưng chạy chữa cho cháu từ bé đến giờ tốn kém không kể, chỉ mong cháu nó khỏi bệnh mà không được. Vợ chồng tôi chỉ sợ với tình trạng bệnh tật của cháu thì chả mấy bữa mà chúng tôi mất con…”.
Ngày 15.9.2006, Nguyễn Văn Thắng bị Toà sơ thẩm Toà án ND TPHP xử 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” cho Nguyễn Văn Tuấn (SN 1983, trú tại thôn Xuân Đài, xã Trường Thọ, An Lão, HP). Hội đồng xét xử do thẩm phán Nguyễn Văn Thiệm – chủ toạ phiên toà – đã xét tình tiết định khung hình phạt Thắng như sau: “Bị cáo đi xe đạp đánh võng, mọi người tham gia giao thông nhắc nhở, góp ý thì bị cáo chửi, doạ đánh và bị cáo đã thực hiện hành vi dùng lưỡi cưa sắt mài nhọn đầu đâm anh Tuấn, đã phạm điểm a (dùng hung khí nguy hiểm), khi anh Tuấn nhảy vào can ngăn anh Dũng với bị cáo để không xảy ra đánh nhau thì bị cáo lại đâm anh Tuấn, đã thể hiện tính côn đồ theo điểm i (cả 2 tình tiết quy định tại khoản 1, Điều 104 BLHS). Nhưng thương tích đối với anh Tuấn giảm 35% sức lao động, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, Điều 104 BLHS” (trích bản án số 196/2006/HSST).
Tuy nhiên, với tất cả những ai được tiếp xúc với hồ sơ vụ án đều không thể không đặt ra những câu hỏi nghi vấn như: Tại sao một người bị bệnh tâm thần từ nhỏ, nhỏ thó (chưa đến 40kg), chưa đến tuổi thành niên (khi gây án mới 17 tuổi 4 tháng 25 ngày) lại có thể hung hãn “côn đồ” với 3 thanh niên có họ hàng với nhau, to khoẻ hơn mình? (nạn nhân Tuấn sinh năm 1983 và Nguyễn Đình Dũng – anh rể Tuấn, Nguyễn Văn Dương – cháu của Tuấn).
Các nhân chứng đã chứng kiến vụ việc cho biết: “Anh Tuấn đi xe máy chở anh Dũng va vào xe đạp của anh Thắng, rồi thấy xe máy đuổi theo đánh anh Thắng ở Trường Thành”. Nhưng những nhân chứng này đã không được cơ quan điều tra hay toà hỏi tới (!?). Hơn nữa “hung khí gây án” lưỡi cưa sắt được mài nhọn cũng không được tìm thấy. Ngày 20.7.2007, tại Cơ quan CSĐT CAHP, khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao cán bộ điều tra không hỏi xem Thắng vứt lưỡi cưa ở đâu? Đại uý Nguyễn Thị Ngân – trợ lý điều tra vụ án này – cho biết: “Có hỏi, nhưng nó không nhớ. Cái khả năng của nó kém”.
Khi chúng tôi hỏi nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn thì Tuấn khẳng định là do trời tối nên không biết Thắng dùng gì đâm mình. Còn theo anh Hà Văn Thiêm (47 tuổi, ở thôn Cách Thượng, xã Lam Sơn, An Dương, HP) – chủ thầu xây dựng – thì: “Vì Thắng bị bệnh tâm thần nên tôi chỉ để làm những việc vặt và đưa tiền cho cháu mua một lưỡi cưa để cắt sắt và cắt ống nước. Nó sợ bị thất lạc nên thường ngày vẫn giắt lưỡi cưa ở ghiđông xe đạp. Trong quá trình cưa, nó thường để một đầu lưỡi cưa mài xuống đất, lâu ngày cũng vạt đi một góc”.
Như vậy có thể khẳng định, “hung khí” của Thắng chỉ là một công cụ lao động bị mài mòn tự nhiên. Là người bệnh tâm thần, trong trạng thái hoảng sợ vì bị đuổi đánh, Thắng đã rút lưỡi cưa ra để tự vệ. Với những tình tiết như vậy, liệu việc định khung hình phạt “Cố ý gây thương tích” bằng hung khí nguy hiểm đối với Thắng có chính xác (?!).
Xử công khai không xong thì xử kín

Trong buổi làm việc với PV sáng 20.7.2007, đại tá Đỗ Hữu Ca – Phó Giám đốc CAHP, Thủ trưởng cơ quan CSĐT – trong khi đang xem đơn kêu oan của anh Quá, chị Xinh đã đặt ngay câu hỏi: “Tại sao toà mở phiên xét xử ở Trại giam Trần Phú – Hải Phòng là thế nào? Ông này nói linh tinh làm sao! Trại tạm giam sao mở toà ở đây được?”.
Nguyễn Văn Tuấn – nạn nhân bị Thắng đâm.
Gặp anh Quá – bố cháu Thắng, chúng tôi trách: “Anh đã đi kêu oan thì viết đơn phải chính xác”. Anh Quá kêu ầm lên: “Nào tôi có đổ oan cho ai! Không tin đây anh xem bản án của toà”. Quả thực, bản án sơ thẩm số 196/2006/HSST đề rõ: “Ngày 15.9.2006, tại hội trường Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng, Toà án ND TP.Hải Phòng công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đã thụ lý số 159/HSST ngày 24.7.2006 đối với bị cáo: Nguyễn Ngọc Thắng (tức Nguyễn Văn Thắng)…”.
Anh Nguyễn Văn Quá nhớ lại: “Hôm đó toà xử cháu trong trại tạm giam, tôi tức quá mới hỏi ông Thiệm – chủ toạ phiên toà – là: Tại sao bảo xử công khai mà lại đem vào trại giam? Ông Thiệm trả lời là vì Thắng nó ốm quá, không sang toà được”. Anh Quá cũng cho biết, toà mở đến lần thứ tư mới xử được con trai anh.
Anh Quá bảo: “Tôi vẫn nhớ như in, 3 phiên đầu đều mở tại trụ sở Toà án ND TPHP. Phiên toà đầu tiên mở ngày 10.8.2006, chủ toạ phiên toà có hỏi tôi: Anh không giám hộ thì làm sao lại có chữ ký của anh đây? Tôi lên nhìn thì chỉ có một tờ là chữ ký của tôi, còn lại toàn chữ ký giả mạo.
Toà có mời bà Đào Ánh Tuyết – Bí thư Đoàn xã Trường Thành – lên xác minh chữ ký, bà Tuyết nói: Có hai kiểu chữ ký khác nhau hoàn toàn. Vì thế phiên toà tạm hoãn. Phiên thứ hai mở ngày 24.8.2006 không tiến hành được, vì không có luật sư bào chữa.
Ngày 29.8.2006, toà mở lần thứ ba xử con tôi. Đang lúc toà xét hỏi, cháu bị kích động lên cơn tâm thần ngã lăn đùng xuống vành móng ngựa. Thấy vậy, chủ toạ phiên toà nói: Ông Quá bế cháu lên. Tôi trả lời: Các ông bảo con tôi đã khỏi bệnh, thì các ông ra mà bế. Nhìn con lên cơn động kinh ngã vật ra sàn nhà, vợ tôi thương con ôm lấy kêu khóc, thì ông chủ toạ quát: Lôi chị ta ra ngoài sân. Phiên toà lần thứ ba vì vậy cũng không thành. Đông đảo bà con chứng kiến, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Có lẽ vì vậy mà đến phiên thứ tư họ đưa vào trại tạm giam để xử”.
Chúng tôi đã tìm gặp chị Đào Ánh Tuyết – Bí thư Đoàn xã Trường Thành. Chị Tuyết cho biết: “Em đã dự 3 phiên xử Thắng không thành ở toà HP. Cái phiên xử Thắng lên cơn, nó ớ lên một tiếng rồi lăn ra sùi bọt mép. Em cũng rất buồn. Người ta quen vì chứng kiến nhiều cảnh như vậy, hay là… Hôm đó, Thắng nằm phải đến 30 phút, cũng lâu đấy mà không có bác sĩ đến. Lâu sau nó tỉnh dậy thì người ta đưa nó ra ngoài”.
* * *
Dường như vận đen cứ đeo đuổi mãi gia đình anh Quá, chị Xinh. Trong khi nạn nhân Tuấn vẫn sống sờ sờ thì ngày 9.5.2007, anh chị nhận được công văn trả lời đơn kêu oan do bà Phó chánh toà Toà hình sự Toà án NDTC ký có nội dung: “Toà án NDTC xét thấy: Khoảng 20 giờ ngày 26.6.2005, Nguyễn Ngọc Thắng có hành vi dùng lưỡi cưa sắt nhọn đầu đâm vào bụng anh Nguyễn Văn Tuấn, hậu quả làm anh Tuấn chết… chỉ xử phạt Nguyễn Ngọc Thắng 2 năm tù là có căn cứ pháp luật, không oan. Không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm…”.
Người sống mà Phó Chánh toà cho là đã chết thì hết chỗ nói về cái sự quan liêu. Điều này lý giải tại sao gia đình anh Quá, chị Xinh vẫn phải ngày này qua tháng khác kêu oan cho con mà vẫn chẳng thấy le lói ánh sáng.
Đỗ Văn – H.N
Bài 2: Không thể giam giữ bệnh nhân tâm thần nặng
Lao Động số 194 Ngày 22/08/2007
Điều tra viên Minh – CA huyện An Lão, HP
(LĐ) – Chiều 9.8.2007, chúng tôi đi theo anh Nguyễn Văn Quá và cậu con trai út vào thăm đứa con trai lớn tâm thần – Nguyễn Văn Thắng đang bị giam tại Trại giam Hà Nội (huyện Từ Liêm). Cả phòng thăm nuôi được một phen nhốn nháo khi Thắng lên cơn động kinh, ớ lên một tiếng rồi ngã bổ ngửa ra sau bất tỉnh. Anh Quá phân bua với mọi người: “Cháu nó bị tâm thần từ nhỏ, vẫn thường xuyên lên cơn như vậy”.

Viện bảo một đằng, cơ quan điều tra làm một nẻo (?!)
Lẽ ra đã không phải có những phiên toà liên tiếp xét xử, cũng như việc giam bệnh nhân tâm thần nặng nếu như Bộ luật HS và Bộ luật TTHS được tôn trọng. Sau khi Thắng bị Phó thủ trưởng CQCSĐT CA huyện An Lão – trung tá Phan Xuân Lai – ký quyết định khởi tố bị can ngày 5.9.2005, gia đình anh Quá, đã nhiều lần kêu oan và trình sổ điều trị tâm thần của Thắng cho cơ quan điều tra.
Anh Quá kể: “Nhận được quyết định khởi tố cháu, tôi có gặp ông Lai hỏi về việc anh Tuấn (Nguyễn Văn Tuấn – nạn nhân bị Thắng dùng lưỡi cưa đâm) nói là bị đâm thủng bụng, thủng gan, giảm 35% sức khoẻ mà nằm viện có 9 ngày đã về nhà là như thế nào? Ông Lai nói: Thằng Minh móm (điều tra viên – PV) điều tra sai đấy. Vài ngày sau ông Lai lại gọi vợ tôi xuống CA huyện”. Chị Bùi Hồng Xinh kể: “Tôi xuống CA huyện trình bày về bệnh tật của cháu với ông Lai. Ông Lai có hỏi: Chị có mang quyết định khởi tố đi không thì cho tôi xin lại. Tôi nói: Em không mang”.
…Và mọi chuyện cứ tuần tự diễn ra. Ngày 21.9.2005, Cơ quan CSĐT CAHP ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Nguyễn Văn Thắng. Ngày 5.12.2005, Tổ chức Giám định pháp y tâm thần TP.Hải Phòng (GĐPYTT HP) ra kết luận số 22/KQ-GĐPYTT khẳng định: “Bệnh nhân Nguyễn Văn Thắng có mắc bệnh tâm thần: Bệnh động kinh cơn lớn (theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 có mã số G40.5). Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội, bệnh nhân có mắc bệnh này. Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của bệnh nhân bị hạn chế. Loại bệnh này cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Do vậy cần phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.
Đáng tiếc, kết luận này đã không nói rõ Thắng có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Chính vì vậy, ngày 19.12.2005, Cơ quan CSĐT CAHP tiếp tục có công văn số 1560/CV gửi Tổ chức GĐPYTT HP đề nghị giải thích rõ kết quả giám định đối với Nguyễn Văn Thắng. Ngày 26.12.2005, Tổ chức GĐPYTT HP ra CV số 20/CV-GĐPY tiếp tục khẳng định rõ: Bệnh nhân Thắng “cần được theo dõi và điều trị lâu dài”.
Trên cơ sở đó, ngày 29.12.2005 ông Trịnh Khắc Triệu – Viện phó Viện KSND HP – đã ra “Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh” số 02/KSĐT-HS đối với bị can Nguyễn Văn Thắng, đồng thời “Yêu cầu cơ quan CSĐT CAHP ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Văn Thắng”.
Ngày 20.7.2007, chúng tôi làm việc với thượng tá Trịnh Văn Sơn – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT CAHP. Sau khi lật đi lật lại hồ sơ, thượng tá Sơn đã không tìm thấy quyết định tạm đình chỉ nào đối với Nguyễn Văn Thắng. Còn điều tra viên Nguyễn Đức Toàn thì quả quyết: “Vì Thắng chỉ bị tâm thần hạn chế nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi không ra quyết định đình chỉ điều tra”.
Làm việc với chúng tôi chiều 20.7.2007, ông Trịnh Khắc Triệu cho rằng: “Nếu họ (Cơ quan CSĐT CAHP – PV) không ra quyết định đình chỉ điều tra để đưa bệnh nhân đi chữa bệnh bắt buộc là một thiếu sót”. Thế nhưng “thiếu sót” này quả là không nhỏ!
Toà xử cả người tâm thần!
Sau khi Viện KSND HP ra quyết định đưa bệnh nhân đi chữa bệnh, Cơ quan CSĐT HP vẫn liên tiếp triệu tập bị can “để hỏi cung bị can về hành vi cố ý gây thương tích”. Anh Quá kể: “Đúng hẹn trên giấy triệu tập ngày 9.1.2006, tôi đưa con đến gặp ông Hoàng Văn Thắng và ông Nguyễn Đức Toàn. Sau đó ông Thắng, ông Toàn đưa con tôi đi đâu, giam giữ ở đâu, chúng tôi không được biết. Sau này tìm gặp ông Thắng để hỏi về việc mất con, ông Thắng có đưa cho tôi một bộ quần áo của con tôi mặc hôm bị đưa đi và nói: Con anh đang ở BV Tâm thần TƯ, Thường Tín, Hà Tây, ở khoa Pháp y”.
Trong thời gian chữa bệnh tại BV Tâm thần TƯ, ngày 19.3.2006, Nguyễn Văn Thắng và Lương Thị Dơm (Lai Châu) bị Nguyễn Hải Quân (Hà Tây) đang cai nghiện ma tuý rủ trốn viện và gây ra một vụ “cướp xe ôm” tại Cầu Bươu, Thanh Trì, HN. (Vụ này chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác. Tuy nhiên, theo người bị hại – anh Nguyễn Đức Hạnh (trú tại 326 phố Ga, thị trấn Thường Tín, Hà Tây) thì anh Hạnh không làm nghề xe ôm và thực tế là cho 3 bệnh nhân BV Tâm thần “đi nhờ vì chúng nó làm gì có tiền”).
Ngày 17.7.2007, trả lời câu hỏi: Khi khởi tố bị can đối với bệnh nhân tâm thần trốn viện Nguyễn Văn Thắng, CA huyện Thanh Trì có trưng cầu giám định để xem Thắng có đủ năng lực trách nhiệm hình sự không? Thượng uý Lê Xuân Hoa – điều tra viên vụ án – trả lời: “Thắng bị bệnh động kinh chứ không phải tâm thần. Người ta giải thích bệnh động kinh cơ lớn (đúng ra là cơn lớn – PV) vài tháng mới bị một lần. Trong thời gian Thắng phạm tội thì không mắc”. Còn thượng tá Nguyễn Anh Minh – Phó Trưởng CA huyện Thanh Trì – thì khẳng định: “Trước đây đã có trưng cầu GĐPYTT ở Hải Phòng đối với Thắng rồi, trong một vụ án cố ý gây thương tích thì người ta trả lời thằng này không bị bệnh tâm thần”(?!).
Anh Quá và con trai út lên HN thăm Thắng trong trại giam chiều 9.8.2007.
Nhưng có lẽ lỗi của CA huyện Thanh Trì cũng khó so được với phiên toà sơ thẩm ngày 29.9.2006 xử Nguyễn Văn Thắng về tội “Cướp tài sản” do thẩm phán Nguyễn Anh Đoàn làm chủ toạ. Bản án do ông Đoàn ký (số 133/2006/HSST) khẳng định: “Ngày 10.1.2006, Thắng vào điều trị tại BV Tâm thần TƯ theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Viện KSND HP. Ngày 8.3.2006, Tổ chức GĐPYTT TƯ đã kết luận tại bản kết luận giám định sức khoẻ số 07: “Tình trạng tâm thần của Nguyễn Văn Thắng đã ổn định, không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”. Theo lời khai của Nguyễn Văn Thắng: Ngày 19.3.2006, khi thực hiện hành vi cướp tài sản, Thắng tỉnh táo, không bị bệnh. Như vậy khi thực hiện hành vi phạm tội, Thắng là người có đủ năng lực hành vi”.
Việc toà án dựa vào lời khai của người tâm thần để khẳng định họ “không bị bệnh” chắc chắn cũng là hiếm hoi trong lịch sử ngành toà án (?!). Còn về kết luận giám định số 07/BBCB của Tổ chức GĐPYTT TƯ cho rằng tình trạng bệnh của Thắng đã ổn định, PGS-TS Trần Văn Cường – Giám định viên trưởng, người đã thực hiện giám định cho Thắng – cho biết: “Bệnh nhân ổn định chứ không khỏi hoàn toàn, tức là không phải điều trị bắt buộc thì có thể đến điều trị ở bệnh viện thông thường hoặc điều trị tại cộng đồng, tại nhà”. Vậy sau khi có kết luận giám định của bác sĩ, bệnh nhân Thắng lại gây án thì kết luận của bác sĩ có hiệu lực với vụ án sau không? PGS-TS Trần Văn Cường khẳng định: “Không! Ở một vụ án mới thì phải tiến hành giám định lại”.
Ở phiên toà phúc thẩm TAND TP.Hà Nội ngày 20.4.2007, bệnh nhân tâm thần Nguyễn Văn Thắng lại lên cơn. Theo lời kể của anh Quá,: “Toà đang xử, thì con tôi lên cơn lăn ra sàn nhà. Những người có mặt xét xử con tôi đều lắc đầu buồn bã. Riêng vị đại diện VKS thì chảy nước mắt. Nhân dân dự phiên toà cũng bức xúc bàn tán: Toà xử cả người điên”.
* * *
Để tạm kết thúc phóng sự điều tra này, chúng tôi xin kể lại buổi làm việc chiều 17.7.2007 với chủ toạ phiên toà phúc thẩm trên – thẩm phán Lê Tố Loan. Khi chúng tôi hỏi bà Loan có nhớ phiên phúc thẩm xử Nguyễn Văn Thắng ở An Lão, HP phạm tội cướp tài sản ở Thanh Trì không? Bà Loan kêu lên: “Cái thằng thần kinh chứ gì? Hôm đó còn cho bố mẹ nó ôm nó mãi cơ mà. Nhớ rồi, cái thằng ấy đến khổ. Vụ đấy thì không quên được. Khổ thân nó!”.
Đỗ Văn – H.N

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code