NHƯ THỦY
Phường: ghi theo
quê cha; Sở Tư pháp: ghi theo yêu cầu. Không ai chịu ai nên trẻ chưa
làm được khai sinh. Nếu chiều theo ý phường, hai anh em ruột sẽ có hai
quê quán khác nhau (!?).
Sau hơn bốn tháng tới lui đăng ký khai sinh cho con,
anh Võ Hoàng Tuyên (trú phường Bình An, quận 2, TP.HCM) vẫn chưa được
UBND phường Bình An cấp giấy khai sinh theo yêu cầu.
Mỗi người một kiểu
Quê anh Tuyên ở Bình Dương, còn nơi sinh của anh là
Sài Gòn (nay là TP.HCM). Năm 1992, từ Bình Dương anh Tuyên chuyển đến
TP.HCM sinh sống và vào năm 2002, anh đăng ký hộ khẩu thường trú tại
TP.HCM.
Năm 2002, vợ chồng anh Tuyên có con đầu lòng. Khi
đăng ký khai sinh cho con tại UBND phường Bình An, anh khai quê quán của
con là Bình Dương (tức theo quê quán của cha). Cho rằng việc xác định
như thế là không đúng, UBND phường này đã cấp giấy khai sinh cho trẻ với
quê quán là TP.HCM (tức theo nơi sinh của cha).
Tháng 4-2008, vợ chồng anh Tuyên có con thứ hai. Một
tháng sau, anh Tuyên đến UBND phường Bình An làm giấy khai sinh cho bé
này và anh cũng khai quê quán của bé là TP.HCM cho giống với đứa con
đầu. Nào ngờ UBND phường Bình An liên tục lắc đầu với yêu cầu anh Tuyên
phải khai quê quán của con là Bình Dương. Trường hợp muốn ghi quê quán
của con thứ hai là TP.HCM, anh Tuyên phải cung cấp cho phường giấy xác
nhận của các cơ quan công an ở từng địa phương mà anh đã cư trú trước
đây kèm theo trích lục sổ hộ khẩu do công an tỉnh lưu trữ. Phường sẽ xác
định quê quán của bé theo nơi mà anh Tuyên sinh sống lâu nhất.
Là anh em ruột với nhau, chẳng lẽ đứa quê quán
TP.HCM, đứa quê quán Bình Dương? Để thống nhất, anh Tuyên đã “cầu cứu”
Sở Tư pháp TP.HCM. Ngày 9-7-2008, Sở Tư pháp TP.HCM đã có công văn yêu
cầu UBND quận 2 chỉ đạo UBND phường Bình An cấp giấy khai sinh cho con
thứ hai của anh Tuyên với quê quán là TP.HCM. Tuy nhiên, viện lẽ hướng
dẫn của Sở Tư pháp trái luật, UBND phường này đã không giải quyết yêu
cầu trên của anh Tuyên.
Ghi sao mới đúng?
Trong công văn trên, Sở Tư pháp đã viện dẫn Nghị định
158 ngày 17-12-2005 của Chính phủ để làm cơ sở pháp lý giải quyết vụ
việc. Tại thời điểm anh Tuyên đăng ký khai sinh cho con thứ hai, chỉ có
duy nhất nghị định này đang có hiệu lực và chưa có văn bản hướng dẫn nào
khác. Do Nghị định 158 không quy định việc ghi quê quán nên khi đăng ký
khai sinh cho trẻ, cha mẹ của trẻ có quyền tự thỏa thuận khai quê quán
nhưng không được khác với quê gốc hoặc nơi sinh của cha, mẹ. Cũng theo
Sở, việc xác định quê quán của con là nhu cầu tình cảm của người dân,
không làm ảnh hưởng đến bản chất của giấy khai sinh. Do vậy, cán bộ hộ
tịch có thể ghi nhận quê quán theo yêu cầu của người dân.
“Chúng tôi chỉ chấp hành nếu đó là hướng dẫn của Bộ
Tư pháp…” – ông Đặng Trung Thiên, Chủ tịch UBND phường Bình An, đã quả
quyết như thế với PV Báo Pháp Luật TP.HCM. Ông Thiên lý lẽ: “Ngày
2-6-2008 (sau hơn hai năm kể từ ngày Nghị định 158 có hiệu lực), Bộ Tư
pháp có ban hành Thông tư 01 hướng dẫn: “Quê quán của con được xác định
theo quê quán của người cha hoặc quê quán của người mẹ theo tập quán
hoặc theo tự thỏa thuận của cha, mẹ”. Trong trường hợp cụ thể này, khi
quê quán của anh Tuyên (người cha) là Bình Dương, quê quán của vợ anh
Tuyên (người mẹ) là Cần Thơ thì quê quán của đứa trẻ phải là Bình Dương
hoặc Cần Thơ chứ không thể nào là TP.HCM. Do chỉ đạo của Sở Tư pháp
không phù hợp với quy định của Thông tư 01 nên phường không thể thực
hiện…”.
Phải tính sao để dứt điểm vụ việc? Ông Hoàng Minh
Khôi, Trưởng phòng Tư pháp quận 2, cho rằng anh Tuyên vẫn có thể làm
khai sinh cho con với quê quán là TP.HCM vì “việc ghi nhận như thế chẳng
gây ảnh hưởng gì cả”. Tuy nhiên, do chủ tịch UBND phường không đồng ý
nên quận cũng đành chịu. Nếu muốn được xem xét, giải quyết lại việc đăng
ký khai sinh, anh Tuyên có thể gửi đơn khiếu nại đến UBND phường và sau
đó là UBND quận.
Bà Nguyễn Nguyệt Huệ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM,
hướng dẫn thêm: “Khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại
của chủ tịch UBND cấp phường, anh Tuyên có thể chọn một trong hai cách:
hoặc khiếu nại lên chủ tịch UBND cấp huyện hoặc khởi kiện vụ án hành
chính tại TAND quận. UBND phường có nghĩa vụ cấp giấy khai sinh cho con
thứ hai của anh Tuyên theo quyết định của tòa”.
Có cần thiết phải ghi quê quán?
Đã có nhiều ý kiến cho rằng quê quán xét cho cùng là
nơi con người có sự gắn bó về mặt tình cảm, nơi có ông, bà, cha, mẹ…
sinh sống để đi đâu xa cũng nhớ về chứ ít khi liên quan trực tiếp đến cá
nhân. Do không có ý nghĩa trong việc quản lý công dân nên nhiều nơi
trên thế giới chỉ yêu cầu người dân khai trình về nơi sinh, quốc tịch,
không cần khai quê quán.
Ở trường hợp cụ thể này, việc UBND phường buộc anh
Tuyên phải làm theo Thông tư 01 (chỉ mới có hiệu lực sau này) liệu có
hợp lý? Anh Tuyên có cần thiết cải chính hộ tịch để quê quán của đứa con
đầu khớp với quê quán của đứa con thứ hai? Đề nghị Bộ Tư pháp sớm xem
xét lại vụ việc này nói riêng và phần ghi về quê quán trong giấy khai
sinh nói chung.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment