ĐTH – Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
Một trong những thành
tựu lớn nhất của nhân loại trong thể kỷ 20 là đã tạo dựng được một hệ
thống pháp luật quốc tế về quyền con người. Hệ thống này trước hết phải
kể đến Hiến chương Liên hợp quốc (1945), Tuyên ngôn Nhân quyền (1948) và
hai Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về
các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội và Công ước quốc tế về các quyền
dân sự, chính trị). Bên cạnh đó, hệ thống này còn có hàng trăm văn kiện
quốc tế khác được ban hành dưới nhiều cấp độ pháp lý hình thức khác nhau
như điều ước, công ước, nghị định thư, hướng dẫn, khuyến nghị… được các
quốc gia thừa nhận và tôn trọng.
1. Hiến chương Liên hợp quốc
Hiến chương Liên hợp quốc được ban hành ngay sau khi
chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945. Đây là văn bản quốc
tế rất quan trọng, không chỉ là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng thành
lập Liên hợp quốc mà còn là văn kiện ghi nhận sự bảo vệ quyền con người
trên phạm vi toàn cầu. Hiến chương đã đặt nền móng cho việc thiết lập
một cơ chế pháp lý quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của các
quyền con người trên thế giới.
Lời mở đầu của Hiến chương xác định quyết tâm của
nhân dân các nước: “…phòng ngừa cho những thế hệ tương lại khỏi thảm hoạ
chiến tranh; …Tin tưởng vào những nguyên tắc cơ bản, nhân phẩm và giá
trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, vào quyền bình đẳng giữa
các nước lớn và nhỏ; Tạo mọi điều kiện cần thiết để giữ gìn công lý và
tôn trọng những nghĩa vụ do những điều ước và các nguồn khác của Luật
quốc tế đặt ra; Khuyến khích sự tiến bộ xã hội và nâng cao điều kiện
sống trong một nền tự do rộng rãi hơn”. Điều 1 của Hiến chương xác định
mục đích của Liên hợp quốc là “thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc
giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo và
khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền con người và tự do cho
tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn
giáo”. Điều 3 Hiến chương kêu gọi các quốc gia “thúc đẩy và khuyến khích
sự tôn trọng quyền con người”. Hiến chương kêu gọi tất cả các nước cùng
phối hợp hành động với Liên hợp quốc để đạt được việc tôn trọng và thực
hiện quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
2. Bộ luật quốc tế về quyền con người
Khái niệm Bộ luật quốc tế về quyền con người lần đầu tiên được ghi vàoNghị
quyết số 43, của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1946 với nội dung: Giao
cho Uỷ ban nhân quyền chuẩn bị Bộ luật quốc tế về quyền con người.
Theo quan niệm của Uỷ ban nhân quyền, Bộ luật quốc tế
về quyền con người bao gồm Tuyên ngôn (Văn kiện đề cập tới mục tiêu,
nguyên tắc, các chuẩn mực) và các công ước đề cập tới những quyền cụ thể
cùng với các quy định thực hiện công ước.
a/ Tuyên ngôn về quyền con người
Ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông
qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (gọi chung là Tuyên ngôn).
Đây là Văn kiện đầu tiên của bộ luật quốc tế về quyền con người.
Tuyên ngôn bao gồm Lời nói đầu và 30 điều quy định về
các quyền và một điều quy định về bảo vệ Tuyên ngôn. Nội dung chủ yếu
của Lời nói đầu là ghi nhận các nguyên tắc quan trọng nhất trong việc
bảo vệ quyền con người. Những nguyên tắc, đó là: bảo đảm cho con người
quyền thoát khỏi đói nghèo; thừa nhận nhân phẩm các quyền bình đẳng và
quyền tự do; quyền con người phải được bảo vệ bằng pháp luật.
Mục tiêu cuối cùng của Tuyên ngôn là làm cho tất cả
các cá nhân, các tổ chức xã hội, các quốc gia, dân tộc nỗ lực tôn trọng
và thúc đẩy việc thực hiện các quyền con người.
Từ Điều 1 đến Điều 21, Tuyên ngôn đề cập đến nhóm
quyền dân sự, chính trị mà con người phải được hưởng, gồm: quyền sống,
quyền tự do và an ninh cá nhân (Điều 3); quyền không bị làm nô lệ hoặc
nô dịch (Điều 4); quyền không bị tra tấn, bị đối xử hay trừng phạt vô
nhân đạo (Điều 5); quyền được thừa nhận tư cách một con người trước pháp
luật (Điều 6); quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ
(Điều 7); quyền được toà án bảo vệ khỏi những hành vi vi phạm quyền con
người (Điều 8); quyền không bị bắt, giam giữ hay đầy ải vô cớ (Điều 9);
quyền được xét xử công bằng và công khai trước một toà án độc lập,
không thiên vị (Điều 10); quyền được pháp luật bảo vệ không bị can thiệp
vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín, không bị xâm hại danh dự hay
uy tín cá nhân (Điều 12); quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 13); quyền
tị nạn (Điều 14); quyền có quốc tịch (Điều 15); quyền tự do kết hôn và
xây dựng gia đình(Điều 16); quyền sở hữu tài sản riêng (Điều 17); quyền
tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18); quyền tự do ngôn luận,
tự do biểu đạt (Điều 19); quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 20);
quyền tham gia quản lý đất nước và xã hội (Điều 21)
Từ Điều 22 đến Điều 27, Tuyên ngôn đề cập đến các
quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, bao gồm: quyền được bảo đảm an ninh xã
hội (Điều 22); quyền làm việc và được trả lương ngang nhau cho những
công việc như nhau, được trả lương xứng đáng và hợp lý để đảm bảo cho
một cuộc sống có giá trị như một con người, được thành lập hoặc gia nhập
công đoàn (Điều 23); quyền nghỉ ngơi, giải trí (Điều 24); quyền có một
mức sống thích đáng và được bảo hiểm. Phụ nữ và trẻ em được giúp đỡ đặc
biệt (Điều 25); quyền được học tập (Điều 26); quyền được tham gia vào
đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, quyền
được bảo hộ các lợi ích vật chất và tinh thần phát sinh từ các sáng tạo
khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình (Điều 27).
Điều 28 của Tuyên ngôn ghi nhận: “Mọi người đều có
quyền được bảođảm có một trật tự xã hội (quốc gia) và quốc tế, trong đó
các quyền tự do cơ bản nêu trong bản Tuyên ngôn có thể được thực hiện
một cách đầy đủ”.
Điều 29 của Tuyên ngôn đề cập tới nghĩa vụ của cá
nhân đối với cộng đồng, theo đó: “Mỗi người có nghĩa vụ với cộng đồng,
trong đó nhân cách của bản thân có thể được phát triển tự do và trọn
vẹn… Những hạn chế đối với quyền và tự do được giải thích như sau: Các
quyền và tự do cho cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm
mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các
quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về
đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân
chủ…”
Điều 30 của Tuyên ngôn khẳng định không một cá nhân hoặc Nhà nước nào được phép có những hành vi huỷ hoại Tuyên ngôn.
b/ Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá có hiệu lực từ ngày 3/1/1976, có 31 điều.
Điều 1 của Công ước quy định về quyền tự quyết của
các dân tộc, theo đó các dân tộc quyết định thể chế chính trị của mình
và tự do phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội. Quyền tự quyết là một
yếu tố nền tảng của pháp luật quốc tế và là mối quan tâm hàng đầu của
cộng đồng quốc tế. Quy định về quyền tự quyết đặc biệt quan trọng vì
việc công nhận quyền này là điều kiện cần thiết để bảo vệ có hiệu quả
các quyền của mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc.
Điều 2 của Công ước quy định: “Quốc gia thành viên
Công ước này cam kết tiến hành các biện pháp riêng rẽ và thông qua hợp
tác và hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, sử
dụng tối đa các tài nguyên sẵn có của mình nhằm thực hiện ngày càng đầy
đủ các quyền được công nhận trong Công ước này bằng mọi biện pháp thích
hợp, đặc biệt là các biện pháp pháp lý”. Đây là điều khoản quan trọng,
chỉ rõ bản chất các nghĩa vụ pháp lý của quốc gia thành viên theo Công
ước, xác định các cách thức tiến hành các biện pháp cần thiết để thực
hiện các quyền được quy định tại các điều từ Điều 3 đến Điều 15 của Công
ước (gồm các quyền: bình đẳng nam nữ, về việc làm, điều kiện làm việc
thuận lợi và công bằng, thành lập và gia nhập công đoàn, tham gia bảo
đảm và bảo hiểm xã hội, bảo vệ và trợ giúp gia đình, tiêu chuẩn sống
thích đáng, tiêu chuẩn cao nhất về sức khoẻ thể chất và tinh thần, học
hành, về văn hoá và được hưởng lợi ích từ các thành tựu khoa học).
c/Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có hiệu lực từ ngày 23/3/1976, có 53 điều.
Điều 1 của Công ước quy định các dân tộc có quyền tự
quyết định thể chế chính trị và tự do phát triển về kinh tế, xã hội và
văn hoá.
Điều 2 quy định nghĩa vụ của các quốc gia tôn trọng
và bảo đảm các quyền được công nhận trong Công ước, bảo đảm bình đẳng
nam nữ về các quyền dân sự chính trị, tiến hành các biện pháp lập pháp,
hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác để thực hiện có hiệu quả các
quyền được nêu trong Công ước.
Toàn bộ các điều từ Điều 6 đến Điều 27 quy định về
các quyền cụ thể của con người trong lĩnh vực dân sự và chính trị. Các
quốc gia cam kết công nhận và bảo đảm việc thực hiện các quyền được ghi
nhận trong Công ước, gồm: quyền bình đẳng nam nữ về hưởng thụ các quyền
dân sự và chính trị; quyền được sống; cấm tra tấn, nhục hình, đối xử
hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc nhục mạ con người; quyền tự do, an ninh
thân thể và các điều kiện về bắt giữ, giam giữ, xét xử; bảo đảm các
điều kiện nhân đạo trong giam giữ; quyền bình đẳng trước toà án và các
cơ quan tư pháp, quyền được coi là vô tội cho đến khi bị toà án kết tội,
những bảo đảm tối thiểu cho người bị kết tội, quyền kháng án và việc
đền bù cho những người bị xét xử oan sai; quyền bí mật đời tư, thư tín
và được bảo vệ chống lại sự xâm phạm danh dự, nhân phẩm; quyền tự do tư
tưởng, chính kiến, báo chí, tín ngưỡng, lập hội và hội họp; bảo vệ gia
đình và bình đẳng vợ chồng; quyền của trẻ em và bảo vệ quyền của trẻ em.
Ngoài ra, Công ước còn quy định quốc gia có nghĩa vụ
làm báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước. Các quốc gia thành
viên sẽ đệ trình báo cáo về những biện pháp mình đã tiến hành để thực
hiện các quyền được ghi nhận trong Công ước và về những tiến bộ đạt được
trong việc thực hiện các quyền đó. Mỗi quốc gia thành viên phải đệ
trình báo cáo trong vòng 1 năm sau khi Công ước có hiệu lực với quốc gia
đó và trình báo cáo định kỳ 5 năm một lần.
3. Một số điều ước quốc tế khác quan trọng về quyền con người
a/ Công ước quốc tề về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, có hiệu lực từ ngày 4/1/1969, gồm 25 điều.
Các điều từ Điều 1 đến Điều 7 quy định nghĩa vụ của
các quốc gia thành viên trong việc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng
tộc, theo đó:
– Quốc gia thành viên cam kết không tham dự vào các
hành động hoặc thực hiện sự phân biệt chủng tộc chống lại các cá nhân,
nhóm người và bảo đảm mọi quan chức chính quyền, các cơ quan nhà nước,
quốc gia và địa phương sẽ hành động phù hợp với nghĩa vụ này. Cam kết
không bảo trợ, giúp đỡ sự phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân hay tổ
chức nào. Tiến hành những biện pháp hữu hiệu để xem xét lại các chính
sách của Chính phủ, Nhà nước và địa phương, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc vô hiệu
hoá các đạo luật, quy định có thể tạo ra sự phân biệt chủng tộc;
- Ngăn cấm và chấm dứt sự phân biệt chủng tộc bằng
mọi biện pháp thích hợp, kể cả biện pháp pháp luật nếu cần thiết; Khuyến
khích các tổ chức và phong trào đa chủng tộc của những người có tư
tưởng tiến bộ, cởi mở về chủng tộc nhằm xoá bỏ hàng rào ngăn cách về
chủng tộc. Trong điều kiện có thể được, tiến hành những biện pháp cụ thể
trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và các lĩnh vực khác để bảo
đảm sự phát triển phù hợp, bảo vệ các nhóm chủng tộc hoặc các cá nhân
thuộc các chủng tộc đó, bảo đảm để họ được hưởng đầy đủ và bình đẳng các
quyền con người và quyền tự do cơ bản;
- Trừng phạt theo pháp luật mọi hành động reo rắc ý
tưởng dựa trên tính hơn trội về chủng tộc, sự căm thù, kích động phân
biệt chủng tộc. Cấm những tổ chức và những hoạt động tuyên truyền nhằm
khuyến khích và kích động phân biệt chủng tộc. Cấm các quan chức, các cơ
quan nhà nước khuyến khích hay kích động phân biệt chủng tộc. Cấm và
loại trừ nạn phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền
bình đẳng trước pháp luật của mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu
da, dân tộc hay nguồn gốc dân tộc.
- Đảm bảo cho mỗi người có được sự bảo vệ và có được
các giải pháp của các cơ quan nhà nước nhằm chống lại mọi hành động phân
biệt chủng tộc, mọi hành vi vi phạm các quyền con người và các quyền tự
do cơ bản khác trái với Công ước này cũng như đảm bảo được xét xử công
bằng, được đền bù thoả đáng những thiệt hại do nạn phân biệt chủng tộc
gây ra; Tiến hành các biện pháp hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục, văn
hoá, thông tin để chống lại các định kiến có thể dẫn tới phân biệt chủng
tộc; khuyến khích sự hiểu biết, lòng khoan dung và quan hệ hữu nghị
giữa các quốc gia, dân tộc, nhóm chủng tộc.
b/ Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ
Công ước có hiệu lực từ ngày 3/9/1980, gồm 30 điều.
Các quốc gia thành viên Công ước có nghĩa vụ:
- Lên án sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ dưới mọi
hình thức và áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại trừ phân biệt đối
xử đối với phụ nữ, kể cả biện pháp lập pháp trên tất cả các lĩnh vực
chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá; bảo đảm sự phát triển và tiến bộ
đầy đủ của phụ nữ để họ có thể hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ
bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới; loại bỏ các hình thức buôn bán
phụ nữ và bóc lột phụ nữ làm nghề mại dâm.
- Áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xoá bỏ sự phân
biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống chính trị và công quyền của đất
nước; bảo đảm thực hiện các quyền sau đối với phụ nữ: tham gia bỏ phiếu
trong mọi cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân, ứng cử vào các cơ quan dân cử;
quyền được xây dựng và thực hiện các chính sách của chính phủ, các chức
vụ Nhà nước; các tổ chức và hiệp hội phi chính phủ liên quan đến đời
sống cộng đồng và chính trị của đất nước; quyền có cơ hội đại diện cho
chính phủ tại các diễn đàn quốc tế và các tổ chức quốc tế; bình đẳng với
nam giới trong vấn đề quốc tịch.
- Phụ nữ phải được hưởng quyền bình đẳng với nam giới
về điều kiện nghề nghiệp, hướng nghiệp, học tập, bằng cấp, học bổng.
Phụ nữ được hưởng cơ hội làm việc bình đẳng, tự do lựa chọn nghề nghiệp,
quyền được thăng chức, tăng lương, an ninh việc làm và các phúc lợi,
thù lao, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động. Các quốc gia thành viên Công
ước phải ngăn chặn sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ vì lý do hôn nhân
hay sinh đẻ, áp dụng chế độ nghỉ đẻ được hưởng lương và các phúc lợi xã
hội tương đương mà không bị mất việc, thâm niên công tác.
- Quốc gia tham gia Công ước này cũng phải có các
biện pháp thích hợp bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trước pháp luật, trao
cho phụ nữ tư cách pháp lý như nam giới và tạo điều kiện để họ thực
hiện tư cách này. Đặc biệt phải bảo đảm để phụ nữ được bình đẳng khi ký
kết các hợp đồng và quản lý tài sản, bình đẳng trong tự do đi lại và lựa
chọn nơi cư trú, trong hôn nhân và quan hệ gia đình.
Công ước cũng quy định nghĩa vụ của quốc gia thành
viên nộp trình báo cáo quốc gia thực hiện Công ước cho Uỷ ban theo dõi
thực hiện Công ước xem xét, trong đó phải nộp báo cáo đầu tiên 1 năm sau
khi gia nhập Công ước và các báo cáo định kỳ 4 năm một lần.
c/ Công ước quốc tế về quyền trẻ em
Công ước có hiệu lực ngày 20/11/1989, gồm 54 điều.
Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em là một văn kiện pháp
lý quốc tế toàn diện việc quốc tế bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em.
Các quyền đó là: quyền được sống, quyền phát triển và tham dự vào các
hoạt động xã hội, quyền được bảo vệ và được chăm sóc, quyền được bảo vệ
chống lại sự ngược đãi, bóc lột, bỏ rơi…Công ước cũng đưa ra những
nguyên tắc quan trọng như trẻ em phải được bình đẳng, được tôn trọng,
được bảo vệ và chăm sóc trong môi trường gia đình và tình yêu thương,
được ưu tiên quan tâm, quyền được nuôi dưỡng trong môi trường hoà bình,
nhân phẩm và khoan dung. Công ước khẳng định tuy trẻ em không phải là
người trưởng thành nhưng các em cũng có những quyền con người nhất định,
do pháp luật, truyền thống và tự nhiên dành cho mỗi con người nhưng
quyền của các em cũng có giới hạn vì đặc điểm lứa tuổi.
Công ước quy định rõ trẻ em là những người dưới 18
tuổi và trong mọi hành động liên quan tới trẻ em, dù là hành động của cơ
quan phúc lợi xã hội hay cơ quan nhà nước, đơn vị tư nhân, toà án, nhà
chức trách hành chính, lập pháp hay tư pháp, thì những lợi ích tốt nhất
cho trẻ em phải được coi là mối quan tâm hàng đầu. Quốc gia thành viên
Công ước có nghĩa vụ thi hành các biện pháp lập pháp, hành chính và các
biện pháp khác để bảo đảm thực hiện các quyền con người của trẻ em được
ghi nhận trong Công ước./.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment